Home > Khai Thị Phật Học
Quan Niệm Của Phật Giáo Về Của Cải
Đại Sư Thích Ấn Thuận | Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch


Của cải không nên quá mong cầu, hoặc nếu bị mất đi thì cũng đừng quá buồn rầu, vì không sớm thì muộn nó cũng phải phân tán, cho nên cần ghi nhớ: Của cải (từ đâu) mà có, nếu có rồi thì cần phải (sử dụng) như thế nào, để một khi chúng mất đi cũng không trở thành vô nghĩa.

1. Lời tựa

Chúng ta vì có niềm tin nơi đức Phật nên mới học giáo pháp của Ngài, thì cần nương vào lời dạy của Ngài mà thực hành. Như vấn đề tài sản ở thế gian, Phật pháp chỉ cho chúng ta làm thế nào, cũng chính là điều mà mỗi người đệ tử đức Phật cần phải biết. Tài sản bao gồm động sản và bất động sản, của quốc gia và tư nhân; nhu cầu đáp ứng cho cuộc sống, như vàng, bạc, châu báu v.v..

Nhưng lời đầu tiên mà tôi muốn nói ở đây, những gì mà tôi nói, không phải là vấn đề kinh tế học, cũng không phải là bàn luận về thái độ của người xuất gia đối với vật chất, hoặc phương pháp xử lý chúng. Vấn đề mà tôi muốn nói ở đây chính là người tại gia, đối với vật chất phải làm sao để duy trì và giải quyết cho ổn thỏa.

Bắt đầu từ câu chuyện Công Đức Thiên cùng Hắc Nữ. Có một gia đình nọ có hoàn cảnh đặc biệt ngặt nghèo, cuộc sống gặp phải nhiều điều không như ý, như buôn bán không được thuận lợi, liền cầu thần Tài. Đi đến Ấn Độ kính bái Công Đức Thiên. Trong nghi thức cúng Thiên có nói: “Nam mô Đệ Nhất Oai Đức Thành Tựu Chúng Sự Đại Công Đức Thiên”, cầu Công Đức Thiên sẽ được ban cho của báu.

Câu chuyện từ đó mà lưu truyền: Có gia đình nọ làm ăn thất bại, liền cúng dường cầu Công Đức Thiên ban phước, sáng chiều đều rất thành tâm lễ bái. Kính cẩn như thế suốt hai năm liền, tự nhiên được sự linh ứng của Công Đức Thiên.

Một ngày nọ, nghe tiếng đẩy cửa rồi có một người bước vào, vừa nhìn thấy người nhà nhận ra ngay đúng là Công Đức Thiên. Người nghèo lập tức đứng dậy, vội vội vàng vàng vô cùng thành tâm và hoan hỉ kính cẩn đến nghinh tiếp. Công Đức Thiên là một vị nữ thần xinh đẹp, ngay lúc nữ thần vừa ngồi xuống, thì phía bên ngoài lại có tiếng đẩy cửa.

Người nghèo nhanh nhẹn chạy ra xem, người vừa đến là một cô gái đen đủi lại xấu xí. Người nghèo không muốn để cô gái xấu xí vào nhà, nhưng cô gái da đen ấy kiên quyết tiến vào, đồng thời nói: “Công Đức Thiên là chị của tôi, tôi là em gái của cô ấy, tên tôi là Hắc Nữ. Chị em chúng tôi từ trước đến nay chưa hề ngăn cách. Ngươi đón tiếp cô ấy một cách nồng hậu, dù không hoan nghênh tôi, nhưng tôi không thể không đến. Chị ấy đến là ban cho ngươi của cải, còn sự xuất hiện của tôi là làm cho của cải tiêu tan, ngươi gặp qua có ai cất chứa của cải mà không bị tiêu hao chưa?

Câu chuyện này đã giải thích rất rõ: Trên thế gian toàn bộ của cải có được đều vô thường. Thật gian nan mới kiếm được! Nhưng cuối cùng không thể không dùng đến, cho nên tiêu hao thật dễ dàng. Chúng ta là người học Phật pháp, đối với của cải không nên cưỡng cầu, nếu có bị mất đi thì cũng không vì thế mà quá đau buồn, bởi vì không sớm thì muộn chúng cũng phải không cánh mà bay. Trái lại, cần phải chú ý: của cải từ đâu mà có được? Được rồi thì phải nên sử dụng nó bằng cách nào cho phù hợp? Để nó tiêu hao một cách có nghĩa.

Rắn độc cùng với tư lương phước đức:

Của cải được xem là tốt hay xấu? Nêu thêm một câu chuyện để làm rõ hơn. Thuở đức Phật còn tại thế, mỗi ngày Ngài đều thực hành cuộc sống khất thực, thầy A nan là thị giả của đức Phật. Một ngày nọ, đức Phật và thầy A nan đang trên đường đi khất thực, đi được nửa đường, nhìn thấy bên lề đường có một mương nước, đức Phật liền quay lại, nói với thầy A nan:

Này A nan, đó là rắn độc!

Thầy A nan liền đi tới, vừa nhìn thấy vật dưới mương, cũng liền nói:

Vâng, đúng là rắn độc! thưa Thế Tôn !

Rồi hai Thầy trò liền tiếp tục đi.

Lúc đó, có hai cha con người nông phu đang cày ruộng, nghe nói có rắn độc, họ tò mò vội vàng chạy tới xem, như thể xem vật hiếm có, nhưng vừa nhìn thấy vật dưới mương, hai cha con vui sướng đến nỗi không thốt nên lời. Làm gì có rắn độc! Ở trong lòng đất, bên cạnh mương nước, có một hũ vàng. Hai cha con vui mừng tận trời xanh, mang hũ vàng về nhà.

Được vàng rồi bây làm gì đây? Chọn một thẻ vàng rồi mang đến hàng mua bán kim cương đá quý để bán. Chủ tiệm thấy hai cha con họ rất nghèo, liền sinh tâm nghi ngờ, âm thầm đi đến quan phủ báo cáo. Chỉ trong chớp mắt, cả cha lẫn con đều bị còng đi. Quan phủ lại còn đến nhà họ lục soát, tịch thu hũ vàng mang đi. Chất vấn thật kỹ lưỡng, sau đó kết họ phạm vào tội ăn cắp tài sản của quốc vương.

Lúc bấy giờ, quốc vương chính là vua A Tư Nặc, theo quy ước của pháp luật: Vật quý ở trong đất tức là thuộc của quốc vương, nên hai cha con bị kết án tử hình. Ngay nơi xét xử, người cha đột nhiên nhớ lại, liền quay sang đứa con và nói rằng:

Ngài A nan ơi! Thật đúng là rắn độc!

Người con cũng nhớ lại, thật không sai, ngay lúc này vàng bạc chính là rắn độc, hại đến mất tánh mạng, liền quay sang cha mình và nói:

Vâng, chính là rắn độc! Thế Tôn ơi!

