Home > Khai Thị Niệm Phật > Khoe-Manh-La-Can-Ban-Cua-Viec-Tu-Dao
Khỏe Mạnh Là Căn Bản Của Việc Tu Đạo
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


a. Khỏe mạnh là căn bản của việc tu đạo

Bất luận là pháp thế gian hay xuất thế gian, nếu chẳng có thân thể cường tráng thì làm việc gì cũng không thể thành tựu. Ðời xưa bất luận là trong thiền đường, niệm Phật đường, đả thất là việc rất bình thường, hơn nữa là bảy ngày bảy đêm chẳng ngủ chẳng nghỉ. Cho nên hơn phân nửa là những người trẻ tuổi tham gia, họ có khả năng và thể lực làm việc này, bốn mươi mấy tuổi trở lên thì thể lực đã suy rồi, việc nghiên giáo (nghiên cứu giáo lý) cũng chẳng ngoại lệ. Cho nên thời kỳ thanh thiếu niên là [thời gian] để củng cố cội rễ của học thuật, sự nghiệp.

Tôi sanh vào thời chiến tranh loạn lạc, suốt cả đoạn đời niên thiếu tốt đẹp nhất tôi phải bôn ba, chạy nạn, cho nên cơ sở giáo dục chẳng được củng cố, dù cho ngày nay siêng năng nỗ lực tu học cũng chẳng có thành tựu bằng người đời xưa. Nếu thể chất kém một chút, thân thể suy yếu, nhiều bịnh thì càng khó khăn hơn. Cho dù có ý muốn học, vẫn cảm thấy tâm có dư nhưng sức chẳng đủ, đây là một chuyện vô cùng đáng tiếc. Thế nên trong đời sống thường ngày nhất định phải chú ý đến thân thể của mình.

Phương pháp thay đổi thể chất nhanh chóng và có hiệu quả nhất là tu tâm thanh tịnh, đoạn trừ hết thảy vọng tưởng, tạp niệm, sống cuộc đời đơn giản và có quy luật. Ðời sống đơn giản là đời sống khỏe mạnh. Thực sự có thể làm được thiểu dục tri túc, hết lòng hướng về đạo, hết lòng nghĩ đến chúng sanh khổ nạn, dốc toàn tâm toàn lực để giúp đỡ chúng sanh khổ nạn, đó là đại từ bi. Nhân quả đều có thể chuyển. Có thân tâm khỏe mạnh thì mới có thể phục vụ cho xã hội đại chúng, làm thêm một số việc tốt.

b. Nhân quả

Miền đông bắc Trung Quốc nước sông tràn ngập lênh láng, có rất nhiều người gần chết đói, hy vọng được cứu giúp. Chúng tôi gởi mười vạn bộ áo lạnh và lương thực cho họ, và giúp họ xây dựng lại trường học. Những thời gian chịu đựng khổ nạn này có thể cảnh giác mọi người đừng nên tạo ác nghiệp nữa. Họ tự mình phản tỉnh là do trước kia bắt cá, sát sanh quá nhiều, ngày nay nghĩ lại [mới thấy] cái được chẳng bù nổi cái mất. Có câu ‘Ở gần núi thì ăn [đồ ở] núi, ở gần sông thì ăn [đồ ở] sông’, ở ven biển hay sông thì làm nghề chài lưới sinh sống, đời sống được no ấm thì liền biết đủ, như vậy còn có thể tha thứ. Nếu tham hưởng thụ, hy vọng lợi dụng việc sát sanh để phát tài, vậy thì là tạo tội nghiệp, gia đạo làm sao có thể hưởng lâu dài được? Trong lịch sử và cuộc sống hiện thực, nếu chúng ta quan sát kỹ càng thì đích thực nhân quả báo ứng tơ hào chẳng sai.

Từ nghiệp sát này chúng ta liên tưởng đến người hiện nay tạo bốn thứ nghiệp: giết hại, trộm cắp, dâm dục, nói dối; trong Phật pháp đây là bốn giới trọng, bất luận là xuất gia, tại gia đều phải tuân thủ. Nhìn vào xã hội ngày nay những gì trong tâm mọi người suy nghĩ, lời nói, hành động đều là giết hại, trộm cắp, dâm dục, nói dối, rượu chè (sát, đạo, dâm, vọng, tửu), mỗi ngày đều tạo nên năm thứ tội nghiệp này, trên thực tế tức là tạo ra mười ác nghiệp, tai nạn trên thế gian làm sao tránh nổi?

Nếu muốn cứu mình thì phải hạ quyết tâm ngay tại chỗ này, giữ gìn cấm giới nghiêm túc, y giáo phụng hành. Có thể cứu mình thì mới có thể giúp đỡ người khác, phương pháp duy nhất giúp đỡ người khác cũng chỉ là khuyên nhủ. Những gì đời sống người xuất gia cần thì phải nhờ vào người tại gia cúng dường, cũng chẳng còn sức lực dư thừa để giúp người khác, duy chỉ có thể dùng thân mình làm gương, khuyên mọi người trong xã hội và những người có phước báo lớn nên phát tâm tu phước. Nếu tư tưởng và hành vi của chúng ta chẳng ngay thẳng thì làm sao khuyên người ta cho được, làm sao làm cho người khác tin tưởng? Thế nên phải bắt đầu từ mình mà làm, tâm và hạnh của mình chân chánh thì mới ảnh hưởng người khác được.

Ðặc biệt là khuyên những người phú quý, hy vọng họ giác ngộ, đây là duyên đời trước họ tu phước đời này mới hưởng phước, lúc hưởng phước phải tiếp tục tu nhân thì phú quý mới đời đời kiếp kiếp tiếp nối chẳng dứt; nếu trong đời này hưởng hết phú quý thì đời sau nhất định sẽ đọa lạc. Người bần cùng hưởng nhiều khổ nạn vì đời trước chẳng tạo thiện nhân, đời này chưa gặp được thiện duyên, vì vậy nên ngu muội vô tri, tạo tác rất nhiều ác nghiệp. Chúng ta cũng nên khuyên các người nghèo khổ phải giác ngộ, quay trở lại, đoạn ác tu thiện thì đời sau mới được phước báo. Ðược vậy thì người phú quý hay nghèo khổ gì cũng đều được độ. Chư Phật, Bồ Tát xuất hiện ở thế gian đều là vì công việc này, toàn tâm toàn lực giúp đỡ chúng sanh giác ngộ, đây là sự nghiệp của Phật, Bồ Tát. Chúng ta làm học trò, đệ tử của Phật, phải học tập và bắt chước tâm nguyện từ bi của Phật, Bồ Tát, phát huy mạnh mẽ sự nghiệp của Phật, Bồ Tát.

c. Mở rộng tâm lượng.

Trong thời đại ngày nay chúng ta phải mở rộng tâm lượng. Vì thông tin phát đạt, giao thông tiện lợi nhanh chóng, những gì phát sanh khắp nơi trên thế giới lập tức liền có thể biết được, thế nên phạm vi hoạt động của chúng ta bằng cả trái đất. Chúng ta phải quan tâm thương mến bất cứ địa khu nào trên trái đất, chẳng thể gò bó trong một phạm vi nhỏ hẹp, như vậy thì tâm lượng quá nhỏ. Ngoài trái đất này ra tâm lượng của chúng ta còn phải mở rộng đến khắp hư không pháp giới thì chúng ta mới có khả năng xuất ly. Nếu chẳng có tâm niệm này thì làm càng nhiều việc tốt cũng chỉ là phước báo nhân thiên. Có hiểu được lý này thì mới biết tận hư không khắp pháp giới hết thảy chúng sanh hữu tình đều là đồng bào của chúng ta, những đồng bào này có cùng chung một pháp tánh, đều là chân tâm bản tánh của mình biến hiện ra. Kinh Hoa Nghiêm nói: ‘tình và vô tình đều viên thành chủng trí’ . Chỉ có thành Phật mới thực sự nhìn thấy ‘tình và vô tình đều là đồng bào’. Sau khi hiểu rõ thì mới biết trong đời này mình nên làm như thế nào, làm sao nỗ lực mới có thể tương ứng với chư Phật, Như Lai thanh tịnh từ bi.