Tông Bản đại sư, tự Vô Triết, họ Quản, người ở Thường Châu, huyện Vô Tích. Sau khi xuất gia, ngài tham phỏng Thiên Y Hoài thiền sư, môn Niệm Phật tam muội được đại ngộ. Kế đó, lại về làm tọa chủ chùa Tịnh Từ ở Hàng Châu.

Một năm, trời đại hạn, đến cuối thu nước hồ và giếng trong vùng đều khô cạn. Chư tăng trú tại chùa có hơn ngàn vị, sắp lâm cảnh khốn đốn. Đại sư lên chánh điện chí thành tụng niệm, cầu đảo với chư vị long thần. Hôm sau nơi mé Tây chùa, một vòi nước ngọt phun lên. Theo dòng suối tràn, có con lươn vảy vàng lội quanh, khiến nước xoáy đất nơi đó sụp thành một cái giếng sâu. Chúng tăng trong chùa và người phụ cận nhờ đó mới có đủ nước dùng.

Họ Trương ở gần chùa có cô con gái mới chết, linh cữu còn quàn bên chái nhà. Bà mẹ nằm mộng thấy con gái mình hóa thành rắn. Thức giấc bà thấy dưới quan tài có con rắn đang nằm, liền cầm giỏ đến giở nắp ra và vái rằng: "Nếu mi quả thật là con gái ta, hãy chun vào giỏ này". Dứt lời, rắn chậm chậm bò vào giỏ. Bà đem nó lại chùa thuật duyên cớ, xin đại sư cứu độ. Tông Bản liền đến thuyết pháp và niệm Phật chú nguyện. Con rắn bỗng biến mất. Bà về đến nhà thấy trên linh cữu cô gái có con ve đèn bay quanh liền khấn: "Nếu mi là con ta đã chuyển kiếp, hãy bay vào giỏ". Nói xong, con ve liền y như lời. Bà xách giỏ đem đến chùa Tịnh Từ lần nữa. Đại sư cũng thuyết pháp và chú nguyện cho. Xong, con ve lại ẩn mất. Đêm ấy bà nằm mơ thấy con gái đến tạ ân và khóc nói: "Con đã thoát hai kiếp làm bàng sanh!". Bà mẹ nhân đó hỏi: "Việc quả báo luân hồi có thật chăng, và làm thế nào mới được khỏi?". Cô gái thưa: "Sự chuyển sanh trong bốn loài sáu nẻo, cứ mãi xoay vần như cái trục quay trên giếng nước, không một ai thoát ly. Chỉ có tu pháp xuất thế của Như Lai, là tham thiền hoặc niệm Phật, mới được giải thoát. Muốn biết rõ việc ấy, xin mẹ hãy đến hỏi vị pháp chủ chùa Tịnh Từ!". Sự hiển hóa của ngài đại khái có nhiều việc ứng nghiệm như thế.

Về sau, danh đức đồn xa, đại sư được vua triệu tới Đông Kinh, cho trụ trì chùa Huệ Lâm. Nhiều phen ứng đối hợp với thánh tâm, ngài được vua phong thưởng ca sa, pháp khí, và ban cho hiệu là Viên Chiếu thiền sư. Bình thời, bên ngoài đại sư nối truyền tông phong, bên trong lại mật tu Tịnh Độ. Bấy giờ có Lôi Phong Tài pháp sư nhập định, thần thức dạo chơi ở Cực Lạc, thấy một cung điện rất đẹp, nghe có tiếng nói: "Đây là ngôi bảo điện của Viên Chiếu Bản thiền sư". Lại một hôm, ngài Hy Công trụ trì ngôi Tư Phước Lan Nhã đến chùa Huệ Lâm chơi, xin yết kiến đảnh lễ nơi chân Viên Chiếu Bản thiền sư, dâng cúng vàng rồi ra về. Có người hỏi duyên cớ, ngài đáp: "Tôi nhập định đến cảnh giới Tây Phương, thấy có đóa kim liên to đẹp ánh sáng rực rỡ. Một vị Bồ Tát bảo đó là đài của Viên Chiếu Bản thiền sư ở chùa Huệ Lâm. Xung quanh hoa đài ấy, có rất nhiều hoa sen khác nhỏ hơn doanh vây. Bồ Tát bảo đó là hoa đài của những người được thiền sư hóa độ khuyên niệm Phật, cũng sẽ vãng sanh về đây. Trong các hoa sen ấy có mấy đóa hoa rũ héo, tôi lại hỏi, được cho biết đó là những người niệm Phật nửa chừng thối lui biếng trễ".

Lúc lớn tuổi, đại sư về ẩn chùa Linh Nham tại Tô Châu. Trong niên hiệu Ngươn Phù, trước khi sắp tịch, đại sư tắm gội thay y phục sạch, rồi nằm nghiêng bên mặt, hướng về Tây. Hàng đệ tử vây quanh, xin viết kệ lưu niệm. Đại sư chăm chú nhìn rồi bảo: "Các si tử! Bình thường ta còn lười viết kệ, nay lại làm kệ gì? Bình thường ta tự tại muốn nằm thì nằm, nay cần chi phải ngồi kiết già trước khi thị tịch?". Nói đoạn, bảo đem giấy bút ghi phú chúc việc mai sau, giao cho môn đồ là Thủ Vinh. Xong, buông bút nhắm mắt mà vãng sanh, trạng như người nằm yên say ngủ.
 

Trích từ: Mấy Điệu Sen Thanh
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Mấy Điệu Sen Thanh, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về

Khả Cửu
Cư Sĩ Bành Tế Thanh

Tri Lễ Đại Sư
Cư Sĩ Bành Tế Thanh

Tông Trách Thiền Sư
Cư Sĩ Bành Tế Thanh