Home > Khai Thị Phật Học > Lam-The-Nao-Hang-Phuc-Ma
Làm Thế Nào Hàng Phục Ma
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Ngạn ngữ có câu: ‘Chuyện tốt có nhiều trắc trở’(Hảo sự đa ma), và: ‘Ðạo cao một thước, ma cao một trượng’. Ma là chướng ngại trong đời sống và sự tu hành của chúng ta. Muốn giải quyết vấn đề này chỉ có học theo phương pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong bát tướng thành đạo Thế Tôn thị hiện ‘hàng phục ma ngoại’ đáng để chúng ta học tập. Phương pháp Thế Tôn hàng phục ma chẳng phải là đối ngoại mà là đối nội. Ma quân tới nhiễu loạn, uy hiếp, Thế Tôn chẳng chống lại, ma nữ đến dụ hoặc Thế Tôn cũng chẳng trốn tránh mà dùng Giới Ðịnh Huệ Tam Học để giải quyết.

Từ đây chúng ta rút ra được một bài học, khi gặp phải bất kỳ uy hiếp dụ hoặc, hay chướng nạn có bao lớn đi nữa thì chỉ cần tiêu trừ ma oán trong nội tâm, cảnh giới bên ngoài sẽ là ‘chẳng có Phật mà cũng chẳng có ma’. Cũng như Ngẫu Ích đại sư nói: ‘Cảnh duyên chẳng có tốt xấu, tốt xấu là ở nơi tâm’. Ma cảnh bên ngoài thật ra là do tâm ma biến hiện ra, có thể biến thành ma cảnh là do tà tri tà kiến của chính mình, phiền não tham sân của mình, cảnh giới bên ngoài là cảnh bị biến ra (sở biến). Thế Tôn dạy chúng ta phương pháp là phải hàng phục cái tâm năng biến của mình, ma cảnh được biến ở bên ngoài sẽ chẳng gây chướng ngại gì cả.

Kinh Bát Ðại Nhân Giác chia Ma thành bốn loại, đó là Ngũ Ấm Ma, Phiền Não Ma, Tử Ma, Thiên Ma. Ngũ Ấm Ma, Phiền Não Ma, Tử Ma đều thuộc về tâm ma của mình; chỉ có Thiên Ma là ở phía ngoài. Thiên Ma từ đâu tới? Cũng là do tâm ma của mình biến hiện ra thôi. Người đời chẳng biết đạo lý này nên khi gặp yêu ma quỷ quái thì liền tìm mọi cách để kháng cự, khắc phục, như vậy vĩnh viễn chẳng thể giải quyết vấn đề. Phương pháp giải quyết vấn đề là phải hóa giải. Bản thân mình có phiền não, tà tri tà kiến, đây là gốc rễ của hết thảy ma chướng. Thế nên chỉ cần làm được ‘tri kiến chánh, trừ phiền não’, ma ngoại cũng sẽ thành Phật luôn. Trong bốn hoằng thệ nguyện có nguyện ‘chúng sanh vô biên thệ nguyện độ’, ma cũng là chúng sanh, độ ma thành Phật thì mới đúng là phổ độ chúng sanh.

Chánh tri chánh kiến là từ Tam Muội mà được. Một người tu hành có công phu định lực tương đương thì cũng chẳng biết mình có chánh định hay tà định, thế nên chúng sanh trong chín pháp giới tu hành chẳng thể tách lìa kinh điển. Nếu lý luận, phương pháp tu học và cảnh giới hiện ra trong công phu tương ứng với kinh điển thì là chánh tri, chánh kiến, tức là chánh hạnh, chánh thọ; chánh thọ tức là Tam Muội. Phạm vi của Tam Muội rất rộng lớn, chỉ cần là ‘chánh’ thì là Tam Muội, cho nên chánh tri, chánh giải, chánh hạnh, chánh thọ đều thuộc về Tam Muội.

Chúng ta xem trong kinh, khi Phật thuyết pháp cho chúng sanh trước hết phải thị hiện nhập định, kinh Hoa Nghiêm cũng chẳng ngoại lệ. Kinh Lăng già nói: ‘Na Già thường tại định, vô hữu bất định thời’, Pháp Thân đại sĩ cũng thường ở trong định, Phật còn phải nhập định hay sao? Phật thị hiện nhập định là muốn thuyết minh: thuyết pháp độ sanh dùng Tam Muội làm căn bản, hết thảy pháp đều từ Tam Muội lưu lộ ra; Tam Muội rộng lớn vô cùng, tức là tánh đức lưu xuất.