Quan xét xử chính là Phật tử, nghe cuộc đối thoại của hai cha con, sinh tâm hiếu kỳ, mang câu chuyện này tâu lên vua Ba Tư Nặc. Vua nghe xong, liền hạ lệnh cho hai cha con hồi triều và điều tra. Hai câu nói: “Ngài A nan ơi! Thật đúng là rắn độc!” và “Vâng, chính là rắn độc! Thế Tôn ơi!” được xuất phát từ đâu? Hai cha con tường thuật lại sự việc nhặt được hũ vàng ngoài đồng cho quốc vương nghe. Vua biết ngay câu nói đó chính là của đức Phật và thầy A nan, nên nói nói với họ rằng:

Đây là lời khai thị của Đức Phật, bây giờ các ngươi đã tin lời dạy của đức Thế Tôn chưa?

Họ liền thưa:

Đúng là rắn độc, hại chúng tôi đến mất mạng, làm sao mà không tin được!

Vua Ba tư nặc biết họ đã thấm nhuần lời dạy của đức Phật, liền thả cho hai cha con được tự do trở về.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy, tiền vàng là ngàn vạn lần ác, khiến con người đọa lạc, hoặc phạm tội ác đến mất mạng. Có biết bao người trên thế gian phải chịu khổ đau, mà không phải vì tiền? Trên phương diện khác, nên dùng tài sản hộ trì vào việc lớn có lợi ích. Phật Pháp muốn chúng ta tu phước tu huệ, mang của cải ra bố thí làm từ thiện, phước đức này chính là tư lương để sớm đắc Phật quả.

Thế nào gọi là tư lương? Cũng như khi đi du lịch, không thể không chuẩn bị phương tiện, hành lý như: Lương thực, thuyền, xe, v.v. Nếu như chúng ta phát tâm học Phật pháp, mà không có tư lương thì không thể nào thành tựu được. Nếu như lấy của cải bố thí làm phước, chính là tu tập phước đức, vì muốn thành Phật nên chuẩn bị tư lương. Cho nên, sử dụng tài sản như thế nào để có ý nghĩa nhất? Phật Pháp không có ý ghét bỏ của cải, hay xem nó như thấy rắn độc. Của cải chính là rắn độc, đồng thời cũng là tư lương, vấn đề ở chỗ chúng ta làm thế nào để giải quyết nó!

2. Của cải do phước bố thí mà có

Của cải được sung túc là nhờ vào thiện nghiệp, thành tựu phước mà có chứ không phải do thần ban cho: Nói đến của cải tài sản, tất cả đều do phước bố thí mà có, nhân là do bố thí, nên nhận được quả giàu sang. Chúng ta có được của cải, dù chỉ nhỏ như hạt gạo, hay lớn đến như vũ trụ, tất cả đều nương vào phước nghiệp mà có, không phải do thần linh ban cho.

Người tin theo thần giáo: Họ cho rằng tất cả tài vật mà họ đang được hưởng thụ, chính là do thần tạo ra, đến những thức ăn uống hằng ngày có được cũng là do thần ban cho, nên cảm ơn ân huệ của thần. Đây vốn là: “Nương vào trời mà có cơm ăn” đó là cách suy nghĩ của trẻ con! Đức Phật dạy: “Nương vào tự thân vun bồi phước đức mà có được”. Kiếp trước chúng ta gieo nhiều phước thiện, nên kiếp này chúng ta thọ nhận sự giàu sang. Ngược lại, nếu kiếp trước gieo trồng phước thiện quá ít ỏi, thì kiếp này sẽ túng thiếu đến nỗi không đủ nuôi thân. Cho nên, phước nghiệp thời quá khứ quyết định đến của cải và sự hưởng thọ của chúng ta ngay nơi hiện tại.

“Tất cả đều do thần ban cho”, lý luận này chắc chắn không thể làm cho con người đồng ý. Ví dụ như những em bé vừa mới chào đời, chúng nó đầu thai vào những gia đình như thế nào đó, tại sao có sự khác biệt về giàu nghèo rất lớn? Điều này không thể cho rằng là do độ tín ngưỡng thần linh của chúng không đủ. Nếu như so độ tín ngưỡng ít nhiều thì thần quá cố chấp, không bình đẳng.

Lại nữa, có nhiều người đối với thần linh luôn kính cẩn thành tâm, nhưng sao cuộc sống cứ mãi nghèo khổ, vấn đề này làm sao giải thích đây? Là đệ tử của ức Phật, chúng ta không thể nào tin rằng của cải là thần ban cho, mà phải khẳng định rằng tất cả đều dựa vào chính bản thân chúng ta, chính nghiệp lực quyết định cuộc sống của chúng ta.

Từ các duyên mà hình thành, không có một định mệnh nhất định: Của cải là do phước bố thí mà có được, mặc dù đây là định luật, nhưng thật ra, bên trong vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.

2.1. Của cải có được là do nhân của quá khứ, nhưng cũng có duyên của hiện tại

Nếu như kiếp trước có tích lũy phước báo, hiện tại hưởng được phước báo, nói như vậy, không phải bây giờ chúng ta có thể thong dong hưởng thọ phước nghiệp rồi sao? Luận định mệnh không thể bỏ công lao mà không có thu hoạch, là không đúng. Chúng ta nên biết, nhờ có nhân bố thí, nên hiện tiền được phước báo, nhưng nói cho cùng, cũng phải cần đến duyên hỗ trợ của hiện tại.

Có câu chuyện tiếu lâm, có thể làm vấn đề càng sáng tỏ: Có đứa trẻ mới chào đời, cha mẹ nó mời người tới xem tướng.

Thầy tướng xem xong, khẳng định đứa bé này mạng tốt, đại phước đại thọ. Vì thế, khi đứa trẻ lớn lên hết sức kiêu ngạo, lười biếng, không buồn làm việc, ăn không ngồi rồi. Vợ của anh ta gặp phải một người chồng như vậy thì chỉ biết than ngắn thở dài. Một hôm nọ, vợ anh chuẩn bị về quê vài ngày, nghĩ đến người chồng biếng nhác của mình không có ai hầu hạ, không chịu nấu nướng, không có người dọn sẵn thức ăn ra, có thể anh ta sẽ bị chết đói. Vì thế, cô chuẩn bị cho anh ta chiếc bánh gạo thật lớn, có thể làm lương thực trong nửa tháng. Giữa chiếc bánh có chừa một lỗ trống móc trên cổ anh ta, tuy ăn mãi một món sẽ chán, nhưng cô hi vọng rằng, lúc đói anh ta sẽ cảm thấy ngon miệng. Cô đi gần mười ngày, rồi vội vã thu xếp để trở về nhà, vừa về đến cửa nhà, thấy người chồng của mình đã chết thẳng cẳng rồi. Thì ra, người này vì lười biếng mà chết, xem chiếc bánh gạo, thì thấy anh ta chỉ mới ăn đến đến chỗ hổng, biếng nhác đến nỗi không thèm đưa tay ra đẩy chiếc bánh qua, để có thể ăn tiếp. Đây tuy là chuyện cười, nhưng cũng chứng minh cho chúng ta biết rằng chỉ tin và dựa vào phước báo sinh tiền sẽ không thể thành tựu.

Phước nghiệp của kiếp trước có thể tự nhiên chiêu cảm đến quả báo, không cần tốn công sức, ví như có những đứa trẻ vừa được sinh ra đã ở trong gia đình giàu sang phú quý. Thế nhưng, chúng ta cũng nên biết rằng, ngoài phước nghiệp của đời trước, hiện tại chúng ta vẫn rất cần nương vào sự nỗ lực của bản thân gọi là “duyên hiện đời”, hễ chịu bỏ một phần công sức, thì sẽ thu được một phần lợi ích.

Như người nông dân trồng lúa, gieo hạt giống xuống rồi (ví như hạnh bố thí của đời trước), thì cũng cần phải siêng năng tưới nước, bón phân, nhổ cỏ (ví như hiện đời sinh ra công sức), có như thế mới thu hoạch được nhiều lúa. Nếu không như thế, cứ ăn không ngồi rồi mà muốn thu hoạch thì không thể nào cầm chắc được. Có thể trong ruộng đã có sẵn ít phân, lượng nước mưa đủ dùng, tuy không vất vả làm lụng, cuối mùa vẫn có cái để thu hoạch nhưng sản phẩm cũng không cao (ví như phước nghiệp đời trước tự nhiên chiêu cảm được quả báo đời này).

Chúng ta gieo phước điền mà đạt được phước báo cũng giống như thế, không thể nào chỉ dựa vào phước nghiệp đời trước, mà cần phải dựa vào công lao ở hiện tại. Ví như chuyên ỷ vào túc nghiệp, cho rằng định mệnh có sẵn, thì chẳng khác nào người lười biếng, kết quả thật hết sức thảm thương! Phật pháp không bàn đến lý định mệnh, mong rằng mọi người chú ý điểm này!

2.2. Được quả phước hoặc tạo nhân ác

Có liên quan đến phước báo, tôi muốn nói vài câu, mọi người không nên kinh hoảng! Của cải tài sản là do phước nghiệp bố thí mà có được, như vậy hiện tại chúng ta vất vả kinh doanh hoặc làm chính trị, hoặc lao động mà có được, như vậy là do phước nghiệp mà có sao? Đúng vậy! Cướp giật, tham ô lường gạt mà chiếm được tài vật, đó cũng nhờ vào phước báo mà có sao? Đúng vậy!

Đây quả là quá nguy hiểm! được tài sản là nhờ có phước báo, như thế chẳng khác nào khuyến khích làm ác sao? Không phải vậy, theo nhãn quan Phật giáo, những trường hợp kiếm được tài sản một cách phi pháp, nói theo nhân của quá khứ thì nhờ phước nghiệp mà có; nhưng nói theo duyên hiện tại thì phương pháp có được của cải, lại gieo xuống cái nhân không tốt cho đời sau! Sử dụng thủ đoạn bất hợp pháp để chiếm đoạt tài sản, thậm chí phần phước có được không thể hưởng thụ, mà trái lại phải nhận tội ác là quả báo khổ.

Hành thiện có quả thiện, bố thí tất nhiên có phước báo, nhưng cần phải dựa vào nhân quả chánh nghiệp hợp pháp mà thực hiện. Ví như trồng lúa, sau khi gieo hạt giống rồi, sau đó chúng ta phải mất rất nhiều công lao, tưới nước, bón phân, nhổ cỏ..., hạt mầm mới từ từ lớn lên, ra hoa kết trái, sau đó, chúng ta mới được thu hoạch.

Truyền thuyết kể rằng: Có một nông phu ngu si, sau khi gieo hạt giống, mỗi ngày anh ta đều ra ruộng cầu mong, nhưng mỗi lần đều vô cùng thất vọng trở về, vì mầm phát triển quá chậm. Một hôm nọ, anh ta ra ruộng, nhổ tất cả những cây mạ lên, rồi trồng phía trên mặt bùn, cho nó cao lên hơn một chút, anh ta cảm thấy thỏa mãn rồi về nhà. Đến hôm sau, anh ta ra ruộng xem, tất cả cây mạ đều bị chết khô. Người nông phu ngu xuẩn không muốn để cho những cây mạ phát triển bình thường, nên đã dùng phương pháp không hợp lý, vội vàng muốn cho mạ nhanh lớn, rốt cuộc lại làm cho chúng chết khô.

Cây mạ sống được là nhờ bám sâu vào đất bùn, nếu không có bùn, thân mạ nằm ở trên mặt nước, thì không thể tự nhiên mà lớn được. Phước báo cũng như vậy, thí như chúng ta không có phước nghiệp của đời trước, đời này lại dùng phương pháp không đúng cách thì cũng không thể có được. Nhưng dù có được phước nghiệp từ đời trước, mà không biết dùng phương pháp đúng đắn để hưởng thụ của cải do phước báo quá khứ của mình mang lại, thì quả báo ác cũng liền ở ngay trước mắt.

Tài sản chúng ta đạt được đều do phước nghiệp mà có, đây là đạo lý triệt để. Nhưng nếu đã nhờ phước nghiệp thì cũng vẫn cần dùng đúng theo phép tắc. Nếu dùng thủ đoạn phi pháp để chiếm đoạt tài sản, thì đây là trồng nhân ác, vô tình đánh mất phước nghiệp của mình sẵn có. Thế nên, đức Phật có dạy: “Như pháp cầu tài, không dùng phi pháp”.

3. Như pháp cầu tài, không dùng phi pháp

Vì sao gọi là như Pháp? (y pháp, hợp pháp), vì sao gọi là phi pháp? Thông thường con người dùng công lao chức nghiệp để đổi lấy tài vật, phương tiện này là hợp pháp, kỳ thật đây là điều tất nhiên thôi. Lấy từ chức nghiệp phi pháp để có được tài sản, là đã gieo cho mình cái nhân khổ, đây cũng có hai loại:

3.1.Trái với luật pháp của quốc gia

Ví như chức nghiệp, không vi phạm đến quy định của quốc gia, hoặc cư trú không trái lệnh của quốc gia, gọi là chánh nghiệp. Nếu pháp luật của quốc gia không cho phép như: tự do kinh doanh, ký kết hợp tác kinh doanh với nước ngoài, không cho gieo trồng (như cây thuốc phiện) hoặc đưa ra buôn bán, thì không được làm. Pháp lệnh của quốc gia, bất luận dân trong nước hay việt kiều, tất cả đều tuân thủ. Tuy pháp lệnh của quốc gia, nhưng chưa hẳn tất cả đều đúng. Nếu không đồng ý với pháp lệnh quốc gia, cho rằng không hợp lý, thì nên dùng biện pháp đúng đắn nhất mà bổ sung, yêu cầu được thay đổi, không thể phô bày phần tốt mà che đậy phần xấu, đó là xúc phạm lệnh cấm.

3.2. Không đúng với Phật pháp

Có một số chức nghiệp, không nhất định là quốc gia ngăn cấm, nhưng theo phương diện Phật pháp thì nghề nghiệp đó không đúng pháp, như: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu..., là chức nghiệp giải quyết cuộc sống. Như đồ tể, đánh cá, hoặc giết người thuê, hoặc chế tạo vũ khí để giết người.v.v., cũng là cùng với nghề nghiệp sát hại có quan hệ phi pháp. Lại như chuyên là người ăn trộm, cướp giật; hoặc mở nơi mua bán mại dâm, bán thuốc kích dục, hoặc lường gạt, nói dối là người làm chức vụ để gạt người; hoặc làm rượu, mở tiệm buôn bán rượu, tức là cùng với trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu đều có quan hệ với nhau.

Nếu là người đệ tử Phật có lương tâm, thì tuyệt đối không làm những điều này.

Điểm này, bất luận chúng tại gia hay xuất gia, tất cả đều cần hỗ tương khuyến khích lẫn nhau, không những tự mình không làm, mà cần phải khuyến giáo những người bạn đồng tu, cùng nhau tránh xa, không để vi phạm. Chúng ta là tín đồ của Phật giáo, đối với vấn đề nghề nghiệp, có thể không chú ý lắm.

Có người không biết, nhưng cũng có người có thể biết rất rõ nghề nghiệp của mình không đúng với Phật pháp, nhưng vì nối tiếp sự nghiệp truyền thống của tổ tiên, hoặc là công việc làm ăn không dể thay đổi, nên đành phải tiếp tục.

Kỳ thật, người có tín tâm chân thật, thật sự hiểu rõ và tin sâu vào nhân quả thiện ác, thì nên mạnh dạn cải cách, không sợ hi sinh, chấp nhận vất vả để thay đổi! Tin Phật là dựa vào pháp Phật mà thực hành, mong sao những đệ tử của đức Phật, đặc biệt xem trọng điểm này.

Có khi, cũng xuất phát từ công việc chính trực, nhưng trong công việc, hoặc cùng bạn bè qua lại mà làm việc không đúng để có được tài sản, theo nghĩa rộng mà nói, tất cả những điều này đều giống như ăn cắp vậy. Bởi vì không phải phần của mình mà mình làm sở hữu; nên đưa cho người khác, nhưng hiện tại lại không muốn. Tài vật này không muốn mà đến, nhất định là thuộc phi pháp. Trong đó cũng có một phần tính chất nữa, bất cứ ai cũng đều có thể là vi phạm. Vấn đề này rất phức tạp, ví dụ cũng rất nhiều, hiện tại đề cử một vài điểm trong kinh điển mà thôi.

Thứ nhất, trộm đồ của người: Đây không phải dùng trộm cắp làm nghề nghiệp, mà là ngẫu nhiên, thấy vật của người khác, khởi tâm tham, tính kế hoạch ăn trộm, hoặc thuận tay lấy vật của họ làm vật của mình. Lại ví như người khác thất lạc đồ, lượm được nên trả về cho chủ của nó, không những phật Pháp nói như vậy, mà hiện tại pháp luật của quốc gia cũng nói thế. Khi lượm được đồ người khác đánh rơi, mà cất giấu nó thì coi như là mình ăn trộm. Còn nữa, đối với quốc gia, người dân phải có nghĩa vụ nộp thuế, nhưng chúng ta lại cố ý không nộp, ví như doanh nghiệp đều có thuế, thuế địa chính v.v., hoặc trốn lậu thuế, buôn lậu, thâu vào cao nhưng nộp thuế thấp... đây đều làm giảm đi thu nhập của quốc gia, tài sản cá nhân ngày càng giàu có, đều thuộc về phi pháp mà có được tài sản.

Thứ hai, phủ nhận nợ nần: Mượn tiền đương nhiên phải trả, như cố ý phủ nhận không trả thì đây gọi là phạm pháp. Chẳng qua, có người không may sự nghiệp thất bại, bị phá sản. Căn cứ theo luật nhân quả mà nói, kiếp sau tái sinh lại nhất định phải trả. Nhưng sự nghiệp họ thất bại, không đủ tiền để trả, thì không thể nói là phạm pháp. Nhưng có người thực sự là có khả năng trả nợ, mà lại nói dối là làm ăn thất bại, không muốn thanh toán món nợ ấy, đây là phi pháp rồi! Mà còn cố ý làm cho công việc mua bán bị tồn đọng hàng hóa, tồn khoản, mà tự bản thân thì thâu vào cho đến càng ngày càng giàu có, đây không những pháp luật của quốc gia không cho phép, trong Phật pháp cũng là bất thiện chồng chất bất thiện!

Thứ ba, chiếm đoạt không trả lại: Có người vì nguyên nhân bất thường nào đó nên phải đem vật dụng, của cải, vàng bạc, gởi nhờ vào người khác, nhưng trải qua thời gian lâu dài, người giữ dùm kia lại phủ nhận, nói là của họ tự có. Hoặc có người lấy tiền bạc và những của cải khác quan trọng, ủy thác cho người tin tưởng, gởi đến người bạn tốt, nhưng người được ủy thác này lại lần lữa, không chuyển đi, đợi đến khi người kia chết, không có ai làm chứng thì giữ làm của mình, hành động như vậy là ăn trộm, tất cả đều thuộc hàng phi pháp.

Thứ tư, lừa đảo hùn vốn: Nhiều người cùng đầu tư vốn, thành lập công ty; tài sản của công ty, cổ phần là tài sản chung. Như có một cổ phần nào đó lại tìm cách lừa bịp, xảo trá, ngụy cáo trang mục, chỉ biết lợi mình, lấy lợi nhuận chung bỏ túi, làm giàu riêng cho mình. Hoặc anh em có tài sản chung, nhưng lúc chưa phân chia, có người đã lấy cắp trước rồi, lấy công làm tư, tất cả những việc này đều là hành động lừa dối gian lận, đều là tài sản phi pháp.

Còn một vài thủ đoạn phi pháp khác, những người bình thường không thể phạm được, mà chỉ có những người có địa vị mới phạm, sẵn đây nêu lên vài trường hợp.

