‘Ưng vô sở trụ, hành ư bố thí’.  Tuy ngôn ngữ ngắn gọn, nội dung lại vô cùng sâu xa.  Hai câu này không những dạy chúng ta làm người, mà còn bao gồm đời sống mỹ mãn của chín pháp giới chúng sanh.  Nếu có thể y giáo phụng hành, thật sự làm được thì người này là Bồ Tát, là học trò chân chánh của đức Phật, đệ tử của Như Lai.

Ý nghĩa của ‘bố thí’ là ‘xả’.  Thí dụ người nội trợ từ sáng đến tối bận việc gia đình, nếu hiểu được Phật pháp thì là tu ‘Bố Thí Ba La Mật’.

Loại bố thí này vô cùng rộng lớn, đừng tưởng là mình chỉ phục vụ cho vài người trong nhà, tâm lượng như vậy quá hạn hẹp, nhãn quang quá nhỏ, chỉ nhìn thấy một chút này mà không biết ảnh hưởng của nó bao lớn.  Làm những việc trong nhà này đòi hỏi thể lực; khi suy nghĩ nên làm thế nào thì phải dùng trí huệ, thân và tâm đều làm việc bố thí.  Chăm sóc đời sống cho cả nhà được thoải mái, đó là hành Bồ Tát Ðạo.  Gia đình như thế là một đạo tràng, người nhà là đối tượng để bạn độ hóa.

Kinh Hoa Nghiêm nói bố thí gồm có ‘ngoại tài’ và ‘nội tài’.  Lao lực và trí huệ thuộc về nội tài; những vật ngoài thân thuộc về ngoại tài.  Nội tài và ngoại tài đều nên xả.  Cho nên mỗi ngày đi làm, làm công việc của mình cho đến nơi đến chốn là bố thí cho công ty; công ty phục vụ cho đại chúng là bố thí cho xã hội.  Như vậy mới biết việc này cũng giống như những làn sóng trên mặt nước.  Liệng một cục đá xuống nước tạo thành những làn sóng hình tròn, càng lan rộng càng lớn.  Gia đình cũng giống vậy, một gia đình hạnh phúc sẽ ảnh hưởng đến láng giềng, xã hội, quốc gia, thế giới, Phật dạy chúng ta làm một gương tốt cho mọi người trong thế gian này: gia đình chúng ta là gương tốt cho mọi gia đình, công ty là một công ty tốt nhất, gương mẫu cho mọi công ty trên thế giới, thế mới là Phật pháp.  Trong Phật pháp thứ nào cũng hạng nhất cho nên Phật pháp rất bình đẳng.

Pháp môn tu hành của 25 vị Bồ Tát trong 25 Chương Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm đều khác nhau, [nhưng] pháp môn nào cũng là hạng nhất.  Ðây là ‘chư pháp như nghĩa’, [nghĩa là] ‘các pháp bình đẳng, không có cao thấp’ nói  trong kinh Kim Cang.  Có cao thấp tức không phải là Phật pháp, có cao thấp tức là ‘nhị pháp’, Phật pháp là pháp bất nhị (pháp không hai).  Nghĩa lý của việc này sâu rộng vô cùng, trong kinh đức Phật nói đến việc này rất nhiều, rõ ràng, và minh bạch.

Tu bố thí là tu nhân, nhân nhất định có quả báo, cho nên ‘một miếng ăn một miếng uống đều có định sẵn từ trước’.  [Vận] ‘Mạng’ từ đâu đến?  Từ nhân đã tạo ở đời trước, đời này nhận lấy quả báo.  Nhân quả nhất định tương ứng [lẫn nhau], -- nhân duyên quả báo tơ hào chẳng sai  --  Trồng nhân gì thì sẽ được quả báo đó.  Muốn biết nhân tạo đời trước, những gì mình nhận chịu đời này là nó (nhân đời trước).  Muốn biết quả đời sau, những gì mình làm đời này là nó (quả đời sau).  Ðây là chân lý.

‘Thế gian’ là ‘tướng tương tục, tiếp nối của nhân duyên quả báo’ mà thôi, cho nên trong kinh đức Phật nói ‘Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả’.  Bồ Tát là người giác ngộ, chúng sanh là người mê hoặc.  Người mê không sợ tạo nghiệp, khi quả báo hiện ra thì mới sợ; người giác ngộ không sợ quả báo, quả báo vừa đến, khó khăn trở ngại đến thì tùy thuận theo mà nhận chịu.  Khi khởi tâm động niệm, đối xử với người và tiếp xúc với mọi vật đều không khởi tâm niệm ác, ý nghĩ ác, được vậy thì quả báo nhất định sẽ tốt lành, viên mãn.  Niệm niệm đều vì lợi ích, phước lợi của tất cả chúng sanh, không nghĩ đến mình, thân tâm thanh tịnh, tự tại vui vẻ, như vậy mới là phước báo chân thật.

‘Bố thí pháp’ là nhân, thông minh trí huệ là quả báo.  Khoẻ mạnh sống lâu là quả báo của sự tu bố thí vô uý.  Bố thí vô uý là gì?  Ðó là từ bi, quan tâm, thương mến tất cả chúng sanh, làm cho tất cả chúng sanh được thân tâm an ổn, vĩnh viễn xa lìa lo buồn, sợ sệt.  Trong định luật nhân quả, tuyệt đối không có việc chịu thiệt thòi, bị lường gạt, và cũng không có việc lợi dụng.  Nếu bạn tưởng là chịu thiệt thòi và bị lường gạt, [nhưng thực ra đó] chỉ là quả báo của những việc mình làm đời trước.  Hiểu rõ đạo lý và chân tướng sự thật thì tâm chúng ta sẽ định, cho dù bị người khác lường gạt, sỉ nhục, thì cũng có thể nhìn thấu và buông xả.  Vì hóa giải oan trái gút mắc xong thì khi gặp nhau sẽ vui vẻ.  Nên giải trừ oán thù chứ không nên kết, người có thông minh trí huệ chân thật nhất định sẽ không kết oán thù với bất cứ người nào, tương lai trên con đường bồ đề sẽ được thuận buồm xuôi gió.

