Home > Khai Thị Niệm Phật
Khuyên Phát Tâm Niệm Phật
| Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch


Chư Thiện nhân! Trên đời có muôn ngàn đường lối, tại sao lại chỉ khuyên người niệm Phật?

Bởi lẽ, tâm niệm của con người quan hệ trọng đại, dẫn dắt hồn phách, tạo sanh thân mạng, đều là do tâm ý. Niệm thiện sanh thiên đường, niệm ác vào địa ngục, niệm ma thì thành ma, niệm Phật thì thành Phật. Thế nên, khuyên bảo mọi người niệm Phật.

Trong mười phương ba đời có trăm ngàn muôn ức Phật, sao chỉ khuyên người niệm Phật A Di Đà?

Bởi vì, Phật A Di Đà từng phát bốn mươi tám nguyện, mỗi nguyện đều độ chúng sanh. Lại do Phật A Di Đà và chúng sanh ở Ta Bà có duyên; không luận là tăng tục, nam, nữ, ai có thể niệm Phật thì đều được Phật thâu nhận. Thế nên, chuyên tâm trì danh thì được tiếp dẫn vãng sanh về cõi kia. Cho dù người ác nhưng biết chí tâm sám hối, trì danh hiệu Phật ắt có thể còn nghiệp mà được vãng sanh. Do đó khuyên bảo mọi người niệm Phật A Di Đà.

Người nay đều hiểu rõ niệm Phật là tốt, chỉ vì nhiều đời nhiều kiếp tham sân si ái trồng nghiệp quá sâu nên khó phát tâm.

Chư Thiện nhân! Nên biết thế giới Ta Bà khổ não rất nhiều. Ông xem người đời có kẻ rất nghèo nàn hèn hạ, có người gặp nhiều tai nạn bệnh tật, có kẻ lẻ loi cô độc, có người gặp vợ chẳng hiền, còn hung dữ. Mọi người đều có cảnh khổ của riêng mình, mọi người đều có khổ tâm của riêng mình, những nổi khổ ấy vốn không đợi phải nói.

Ngay cả như người giàu có khỏe mạnh, gia đình quây quần hòa thuận, các thứ đầy đủ, mọi điều như ý, thế thì họ thật chẳng có đau khổ rồi! Nhưng mạng sống lại có giới hạn thì biết làm sao? Vả lại, chưa nói đến việc đoản mạng, dù cho ông sống đến trăm tuổi nhưng khi đại hạn tới cũng khó tránh khỏi cái chết. Đến lúc ấy chỉ còn cách duy nhất là nhắm mắt vô quan tài, muôn việc đều dứt. Vẻ hào hoa thuở trước, giờ đây ở nơi nào? Nói đến đây thì vẫn là khổ. Nếu người khi còn sống làm việc ác, lúc chết rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, theo nghiệp chịu quả báo, mãi đến khi trả hết nghiệp ác mới được chuyển làm thân người.

Cho dù người khi còn sống làm lành, chẳng qua cũng chỉ là gieo trồng một vài nhân lành phước báo, còn e oan nghiệt của đời trước nặng nề phải đền trả xong nợ cũ, thế thì đời sau phải chịu khổ rơi vào ba đường ác. Giả sử đời trước không có tội nghiệp nặng, đời sau liền được phước báo. Vả lại chưa nói đến phước báo chẳng toàn vẹn mà người hưởng phước thường thường cũng có đau khổ. Dẫu rằng vui sướng mười phần nhưng khi hưởng hết giàu sang thì vẫn nghèo hèn; huống chi một khi hưởng giàu sang ắt dễ dàng tạo nghiệp, chẳng bảo đảm là không rơi vào trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Đừng nói sự giàu sang ở thế gian, dù cho làm việc lành rất lớn được sanh lên cõi trời nhưng khi hưởng hết phước trời vẫn phải đọa lạc. Rốt cuộc vẫn là đau khổ!

Bởi vì trong ba cõi có nói khổ này, thế nên Đức Phật từ bi nói một quyển kinh A Di Đà dạy người niệm Phật được vãng sanh thế giới Cực Lạc, rời hẳn mọi đau khổ, mãi mãi thọ hưởng các điều vui. Đó là lời từ kim khẩu của Phật nói ra.

