Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Nguyen-Thu-Muoi-Pho-Giai-Hoi-Huong
Chánh kinh:

Phục thứ thiện nam tử! Ngôn phổ giai hồi hướng giả: Tùng sơ lễ bái, nãi chí tùy thuận, sở hữu công đức giai tất hồi hướng, tận pháp giới, hư không giới, nhất thiết chúng sanh, nguyện linh chúng sanh thường đắc an lạc, vô chư bệnh khổ. Dục hành ác pháp, giai tất bất thành. Sở tu thiện nghiệp, giai tốc thành tựu. Quan bế nhất thiết chư ác thú môn, khai thị nhân thiên Niết Bàn chánh lộ. Nhược chư chúng sanh nhân kỳ tích tập chư ác nghiệp cố, sở cảm nhất thiết cực trọng khổ quả, ngã giai đại thọ, linh bỉ chúng sanh tất đắc giải thoát, cứu cánh thành tựu vô thượng Bồ Đề. Bồ Tát như thị sở tu hồi hướng, hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, ngã thử hồi hướng vô hữu cùng tận. Niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn; thân ngữ ý nghiệp vô hữu bì yểm.


(Lại này thiện nam tử! Nói hồi hướng khắp tất cả là từ sự lễ bái ban đầu cho đến tùy thuận, tất cả công đức thảy đều hồi hướng tận pháp giới, hư không giới hết thảy chúng sanh. Nguyện cho chúng sanh thường được yên vui, không có các bệnh khổ. Muốn làm chuyện ác thảy đều chẳng thành. Tu tập thiện nghiệp đều mau thành tựu. Đóng chặt hết thảy cửa [dẫn vào] các đường ác, mở bày đường chánh: trời, người, Niết Bàn. Nếu các chúng sanh do vì các nghiệp ác tích tập, cảm lấy hết thảy quả khổ rất nặng, tôi đều chịu thay, khiến các chúng sanh đó đều được giải thoát, rốt ráo thành tựu Vô Thượng Bồ Đề. Bồ Tát tu hồi hướng như thế, hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận nhưng sự hồi hướng này của tôi chẳng có cùng tận. Niệm niệm tiếp nối, chẳng có gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp không hề chán mệt)

Đây là hồi hướng pháp giới, mà cũng là tóm gộp cả chín điều nguyện trước: Từ lễ kính chư Phật, khen ngợi Như Lai, rộng tu cúng dường, sám hối nghiệp chướng cho đến tùy thuận chúng sanh, tất cả công đức thảy đều hồi hướng, trong tâm chẳng tiêm nhiễm mảy may, có như thế tâm mới thanh tịnh. Có người tu công đức, chỉ sợ công đức bị người khác lấy mất, chẳng dám hồi hướng; vì tâm lượng nhỏ nhen nên chẳng thể thành tựu. Có người sợ đem công đức niệm Phật hồi hướng cho người khác, chính mình chẳng có công đức. Thật ra, đó là quan niệm sai lầm.

Công đức: Công là công phu tu hành của chính mình, Đức là cái mình thâu hoạch [do công sức tu hành ấy]. Quý vị có một phần công phu, nhất định có một phần thâu hoạch, người khác chẳng lấy được. Quý vị có muốn cho họ, họ cũng chẳng lấy được; còn phước đức có thể cho người khác. Chẳng hạn như của cải của chính mình có thể chia một nửa hoặc toàn bộ cho người khác, người ta có thể hưởng thọ được. Nhà cửa cũng có thể cho người khác ở, họ cũng có thể thọ dụng được. Chỉ có công đức là không cách gì cho người khác được.

Công đức là Giới - Định - Huệ. Hãy nghĩ xem, công đức trì giới có chia cho người khác được chăng? Công đức niệm Phật của quý vị có đem cho người khác được hay chăng? Công phu quý vị tu Định có cho người khác được không? Không có cách nào hết. Nếu công đức có thể cho được, chúng ta cần gì phải tu hành nữa, cứ đợi Phật chia cho chúng ta, chúng ta bèn thành Phật. Công đức là ông tu ông được, bà tu bà được, chẳng tu chẳng được, nhất định phải cậy vào chính mình, nhất định chẳng ỷ lại người khác được.

Công đức có thể hồi hướng. Đối với chính mình mà nói, hồi hướng nhằm mở rộng tâm lượng, nhằm quét sạch sẽ tập khí phân biệt chấp trước từ vô thỉ đến nay. Công đức tôi tu tôi đều chẳng cần đến, công đức tôi tu tôi đều nhường cho mọi người hưởng. Chẳng cần đến công đức, công đức càng lớn. Chẳng những công đức không mất đi mà phước đức cũng chẳng mất. Số phận quý vị có một trăm vạn thì quý vị đem một trăm vạn bố thí hết, vài bữa sau, lại có một trăm vạn khác. Vì sao vậy? Là do số phận quý vị có; phận số có thì chẳng bị mất, mạng không có thì có giữ kỹ cũng chẳng giữ được.

Người Tàu Đại Lục thờ tài thần Phạm Lãi, vì ông này là tấm gương kiếm tiền và dùng tiền, vừa có trí huệ vừa có phước báo. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Việt vương Câu Tiễn có hai tay trợ thủ, một là Phạm Lãi, hai là Văn Chủng. Hai mươi năm sau, nước Việt phục hưng, diệt xong nước Ngô. Khi đó, Phạm Lãi biết quốc vương có thể cùng chịu hoạn nạn, nhưng chẳng thể cùng hưởng phú quý, bởi thế bèn đổi tên họ trốn đi, lưu lại một phong thư khuyên Văn Chủng cũng nên bỏ đi. Văn Chủng không tin, quả nhiên mấy ngày sau, Câu Tiễn ban cho Văn Chủng thanh bảo kiếm, buộc ông ta tự sát. Phạm Lãi đổi tên thành Đào Châu Công, buôn bán giàu to, đem toàn bộ tài sản bố thí, cứu tế bần dân khốn khổ. Tiền tài xài hết, lại buôn bán, chẳng mấy năm, lại phát tài, cũng tán tài giống như cũ, ba lần tài tụ tài tán.

Điều này cho thấy một miếng ăn, một hớp uống không gì chẳng phải là định sẵn trước. Số phận có thì quyết định là có, số phận không có chẳng thể cưỡng cầu, cầu không được đâu! Số mạng là có thì có bỏ đi cũng chẳng bỏ được. Bởi thế quý vị bố thí của cải sẽ trở lại, lại càng nhiều hơn nữa, giống như lợi tức vậy đó. Biết được sự thật này, quý vị mới can đảm phóng tâm mạnh dạn bố thí. Nhưng chớ có đem lòng cầu may để thử, cứ mong một vốn vạn lời thì vừa thử của cải chẳng còn gì hết. Phải dùng tâm chân thành để bố thí cúng dường, đó là tu phước.

Sở dĩ công đức tu tập của chúng ta hồi hướng cho hết thảy chúng sanh, càng hồi hướng công đức càng lớn là vì tâm lượng to lớn. Tâm lượng to lớn, công đức cũng chuyển lớn theo, hết thảy tùy tâm chuyển mà! Nếu chẳng hồi hướng, niệm niệm chỉ vì mình, tâm lượng nhỏ nên công đức hữu hạn. Đức Phật dạy chúng ta, chẳng cần biết tu công đức lớn hay nhỏ, thậm chí điều thiện mảy may đều phải hồi hướng Bồ Đề, hồi hướng chúng sanh, hồi hướng pháp giới. Đấy là mở rộng tâm lượng của chính mình, viên mãn công đức tu hành vậy.

“Nguyện cho chúng sanh thường được yên vui, không có các bệnh khổ”: Trong mỗi niệm, Bồ Đề đều hy vọng chúng sanh thường được yên vui. “Hết thảy chúng sanh” bao gồm động vật. Nếu chúng ta ăn động vật, sát hại động vật, những động vật ấy có bình yên sung sướng được chăng? Kinh Lăng Già nói Bồ Tát chân chánh phát tâm chẳng nỡ ăn thịt chúng sanh. Tuy thế nhà Phật chẳng buộc quý vị trường trai, chỉ khuyên quý vị đừng sát sanh. Hễ nói đến lòng đại từ đại bi thì Phật nói chẳng nỡ ăn thịt hết thảy chúng sanh. Lương Võ Đế đọc đến đoạn kinh văn này, cảm động sâu xa, phát tâm ăn chay trường, đề xướng phong trào ăn chay trong nhà Phật. Thật sự mang lòng thích thấy hết thảy chúng sanh bình yên sung sướng, quý vị sẽ chẳng thể nhẫn tâm tổn hại chúng nó, càng chẳng thể nhẫn tâm ăn thịt chúng.

Mong mỏi hết thảy chúng sanh không có bệnh khổ; bệnh khổ do đâu mà có? Tất cả hết thảy bệnh khổ từ vọng tưởng mà ra. Trừ được vọng tưởng chấp trước khiến cho thân tâm thanh tịnh, khôi phục tự nhiên, thể chất biến đổi, có thể cả đời chẳng sanh bệnh. Y học chỉ trị đằng ngọn chứ không trị gốc, Phật pháp trị liệu tận gốc rễ: Dạy quý vị đừng khởi vọng tưởng. Do đây biết rằng: Phải đem Phật pháp giới thiệu cho hết thảy chúng sanh, phổ cập đến mỗi tầng lớp xã hội thì mới có thể thật sự giúp cho chúng sanh lìa khỏi hết thảy bệnh khổ.

“Muốn làm chuyện ác thảy đều chẳng thành”: Họ có ác niệm, muốn làm chuyện bậy, Bồ Tát, thần Hộ Pháp ngăn trở, khiến họ chẳng thể thành công được. “Tu tập thiện nghiệp đều mau thành tựu”. Động một niệm thiện tâm (tâm lợi ích hết thảy chúng sanh), Phật, Bồ Tát phù trợ quý vị, bởi lẽ điều đó ứng với tâm Phật, tâm Bồ Tát, cảm ứng đạo giao. Nếu chỉ vì chính mình, chỉ vì một nhà, bèn chẳng tương ứng với tâm Phật, Bồ Tát. Tâm Phật rộng lớn không ngằn mé, quý vị cứ quanh quẩn trong phạm vi rất nhỏ chẳng thể khởi cảm ứng được.

“Đóng chặt hết thảy cửa [dẫn vào] các ác thú”: Chữ “ác thú” được nói trong kinh đây phạm vi rất rộng. Ba đường ác, ba đường lành (do vẫn luân hồi trong lục đạo), A La Hán, Bích Chi Phật (dù có thiền định rất sâu, nhưng chưa kiến tánh), Bồ Tát (tuy kiến tánh, nhưng chưa viên mãn) đều là Ác Thú cả. Kinh này để nói với hàng Đẳng Giác Bồ Tát. Nói cách khác, từ Thập Địa trở xuống đều có thể gọi là “ác thú”. Hiện tại chúng ta chẳng thể đặt tiêu chuẩn cao như thế được, chỉ cần biết tam đồ lục đạo đích thật là ác thú, nhất tâm nhất ý phải vượt thoát trong một đời này, như vậy là tốt rồi! Vượt thoát chỉ có một đường duy nhất là đới nghiệp vãng sanh. Đường dẫn vào ác thú phải bít chặt. Bít chặt bằng cách nào? Xa lìa nó.

“Mở bày đường chánh: trời, người, Niết Bàn”: khuyên dạy chúng sanh niệm Phật vãng sanh, bất thoái thành Phật. Do đấy tổ sư đại đức thường nhắc nhở chúng ta chuyên tu Tịnh nghiệp. Niệm Phật kỵ nhất là xen tạp. Nếu xen tạp danh lợi thế gian, ngũ dục, lục trần thì chẳng thể thành tựu. Người niệm Phật niệm rất nhiều loại kinh, lại còn niệm chú thì cũng là xen tạp. Tối trọng yếu là tinh tấn nơi một môn. Ấn Quang đại sư dạy chúng ta: Người chuyên tu niệm Phật chỉ cần niệm một bộ kinh A Di Đà, ba biến chú Vãng Sanh, rồi niệm Phật hiệu. Kỳ thật, công phu đều dồn vào Phật hiệu. Niệm một bộ kinh và ba biến Vãng Sanh chỉ nhằm để định tâm. Nếu tâm chúng ta suy nghĩ lung tung, niệm Phật hiệu sẽ chẳng có cảm ứng. Nếu dùng tâm thanh tịnh để chấp trì danh hiệu thì có cảm ứng.

Nếu tâm quý vị rất thanh tịnh, chẳng có tạp niệm, chẳng có vọng tưởng thì kinh lẫn chú chẳng cần niệm nữa. Thời xưa, tổ sư đại đức một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu, chẳng niệm kinh, niệm chú. Không ít người niệm Phật chỉ nhờ một câu A Di Đà Phật này, lúc lâm chung vãng sanh chẳng sanh bệnh, biết trước lúc đi, đứng vãng sanh hoặc ngồi vãng sanh rất nhiều. Đài Loan bốn mươi năm qua, có mười mấy vị đứng hoặc ngồi vãng sanh, quá nửa những người đó là những bà cụ rất già, không biết chữ, kinh lẫn chú đều chẳng niệm, tâm định. Bởi thế, người niệm Phật chẳng đọc sách báo, tạp chí, chẳng xem các kinh sách khác.

Dân Quốc năm thứ nhất (1912), Đàm Hư đại sư truyền giới tại chùa Cực Lạc ở Cáp Nhĩ Tân, thỉnh thầy của Ngài là Đế Nhàn Lão Hòa Thượng làm Đắc Giới Hòa Thượng. Trong thời gian truyền giới, có một vị xuất gia tên là Tu Vô đến giới trường giúp việc. Vị này rất dốt nát, trước khi xuất gia làm thợ nề, không biết chữ; gì cũng không biết, chỉ biết niệm A Di Đà Phật. Sư tình nguyện trong thời gian truyền giới sẽ săn sóc những bệnh nhân bị trúng gió, cảm mạo.

Được mấy ngày, Sư xin phép Hòa Thượng cho nghỉ, nói mình cần phải đi. Đàm Hư Đại Sư là người có hàm dưỡng, chẳng trách móc gì. Đương gia sư là Định Tây Pháp Sư tánh tình nóng nảy, nghe nói Sư phải đi, đối với Sư chẳng khách khí gì, nói ngay: “Chúng tôi truyền giới suốt mười ba ngày, vẫn chưa viên mãn, sao giữa chừng lại bỏ đi vậy?” Sư đáp: “Chẳng phải tôi đi qua chỗ khác đâu mà là về Tây Phương Cực Lạc thế giới”. Hai vị pháp sư ngẩn ngơ, hỏi ngày nào Sư đi? Sư nói đại khái không hơn mười bữa nữa, xin chúng thường trụ sắp sẵn hai trăm cân củi khô chuẩn bị thiêu hóa.

Hòa Thượng rất bội phục, trông thấy Sư đầu óc đất sét, cái gì cũng không biết, thân thể khỏe mạnh, cũng chẳng đổ bệnh, biết trước lúc mất. Ngày hôm sau, Sư lại tìm hai vị pháp sư nói ngày hôm nay Sư sẽ đi, xin chuẩn bị gấp cho. Lại xin mấy vị tăng thường trụ đến trợ niệm giùm để đưa Sư đi. Sư trải đệm trong phòng chứa củi, ngồi xếp bằng. Những người trợ niệm tiễn đưa xin Sư để lại một bài kệ làm kỷ niệm, thầy Tu Vô nói một câu: “Năng thuyết bất năng hành, bất thị chân trí huệ” (Nói được làm không được, chẳng phải chân trí huệ). Nói xong bèn im lặng.

Niệm Phật chừng mười lăm phút, Sư bèn đi, ngồi mà vãng sanh. Suốt đời chỉ một câu Phật hiệu, cái gì cũng chẳng biết, thật là niệm đến Nhất Tâm Bất Loạn. Sư tuy không biết chữ, chẳng thể giảng kinh thuyết pháp, lâm chung biểu diễn một phen, không biết là độ được bao nhiêu chúng sanh nữa! Ngài hiện thân thuyết pháp, làm gương vậy.

Quý vị tu thiện pháp, chư Phật, Bồ Tát nhất định giúp quý vị viên mãn thành tựu. Hết thảy ác pháp chúng ta phải xa lìa, vì hết thảy chúng sanh chỉ dạy con đường lớn niệm Phật vãng sanh bất thoái thành Phật.

“Nếu các chúng sanh do vì các nghiệp ác tích tập, cảm lấy hết thảy quả khổ rất nặng, tôi đều chịu thay, khiến các chúng sanh đều được giải thoát, rốt ráo thành tựu Vô Thượng Bồ Đề”: Chúng sanh mê hoặc tạo nghiệp, cảm lấy quả báo luân hồi.

 “Hoặc nghiệp khổ” là mê hoặc tạo nghiệp chịu khổ. Khổ là chịu lấy quả báo. Tuy chịu khổ vẫn chẳng giác ngộ, vẫn cứ mê hoặc, nên nghiệp tạo ra càng nặng, đời sau càng khổ. Giống như nước xoáy, càng xoáy càng chìm xuống, chẳng thể trồi lên. Nếu một đời này chẳng thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, tiền đồ của chúng ta thật đáng lo ngại, ắt đời này chẳng biết đời sau ra sao, bởi lẽ chúng ta khởi tâm động niệm ác nhiều thiện ít.

Phải hiểu nỗi khổ của chúng sanh do đâu mà có, phải tìm ra căn nguyên; sau đấy mới phát tâm chịu khổ thế cho chúng sanh. Chịu bằng cách nào? Thả chiếc bè từ phổ độ chúng sanh. Chúng sanh nên dùng thân nào để đắc độ, Bồ Tát bèn thị hiện thân phận đó. Quý vị là con người, Ngài cũng mang thân người. Quý vị đọa trong đường súc sanh, Ngài cũng biến thành súc sanh. Đó là chịu khổ thế cho chúng sanh, mục tiêu là giúp chúng sanh khai ngộ. Nói tóm lại, khuyên người niệm Phật, khuyên người cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.

Ngã quỷ, súc sanh cũng có thể độ được. Trong nhà Phật có một cuốn sách nhỏ mang tựa đề Vật Do Như Thử (Loài vật còn như thế) thuật chuyện động vật niệm Phật vãng sanh. Lúc Đế Nhàn pháp sư làm trụ trì chùa Đầu Đà tại Ninh Ba, tỉnh Triết Giang, trong chùa có một con gà trống. Mỗi sáng lúc gà gáy, mọi người thức dậy tụng khóa sáng; gà trống cũng tham gia khóa lễ sáng tối. Lúc đại chúng niệm Phật, nó cũng kêu cục cục niệm theo. Giữa trưa đại chúng thọ trai, nó cũng đến, cơm rau vô ý rớt xuống đất, nó liền ăn sạch sẽ. Có một ngày tụng kinh khóa tối xong, đại chúng đều đi xuống hết, con gà chẳng đi, vẫn nhiễu Phật. Thầy Hương Đăng xua nó đi, nó mặc kệ thầy, nó đến giữa Phật đường lạy ba lạy: Gật đầu ba lần, đứng yên vãng sanh. Gà trống còn có thể vãng sanh, nếu chúng ta không khéo học sẽ chẳng bằng được nó đấy! Đế Nhàn pháp sư theo đúng lễ tiết dành cho người xuất gia chôn gà trống sau núi. Loài động vật này quá nửa phần đời trước là người xuất gia, đại khái lúc lâm chung do một niệm lầm lạc bèn đọa thân súc sanh.

Trong lục đạo, Phật, Bồ Tát thị hiện mọi thứ thân hóa độ chúng sanh, giúp cho hết thảy chúng sanh niệm Phật vãng sanh thành Phật, đó mới là rốt ráo viên mãn. Tu các pháp môn khác, trong một đời chưa thấy có ai có thể chứng quả, chẳng thấy có ai có thể vượt thoát luân hồi lục đạo. Trong cuốn Niệm Phật Luận, Đàm Hư lão hòa thượng viết: “Trong một đời, tôi gặp nhiều người đắc Thiền Định, nhưng chưa gặp được ai khai ngộ. Học Thiền nếu chẳng khai ngộ thì chẳng thể liễu sanh thoát tử, chẳng thể thoát tam giới. Đắc Thiền Định chỉ có thể sanh lên trời Tứ Thiền”. Chỉ riêng mình pháp môn Niệm Phật ổn thỏa, thích đáng, nhanh chóng, ai cũng có thể tu được, ai cũng có thể thành tựu. Trong hội Hoa Nghiêm, sau cùng Bồ Tát Phổ Hiền cũng đặc biệt đề xướng pháp môn Niệm Phật.

“Hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh phiền não tận, sự hồi hướng này của tôi chẳng có cùng tận”: Nguyện thứ mười được kết thúc cũng giống như những nguyện trước. Phát tâm nhất định phải dài lâu, tu hành phải “niệm niệm tiếp nối, chẳng có gián đoạn”. Chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, chẳng gián đoạn. Đại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta “tịnh niệm tiếp nối”, bốn chữ này là bí quyết niệm Phật. Tịnh là chẳng xen tạp, nếu xen tạp tâm bèn chẳng thanh tịnh. Tối đơn thuần, tối tinh thuần là một câu Phật hiệu. Hiện tại chúng ta phải niệm thêm một quyển kinh là vì tâm chẳng thanh tịnh. Nếu tâm thanh tịnh, tuyệt đối chẳng xen tạp, ngay cả kinh A Di Đà cũng không cần đến nữa. Trong tâm từ sáng đến tối, trong mười hai thời, trừ một câu Phật hiệu ra, không nghĩ đến gì khác, người đó công phu thành phiến, đạt đến Nhất Tâm, đó là chân chánh thực hiện công phu. Đứng mất, đi mất, biết trước lúc mất là công phu đạt đến cảnh giới ấy.

Chúng ta chẳng bằng được những người ấy là vì chúng ta có tạp niệm, Phật hiệu vừa niệm một phen đã gián đoạn. Lúc làm việc, buông xuôi Phật hiệu, hùng hục gắng sức làm việc, làm việc xong, buông bỏ công tác, lập tức đề khởi Phật hiệu, chẳng có một tạp niệm. Lúc niệm Phật trong tâm chớ nên lấn cấn còn nhiều chuyện mình chưa làm, lúc làm việc lại niệm Phật hiệu. Nếu vậy, Phật hiệu niệm cũng không tốt, việc làm cũng chẳng ra gì, đôi bề đều mất cả. Đến đây là giới thiệu xong mười nguyện. Phần sau, Phổ Hiền Bồ Tát lại có nhiều khai thị trọng yếu, cũng là đem những chỗ khẩn yếu trong mười nguyện đặc biệt chỉ dạy cho chúng ta.
Trích từ: Lược Giảng Giáo Nghĩa Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Lược Giảng, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành Tải Về
2 Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
3 Kinh Tứ Thập Nhị Chương Lược Giảng, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành Tải Về
4 Tứ Thập Nhị Chương Kinh Lược Giảng, Thượng Tọa Thích Vĩnh Hóa Tải Về
5 Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Lược Giảng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Đọc Tiếp
6 Kinh Bồ Tát Di Lặc Hỏi Đức Phật Về Bổn Nguyện, Thượng Tọa Thích Chánh Lạc Tải Về
7 Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Lược Giảng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về

Nguyện Thứ Nhất Lễ Kính Chư Phật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nguyện Thứ Hai Xưng Tán Như Lai
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nguyện Thứ Ba Rộng Tu Cúng Dường
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nguyện Thứ Tư Sám Hối Nghiệp Chướng
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nguyện Thứ Năm Tùy Hỷ Công Đức
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nguyện Thứ Sáu Thỉnh Chuyển Pháp Luân
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nguyện Thứ Bảy Thỉnh Phật Trụ Thế
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nguyện Thứ Tám Thường Tùy Phật Học
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nguyện Thứ Chín Hằng Thuận Chúng Sanh
Hòa Thượng Thích Tịnh Không