Home > Khai Thị Niệm Phật > Tong-Phai
Tông Phái
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Phật giáo chia thành các tông phái là vì các học giả Trung Quốc thấy Phật pháp nhiều như biển cả, muốn cho dễ tu tập nên mỗi vị chọn lấy một đường hòng cầu chuyên tinh, chứ nào phải là tạo dựng môn hộ để chấp nhận điều này là đúng, chê điều kia là sai! Các tông lập danh dựa theo nơi chốn, tên người, hoặc pháp môn sai khác. Dưới đây tuy liệt kê danh mục mười tông, nhưng trên thực tế, có vài tông được rất ít người nghiên cứu.

1. Thành Thật Tông (còn gọi là Không Tông)

Pháp Sư Ha Lê Bạt Ma soạn luận Thành Thật rất giống với giáo nghĩa Ðại Thừa. Ðại khái là “thành lập ý nghĩa chân thực của kinh điển”. Vào thời đại Diêu Tần, khi bộ luận này được đại sư Cưu Ma La Thập dịch ra thì tông này mới được sáng lập.

2. Câu Xá Tông (còn gọi là Hữu Tông)

Chữ Câu xá (Kosa) được dịch là Tàng (chứa đựng) hoặc Kiển (kén tằm), ngụ ý “bao hàm”. Ở Ấn Ðộ, các bộ luận Tiểu Thừa rất nhiều, sau được kết tập thành Ðại Tỳ Bà Sa Luận. Bồ Tát Thế Thân dựa theo luận này chiết trung, soạn thành luận Câu Xá, dịch nghĩa là “giải thích phát trí” (cởi mở, đả thông vướng mắc khiến cho trí huệ phát sanh). Tông này được thành lập từ khi hai vị pháp sư Chân Ðế đời Trần và Huyền Trang đời Ðường dịch luận này ra tiếng Hán.

3. Thiền Tông (còn gọi là Tâm Tông)

Thiền là gọi tắt của chữ Thiền na (Dhyāna), dịch nghĩa là Tịnh Lự. Tông này do tổ sư Ðạt Ma vào đời Lương từ Tây Trúc qua Trung Hoa lập ra, chủ trương “chẳng lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”. Ðại khái là đã ngộ rồi mới khởi tu. Tuy nói là “chẳng lập văn tự” nhưng lại là tông có nhiều sách vở nghiên cứu về Bát Nhã nhất.

4. Luật Tông (còn gọi là Nam Sơn Tông)

Tông phái này dùng phương pháp y theo những cấm chế của Phật để tịnh trừ những ác nghiệp nơi thân, khẩu, ý. Sáng tổ là ngài luật sư Nam Sơn Ðạo Tuyên đời Ðường, lấy luật Tứ Phần làm kinh điển chủ yếu.

5. Thiên Thai Tông (còn gọi là Pháp Hoa Tông)

Ðời Tùy, Trí Giả đại sư ở núi Thiên Thai lấy kinh Pháp Hoa làm kinh điển căn bản, sáng lập ra tông này. Ngài phát minh diệu lý “nhất tâm tam quán”. Ðối với học thuyết phán giáo giải nghĩa, Ngài đã hệ thống hóa rất tinh xác. Các tông mỗi khi diễn giảng giáo nghĩa, đa phần dựa theo phương thức phán giáo của Ngài.

6. Hiền Thủ Tông (còn gọi là Hoa Nghiêm Tông)

Hòa Thượng Ðỗ Thuận đời Ðường lấy kinh Hoa Nghiêm làm kinh điển căn bản, sáng lập ra tông này. Ðến đời tổ thứ ba là Hiền Thủ đại sư lại gia công chỉnh lý khiến cho giáo nghĩa minh xác, tinh vi phi thường. Ngài phát minh giáo thuyết “nhất chân pháp giới”; đây chính là giáo nghĩa uyên áo nhất của tông này.

7. Từ Ân Tông (còn gọi là Pháp Tướng Tông, cận đại gọi là Duy Thức Tông)

Kinh điển chủ yếu để y cứ của tông này là các kinh Lăng Già, Giải Thâm Mật v.v... và Thành Duy Thức Luận, chủ trương “chuyển Thức thành Trí”. Ðời Ðường, do pháp sư Huyền Trang ở chùa Từ Ân phiên dịch, hoằng dương [luận Thành Duy Thức] nên tông này mới được thành lập.