Đức Phật ngăn cấm nói dối, lẽ nào Ngài lại dối gạt người? Chỉ là có nhiều hạng người khác nhau nên nguyên nhân không phát tâm niệm Phật cũng sai biệt:

* Có người không biết sự lợi ích của niệm Phật nên không niệm.

* Có người không có lòng tin nên không niệm.

* Có người do tham trước sự vui sướng ở trước mắt nên không niệm.

* Có người vì gặp nghiệp điều chướng ngại nên không niệm.

Có nhiều nguyên nhân không giống nhau. Đâu biết rằng một tiếng Phật nầy, ai cũng niệm được và ai cũng nên niệm.

Nếu muốn cả thiên hạ bỏ việc sĩ, nông, công, thương, mọi kỹ nghệ để niệm Phật, đó là sự trở ngại cho mọi người, chẳng phải là điều thích hợp để khuyên bảo. Bởi lẽ, pháp Trì danh đối với tất cả việc làm đều không ngăn ngại, đã chẳng phế bỏ nghề nghiệp lại không trở ngại sự sanh nhai, đồng thời chẳng phạm luật pháp mà còn có thể tránh khỏi nỗi khổ luân hồi nơi địa ngục. Đâu không phải là việc có lợi không hại, nhất cử mà lưỡng đắc sao!

Ngay cả như người rảnh rang chính phải nên niệm Phật. Hoặc gia đình có tài sản ruộng vườn, không nhọc nhằn lo kinh doanh; hoặc có phụ, huynh, tử, đệ để nương tựa, tự thân an nhàn vô sự, những người như thế là do sự tích lũy tu hành từ đời trước mà có được, không phải mọi người đều được như vậy, thế nên cần phải ở ngay đây tu hành thêm nữa. Nếu bỏ thời gian trôi suông, luống qua một đời thì rất đáng tiếc!

Người bận rộn chính phải nên niệm Phật. Dù không được như người vô sự sáu thời khóa tụng, cũng phải nên tranh thủ thời giờ trong lúc bận rộn. Văn Long Thơ Tịnh Độ nói: “Mỗi ngày sáng sớm chí tâm thực hành pháp Thập niệm, tâm chuyên nhất, nguyện thiết tha thì cũng được vãng sanh”. Nếu không y theo pháp môn này, tuy gắng gượng dường như lăng xăng cả đời nhưng rốt cuộc trở thành không.

Người giàu sang chính phải nên niệm Phật. Dù cho giàu sang lâu dài nhưng thân không bền chắc thì biết làm sao? Tại sao chẳng ở nơi hoàn cảnh mọi thứ đầy đủ mà phát tâm niệm Phật?

Người bần cùng chính phải nên niệm Phật. Bởi đời trước không tu nên đời nay nghèo khổ, đời nay lại không tu sau khi chết giống như đã rơi xuống giếng, bao giờ mới được thoát ra? Huống chi, pháp môn niệm Phật này hoàn toàn chẳng làm lỡ việc tìm cầu cơm áo của ông. Có sự thuận tiện như thế, tại sao lại chẳng tu tập?

Người thiếu niên chính phải nên niệm Phật. Thừa lúc tinh thần mạnh mẽ mà cầu Vô thượng Bồ Đề; tích lũy ngày tháng, công lao chẳng qua suông. Huống chi mạng sống của con người chẳng đồng nhau, phần nhiều thường bị chết yểu. Nếu biết khắc phục thầm tu, nhờ Phật hộ trì mà hưởng thượng thọ. Khi ấy xem lại những người yểu mạng mới tin sự dụng công của mình là không sai lầm.

Người già suy chính phải nên niệm Phật. Đã trải qua bao nhiêu năm tháng, hoặc sự việc vẫn chưa xong thì rốt cuộc cũng chẳng xong. Sao chẳng lấy thời gian hữu hạn gấp rút cầu sanh Tịnh độ? Đó thật là có thể tỏ rõ được điều mà người khác không thể tỏ rõ.

Người nữ có con chính phải nên niệm Phật. Thường nói có con thì muôn việc đầy đủ, còn nói rằng con cháu tự có phước của nó. Những người ấy chính nên an tâm học Phật, nhưng họ lại si ái chẳng bỏ, tự cam chịu trọn đời làm trâu ngựa, hoàn toàn chẳng nghĩ đã hao phí bao nhiêu tâm huyết, rốt cuộc đối với chính mình không có dính dáng một điều gì. Khi sanh tử đến dù cho có con cực kỳ hiếu thảo cũng chẳng thay thế được.

Người cô độc không vợ không chồng chính phải nên niệm Phật. Họ không thiếu nợ người nên người không đến đòi, người ta cũng không thiếu họ nên không có việc hoàn trả nợ. Một thân đơn chiếc, chẳng lo cưới vợ cho con trai, khỏi phiền lấy chồng cho con gái. Sao không nhân đó mà chuyên tâm nơi Tây Phương, vượt ra khỏi vòng sanh tử?

Phàm ít một phần ái luyến là ít một phần ràng buộc; ít một phần ràng buộc là ít một phần nghiệp chướng; nhợt nhạt đối với duyên đời thì sâu đậm trong duyên Phật. Thế nên, ai được như hạng người nầy, sống không lo âu chết chẳng lo ngại, thật là người nên niệm Phật hạng nhất trong nhân gian, ra công ít mà hiệu quả gấp bội.

Người có thê thiếp ân ái chính phải nên niệm Phật. Người xưa nói: “Vợ chồng giống như chim chung rừng, lúc đại hạn đến đều tự bay". Lại nói: “Cốt nhục ân tình yêu thương, khó hẹn đầu bạc xum vầy, sao bằng đồng tu Cực Lạc, sau nầy nắm tay về đài sen”. Làm bạn Phật trong vô lượng kiếp, so với ân ái hữu hạn đâu chẳng phải là rất tốt hơn sao?

Người bị cốt nhục oán ghét chính phải nên niệm Phật. Oan gia tụ hội, tuy là người thân mà chẳng phải thân, không sớm cởi mở thì càng buộc càng chặt. Nếu ông thường niệm Di Đà, hiện đời liền được giải thoát.

Người phụ nữ chính phải nên niệm Phật. Do phụ nữ vốn là thân đang đọa lạc trong ngũ lậu, đang lo lắng không được thoát khỏi. Chẳng phải dễ dàng gặp được pháp môn niệm Phật này mà sao còn không gấp rút tu hành, xa rời nơi nẻo khổ? Huống chi, trong bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà, nguyện thứ 35 nói rằng: “Nếu khi tôi thành Phật, trong vô lượng thế giới phương, nếu có người nữ nghe danh hiệu Tôi, tin tưởng ưa thích, phát tâm Bồ đề, chán ghét thân nữ, sau khi mạng chung nếu người ấy còn làm thân nữ thì Tôi không thành Chánh giác”. Do đó phụ nữ chuyên tu Tịnh độ tất có thể thoát khỏi thân nữ, chứng quả Bồ đề, nhưng không thể niệm Phật mà mê hoặc nơi tà kiến.

Người tàn tật chính phải nên niệm Phật. Thân thể không đầy đủ, đã khó sánh với người thường, nếu lại đọa lạc thì ắt phải rơi vào ba đường ác càng đau khổ hơn.

Người có bệnh tật chính phải nên niệm Phật. Người cường tráng còn đề phòng bị chết đột ngột, huống chi bệnh tật là đang cận kề cái chết. Dù không chết nhưng trọn ngày bệnh khổ triền miên thì giống như sống trong địa ngục, gấp rút tu hành còn e không kịp!

Người gặp tai nạn chính phải nên niệm Phật. Nghiệp đời trước chín mùi, đời nay khó mà trốn tránh, hoàn toàn phải nhờ vào sức mạnh của Phật để tránh khỏi tai ương này.

Người tốt chính phải nên niệm Phật. Người tốt Phật hộ niệm cùng đắc lực. Nếu chỉ làm lành mà không niệm Phật, so với người khác không làm lành tuy cảm thấy hơn người kia nhưng chẳng qua đời này đời sau chỉ hưởng một vài phước suông, phước hết vẫn phải đọa lạc. Chẳng bằng làm lành lại thêm niệm Phật, vãng sanh Cực Lạc lên thẳng Thượng phẩm, mãi mãi không còn đọa lạc.

Người ác chính phải nên niệm Phật. Làm ác mắc tội người đời đều biết, chỉ vì chưa từng kiểm điểm đó thôi. Nay ông canh năm thức dậy, suy xét mỗi việc mỗi việc, nếu quả thật là ác thì gấp rút cầu sám hối, sửa ác làm lành một lòng niệm Phật. Đức Phật đại từ bi, không có ai mà Ngài không tế độ.

Lại kiểm xét thường ngày không có việc ác nào chẳng tạo, hoặc những việc đã qua trở thành chướng ngại lớn, không thể nào cứu vãn; hoặc cảnh hiện tại như lỡ leo lên lưng cọp khó xuống, đành phải trái với lương tâm; hoặc làm gái, làm thầy kiện mưu tính của cải sanh mạng của nhiều người; hoặc kẻ đồ tể, người chài lưới hại ức vạn sanh linh. Nếu theo nhân mà luận quả thì sẽ bị quả báo thống khổ trong nhiều kiếp không thể cứu vãn, nhưng quyết không nên vứt bỏ mình mà chỉ mưu toan ở hiện tại, bị lỗi lầm lại còn thêm lỗi lầm.

Nên biết, Đức Phật mở một môn niệm Phật chính là do thương xót những chúng sanh phải chịu quả báo này, giải trừ cực khổ, dẫn dắt họ về Cực Lạc.

Tuy ông tạo hắc nghiệp lớn ấy mà có thể gặp pháp môn niệm Phật vãng sanh, đó chính là duyên lành vô cùng rộng lớn trong nhiều đời. Khi quả báo đau khổ chưa đến quyết ý mạnh mẽ niệm Phật, nắm chặt một niệm này, thành tựu nguyện lực, quyết định vãng sanh. Nên tìm bậc Thiện tri thức khai thị giảng luận để tăng tiến lòng tin.

Thử xem sư Hùng Tuấn, Trương Thiện Hòa trước kia tức là tấm gương cực ác mà được vãng sanh. Thừa sớm mà tu hành, chớ nên nghi ngờ! chớ nên nghi ngờ! Ngoài một môn niệm Phật này ra, không còn pháp cứu độ thẳng tắt nào khác.

Người tu tập định Không, chính phải nên niệm Phật. Có một hạng người ái trước thiền định yên tĩnh, cho là một niệm không sanh, buông bỏ rồi lại buông bỏ. Hoặc được cảnh không trong một hai ngày, liền bảo rằng đó tức là Đại định Kim Cang, chấp chặt không bỏ. Như thế đã không phù hợp với Tông môn lại chẳng biết cứu xét giáo pháp Quán tâm. Đâu biết rằng, dù trải qua tám muôn kiếp rốt cuộc vẫn là rơi vào không ngơ, chẳng bằng sớm chiều niệm Phật hồi hướng Tây Phương, hoàn toàn chẳng trở ngại việc vãng sanh, vô cùng ổn thỏa. Như thế đâu không phải là rất tốt hay sao?

Người tụng kinh chú chính phải nên niệm Phật. Chỉ cần thành tâm trì tụng, không được xem là việc làm lấy lệ. Niệm Phật, tụng kinh đều phải hồi hướng Tây Phương, nhất định được vãng sanh.

Người tham thiền chính phải nên niệm Phật. Tham thiền đại ngộ nhìn thấu sanh tử, đã biết được Tự tánh Di Đà, song sự thực hành và hiểu biết phù hợp nhau mới gọi là Tổ. Cho nên, Nhị Tổ còn bảo: “Ta tự điều phục tâm”, Lục Tổ còn nói: “Ngộ thời tự độ”, chính là phải huân tu miên mật, quyết không thể tự phụ nơi kiến giải điên cuồng chê bai Tịnh độ. Đừng nói khi sanh tử đến không thể làm chủ, ngay cả việc có thể tự do nơi sanh tử mà nếu còn có một mảy mai ý niệm buộc ràng cũng khó tránh khỏi nghiệp nhân trong ba đường. Lúc ấm cảnh hiện ra, bỗng liền đi theo nó, vẫn như cũ mà vào luân hồi. Đáng tiếc! Đáng tiếc! Thật đáng tiếc! Trăm sai, ngàn sai, lại muôn sai. Sao bằng niệm Phật cầu vãng sanh, muôn người tu muôn người vãng sanh.

Người giảng kinh giáo chính phải nên niệm Phật. Ngàn kinh muôn luận tuy chỉ dạy pháp môn tu hành không đồng, nhưng nói chung cần phải đoạn trừ kiến hoặc tư hoặc mới được thoát khỏi luân hồi, song luận bàn không phải dễ dàng. Các tông Tánh, Tướng, Không, Mật ở Tây Trúc hãy để sang một bên không bàn tới, ngay đến ba nhà Thiên Thai, Hiền Thủ, Duy Thức ở Trung Hoa, đều lấy việc đoạn trừ kiến tư hoặc làm vị thứ vượt ra sanh tử. Vị thứ đoạn trừ kiến tư hoặc này, ở nơi Thanh Văn đã là Tứ quả La Hán, ở nơi Viên thừa đã là Tương tợ, Phần chứng. Từ khi Phật Pháp từ phương Đông truyền sang đến nay, có mấy ai đạt đến chỗ đó? Vả lại, trong kinh luận phần nhiều khen ngợi vãng sanh. Phải nên dũng mãnh niệm Phật, y theo giáo lý mà thực hành!

Ni cô, đạo cô chính phải nên niệm Phật. Hiện ở trên đất Phật, đạo tràng thanh tịnh, sớm chiều chí thành niệm Phật, vì chính mình tu giải thoát, vì người đời làm mẫu mực. Như thế chân thật cầu vãng sanh Tịnh độ, so với công đức của người khác còn hơn vô lượng. Tại sao? Vì phụ nữ ở đời thường tin tưởng sự hóa đạo của các vị này, nên có thể dùng con đường chân chánh niệm Phật mà khuyên bảo mọi người, không chỉ tự độ mà còn có thể độ người, công đức ấy thật là to lớn! Ngay cả sự bố thí cúng dường của người ngoài không cầu mà cũng tự đến. Nếu lấy niệm Phật làm lý do để hóa duyên và bảo mọi người gởi giấy tiền vàng mã cầu hiện tại sống lâu, sau khi chết trở thành tiền để dùng nơi âm phủ. Dùng những tà thuyết lừa gạt mọi người, như thế chẳng những làm lầm người khác mà còn làm lầm chính mình.

Những việc nói trên đều là tuân theo di giáo của Phật tổ, chẳng phải bày đặt không căn cứ. Cúi mong những người thấy nghe ai nấy đều tự cảnh tỉnh!

Nên biết. Ta Bà thật là khổ, Tây Phương thật là vui. Ta Bà đau khổ luân hồi chẳng dứt, Tây Phương an vui kiếp số không cùng.

Nhất định đừng nói khổ mà không biết khổ, nói khổ thì dễ dàng, chịu khổ thì thật là khó khăn. Một vài điều khổ nho nhỏ đã cảm thấy khó chịu rồi, huống chi những nổi khổ cùng cực.

Không thể nghe vui mà không tin là vui, lời Phật không tin thì lời ai đáng tin? Người trung tín ở thế gian nói một câu mà mọi người còn không nghi, huống chi lời Phật nói.

 Lành thay! Lành thay!

 Gấp sớm quay đầu,

 Phát tâm niệm Phật.

Trích từ: Khuyên Tu Tịnh Độ Pháp Yếu


Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
3.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
4.    Long Thư Tịnh Độ, Vương Nhựt Hưu | Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Việt Dịch
5.    Luận Tịnh Độ, Thích Ca Tài | Giới Niệm - Diệu Thảo - Chúc Đức, Việt Dịch
6.    Lược Luận Về Nghĩa An Lạc Tịnh Độ, Nguyên Ngụy Huyền Trung Tự sa-môn Đàm Loan | Sa Môn Thích Bửu Hà, Việt Dịch
7.    Ngũ Kinh Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
8.    Niệm Phật Pháp Yếu, Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
9.    Niệm Phật Sinh Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thượng Tọa Thích Chân Tính, Việt Dịch
10.    Pháp Môn Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Trí Thủ
11.    Phật Giáo Nhân Gian Của Pháp Môn Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch
12.    Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Phật Danh Hiệu Lợi Ích Đại Sự Nhân Duyên Kinh, Pháp Sư Khương Tăng Khải | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
13.    Tam Kinh Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
14.    Tâm Thư Tịnh Độ, Diệu Âm Trí Thành
15.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
16.    Tịnh Độ Cảnh Quan Yếu Môn, Sa Môn Hoài Tắc Ở Hổ Khê thuật | Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn, Việt Dịch
17.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
18.    Tịnh Độ Giảng Lược, Hòa Thượng Thích Giác Quang
19.    Tịnh Độ Giáo Khái Luận, Pháp Sư Thích Ấn Hải | Ni Sư Thích Nữ Viên Thắng, Việt Dịch
20.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch