Cư sĩ Ngu Thuần Hy, tự Trưởng Nhu, người ở Tiền Đường, lúc mới sanh ra nằm ngửa tỉnh táo không nhắm mắt. Khi lên ba tuổi, miệng niệm Phật chẳng ngớt, thường thấy hoa sen cây báu hiện ở trong nhà. Thuần Hy đem cảnh giới ấy thuật lại, thì bà nội bảo: "Đó là tướng đẹp lành ở Tây Phương!". Rồi nhân đó bà dạy cho tập định. Từ đấy ông thường ngồi kiết già ngay thẳng, sụp đôi mi mắt. Em là Thuần Trinh, tự Tăng Nhu, cũng có căn lành Phật pháp, lúc tuổi trẻ cùng ông rất tương đắc. Khi thọ tang mẹ, cả hai đồng tu pháp Thiên Thai Chỉ Quán.

Lớn lên, Thuần Hy làm thầy dạy trẻ trong làng, thường chỉ bảo học trò tập môn Tỷ quán. Việc này làm cho người chủ nhà trọ bất mãn, nhưng ông chẳng mấy để tâm. Kế đó đỗ kỳ thi Hương, rồi dời đến Tỷ sơn dạy học. Ông từng cùng bạn đồng xã tụng Lương Hoàng Sám, cảm mây lành đoanh trong nhà, ánh sáng lạ chiếu vào thất, cam lộ rơi phơi phới ướt vách, trời mưa xuống lúa vàng nếp đen cùng hương trầm thủy. Lúc ấy đang tiết đông mà trăm hoa đều đua nở xung quanh. Thuần Hy cảm điềm linh dị, tu tập định lực càng bền chắc, nên có thể dự biết trước mọi việc. Vân Thê đại sư nghe được chuyện ấy, răn nhắc rằng:

Đó chỉ là cảnh giới lành tạm hiện, nếu tự cho là chứng đắc, tất sẽ lạc vào lưới ma?

Năm Vạn Lịch thứ mười một đời Minh, ông đỗ Tiến sĩ, vì tang cha, về cất lều bên mộ thủ hiếu ba năm. Nhân dịp rảnh, lại đến thọ quy giới cùng ngài Vân Thê. Lúc ở nhà mộ gần núi, mỗi ngày ông đều đem cơm canh thí cho loài nai thỏ, có hổ báo đến liền thét quở đuổi đi. Khi mãn tang, cư sĩ tựu chức, làm quan Phương ty chủ sự. Không bao lâu, lại xin cáo thối, lên non Thiên Mục ngồi trước tử quan của Cao Phong Diệu thiền sư thuở xưa, ngày đêm tham thiền. Đến ngày thứ hai mươi mốt, trong người mệt mỏi vừa muốn tạm nằm nghỉ, chợt như mơ thấy Cao Phong Diệu thiền sư chém đứt cánh tay trái, bỗng rổng rang đại ngộ. Ông đem cảnh giới ấy cầu chứng với ngài Vân Thê. Đại sư bảo:

Phàm người mới thức tỉnh, nếu không chổi dậy chải gỡ bịt khăn, mà còn nằm yên trong chăn gối, tất trở lại mơ màng. Kẻ mới ngộ đạo cũng thế, nếu chẳng gắng tự trang nghiêm, mà còn gần nơi uế trược, tất sẽ mê trở lại. Măng non dễ bị bẻ gãy, hoa sen gần lửa dễ bị héo. Ông phải tự lo liệu, chớ vì được một điểm ánh sáng nhỏ, mà làm trở ngại sự tiến tu của mình!

Nhân đó, đại sư khuyên cư sĩ nên niệm Phật hồi hướng về Tịnh Độ, để nối tiếp nhân lành đời trước. Thuần Hy lễ tạ, nguyện trọn đời tuân hành.

Có kẻ đến chơi, bảo mình không tin sự niệm Phật. Cư sĩ nói:

Giác ngộ mình, giác ngộ người, hạnh giác ngộ đầy đủ, gọi là Phật. Niệm Phật, chính là niệm giác ngộ vậy. Mỗi niệm không thường giác ngộ, mà để thường mê, như thế có nên chăng! Chim đỗ nơi gò nổng cây cao, người ở trong xóm làng đất nước. Không đậu nơi đất lành, mà ở nơi chẳng lành, như thế có nên chăng? Sự niệm Phật và cầu về Cực Lạc, chính là đi đến chỗ giác ngộ cùng sanh nơi đất lành để bảo đảm sự giác ngộ đó vậy!

Kẻ ấy như chợt tỉnh, bái tạ ân cần hỏi về cách thức niệm Phật. Cư sĩ đáp:

Trong mỗi câu hồng danh phải đề tỉnh chánh niệm, cứ giữ tiếp tục như thế mà thôi. Bởi trăm ngàn phương tiện, cũng chỉ ở một chữ "giác". Nếu cứ giữ mỗi niệm A Di Đà, tức Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, thì làm sao chẳng vào được tri kiến của Phật? Người học đạo chính vì cầu thoát ly sự sống chết luân hồi. Nếu mỗi niệm cứ giữ như thế, thì làm sao không thoát ly được?

Không bao lâu, ông lại được triệu giữ chức Chủ khách ty viên ngoại lang. Kế đó cải tiến lên chức Tư huân. Nhưng được một lúc cư sĩ cũng lại xin về, cùng em là Thuần Trinh ẩn dật di dưỡng tánh tình, ngao du sơn thủy. Bấy giờ ngài Vân Thê đang giảng kinh Viên Giác ở Nam Bình. Đại sư xướng lập Phóng Sanh Xã, quyên tiền đào Vạn Công Trì. Hàng tăng tục vài muôn người đều nương về hiệp trợ, tiếng tụng kinh niệm Phật vang dội núi rừng. Anh em Thuần Hy có công lớn trong việc xướng suất số đông hàng danh nho thanh sĩ, tham dự pháp hội ấy. Kết cuộc công thành, đào được ba đầm phóng sanh có bờ đê ngăn giữ và cất được nhiều nhà gác, để thả các loài chim cá.

Xong mọi việc, Thuần Hy vào ẩn trong núi Nam Bình. Thuần Trinh cũng ẩn cư nơi non Linh Thứu. Hai anh em quyết dùng khoảng đời dư thừa, chuyên niệm Phật để thành tựu sự vãng sanh không còn xuất hiện nữa.

Trích từ: Mấy Điệu Sen Thanh
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Mấy Điệu Sen Thanh, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về

Đạo Nhân Pháp Sư
Cư Sĩ Bành Tế Thanh

Hữu Bằng Đại Sư
Cư Sĩ Bành Tế Thanh