8. Tam Luận Tông (còn gọi Tánh Tông)

Bồ Tát Long Thọ soạn ra Trung Luận và Thập Nhị Môn Luận, Ðề Bà Bồ Tát soạn Bách Luận. Ba bộ luận này đại khái thuyết minh “nghĩa lý chân thực trong Ðại Thừa và phá chấp, phá chướng”. Từ khi ngài Cưu Ma La Thập dịch các bộ luận này vào đời Diêu Tần, tông này mới được thành lập.

9. Mật Tông (còn gọi là Chân Ngôn Tông)

Mật có nghĩa là “bí áo” (kín đáo, sâu thẳm). Ý nói cảnh giới rất sâu của Phật, nếu chẳng phải là hàng Ðẳng Giác Bồ Tát thì chẳng thể hiểu rõ, đề ra phương pháp “tam mật tương ứng, tức thân thành Phật” (thân, khẩu, ý đều mật, thành Phật ngay trong thân này). Kinh điển căn bản là kinh Kim Cang Ðảnh, kinh Ðại Nhật v.v... Tông này do hai vị đại sư Kim Cang Trí và Bất Không lập ra vào đời Ðường; nhưng hiện tại được lưu hành ở Trung Quốc chính là Mật Giáo Tây Tạng và Mông Cổ, họ lại chia ra các phái Hồng, Hoàng, Bạch v.v...

10. Tịnh Ðộ Tông (còn gọi là Liên Tông)

Do đại sư Huệ Viễn đời Tấn sáng lập, lấy ba kinh Di Ðà, Vô Lượng Thọ và Quán Kinh làm kinh điển chủ yếu. Chủ trương “bốn pháp niệm Phật, đới nghiệp vãng sanh Cực Lạc”. Phương pháp của tông này là độ khắp ba căn, thâu trọn lợi độn. Vì thế, người tại gia tu tập càng thật tiện lợi.

Thứ tự của mười tông này là căn cứ theo cuốn Thích Giáo Tam Tự Kinh của lão nhân Lý Xuy Vạn đời Minh. Cuốn này từng được Ấn Quang đại sư trùng đính vào đời Thanh, sau lại được cư sĩ Dương Nhân Sơn san định, nhuận sắc. Thứ tự này có lẽ là có dụng ý. Dùng ý kiến thô thiển của mình để suy xét, tôi xin thử trình bày như sau:

1) Nếu căn cứ vào Thừa thì chia ra hai tông thuộc Tiểu Thừa, bảy tông Ðại Thừa. Luật Tông gồm cả Tiểu lẫn Ðại. Lẽ tự nhiên là nêu Tiểu trước rồi mới nêu Ðại, nên Thành Thật và Câu Xá được nêu trước, Luật Tông nêu trung gian, kế tiếp nêu tên các tông khác.

2) Nếu luận theo giáo nghĩa thì Thiền Tông là “truyền Phật tâm ấn”, là pháp tối cao, nên nêu tên trước tiên trong các tông Ðại Thừa. Tịnh Tông độ khắp ba căn, là pháp rộng nhất nên liệt kê sau cùng; giống như xe có hai bánh. Các tông khác được kể ở trung gian khác như thùng xe, gọng xe... Xe có công năng chuyên chở, bánh xe có sức mạnh vận chuyển.

3) Nếu luận về mặt hành trì thì Giới Luật là căn bản của các hạnh nên ngay sau khi biết Thiền, hiểu Tông thì trước hết phải lấy ngay Luật làm căn bản chánh. Học quý cầu hiểu, tánh tướng của hai tông Thiên Thai, Hiền Thủ đều là kim chỉ nam cho giáo lý nên phải được nêu ngay tiếp sau đó để người học hiểu rõ giáo tướng. Hiểu rồi thì quý ở chỗ thực hành nên Mật, Tịnh chính là các phương pháp chuyên tu trì được nêu sau rốt, khiến cho người học biết chỗ quy túc.

Trong mười tông, hai tông Luật và Tịnh đều mang đặc tánh phổ thông. Chẳng cần biết là tông nào, đều phải thọ trì giới luật, đều có thể kiêm tu niệm Phật. Bởi lẽ, không giới hạnh thì vạn đức chẳng lập, có niệm Phật thì sẽ thành tựu ổn thỏa nhất.

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
4.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
10.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
12.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
14.    Tử Thư Tây Tạng, Cư Sĩ Nguyên Phong, Việt Dịch
15.    Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập, Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch