Home > Khai Thị Phật Học > Tuy-Hy
Tùy Hỷ
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Trong các đoàn thể, phiền não tập khí dễ nhìn thấy nhất là ‘đố kỵ’. Người nào chẳng có tâm đố kỵ? Ai nói ‘Tôi chẳng có tâm đố kỵ’ thì người đó chẳng phải là phàm phu. Hễ là phàm phu thì chắc chắn sẽ có tâm đố kỵ, cho dù là người xuất gia cũng chẳng ngoại lệ. Tùy, Ðường là thời đại hoàng kim của Phật giáo Trung Quốc, là thời đại Phật pháp vô cùng hưng thịnh, Lục Tổ Huệ Năng đã xuất hiện trong thời đại này. Sau khi được truyền trao y bát ở Hoàng Mai, bạn xem ai có thể nhịn được [không giành lại y bát]? Ðây là hiện tượng gì? Ðố kỵ!

Nếu chúng ta không thể hàng phục được tâm đố kỵ, tham, sân, si, mạn, chẳng những đạo nghiệp không thể thành tựu mà kết quả của việc này nhất định sẽ phá hoại đạo tràng. Cho dù ảnh hưởng không rõ ràng thì cũng gây chướng ngại cho sự phát triển của đạo tràng và gây chướng ngại cho sự thành tựu của đồng tham đạo hữu. Nói một cách khác thì là chướng ngại cho việc hoằng pháp lợi sanh. Mọi người đều biết tội này được gọi là ‘năm tội vô gián’ trong giới luật. Thế nên Phật, Bồ Tát dạy chúng ta tu ‘Tùy hỷ’. Tại sao không tu tùy hỷ? [Tại sao phải tu tùy hỷ?] Thay đổi tâm niệm ngược lại, nếu có thể tùy hỷ thì người ta có thành tựu bao lớn, thành tựu của mình cũng sẽ bằng họ, công đức của việc tùy hỷ chẳng thể nghĩ bàn.

Lúc thấy người khác làm việc tốt nếu chúng ta có thể sanh tâm hoan hỷ, có thể giúp họ, giúp họ thành tựu thì công đức của họ chính là công đức của mình, thế nên chúng ta phải biết tu tùy hỷ. Những gì mình không thể làm được nhưng họ làm được thì mình giúp họ; nếu giúp chẳng được thì mình tán thán, mình hoan hỷ, mình lo lắng cho họ, như vậy công đức sẽ bằng nhau vì tâm của mình được thanh tịnh, đây là việc mà chúng ta thường gọi là pháp hỷ sung mãn.

Ðây cũng là lý do tại sao chúng ta đổi khoá tụng buổi tối thành tụng kinh Vô Lượng Thọ, phẩm ba mươi hai đến phẩm ba mươi bảy. Chúng ta có thể mỗi ngày đọc những tập khí lỗi lầm nói trong đoạn kinh này một lần, đọc xong phản tỉnh, kiểm điểm xem mình có những tội lỗi này hay không? Nếu có thì phải sửa sai đổi mới, như vậy mới gọi là chân chánh tu hành.