Lý do chúng sanh kết oán thù không ngoài hai nguyên nhân, nguyên nhân thứ nhất là căn bịnh tập khí (thói quen) của mình, nhìn không quen thì chịu không nổi, không nhất định [việc đó] có liên quan gì với mình.  Trong [Pháp Bảo] Ðàn Kinh, Lục Tổ Ðại sư nói: ‘Nếu là người tu đạo chân thật thì sẽ không nhìn thấy lỗi lầm của thế gian (người khác)’.  Lỗi lầm của người khác không liên can gì với mình, nên dùng tâm thanh tịnh, từ bi đối xử với tất cả chúng sanh.

Nguyên nhân thứ hai là ‘lợi hại xung đột’ (đụng chạm quyền lợi), đây là nguyên nhân lớn nhất làm cho chúng sanh kết oán thù, trong Phật pháp gọi là ác duyên.  Thiệt ra chẳng có lợi hại, tất cả đều do vận mạng an bài.  Nếu hiểu được đạo lý này, cũng như ‘Liễu Phàm Tứ Huấn’ có nói: ‘Quân tử vui làm người quân tử, tiểu nhân làm người tiểu nhân oan uổng’.  Những gì đạt được khi dùng tất cả những thủ đoạn không chính đáng, không lương thiện, cũng là vốn sẵn có trong vận mạng, nhất định không phải dùng thủ đoạn mà có thể đạt được, nếu không như vậy thì sẽ trái ngược với định luật nhân quả.  Vì vậy nếu hiểu được đạo lý và chân tướng sự thật này, tâm [chúng ta] sẽ vĩnh viễn bình [an, thanh] tịnh.  Tâm thanh tịnh sẽ sanh trí huệ, kinh Kim Cang nói: ‘Lòng tin thanh tịnh ắt sanh thật tướng’.

Phật dạy ‘Ưng vô sở trụ’.  ‘Trụ’ là chấp trước; ‘vô sở trụ’ nghĩa là không chấp trước.  Chấp trước là căn bịnh.  Vũ trụ, vạn vật, sanh mạng, lục đạo do đâu mà có?  Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật trả lời cho câu hỏi này, đó là: ‘vọng tưởng, chấp trước’.  Vì có vọng tưởng nên biến hiện ra thập pháp giới, vì có chấp trước nên biến hiện ra lục đạo luân hồi.  Vì vậy nếu phá chấp trước thì sẽ vượt ra khỏi lục đạo; đoạn trừ vọng tưởng thì sẽ vượt ra khỏi thập pháp giới.  Từ xưa đến nay các khoa học gia, triết học gia trong và ngoài nước đều muốn tìm kiếm nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, họ có thể tìm đến bờ mé nhưng tìm không được nguồn gốc chân thật.  Vì họ dùng đầu óc suy nghĩ, suy nghĩ tức là vọng tưởng, chấp trước, cả hai đều có giới hạn, không thể phá tan giới hạn của ý thức.

Ðức Phật dạy chúng ta khi đoạn vọng tưởng, phân biệt, và chấp trước thì giới hạn của tâm  ý thức sẽ bị phá tan; sau khi phá tan mới có thể nhìn thấy bộ mặt thật của vũ trụ nhân sanh, mới hiểu rõ chân tướng sự thật.  Cho nên sự tu học trong Phật pháp bất cứ pháp môn, tông phái nào cũng đều tu ‘thiền định’.  Niệm Phật đạt được ‘nhất tâm bất loạn’ là ‘thiền định’.  Giáo Hạ tu ‘chỉ quán’ cũng là ‘thiền định’.  Tuy danh từ và phương pháp không giống nhau nhưng tất cả đều tu ‘thiền định’.  ‘Giới’ là phương pháp chính xác; y theo phương pháp chính xác mới có thể nhập ‘định’; sau khi nhập định thì sẽ khai ‘trí huệ’; có trí huệ thì mới có thể hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh.

Chúng ta chuyên cần tu tập ba thứ bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô uý, và không trước tướng (chấp tướng), như vậy rất đúng.  Nếu tu 3 thứ bố thí này mà còn trước tướng thì quả báo sẽ chỉ là phước báo trong cõi người và trời, làm vua, thiên vương, người trời, người trưởng giả giàu có, không thể thoát ra khỏi tam giới, đương nhiên cũng không ra khỏi thập pháp giới.  Phật dạy chúng ta ‘ưng vô sở trụ’, không trụ ‘chấp trước’ thì ra khỏi lục đạo; không trụ ‘vọng tưởng’ thì ra khỏi thập pháp giới.  Nhưng không trụ ‘chấp trước’ (không trước tướng) rất khó làm được, cần phải dụng công thiết thực nơi ‘nhìn thấu’, ‘buông xả’, ‘niệm Phật’.
 
Trích từ: Niệm Phật Tâm Ðịa Công Phu
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
2 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
3 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
4 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
5 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về
6 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
7 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
8 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
9 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
10 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
11 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về

Ý nghĩa của bố thí và cúng dường
Hòa Thượng Thích Nhất Chân

Bố Thí Là Gì...?
Thượng Tọa Thích Trí Siêu

Bố Thí
Thượng Tọa Thích Trí Siêu

Bố Thí Ba La Mật
Thượng Tọa Thích Trí Siêu