Home > Khai Thị Niệm Phật > Dong-That-Thien-Su-Va-Tay-That-Thien-Su
Đông Thất Thiền Sư Và Tây Thất Thiền Sư
Hòa Thượng Thích Đức Niệm


Này các huynh đệ,

Hôm nay đây, Thầy kể câu chuyện này để các con suy ngẩm, rồi đem áp dụng trên đường tu tập của mình. Câu chuyện ngụ ý khuyên ta thúc liễm thân tâm, không màng dính mắc sai lầm danh lợi. Câu chuyện này của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu kể cho Thầy nghe năm xưa. Câu chuyện ấy như thế này:

Từ ngày kế vị vua cha, bốn năm liền bận rộn việc triều chính quốc sự, vua Lý Thái Tôn không có thì giờ để đi vãng cảnh, hành hương viếng chùa lễ Phật.

Tuy vậy, nhà vua lúc nào cũng nhớ đến Viên Chiếu Quốc Sư, bậc thầy đạo hạnh đã dạy dỗ mình từ thuở bé, khi còn là Thái tử. Mặc dù giờ đây nhà vua ở trong cung điện ngai vàng, ngày ngày kẻ hầu người hạ, kẻ bái người tâu, kẻ quỳ người mọp. Mỗi bước đi có tiền hô hậu ủng. Hằng ngày nhà vua thưởng thức những thứ cao lương mỹ vị không thiếu món gì.

Khi mới lên ngôi, mỗi lần ngự triều, ngồi trên ngai vàng, bá quan văn võ hầu chào, xưng hô vạn tuế, vua Lý Thái Tôn cảm thấy oai vệ thích thú. Nhưng cái cảm giác thích thú này sau đó chẳng bao lâu chai dần, rồi từ từ nhường chỗ cho ý niệm nhàm chán. Tuy sống trong những ngày vàng đêm ngọc, chăn êm nệm ấm, lâu đài cung điện nguy nga, cung phi mỹ nữ hát xướng múa ca, nhưng lắm lúc nhà vua vẫn cảm thấy mình bị ràng buộc bởi nghi lễ, phát sanh cảm giác tù túng, tưởng chừng như bị giam hãm ràng buộc bởi triều nghi áo mão cân đai.

Nhà vua nhớ tiếc thời kỳ trẻ thơ, thuở còn là Thái tử ở chùa theo học với thiền sư, ngày ngày luyện văn tập võ, thong dong với núi rừng hoa lá, vui với cá lội hồ sen, tươi cười với chim muông ca hát trên cành cây cổ thụ, gió mát hiu hiu tuỳ thích nằm ngủ ngon lành dưới gốc cây, trên vườn cỏ, dưới hiên chùa, bất cứ chỗ nào. Ngày ngày sống bên cạnh sư phụ uy nghi từ bi điềm đạm với những lời khuyên nhủ hiền hòa mát dịu gọt ngào. Những lời dạy dỗ như rót chảy sâu vào tâm cang huyết quản, cho đến bây giờ tuy đã làm vua mà vẫn còn ghi nhớ rõ ràng. Mỗi lần nhớ đến thuở thiếu thời nơi chốn thiền môn, nhà vua cảm thấy tâm hồn êm đềm mát dịu làm sao!

Đã bốn mùa Phật Đản, nhà vua không thu xếp nổi thì giờ để thân hành đến dự lễ, lòng cảm thấy như thiếu sót một điều gì lớn lao nhất trong đời mình. Nên Phật Đản năm nay, nhà vua quyết định thế nào cũng phải thu xếp việc triều chính, để lên chùa lễ Phật, thăm sư phụ mình mới được. Nhà vua thèm sống lại cái cảnh trí không khí thanh thản của thời niên thiếu lắm. Nhưng làm sao con tìm được cái tâm trí thanh thản của thời xa xưa trước đây nữa!

Lòng đã quyết, dù việc triều chính bận rộn, nên hôm ấy khi mới vừa rạng đông, khí trời cuối xuân đầu hạ trong lành mát dịu của ngày Phật Đản, nhà vua cùng đoàn tùy tùng ra khỏi hoàng thành, hướng về núi Yên Tử tiến bước. Sở dĩ nhà cua đi chùa sớm như vậy, là vì muốn đến chùa trước khi các thập phương Phật tử đến, để có thì giờ hầu chuyện với Viên Chiếu thiền sư, bậc thầy đã tận tụy đào tạo hướng dẫn mình. Tuy thân ở triều đình, mà lòng lúc nào cũng hằng mong ước được gặp lại sư phụ để hầu chuyện, thỉnh ý về cách trị quốc an dân. Đồng thời nhà vua cũng muốn mình như bao Phật tử khác đến đúng giờ tham dự lễ chánh thức Phật Đản.

Trải suốt mấy dặm đường, tiếp đó phải theo triền núi ngoằn ngoèo đường dốc, nhà vua đã đến núi Yên Tử như thời gian dự định. Nhà vua gặp thiền sư với niềm hoan hỷ trong đạo tình sư đệ, trong chén trà đạo vị, trong tinh thần tri kỷ, trong cùng ý nghĩa thương nước thương dân, thương đạo. Tuy bây giờ là vua, nhưng đối với Viên Chiếu thiền sư, nhà vua lúc nào cũng một niềm tôn kính là bậc thầy.

Nhà vua và thiền sư trong tình sư đệ qua câu chuyện, thiền sư bày tỏ tâm sự với nhà vua: “Tôi không còn bao lâu nữa, thân tứ đại này sẽ hoàn trả lại bổn nguyên của nó. Việc đạo việc đời đều nhờ ở vua”. Vua vừa nghe lời ấy, lấy làm bùi ngùi xúc động vô cùng, như cây cổ thụ xum xê muông chim đoàn tụ ngày ngày hót vui, nay bỗng nhiên khô cành trốc gốc. Như mặt trời sắp lặn, hoàng hôn kéo về phủ lên vạn vật tối tăm.

Thế rồi chẳng bao lâu sau đó, vào một đêm mùng tám trăng lưỡi liềm, ánh trăng mờ bạc trải trên vạn vật, thiền sư gọi hai người đệ tử tâm phúc vào tịnh thất căn dặn: “Thầy sắp trở về nguyên quán. Thầy hòa đồng vạn thể pháp thân. Sự nghiệp hoằng pháp độ sanh của Thầy, nay trao lại cho hai con. Giờ đây thầy trao cho hai con, mỗi người một ngọn đèn tuệ, để soi sáng bản tâm, đi trọn hành trình trở về bản thể”. Căn dặn xong, thiền sư trao tận tay hai người đệ tử của mình mỗi người một cây đèn và căn dặn: “Các con nhận lấy đèn tuệ này, mỗi khi tọa thiền nên để ngay trước mặt, nhìn thẳng vào ngọn đèn mà quán tưởng thì một ngày nào đó tuệ tâm khai ngộ”. Căn dặn xong, Viên Chiếu thiền sư ngồi kiết già an nhiên viên tịch.

Chẳng mấy chốc tin viên tịch của Quốc sư Viên Chiếu đồn ra muôn nẻo đường. Khắp đó dây, từ vua cho đến quan dân đều tựu tề về núi yên Tử để dự lễ trà tỳ. Sau lễ trà tỳ sư phụ xong, hai người đệ tử nhất mực từ chối không chịu nhận chức vị viện chủ trụ trì kế nghiệp thầy mình để lo cơ sở già lam cổ tư. Mỗi người xin được tĩnh tu ở hai tịnh thất phía Đông và phía Tây triền núi, hầu có nhiều thì giờ chuyên tâm thiền quán. Được người thời bấy giờ thường gọi là Đông thất thiền sư và Tây thất thiền sư.

Mỗi lần ngồi thiền, nhớ lời thầy di chúc, Đông thất thiền sư cũng như Tây thất thiền sư đều để ngọn đèn dầu trước mặt làm đúng như lời trước khi thầy nhắm mắt viên tịch căn dặn. Từ đấy, Đông thất cũng như Tây thất thiền sư đều giữ vẻ trầm lặng, ngày ngày chìm sâu vào núi rừng tịch mịch. Trong cái không khí thanh tịnh tĩnh lặng, dứt bặt âm thanh của người trần thế, ngày ngày không một bóng người lai vãng, cuộc sống thanh bần nhưng thật êm đềm giải thoát của hai tăng nhân có lúc như hòa mình cùng với vũ trụ. Đêm đến, các loài thú rừng từ các nơi tựu về, quấn quít bên tịnh thất của hai ngài. Có những đêm trăng sáng hươu nai đến quào cửa tịnh thất của Đông thất thiền sư và Tây thất thiền sư, chúng kêu ư ứ hòa với những tiếng kêu ríu rít của loài hươu nai thỏ vượn, như để mời mọc hai thiền sư ra cùng vui chơi với chúng.

Biết rõ điều đó, thiền sư xả thiền, dịu dàng đỡ cánh cửa lá bước ra. Lạ thay, vừa thấy thiền sư, loài thú rừng vẫy đuôi kêu ríu rít. Có lúc những thớt cọp beo rằn rện hiền lành nằm mọp, vẫy đuôi với đôi mắt sáng như lằn điện xẹt. Thiền sư vuốt nhẹ lên lưng những con vật. Giữa cảnh đất trời bao la, giữa tình người và muôn loài hoang dã cùng hòa điệu, thật là thân mật hữu tình “tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”.

Có những đêm tối trời tuyết sương băng giá phủ đầy, thiền sư vẫn nghe có tiếng động nhẹ bên ngoài. Sáng hôm sau khí trời quang đãng, thiền sư mở cửa bước ra, thấy ở trước sân thiền thất còn lưu lại những dấu chân của những thú rừng cùng với những trái cây rừng ngon ngọt.

Đông thất thiền sư và Tây thất thiền sư lặng lẽ tĩnh tu gội rửa tâm tư, chuyên tu tịnh nghiệp. Trải thời gian tháng năm, phần lớn nhờ trái cây rừng của loài thú mang đến cúng dường mà hai thiền sư độ nhật qua ngày.

Hai thiền sư chuyên tu tịnh nghiệp thâm sâu, phước đức cao dầy đã cảm hóa đến muôn loài. Tiếng đồn xa, ngoài nhân gian người người kính ngưỡng. Trong triều nội vua chúa thần quan ai nấy cũng đều mến mộ đạo hạnh của hai ngài.

Để cho vua và đình thần chiêm ngưỡng đức tướng, nghe đạo thiền thấm nhuần pháp nhủ, nhà vua cho sứ giả tìm đến tận núi, gõ cửa tịnh thất thỉnh thiền sư về triều. Đông thất thiền sư im lặng bất động, khéoléo chối từ. Tây thất thiền sư trước những lời ca ngợi đức hạnh, tha thiết thỉnh cầu của sứ giả, đã nhận lời vua thỉnh, về triều thuyết pháp, đàm thiền cho vua, hoàng tộc và quần thần nghe. Tây thất thiền sư nhờ tu mà được chút huệ, nên thông đạt lý đạo lẽ thiền, thuyết pháp hóa duyên được vua và triều thần trọng vọng. Từ đó, thỉnh thoảng nhà vua cho sứ giả lên núi thỉnh Tây thất thiền sư về triều thuyết pháp cúng dường.

Vì cung nhơn mến mộ thỉnh cầu, nên có những lúc Tây thất thiền sư lưu lại trong triều thời gian suốt tháng. Những thời gian lưu lại này, thiền sư được trọng vọng hầu hạ cúng dường rất mực. Thiền sư lại có dịp tiếp xúc với nhiều bá quan văn võ đại thần và hoàng hậu.

Sau những thời gian ngắn lưu lại hoàng cung như vậy rồi. Tây thất thiền sư trở về tịnh thất tiếp tục việc tu hành. Cũng theo như thời khắc hành thiền đã định. Cũng vẫn ngồi thiền đối diện trước ngọn đèn của thầy Bổn Sư truyền trao khi viên tịch. Nhưng bây giờ tham thiền, tâm không còn kiên cố định tỉnh phẳng lặng như dòng nước trong mát quán chiếu cội nguồn tâm linh như những ngày trước nữa. Trái lại, sự tĩnh lặng của dòng tâm thức bị đứt quãng bởi những hình ảnh cung miếu triều vua, lâu đài lộng lẫy, vua quan đại thần, cung phi mỹ nữ diễm lệ hát xướng, yến tiệc thịnh soạn linh đình, kẻ hầu người hạ dưng cúng trịnh trọng v.v…, những hình ảnh này cứ phút chốc hiện lên rõ rệt, xen tạp vào dòng tâm thức niệm Phật thiền quán của thiền sư. Thiền sư muốn dứt bỏ tức khắc, bỏ hết tất cả những hình ảnh tạp loạn đó, để cho dòng tâm thức niệm Phật thiền quán thật phẳng lặng trong mát như ngày trước. Nhưng không dễ gì! Thiền sư ngồi hối tiếc suy nghĩ bâng khuâng, muốn tìm lại sự phẳng lặng của tâm hồn thuở trước, nhưng khó quá!!! Rồi ngày lại qua ngày, thiền sư tiếp tục phấn khởi nhận lời cung thỉnh của nhà vua về triều giảng kinh luận đạo.

Sau mỗi lần ở triều về lại tịnh thất, thiền sư cũng vẫn tiếp tục cố gắng tĩnh tâm niệm Phật tham thiền. Nhưng hình ảnh phú qúy của triều đình chiếm mất sự an lành thanh tịnh trong mát của dòng tâm tư niệm Phật thiền quán. Cứ thế, hai trạng thái động tĩnh trong cùng một con người của Tây thất thiền sư, cùng một cõi lòng muốn tịnh mà cứ động, tự nhiên dằng co xung đột. Trong lúc đó, Đông thất thiền sư vẫn im lìm trong tịnh thất, tinh tấn chuyên cần, tâm trí mỗi ngày một khai thông, huệ tâm tăng trưởng.

Rồi vào một đêm nọ, trời đất bỗng nhiên mịt mù, lớp lớp mây đen tối tăm bao phủ, mưa giông sấm sét, chốc chốc làn chớp sáng lòe như xé tan màn tối dầy đặc bao phủ trời đất, tiếp theo những tiếng gầm sấm sét như nổ tung tư thế tham thiền, thân thể bất động, nhưng nội tại tâm tư rộn ràng, đang cố tìm lại dòng tâm thức thanh tịnh tĩnh mát lành năm xưa. Trong lúc đang tịnh tâm thiền quán, bỗng Tây thất thiền sư mơ màng thấy trong bóng tối lù lù hiện ra một con quỷ lông lá dựng ngược, mắt to đỏ ngầu như máu, nhe răng nhảy đến vồ lấy thiền sư. Thiền sư hoảng hốt, đứng dậy, tung cửa tịnh thất vụt chạy ra ngoài làm cho ngọn đèn dầu ngã đổ, lửa theo vết dầu loang phừng cháy, không mấy chốc tịnh thất tranh lá thiêu rụi thành tro.

Giữa cơn mưa đổ, giông tố sấm sét, lửa cháy phừng phừng, Tây thất thiền sư hoảng hốt một mình cắm đầu chạy, thỉnh thoảng ngoái cổ nhìn lại phía sau, vẫn thấy con quỷ dữ nhe răng miệng máu hùng hổ rượt theo, như muốn ăn tươi nuốt sống mình. Do đó, Tây thất thiền sư lại càng sợ hãi, cố chạy trốn. Nhưng càng chạy càng thấy phía sau con quỷ cứ rượt đuổi nạp theo. Kiệt sức mệt lả cả người, áo quần ướt át tả tơi, thiền sư hết đường, liền chạy chui vào núp giữa mấy hàng lu tương lớn của một ngôi chùa này vừa mới bị trộm. Tăng chúng trong chùa thức dậy đang lùng tìm bắt kẻ gian. Nhưng kẻ gian đã mau chân co giò chạy thoát từ lúc nào rồi. Mà nhà chùa sợ kẻ trộm còn ẩn núp đâu đây, nên tăng chúng trong chùa phân chia nhau từng toán đi lục soát kỹ, trước khi đi ngủ lại.

Thì bất ngờ, một vị tăng thấy một người áo quần ướt tả tơi, ngồi co ro trong hốc tối giữa mấy hàng lu tương. Một tiếng tri hô: Kẻ trộm đây rồi! Nó đây! Mọi người tay sẵn cầm cây, gậy, chổi, thùng, đổ xô đến chỗ có tiếng tri hô, nhanh như chớp dùng thế quyền bắt trói đánh đập nhừ tử, rồi mang nộp lên quan. Quan tra hỏi, Tây thất thiền sư tình thật, nhứt mực khai không có. Tự nói mình chính là Tây thất thiền sư, thầy của vua. Thế rồi quan huyện nhứt mực cho kẻ gian dám phạm thượng hổn láo đáng chết, nên lại càng ra lệnh tra tấn nặng nề. Bấy giờ thân thể của Tây thất thiền sư bầm sưng nhức nhối. Sau đó quan huyện trình tâu tự sự lên vua. Vua lấy làm lạ cho đòi mang kẻ gian về triều xét xử.

Mới nhìn, nhà vua thấy kẻ trộm mình mẩy mặt mày sưng bầm, áo quần bụi bặm rách nát tả tơi, thật là thê thảm! Nhìn hồi lâu nhà vua rất đổi ngạc nhiên, nhận ra phạm nhân này không ai khác, chính là Tây thất thiền sư! Không cầm lòng xúc động, nhà vua cũng như thiền sư hai cõi lòng cùng một nhịp thông cảm xúc động xót xa. Bốn mắt nhìn nhau im lặng, nước mắt tuôn trào thành dòng trên má cả hai. Nhà vua càng nhìn thân hình tồi tàn của thiền sư, càng ngạc nhiên không hiểu nỗi do nguyên cớ nào đưa đẩy nhà tu đến nông nỗi này.

Nhà vua càng nhìn thiền sư với đôi mắt tìm hiểu, thương hại, thì sự hổ thẹn sâu kín tự đáy lòng lại càng chế ngự cả tâm não thiền sư. Lúc đó, Tây thất thiền sư chỉ còn biết cúi mặt xuống đất im lặng lắc đầu xấu hổ tự trách, như để dòng tâm tư xuôi chảy về quá khứ. Quãng đời tu học đã qua, trải từng giai đoạn, từng giai đoạn hiện ra rõ rệt, từ thuở thơ ấu xuất gia theo thầy học đạo, được thầy trao truyền đèn tuệ cho đến ngày nay phải ra nông nỗi này! Tất cả những hình ảnh đó đều rõ ràng hiện ra trong tâm não, sống động như mới ngày nào đây, và chưa bao giờ rõ rệt như lần này. Rồi nghĩ đến người sư đệ của mình, Đông thất thiền sư bây giờ vẫn sống an lành tĩnh lặng tịnh tâm niệm Phật tham thiền. Tây thất thiền sư vô cùng hối hận, mình đã vọng tâm vướng mắc lợi danh mà không hay biết, để thân phải đọa đày, lặn sâu vào hố thẳm như thế này!

An tĩnh trong tịnh thất tham thiền, Đông thất thiền sư biết rõ hết mọi việc xảy ra của người sư huynh mình. Thiền sư chỉ còn biết thương xót nguyện cầu cho Tây thất thiền sư sớm hồi đầu tỉnh giác, dừng chân xa dần liên hệ với chỗ phú quý quyền uy, để trở lại đời sống thanh bần lạc đạo.

Sau khi nghe Tây thất thiền sư kể hết đầu đuôi sự tình đã xảy ra, nhà vua cảm động thương tâm, Tây thất thiền sư được giải oan và nhà vua mời lưu lại triều đình để lo thuốc thang chữa trị những vết thương trên mình, và cũng để cúng dường y áo đồ dùng, rồi đưa thiền sư về núi.

Khi trở lại núi, Tây thất thiền sư nhìn tịnh thất của mình bây giờ chỉ còn là đống tro tàn! Thiền sư nhìn trời, nhìn đất, hướng vọng nhìn về ngôi già lam cổ tự của thầy mình, nơi đó ghi dấu hình bóng của thầy. Cũng chính nơi đó, vào những năm trước đây, ngày ngày mình hầu thầy học đạo, sớm chiều thời khóa tụng niệm, sống vô tư vô lự, vui với hoa lá cỏ cây chim muông thú rừng. Tâm hồn giải thoát làm sao!

Dòng tâm tư cứ tiếp tục như cuộn phim hiện về mỗi lúc một rõ ràng, thiền sư ngồi trên tảng đá trầm tư. Giờ đây, thân thể tâm niệm mình đã xa đạo ngàn dặm lắm rồi! Lời thầy căn dặn năm xưa trong đêm sắp viên tịch như phai mờ trong tâm thức! Đèn tuệ của thầy trao cho, giờ đây đã cháy thành tro! Mất hết tất cả! Tất cả đều không! Thiền sư khẻ lắc đầu than thở, nhìn đống tro tàn tự trách do mình quá ám muội nên mới ra nông nỗi, tịnh thất bỗng chốc thành đống tro bụi! Bản tâm mông muội thiêu rụi hết công đức giải thoát. Con đường giác ngộ hẳn còn chơi vơi mịt mù. Đối với đường tu thua xa sư đệ ta quá rồi!

Trời chưa tối hẳn. Trăng rằm vào cuối tiết hạ sang thu, ánh trăng trải sáng khắp trên cành cây ngọn cỏ núi đồi. Rồi đột nhiên thiền sư đứng phắt dậy, đi về hướng tịnh thất của người sư đệ, Đông thất thiền sư. Tịnh thất vẫn im lìm. Hàng trúc vẫn đứng nên thơ như thuở nào, thỉnh thoảng lay nhẹ theo chiều gió. Bên trong tịnh thất, Đông thất thiền sư vẫn tĩnh tọa tham thiền. Tây thất thiền sư cảm thấy không khí nơi đây thanh tĩnh lạ thường, như đang thấm sâu vào lòng mình làm tăng thêm cảm giác mát nhẹ thư thới.

Không dám kêu cửa, Tây thất thiền sư đi vòng quanh tịnh thất của Đông thất thiền sư mấy lượt, lòng Tây thất thiền sư bồi hồi nôn nao, rất mong sao sớm được diện kiến với người sư đệ mình.

Đông thất thiền sư đang tham thiền biết rõ tâm trạng của sư huynh xao xuyến, nên xả thiền, đỡ nhẹ cánh cửa lá bước ra trước hiên tịnh thất, với gương mặt thanh thoát hân hoan đón chào người sư huynh của mình, lâu ngày mới gặp.

Tình huynh đệ gần nhau trong ánh sáng đạo, dưới ánh trăm rằm tháng tám, trong làn gió mát dịu của núi rừng, giữa khoảng trời bao la tịch tĩnh, Tây thất thiền sư hướng tâm hồi quang phản chiếu, nguyện sống đời lạc đạo bần tăng.

Để kết luận câu chuyện trên đây, xin mượn lời vua Trần Thái Tôn, một vị thiền tổ Việt Nam đời Trần:

Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách

nhứt vãng gia hương vạn lý trình“.

Tạm dịch:

Một thuở ra đi trong cát bụi

Ngàn năm mất dấu bóng về quê“.

Vậy các huynh đệ phải nên cẩn trọng giữ mình trong từng giây phút. Nếu sai một ly sẽ đi xa ngàn dặm. nên thận trọng giữ gìn thân, miệng, ý thanh tịnh, như thận trọng giữ gìn đôi mắt mình để không bị rác bụi làm xốn xang.

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
3.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
4.    Kinh Bát Chu Tam Muội, Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Việt Dịch
5.    Luận Bảo Vương Tam Muội, Đại Sư Phi Tích | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
6.    Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch
7.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
8.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
9.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
10.    Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
11.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
12.    Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn
13.    Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
14.    Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Tiểu Bình Thật | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
15.    Quy Nguyên Trực Chỉ, Đại Sư Tông Bổn | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
16.    Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch