Việc kiến lập đạo tràng pháp môn niệm Phật, nghi thức cúng dường, y phục và giày vớ sạch sẽ, cửa ra vào, phương tiện chánh tu, phép tắc tọa thiền, tụng niệm, sám hối, lễ bái v.v… có đủ trong nghi thức của đại sư Từ-Vân nên không chép ra đây.
Trước bảy ngày khởi sự tu tập phải chuẩn bị thân tâm định tỉnh, chí tâm sám hối cho nội chướng tiêu trừ. Nên bắt đầu vào ngày lục trai. Lại nữa trước ba hay bảy ngày khởi sự phải cẩn trọng dâng cúng hương hoa nước sạch, vì sẽ có chư Phật chư thiên giáng lâm nơi đạo tràng trang nghiêm này để tịch trừ ma sự, uế ác, các chướng ngại khiến hành nhơn tu pháp tam muội được thành tựu.
Khi vào đạo tràng phải tưởng đây là Tịnh-Độ, nơi giải thoát, bảo sở, chắc chắn được vãng sanh, không nên xem thường khinh thị. Lại phải phản quán đã thoát khỏi những nỗi khổ cùng cực ở thế gian vĩnh viễn không trở lại. Lại không nên đem những sự khó khăn không xả được hàng ngày còn chất chứa trong lòng, giữ trong ý làm trở ngại việc bái sám, để thắng hạnh không được tăng tấn luống mất công phu, khủng nạn tái hội. Trong nghi quỷ nói rằng: Dù một sát na cũng không được nhớ tưởng ngũ dục.
Hành giả không được quá mười vị, phải xét kỹ họ có thể tu tập không, thường ngày đã không có những hành động tàn bạo, tín căn phải thuần hậu, không thô tháo, âm thanh hòa nhã, đi đứng đoan trang, số người hạn chế phải cùng một ý chí vì sanh tử là điều cần yếu, không sanh lòng hối tiếc, một lòng khiêm hạ, mới cùng nhau tu tập. Nếu không được như vậy, chỉ cần ba bốn vị cũng tốt, hoặc một mình lại càng tốt. Nếu không tìm hiểu kỹ có thể dẫn đến hư hỏng qui tắc, rối loạn tịnh tu.
Trong chúng tu nên đề cử một vị có đức hạnh thâm hiểu nghi thức, hoặc riêng thỉnh một vị mô phạm đã tu lâu ngày làm chủ tọa đạo tràng, chủ lễ các thời hành sám để trong chúng nhận rõ nghi thức, nghe được những lời xưng tán làm đại y chỉ. Trong thời gian tu niệm nếu vị nào thấy điều thuận nghịch hay lầm lỗi xảy ra thì vị y chỉ sư hay trưởng chúng phân tích rõ ràng rồi dùng lời nhỏ nhẹ nhắc nhở khuyên răn.
Theo nghi thức lễ tụng, lúc lạy, quỳ, ngồi, đứng, chấp tay hay tuần nhiễu đều phải hết lòng cung kính nhứt nhứt phải đoan trang nhã trọng. Thâu thần lắng niệm nhiếp cảnh vào tâm, nếu chưa hiểu phải hỏi vị đã biết rõ, cẩn thận không nên cố sức làm cho thân tâm giao động hoặc mơ màng.
Chúng dự tu, đêm trước phải tắm rửa, súc miệng, thay y phục giày dép, khiến đạo tràng đúng như nghi thức. Vị chủ lễ dẫn khánh hướng dẫn vào đạo tràng, trừ hai vị nội hộ đứng ngoài, còn tất cả đồng vào đạo tràng. Tất cả đồng dâng hương như vị chủ lễ, lễ Phật ba lạy cầu Phật giáng hạ, lễ xong đứng vào vị trí đã định.
Vị chủ sám tiến lên tác bạch tán thán chư Phật, tán thủy:
Ngưỡng cầu Tam Bảo gia hộ chứng minh, hôm nay là ngày chánh tu của chúng đệ tử, không bị ma chướng, quyết sanh về Tịnh Độ.
Khi tác bạch xong đọc bài Tán thán quá khứ Chánh Pháp Minh Như Lai hiện tiền Quán-Thế-Âm Bồ-Tát (17), tụng chú Đại Bi bảy biến, Như Ý Bảo Luân Vương đà-la-ni bảy biến (18), Tỳ-Lô Quán Đảnh chơn ngôn bảy biến (19).
Trong lúc hướng dẫn tụng chú, vị chủ lễ dùng tay bưng chén nước đưa lên trước đức Phật như dâng trình rồi chuyển cho người bên phải, thứ đến cát, hương, hoa tất cả đều lần lượt làm như vậy ba lần cho đến khi tụng hết ba chơn ngôn. Rồi tiếp tụng chú Đại Bi để đi sái tịnh khắp nơi. Một vị đi trước bưng đèn dẫn đường, tiếp đến bưng nước sái tịnh, dĩa cát, lò hương cuối cùng là vị rải hoa, dự chúng tuần tự đi theo. Bắt đầu từ sau lưng bàn Phật hữu nhiễu (chiều kim đồng hồ) tại đạo tràng ba vòng vừa đi vừa rải nước, đong đưa lò hương, rải cát, rải hoa, tiếp đến đi ra ngoài đạo tràng và chung quanh trú xứ như: nơi tọa thiền, nhà bếp, phòng tắm, phòng thay y phục, phòng ngủ, sân và những đường cần đi qua tất cả đều đi một vòng rải nước, cát, hương hoa như trên gọi là phạm vi kiết giới.
Kinh nói rằng: Giới hạn như tường thành kim cương, nên theo ý này.
Rải cát là biến địa giới này thành tịnh địa, rải nước để trừ cấu uế thành phạm vi vòng rào, xông hương để hương thơm tỏa lên không trung thành tán cái là kiết hư không giới, rải hoa biểu thị phồn vinh kiết pháp giới đẹp sáng trang nghiêm. Những việc làm trên là do sức gia trì của Thánh Chủ Đại Bi mà thành tựu, nên thật hành đến đâu là đổi nơi đó thành bảo sở của Phật. Do nhơn duyên đó mà tà ma không thể xâm phạm, ngoại đạo không thể phá hoại và tam muội có thể thành tựu. Phạm vi giới tướng này không được phá hủy, nếu phá phạm vi này sẽ có những điều không tốt làm cho sự tu tập khó thành và có nhiều chướng duyên.
Thế nào gọi là giới tướng? Giới tướng có hai phần: nội giới và ngoại giới.
Nội giới là nơi đạo tràng tu sám và bốn chung quanh tường; ngoại giới là những phần phòng nhà ngoài đạo tràng, những nơi đi qua đã rải nước sái tịnh. Những vị dự tu trong đạo tràng nếu đi đến phạm vi kiết giới bên ngoài thì phải dừng lại, nếu ra ngoài phạm vi này là phá giới, người ở ngoài đi đến phạm vi kiết giới bên ngoài phải dừng lại nếu cứ đi đến nội giới là phá ranh giới. Người lo công việc hoặc dùng tay hay tà áo đến nội giới vén một phần bức màn hay rèm cửa cũng gọi là phá giới. Nếu có người xấu ác đưa một chút ngũ vị tân hay đồ nhơ bẩn vào phạm vi ngoại giới cũng gọi là phá giới. Phá giới sẽ có triệu chứng không tốt phải nên cẩn thận. Trong kinh nói: Nếu giới bị phá phải nên kiến lập lại đạo tràng, phải thật hành sám hối lại. Vậy phải xa lìa các duyên phá hoại sự kiết giới, hành nhơn có thể chẳng cẩn thận ư!
Hành giả nếu thân tâm không đủ sức thật hành trọn đủ sáu thời, có thể phát nguyện tu năm thời, bỏ thời giữa trưa. Nếu nguyện hành trì bốn thời thì bỏ thêm thời nửa đêm, nếu nguyện hành trì ba thời thì nghỉ thêm thời buổi chiều, nếu phát nguyện hai thời thì hành trì sáng và tối hai thời. Hành giả tùy ý phát nguyện, khi đã phát nguyện rồi thì không được sửa đổi, chỉ có thể tăng chứ không được giảm. Dù có bệnh hay có việc cần yếu cũng phải nhớ nghĩ chứ không được viện cớ sanh lười trễ, hoặc thêm hoặc bớt, hoặc buổi sáng lập nguyện buổi chiều phế bỏ làm cho chánh hạnh không thuần nhứt vậy.
Muốn tu tập pháp này trước phải hiểu rõ phương pháp niệm Phật và kinh chú sám nguyện về Tịnh-độ, tuân theo thứ tự, nhiều ít tùy ý, suy xét kỹ lưỡng đôi ba phen xem có thể thực hành được không, cũng như người bơi qua sông phải lượng sức mình và khoảng cách xa gần có thể vượt nỗi không, hành giả tu tập cũng như vậy, tự lượng sức mình siêng hay lười, pháp thọ trì nhiều hay ít, có thể kham thọ hay không, không nên nhứt thời hăng hái rồi dần dần bỏ dở, cũng không được miệng trì tụng tâm không chuyên chú, như người bắn tên chú mục vào mục tiêu mới trúng đích, pháp môn niệm Phật cũng lại như vậy. Nếu hằng thật hành, tâm trí thuần nhứt, nhứt tâm tức thành, ứng niệm được sanh, dạo chơi chốn Cực-Lạc, há dễ suy lường được sao!