(a) Nhân tiện xâm chiếm: Hoặc những người làm việc tại cơ quan phục vụ chính phủ, phục vụ công thương hạng mục, phục vụ hội đoàn nhà trường, lợi dụng địa vị, tham nhũng, chiếm đoạt của công, vì tham vật chất mà làm hại đến sự nghiệp phục vụ. Tình trạng này thực sự rất nhiều, nhiều đến nỗi khiến người ta không còn cảm thấy nghiêm trọng. Trong mua sắm thì nhận tiền hoa hồng; khai khống phiếu mua hay trả trừ phí; hạ giá bán, cao giá mua, trong đó cũng đã có một phần lợi nhuận thuộc về mình. Tóm lại, con người vì lợi ích cá nhân mà khiến cho việc phục vụ kém, thu nhập chung bị thấp đi, tất cả đều thuộc xâm chiếm phi pháp.

(b) Sổ sách cẩu thả: Một số người dụng quyền cao chức trọng, sử dụng nhiều cách thức để kiếm tiền một cách phi pháp!

Ví như có người đến cơ quan nào đó để làm thủ tục, những người có chức vụ ở đó không làm giúp, hoặc đưa ra nhiều vấn đề gây khó khăn, hành hạ người ta phải tới lui năm lần bảy lượt, phải chờ nhiều ngày sau mới xong. Đợi lúc bạn gấp rút, hay sự việc không thể trì hoãn quá lâu, chỉ còn cách đút lót hối lộ họ, hoặc mua quà cáp đến tặng. Tài vật đến tay rồi thì mọi việc được giải quyết một cách rất đơn giản, công việc thay đổi rất nhanh, hiệu suất lại cao, đây là một trong những ví dụ điển hình. Có khi đến kiểm tra nhà người dân hay đến tiệm buôn bán, người ta phạm những việc nhỏ cũng tìm cách hăm dọa ngăn cấm, ví như buôn bán mà không khai hóa đơn, hay không đóng dấu của tiệm, họ liền cho rằng vấn đề này là rất nghiêm trọng, dùng đủ mọi biện pháp để uy hiếp. Kỳ thực, là chưa chắc đã trung thực chấp hành pháp luật, mà chỉ cần dùng nhân tình của con người để giải quyết là được rồi, đây là một trong những phương pháp uy hiếp. Hoặc họ đến cửa tiệm nổi tiếng, đến những người giàu sang, cố ý gây khó khăn, thậm chí lên kế hoạch hãm hại, kiếm cớ tự dựng tội lên, bắt buộc phải đóng phạt. Bạn vì sợ sự việc rườm rà rắc rối, nên chỉ biết còn cách dùng tiền để giải quyết vấn đề với họ, đây cũng là thuộc hạng giả dối, vu hại để được tài sản trái pháp luật; hoặc dung túng người thân thâu nhận đút lót..., đúng là có quá nhiều phức tạp. Đây cũng là bệnh truyền nhiễm của xã hội, là tội ác. Chúng đệ tử của đức Phật, nên giữ gìn giới pháp, không nên tham đắm vào những tài sản phi pháp ấy thì mới đúng.

(c) Kinh doanh phi pháp: Sản xuất tư bản, từ công thương nghiệp thu hoạch lợi nhuận hợp pháp, vốn là chính đáng, nhưng bên trong cũng có nhiều phi pháp. Tôi không phải là người trong cuộc, đương nhiên sẽ nói không được chi tiết. Nói cho cùng, hàng giả mạo, giá cả không thật, đong đo không đủ, thu riêng phần lợi nhuận,… bên ngoài đều làm như vậy. Lấy hàng giả bán giá hàng thật, hàng bình thường lừa người bán giá hàng cao cấp; giả mạo nói hàng hiệu chính thống, lừa gạt khách hàng để gom lợi. Đến nỗi không còn quan tâm đến việc làm giàu cho đất nước hay công việc làm ăn của người dân trong nước, thu mua dự trữ, thừa cơ lên giá..., không những trong Phật pháp không cho phép, đến cả chính phủ cũng ngăn cấm. Sự nghiệp kinh doanh nên chọn biện pháp hợp pháp mà làm, thu nhận lợi nhuận cần hợp pháp. Bởi vì lòng người không lương thiện, tạo nên bệnh trạng cho xã hội, nhận tiền phi pháp là tệ nạn, nhân quả tất sẽ có báo ứng. Đại chúng nên nhắc nhau cảnh giác, cầu tài đúng pháp, không nên lợi mình hại người.

Bây giờ, chúng tôi xin kể một câu chuyện, nói rõ việc nhất định không thể làm giàu một cách phi pháp. Thầy Mục Kiền Liên là đệ tử của Đức Phật, lúc còn tại gia có địa vị rất cao, có nhiều bạn bè, có quyền thế, trong số bạn bè của ngài có một vị là Phạm Chí Đà Nhiên. Sau khi thầy Mục kiền liên xuất gia, thường đi hoằng pháp ở bên ngoài. Một hôm nọ, ngài về đến nơi quê hương của mình Phạm chí Đà Nhiên đương nhiên là một trong những người được thầy quan tâm đến. Có người kể cho thầy nghe rằng: “ Đà Nhiên dựa vào địa vị, quyền lực của mình, làm nhiều việc phi pháp để kiếm tiền. Ông ta cấu kết với người dân để phản động chính phủ, đồng thời lại cấu kết chính phủ để nhiễu loạn bá tánh”. Thầy Mục kiền liên nghe như vậy, trong lòng có phần buồn người bạn cũ.

Một hôm, Thầy Mục kiền liên gặp được Đà Nhiên, liền nhớ lại những hành vi bất hợp pháp của ông ta. Ngài đứng ở cương vị là bạn thân ngày xưa, hỏi thăm vị ấy tại sao làm như vậy. Đà Nhiên tâm sự:

Tôi bất đắc dĩ phải làm như thế, vì phải phụng dưỡng cha mẹ, nuôi con cái, và còn lo tu phước tích đức, cúng tế thiên thần và tổ tiên... nếu không có tiền thì làm sao đây?

Ngài Mục kiền liên nói với người bạn rằng:

Cho dù phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dưỡng con cái, tu phước tế tổ, thì cũng không nên nhận tiền phi pháp.

Ngài Mục Kiền Liên biết vị này là một tay lừa đảo, cho nên, ngài hỏi rất cặn kẽ:

Thật sự là vì những lý do đó sao?

Đà Nhiên và thầy Mục kiền liên kiếp trước có duyên với nhau, nên ông ta liền thật lòng chia sẻ. Nguyên nhân là vì người vợ của ông ăn mặc phải hợp thời trang, mọi vật dụng đều rất kén chọn, mỗi ngày phải tiêu rất nhiều tiền, nếu không có tiền, thì bà ta liền tìm cớ gây gỗ ồn ào, phá vỡ hạnh phúc gia đình. Đà Nhiên vì chuyện này, cho nên mới kiếm tiền một cách không chính đáng. Ngài Mục kiền liên liền nặng lời quở trách ông ấy, vì làm nô lệ cho vợ nên tạo ác mà không nghĩ đến quả báo ác phải gánh chịu trong tương lai. Ngài hết lòng khuyên can bạn, phải làm như thế nào để kiếp sau còn có cơ hội được làm người.

Câu chuyện này khai thị cho chúng ta: Dùng cách phi pháp để có tiền tài, thì bất luận là dùng tâm tốt để làm công việc gì, cũng đều đang tạo ác. Đối với điểm này, Phật pháp không bao giờ thỏa hiệp. Vì muốn đáp ứng cho nhu cầu xa hoa của vợ mà tự mình cam lòng chuốt lấy hậu quả, như thế thì không còn gì để nói. Chúng ta không thể không dựa vào của cải để sinh sống, nhưng của cải kiếm được cần trong sạch đúng pháp. Chỉ cần chúng ta không cẩn thận sơ ý một chút thì liền gieo nhân ác, quả báo khổ tự mình phải mang!

4. Xử lý của cải

Tránh xa việc phi pháp, y theo pháp để truy cầu của cải, nhưng đã có của cải thì làm thế nào để xử lý? Việc này sơ lược có hai nguyên tắc:

Thứ nhất: Tiết kiệm hay chi tiêu cần phải đúng mức: Không nên keo kiệt, bị chế nhiễu là chó đói mà chết, giữ của như đầy tớ. Cần phải biết mức thu vào hay chi ra, không nên xài quá, khiến cho kinh tế gia đình gặp phải khó khăn. Đây không những khoản chi phí bình thường, cần biết tiết độ, như cúng dường Tam bảo cũng vậy, cần phải coi mức thu nhập và lượng chi tiêu. Tín tâm tuy rất khẩn thiết, vui vẻ bố thí, nhưng không nên vì bố thí mà dẫn đến kinh tế gia đình túng quẫn, sẽ phát sinh chướng ngại.

Thứ hai: Chú ý đến việc tích trữ hay sử dụng tài sản: Nhờ chánh nghiệp mà có được của cải, Đức Phật dạy chúng ta phương pháp sử dụng, dựa vào đây có thể làm thành kế hoạch thích hợp. Tức là mỗi năm dựa vào mức như thu nhập hợp pháp để chia làm bốn phần:

4.1. Sử dụng của cải: Lấy một phần của cải dùng làm kinh phí chi tiêu hằng ngày, bao gồm tiền học phí của con cái v.v., tùy theo khả năng tài chánh của mình mà mỗi người có mức sống thích hợp, không thể dùng xa xỉ, nên biết đủ.

4.2. Tích lũy: Đời người vô thường, chúng ta có lúc sinh bệnh, tương lai khi về già, gặp chuyện ngoài ý muốn xảy ra cần phải chi tiêu. Thế nên, mỗi năm thu nhập lợi nhuận cần phải trích ra một phần, để phòng ngừa gặp lúc khẩn cấp, hoặc nuôi dưỡng tuổi già... Tích trữ những số tiền tuy rất nhỏ, nhưng vô cùng có ý nghĩa, không những cứu kịp người lúc nguy kịch, mà còn tập thói quen không phung phí. Cận đại cần khuyên tiết kiệm, dụng ý chỉ có bấy nhiêu.

4.3. Kinh doanh: Bất luận giữ chức vụ gì, mỗi năm đều có thu nhập, phân một phần để đầu tư. Mở rộng ruộng đất cũng tốt, thiết kế thêm công xưởng cũng tốt, gia tăng tư bản cũng tốt, nâng cao chức năng công tác cũng tốt. Có như vậy mới tăng được mức thu nhập, tài phú được gia tăng, của cải tích lũy được ngày càng nhiều.

4.4. Làm phước: Làm người không thể chỉ vì bản thân, chỉ biết đời hiện tại, nên quan tâm đến lợi ích xã hội và phúc lạc đời sau cho bản thân. Vì thế, đối với lợi ích chung trong xã hội: Văn hóa, làm từ thiện; cho đến cúng dường, hộ trì Tam bảo, đều dùng một phần thu nhập được để làm phước. Đây không những vì mình mà tích phước đức, mà còn vì hạnh phúc cho nhân loại. Vì vậy, cả bốn phương diện này đều cần đến chi tiêu kinh tế, nên dự tính phải kiện toàn nhất, đồng thời là phương pháp xử lý của cải hợp lý nhất.

5. Của cải cuối cùng thuộc về ai?

Của cải cuối cùng thuộc về ai? Đây có thể xem là vấn đề đơn giản, nhưng trên thực tế thì vô cùng phức tạp. Ở đây, chúng ta đứng trên ba phương diện để bàn luận.

5.1. Nói theo nhân duyên tiền kiếp

“Túc nhân tắc cộng, hiện duyên hoặc biệt”. Ý muốn nói: Nói theo nghiệp cảm ở tiền kiếp thì có nhân đời trước, trời đất, sông núi, lửa, nước, ruộng, vườn, một bông hoa, một cây cỏ, những thứ thường thấy này không phải tự nhiên mà có, đều do mọi người cộng nghiệp chiêu cảm mà ra, không những con người, mà ngay cả loài súc vật v.v., cũng đều có sự đồng cảm. Như luồng gió xuân phảng phất, hay hơi ấm của mặt trời, núi đá, đất đai, tất cả không phải là của chung sao? Phàm do cộng nghiệp nên có cảm, chẳng phải do sức mạnh của một người mà có thể dời đổi. Như nghiệp thiện của đại chúng tăng lên, thì cảnh quan cũng sẽ tiến bộ mà dần dần thanh tịnh trang nghiêm. Ví như nghiệp ác nặng, thì đương nhiên hiện trạng bên ngoài cũng suy thoái và trở nên hoang tàn. Nhờ vào công sức của con người và nghiệp lực không giống nhau trong đời trước, nên mọi vật trong thiên nhiên, vật thuộc nơi này, vật thuộc chỗ kia đều có sự khác biệt, cho nên nói: “Hiện duyên hoặc biệt duyên”. Ví như mảnh đất cằn cỗi, có người cho thêm phân hữu cơ, liền chuyển thành mảnh đất màu mỡ, thu hoạch vừa cao vừa chất lượng; như cây trong rừng, nhờ người thợ đục đẽo, vận chuyển, chế tạo vật dụng, rồi không còn gọi là vật chung nữa. Nếu dựa vào sản phẩm nông nghiệp mà nói, thì đất không phải của một người nữa rồi. Muốn khai khẩn đất hoang, phải cần đến dụng cụ làm nông, đều nhờ người thợ chế tạo mà có. Vật dụng được chế tạo bằng sắt, phải lấy từ những mỏ quặng trong núi mới có được sắt, thông qua người thợ sắt chế tạo mới thành sản phẩm được. Ngoài phân, hạt giống, nước ra, tất cả đều có liên quan đến công sức của người cùng với duyên hiện tại. Như nghiên cứu suy luận kỹ càng, Phật pháp thường nói: “Một pháp từ tất cả pháp mà thành tựu, một pháp trợ giúp thành tựu tất cả pháp”. Vì thế, tất cả các vật đều có hiện duyên, và tất ý nghĩa đều như nhau. Chẳng qua dựa vào công sức là nhân tố chủ yếu của duyên hiện tại hoặc sự khác nhau của trợ duyên, nên hiện ra sự sai khác mà thôi!

5.2. Nói theo sự nhiếp thọ của tiền kiếp

“Nhiếp thủ khác biệt, thọ dụng giống nhau”: Nhiếp thủ là quyền làm chủ hoặc thuộc sở hữu của một ai đó, có thể là của cá nhân, của một gia đình, của một tập thể, cũng có thể là của một đất nước. Tuy nhiên, trong đó cũng có tài sản thuộc tập thể của nhiều người, nhưng chủ quyền đều đã có người sở hữu, trở thành không phải tài sản chung, đất đai hoặc tài sản là của họ. Đây gọi là quyền tư hữu, do vì muốn chiếm hữu tư lợi, trí thức thì không đủ, thứ gì vượt qua giới hạn người khác mới đạt được. Căn cứ theo duyên hiện tại và nhân đời trước, thật sự không hợp lý. Thậm chí như thời xưa lấy người làm nô lệ, xem như tài sản của mình, có thể trao đổi mua bán (đến bây giờ, nhân loại vẫn lấy trâu ngựa... làm quyền sở hữu của mình, nên tự do hành hạ hoặc sát hại). Lại như người dân của quốc gia nào đó phát hiện ra hòn đảo, liền cho rằng quyền sở hữu của hòn đảo thuộc về quốc gia ấy, cấm người khác di cư đến cư trú. Lại như người dùng bạo lực xâm chiếm lãnh thổ hoặc quyền lợi của quốc gia khác, cũng được xem là hợp pháp. Thế nhưng, thế gian này vốn không có gì lý tưởng, căn bản là không bỏ được quan niệm tự ngã, tư hữu (vô ngã là xuất thế gian). Tăng thêm của cải cho bản thân, bao gồm thành phần của “hiện duyên hoặc biệt duyên”, cho nên lấy thiên nhiên làm thành chế độ tư hữu. Loại chiếm hữu thuộc bên này hay bên kia, không nhất định lý tưởng, nhưng vì bảo hộ trật tự xã hội, nên con người phải làm ra quy ước pháp luật bằng văn tự hoặc phi văn tự, rồi dần dần trở thành hợp lý. Từ chủ nghĩa dân sinh đến người nông dân cày cấy, đất đai đô thị, tăng giá, sung vào công quỹ... Như trí thức ngày càng phát triển, đạo đức ngày càng tiến bộ, duyên hiện tại càng mật thiết (quan hệ của loài người càng lúc càng thân thiết), tin tưởng dần dần sẽ đạt được thế giới “đại đồng”, càng thích hợp phép tắc “túc duyên tắc cộng, hiện duyên hoặc biệt”. Nhưng mà thế gian mãi mãi vẫn là thế gian, tánh tư hữu vĩnh viễn vẫn tồn tại. Thí như quả thật có thể hoàn toàn siêu xuất sự quan hệ nhiếp thuộc của tư hữu, đó chỉ có Tịnh độ mà thôi!

Tuy có sự quan hệ: “Túc duyên tắc cộng, hiện duyên hoặc biệt”, nhưng con người thường chỉ biết gom góp tài sản cho bản thân. Nói đến thọ dụng hay cộng dụng, như người nông phu thu hoạch sản phẩm từ nông nghiệp, những chú chim có thể đến kiếm ăn. Ví như trồng trọt hoa quả, không cho phép người hái, nhưng có thể cho người thưởng thức. Nếu ngăn lại không cho người vào tham quan, nhưng mùi hương của cũng hoa tỏa ngát khắp nơi, theo gió bay đến tận mũi của người. Bạn mở máy thu âm, lắng nghe những âm nhạc tuyệt vời, có biết người hàng xóm, cũng đang tận hưởng âm nhạc chăng!

Căn nhà là của bạn, thí như bất chợt mưa lớn, có người đi đường lại trú mưa ở nơi mái hiên cũng được! Trong thời kì chiến tranh, đất nước có thể sử dụng những căn nhà bỏ không, cho người dân khó khăn ở tạm. Thí như đến một lúc nào đó, người ta không có thức ăn cũng chẳng có áo mặc, vậy mà thức ăn và y phục của bạn vẫn bo bo cất làm của riêng được sao! Chúng sinh không ngừng giúp đỡ lẫn nhau mà thành. “Túc nhân tắc cộng, hiện duyên hoặc biệt”, tuy không ngại nhiếp lấy vật dụng để làm của riêng, nhưng sự thọ dụng lại có thể cùng nhau cộng hưởng!

5.3. Nói đến quả báo trong tương lai

“Cất giữ chưa chắc thuộc về mình; hưởng thọ cũng chẳng thuộc về mình; dùng tâm từ bi và tôn kính để bố thí thì mới thật sự thuộc về mình”. Điểm khác biệt này, cần phải chia ra để giải thích.

5.3.1. Cất giữ chưa hẳn là vật của bản thân

Tích lũy tài sản, để trở thành bất động sản, gởi ngân hàng hoặc chôn cất dưới đất cũng vậy, sẽ không nhất định là thuộc về cá nhân của mỗi người. Kinh Phật có dạy: Con người có năm nạn chung: Một là nạn nước, hai là nạn lửa, ba là nạn cướp, bốn là ác vương, năm là không tiếp nối tông đường. Nạn nước lửa sẽ cuốn trôi, đốt cháy những của cải mà chúng ta khổ sở mới kiếm được; hoặc bị quốc vương bất lương cưỡng bức tài sản của chúng ta; hoặc con cái bất hiếu, mang gia sản của cha ông gian khổ gầy dựng, mặc tình tiêu xài hoang phí. Hiện nay vấn đề này càng nhiều, chiến tranh phá hại, vật chất lại bị mất giá. Cho dù là đại gia, cũng chỉ cần trong một ngày là trắng tay! Thật ra, con người không thể tránh khỏi được cái chết, cuối cùng cũng phải đối diện với vô thường. Những tài sản gầy dựng được, không thứ gì có thể mang theo được, như vậy còn cho rằng chúng là của tôi sao? Tích trữ để nuôi tuổi già, đối phó khi hoạn nạn, cũng không sai, nhưng có người ngu xuẩn không thể tả, của cải giàu sang, nhưng không dám mang ra chu cấp cha mẹ, chăm lo cho con cái, đừng nói chi đến việc làm từ thiện, đến nỗi lo cho bản thân còn không dám tiêu xài, thật là không biết tích chứa của cải cho nhiều để làm chi nữa!

Truyền thuyết có câu chuyện: Có một ông lão, tích cóp được một hũ vàng, bèn chôn bên góc nhà. Mỗi ngày, ông đều chạy ra góc nhà dòm tới dòm lui, cảm thấy rất hài lòng với số vàng mà ông đang có. Cứ như thế, trải qua một thời gian dài, ông bị người khác phát hiện, âm thầm đào vàng lên trộm đi mất. Hôm sau, lúc ông lão đến thăm nơi cất vàng thì phát hiện vàng đã bị người ta đào trộm rồi. Vụ này xé nát tim gan của ông, ông ta gào khóc thảm thiết, khóc đến nỗi những người hàng xóm đều hoảng hốt. Sau đó, có người hỏi ông ta:

Vàng ông cất bao lâu rồi, có lấy ra dùng không?

Ông ta Đáp:

Tôi chôn cất hơn mười năm rồi, từ trước đến nay chưa bao giờ dám sờ vào nó, bởi vì mỗi năm thu nhập dư thừa, nên không cần dùng tới.

Có người hiến kế cho ông:

Có cách này rất hay nè! Ông có vàng chôn cất mà không cần dùng đến. Như thế, bây giờ lấy hòn đá bọc kín lại, đặt vào nơi chôn vàng, nghĩ rằng nó chính là vàng, cứ y như cũ, mỗi ngày ông đến thăm một chút, mỗi lần đến xem sẽ hài lòng.

Câu chuyện này đã nói rõ, những bảo vật vô nghĩa kia, chỉ là để thỏa mãn lòng tham muốn của ông ta mà thôi, thực tế chẳng có chút ích lợi gì, cuối cùng cũng bị tiêu mòn!

5.3.2. Hưởng thọ cũng không thuộc về bản thân

Có khi chúng ta cho rằng tài sản này là của tôi, tự mình có quyền sử dụng, cho nên tha hồ mà xài lãng phí. Người ta làm gì với sự giàu có? Không sao biết được! Cứ như thế, cho đến lúc nghèo khó thì thứ gì cũng không còn. Như có nghìn cân hạt kê, cất kín ở trong kho, trải qua lâu ngày chầy tháng, hạt kê đã biến chất không thể ăn được nữa, chỉ để chim, chuột từ từ tiêu thụ... Chẳng khác nào chỉ biết bo bo dự trữ mà không dám dùng đến. Cho nên, như trên đã nói: Cất giữ cho kỹ, cũng chưa hẳn là vật của mình. Nhưng hưởng thụ cho nhiều, cũng không phải là đạo lý. Như ngàn cân hạt kê, đem đi nấu hết một lần, tuy không bị tiêu hao, nhưng sau khi phung phí hết rồi thì sẽ không còn nữa. Của cải chỉ biết dùng để chăm lo cho hình hài này cũng như thế, cho nên nói: “ ưởng thọ chẳng phải thuộc về tự bản thân”. Phước báo trong quá khứ đem ra thọ hưởng hết rồi, mà phước nghiệp trong tương lai chẳng có chút gì, đây không phải sự nghèo cùng lớn nhất sao?

5.3.3. Bố thí với từ tâm từ bi và kính trọng mới là tài sản riêng thật sự

Tích lũy cho nhiều, cuối cùng rồi cũng chẳng còn; hưởng thụ xong cái gì cũng hết, nên lấy của cải đang có được, trích một phần làm phước tu đức, tương lai sẽ gặt hái được hạt giống giàu sang. Thí như ngàn cân hạt kê, lấy một phần gieo xuống ruộng, bỏ thêm công sức vào chăm sóc bón phân, sẽ thu hoạch lại được nhiều gấp mười hoặc trăm lần. Như vậy, ví như chia một phần của cải để bố thí, giúp đỡ mọi người có đồ dùng, góp phần vào làm từ thiện văn hóa Phật giáo, đó chính là đang nỗ lực làm cho phước báo được tăng trưởng. Bố thí, nhìn trên hình thức thì dường như đang bị hao tốn, nhưng thật sự nó đang dẫn đến phước báo sung túc trong tương lai.

Lão Tử nói: “Kí dĩ vi nhân, dĩ dũ hữu” (càng vì người, mình càng có), có thể dẫn chứng lời này để nói rõ đạo lý bố thí sẽ được phước. Lúc gieo hạt kê xuống, đương nhiên, chúng ta mong sao thu hoạch được mùa, muốn như vậy thì phải gieo nó xuống đất ruộng màu mỡ, không thể gieo trên cát đá. ố thí làm phước cũng như thế, có hai loại phước điền tốt công đức lớn nhất.

Một là ruộng bi: Lấy một phần của cải đi ủy lạo cứu giúp người đơn độc, bố thí thuốc men, cứu giúp người hoạn nạn... Những công tác xã hội, cứu tế, chính là gieo trồng hạt giống phước báo xuống thửa ruộng từ bi, bởi vì đây mới thật sự cảm thông thương xót người nghèo khổ.

Hai là ruộng kính: Bổn phận làm con cần phải kính hiếu, phụng dưỡng cha mẹ; nếu là đệ tử của ức Phật phải kính ngưỡng Tam bảo..., cũng chính là đang gieo hạt giống phước kính điền, bởi vì đây là đối tượng đáng phải tôn kính.

Người có gieo hạt giống phước xuống hai thửa ruộng từ bi và kính ngưỡng, hiện tại hay tương lai, nhất định sẽ gạt hái được điều thiện lành và phước báo. Người bố thí thì "phước duyên của sự bố thí‟ sẽ theo họ từ đời này sang đời khác, những tài sản mà họ có được, nước không thể nhấn chìm, lửa không thể đốt cháy, giặc cướp không thể cướp, ác bá không thể đoạt, con cái không phá tán. Cho nên nói: “Bố thí mà có từ bi cung kính thì mới thật sự thuộc về mình”.

Những điều chúng tôi giảng nói trên đây chỉ là những việc thường tình, những hành giả thực tập hạnh Thanh văn hay thực hành hạnh nguyện của Bồ tát, còn có nhiều chủ trương tốt hơn, xử lý hết sức tuyệt hảo, khiến cho của cải trở thành thứ tài sản vĩnh cửu. Hiện tại vì thời gian có hạn, cho nên đành tạm gác lại, không thể nói nữa.

Thuyết giảng ở Mã Ni Lạp, tại chùa Tín Nguyện, trang mục Phật tại nhân gian, trang 243 266 .