Cảnh giới trong định là Nhất Chân pháp giới, chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chẳng có trước sau, lớn nhỏ, hết thảy khái niệm và sự tướng tương đối đều chẳng tồn tại. Nhất Chân tức là sự thật chân tướng mà Như Lai chứng được, điều Như Lai sở chứng tức là tướng cảnh giới được hiện ra trong khi nhập Tam Muội. Cảnh giới này đối với phàm phu chẳng thể nghĩ bàn. Thí dụ trong kinh có nói: ‘Hạt cải chứa Tu di’, hạt cải nhỏ cũng như hạt mè vậy, hạt cải chẳng có phóng đại, núi Tu Di cũng chẳng thâu nhỏ, làm sao bỏ núi Tu Di vào trong hạt cải? Là vì chẳng có lớn nhỏ cho nên có thể tương tức, tương dung (có thể chính là nhau, dung chứa lẫn nhau). Chúng ta biết phân biệt lớn nhỏ, chấp trước lớn nhỏ, nhỏ chẳng thể chứa lớn, đây tức là ma cảnh. Ma cảnh là từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước sanh ra; nếu xa lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chẳng có lớn nhỏ, trong ngoài, hạt cải sẽ có thể chứa núi Tu Di.

Phàm phu sanh hoạt trong thời gian, không gian tương đối, khoa học gia gọi là ‘tương đối luận’, tương đối tức là phân biệt chấp trước, chẳng phải thật. Phật, Bồ Tát chẳng có phân biệt chấp trước, chẳng có tương đối, ngay cả Lý Sự cũng chẳng có, cho nên các Ngài không có chướng ngại. Trong cái nhìn của Phật, Bồ Tát, dù là yêu ma quỷ quái thì cũng là cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai, đều dùng tâm hiếu thuận, cung kính để đối đãi, chẳng có giảm bớt chút nào.

Ðây là Thế Tôn thị hiện bản lãnh hàng phục ma, dụng ý là cho chúng ta học tập. Chỉ cần có tà kiến, phiền não thì nhất định sẽ có ma chướng, yêu ma quỷ quái sẽ thường thường bao quanh bên mình. Nếu có thể diệt trừ tà kiến, phiền não thì yêu ma quỷ quái cũng sẽ thành Phật. Từ đây có thể biết Phật và Ma chỉ ở tại một niệm mà thôi. Một niệm mê thì Phật sẽ biến thành Ma; một niệm giác thì Ma sẽ thành Phật. Vì vậy gút mắt ma chướng chẳng ở bên ngoài mà ở trong nội tâm. Người thế gian mê muội gặp yêu ma quỷ quái thì mời đạo sĩ vẽ bùa, niệm chú để trừ tà ma, vậy là dùng võ lực để kháng cự. Cho dù bạn có thể thắng họ thì vấn đề vẫn chưa được giải quyết; tâm oán hận của họ, tâm báo thù vẫn còn, họ vẫn sẽ quay lại trả thù, vả lại sẽ còn mạnh mẽ hơn, như vậy thì sẽ dây dưa chẳng dứt, vấn đề sẽ ngày càng trầm trọng. Cho nên Thế Tôn chẳng chống đối mà dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi để bao dung, cảm hóa. Biến đổi Ma thành Phật là một việc tốt, hai bên đều có lợi. Sau khi Ma thành Phật thì sẽ vĩnh viễn cảm kích bạn, khi bạn thị hiện thành Phật độ sanh, Ma sẽ thị hiện đủ mọi thân phận để hộ pháp, đây mới là cách thực sự giải quyết vấn đề. Phàm ai làm hỏng vấn đề đều là do ngu si tạo nên. Do đó mới biết trí huệ là đáng quý.

Phật pháp từ đầu đến cuối đều truy cầu trí huệ, chỉ có trí huệ mới có thể giải quyết hết thảy vấn đề một cách viên mãn. Tất cả những vấn đề thế gian và xuất thế gian đều có thể giải quyết viên mãn, vì trên Lý là cùng chung một pháp tánh, pháp tánh là cứu cánh viên mãn. Hết thảy sự vật đều y pháp tánh làm tự thể, tự thể viên mãn, tự thể hiện ra tướng cũng nhất định viên mãn. Phàm chẳng thể giải quyết đều là vì trí huệ chẳng đủ, phương pháp chẳng hoàn hảo, phải quay lại tu trí huệ. Phương pháp tức là quyền trí, nhà Phật gọi là thiện xảo phương tiện; quyền trí y vào thực trí, thực trí chính là Tam Muội. Cho nên mới nói tự mình thành Phật rồi nhìn thấy núi sông, sơn hà, đại địa, chúng sanh ‘tình và vô tình đều viên thành chủng trí’. Từ đó có thể biết giải quyết bất kỳ nghi nan tạp chứng trong thế gian, xuất thế gian đều ở tại nội tâm. Phật pháp xưng là Nội Học, chẳng hướng ngoại, hướng ngoại là ngoài tâm cầu pháp, là ngoại đạo. Ngoại đạo chẳng thể giải quyết vấn đề, chỉ có Nội học mới có thể giải quyết vấn đề.

Do đó trong giai đoạn sơ học nhất định phải đọc thuộc Ðại Thừa, đặc biệt là những người phát tâm hoằng pháp lợi sanh, không những phải đọc tụng mà còn phải khế nhập vào cảnh giới. Khế nhập tức là ‘tùy văn nhập quán’. Mở quyển kinh ra tùy lời dạy trong kinh mà chuyển biến quan niệm của mình thì gọi là ‘tùy văn nhập quán’. Nhập tức là khế nhập, ý nghĩa của ‘nhập’ bao gồm ‘tín giải hành chứng’. Nhập tức là chứng, có hành mới có chứng, hành là thay đổi quan niệm; thay đổi quan niệm là vì hiểu rõ đạo lý, hiểu lý tức là tin tưởng lời dạy của Phật. Phật nói về ‘Giáo Lý Hạnh Quả’, chúng ta có thể làm được tín giải hành chứng, cảnh giới liền chuyển, đây tức là ‘tùy văn nhập quán’, đây là chân thật tu hành, có thể đạt được thọ dụng chân thật. Phương pháp tu hành vô lượng vô biên, tùy văn nhập quán là phương pháp tu hành của Giáo Hạ, tức là mở ra cuốn kinh có thể nhập vào cảnh giới Phật. Nhập cảnh giới quan trọng nhất là ở trong sanh hoạt hằng ngày, trong lúc xử sự, đãi người, tiếp vật, lúc nào cũng giữ được, chẳng đánh mất tức là chẳng thoái chuyển. Có bản lãnh này thì khi gặp yêu ma quỷ quái chúng ta sẽ chẳng kinh sợ, chúng ta có khả năng giúp đỡ họ cùng thành Phật đạo, đây là cách giải quyết viên mãn nhất. Ðây là lời Phật dạy, đây mới là chân thật, cứu cánh, mỹ mãn.

6. Làm thế nào để đối xử hòa mục với tất cả chúng sanh (Buổi sáng 01 12 98)

Từ xưa đến nay giáo dục của nhà Phật, nhà Nho đều chẳng ra ngoài hai việc: thứ nhất là dạy chúng ta nhận thức quan hệ giữa chúng ta và đại vũ trụ, đây tức là ‘chư pháp thật tướng’. Hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh một cách chính xác là tông chỉ chủ yếu của giáo dục, đây là Thể. Thứ nhì là dạy chúng ta làm thế nào đối người, đối sự, đối vật và cũng nghĩa là trong sanh hoạt làm sao xử sự, đãi người, tiếp vật, đây là Dụng. Hai cái Thể và Dụng này bao gồm toàn bộ giáo học, đây chẳng phải chỉ là lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni mà thôi, mười phương ba đời hết thảy chư Phật giáo hóa tất cả chúng sanh đều chẳng ngoại lệ.

Trên mặt tác dụng tại sao chúng ta không thể đối xử hòa mục với hết thảy chúng sanh? Là vì chẳng hiểu chân tướng sự thật. Chư Phật, Bồ Tát đại thánh đại hiền hiểu rõ chân tướng cho nên có thể đối xử hòa mục với hết thảy chúng sanh. Ðức Phật dạy chúng ta phải coi tất cả chúng sanh như cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai; Bồ Tát Giới Bổn trong kinh Phạm Võng cũng nói: ‘Hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta’, những chuyện này đều là sự thật, chẳng phải là thí dụ. Kiến giải, tâm tư, thường thức của phàm phu hơn phân nửa giới hạn trong một đời, chẳng biết đời quá khứ và đời vị lai, cho nên sanh ra rất nhiều hiểu biết sai lầm. Phật, Bồ Tát dùng định công thâm sâu đột phá giới hạn của thời gian và không gian, đối với quá khứ vô thỉ, vị lai vô chung hết thảy đều hiểu rõ, cho nên biết hết thảy chúng sanh đời đời kiếp kiếp đều là quyến thuộc lẫn nhau.

Chư Phật, Bồ Tát dùng tâm gì để đối đãi hết thảy người, sự, vật? Là dùng tâm Hiếu Kính. Câu đầu tiên của Tam Phước trong Quán Kinh: ‘Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng’. Dùng hiếu thuận, tôn kính đối đãi hết thảy người, sự, vật, đó tức là Phật, Bồ Tát, đại thánh nhân. Tâm tư, quan niệm, hành động của phàm phu hoàn toàn ngược lại. Tương ứng thì là tùy thuận tự tánh, tánh đức, tùy thuận thật tướng của chư pháp. Có thể tùy thuận một cách viên mãn thì là Nhất Chân pháp giới. Nếu chẳng thể tùy thuận, trái ngược với những điều trên thì là lục đạo phàm phu; hoàn toàn trái ngược thì là tam ác đạo. Cho nên làm thánh làm phàm, thiên đường địa ngục đều ở ngay tại một niệm của mình mà thôi. Nếu một niệm này tương ứng với pháp tánh thì là Phật, Bồ Tát; niệm này trái ngược với tánh đức thì là chúng sanh, ác đạo.

Do đây có thể biết cảnh giới bên ngoài thực sự như chư Phật đã nói: ‘mộng, huyễn, bọt, bóng’, cảnh giới biến hóa tùy theo tâm niệm của chúng ta, cũng như kinh Hoa Nghiêm nói: ‘Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến’. Phật còn nói cho chúng ta biết: ‘hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh’, tâm là năng biến (cái có thể biến), pháp là sở sanh (cái được sanh ra). Những pháp được sanh này chẳng như ý là vì cái tâm năng sanh chẳng tương ứng với pháp tánh. Thế nên hết thảy cảnh giới chẳng phải người khác biến hiện ra cho bạn hưởng thụ mà do tự mình biến ra cho mình hưởng dùng, đây là chân tướng sự thật. Sau khi hiểu rõ chân tướng, nếu chúng ta muốn sinh hoạt trong một hoàn cảnh thích hợp với mình thì phải tuân theo lời dạy của Phật. Nói thật ra, tuân theo lời Phật dạy tức là tuân theo tánh đức của tự tánh, pháp tắc của tự tánh. Những gì chư Phật, Bồ Tát nói đều là pháp tắc của tự tánh chúng ta, chẳng phải của riêng Ngài. Thế nên Phật nói Ngài chưa từng nói qua một lời, những gì Ngài nói đều là tánh đức của tự tánh chúng ta khai phát. Chỉ có chân chánh hiểu rõ đạo lý này mới thực sự hoàn toàn tiếp nhận và khâm phục Phật pháp đến năm vóc sát đất.

Cho nên học Phật tức là tùy thuận tự tánh, Phật đại biểu cho tự tánh của chúng ta, Bồ Tát và đại thánh đại hiền là thị hiện của tánh đức, là tánh đức lưu lộ, là tự mình chẳng phải người khác, đây tức là ‘ta người không hai’ . Chúng ta phải lãnh hội cái ý tưởng này, từ đó xây dựng lòng tin. Nếu có thể khế nhập thì mới hoảng nhiên đại ngộ, chư Phật, Bồ Tát vốn là tánh đức của mình lưu xuất, thập pháp giới y báo, chánh báo trang nghiêm cũng là tự tánh lưu lộ. Sau đó mới chân chánh thể hội đến tận hư không trọn khắp pháp giới chỉ là chính mình mà thôi, ngoài chính mình ra, đích thực chẳng có pháp nào cả. Lòng đại từ Vô Duyên, lòng đại bi Ðồng Thể tự nhiên sẽ hiện ra, từ bi là tánh đức, tánh đức sẽ hiện ra, lưu lộ viên mãn. Chúng ta hiếu kính đối với Phật, Bồ Tát, đại thánh đại hiền, hiếu kính cha mẹ, sư trưởng, sau đó từ từ sẽ hiếu kính đối với hết thảy chúng sanh, thậm chí đối với oan gia đối đầu của mình, rắn độc thú dữ, địa ngục ngạ quỷ đều hiếu kính như nhau, nhất định sẽ dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng đối đãi với họ.

Nếu nhập vô cảnh giới này thì bạn đã thành Phật rồi. Cho dù chẳng thành Phật thì cũng là Pháp Thân đại sĩ, trí huệ đã khai mở. Ðối với hết thảy vạn pháp trong hư không pháp giới, bạn đã giác ngộ, hiểu rõ rồi, biết được phải làm như thế nào. Ðối với những chúng sanh chưa giác ngộ thì cũng biết làm thế nào để giúp đỡ, đây tức là giữ tâm Bồ Tát, hành Bồ Tát đạo. Cho nên bất cứ thân phận gì, ngành nghề gì, nam nữ, già trẻ đều có thể tu Bồ Tát đạo viên mãn. Bồ Tát tuyệt đối chẳng giới hạn trong một pháp giới nào, hết thảy pháp giới đều là pháp giới Bồ Tát. Kinh Hoa Nghiêm nói: ‘Một tức là nhiều, nhiều tức là một, một và nhiều không hai’ tức là ý nghĩa này.

Chúng ta đời đời kiếp kiếp tiếp xúc với hết thảy chúng sanh đã kết thiện duyên và cũng có ác duyên. Có nhiều người rất hợp với mình, có duyên và rất thích mình, đây là thiện duyên từ đời quá khứ. Có nhiều người là oán gia đối đầu của mình, đem lại cho mình rất nhiều điều chẳng như ý, đây là oan nghiệp từ kiếp trước. Quá khứ mê hoặc điên đảo nên gây ra oan nghiệp này, hiện nay giác ngộ hiểu rõ rồi, phải hóa giải oan kết này thì cũng dùng ‘hiếu kính’ như lời Phật dạy. Hiếu thuận và tôn trọng bằng tâm chân thành, oan kết tự nhiên sẽ được hóa giải.

Cho nên đối với hết thảy oán ghét, chúng ta phải tùy thuận, thực sự làm được hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức; trong sự tùy hỷ thành tựu trí huệ chân thật cho mình, giới định huệ chân thật, đây là công đức. Tùy thuận làm sao có thể thành tựu công đức? Tâm thanh tịnh quan trọng, tâm trí huệ quan trọng, bạn dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi tức là tùy thuận, đây là có công. Có thể thành tựu, tăng thêm lòng chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi của bạn là đức.

Cho nên nếu có một niệm oán trời trách người thì là sai lầm quá đỗi. Khi gặp hết thảy cảnh giới, nghịch duyên không như ý, đều phải quay lại tự mình phản tỉnh, nhất định là do nghiệp chẳng thiện của mình tích lũy lại tạo thành, lỗi lầm chẳng ở tại người khác. Quay đầu lại tự mình chân thật sám hối, sửa sai đổi mới, đây là chân tu hành. Là do mình chẳng xem họ như cha mẹ, sư trưởng, chẳng có hiếu thuận, tôn trọng họ, là lỗi của mình, chẳng phải của họ. Chư Phật Như Lai dùng phương pháp này được thành tựu, chúng ta muốn làm Phật, làm Bồ Tát thì cũng chẳng ngoại lệ, vẫn phải dùng phương pháp này. Chúng ta phải thực hiện ‘kính người, kính sự, kính vật’ trong đời sống, niệm niệm chẳng được tách lìa; một niệm tách lìa là một niệm mê, một niệm tương ứng là một niệm giác, cho nên phải dụng công trong từng tâm niệm. Chẳng thể không đọc kinh điển Ðại thừa, chẳng thể không thâm giải ý thú, được vậy chúng ta mới có thể giữ gìn giác chứ không mê, mới có thể đạt được đời sống hạnh phúc mỹ mãn chân chánh.