Home > Khai Thị Niệm Phật
Khuyên Thật Tâm Niệm Phật
Chân Ích Nguyện | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch


Các vị Thiện nhân! Nay đã phát tâm niệm Phật, cần phải thật tâm mà niệm, không nên hữu danh vô thật.

Nói chung, người không có căn lành quyết không thể niệm Phật, vì thế người xưa nói: “Nghe Phật Pháp khó, được lòng tin chân thật càng khó”. Nay có thể phát tâm niệm Phật, căn lành này phải cố gắng làm tăng trưởng trong từng giờ từng khắc, không nên chính mình tự lừa dối mình.

Còn như niệm Phật mà thông suốt cả Tông Giáo, Sự Lý viên dung, đã không chấp Lý bỏ Sự, cũng không ở ngoài Sự mà thấy Lý. Những người này đối với các thuyết Sự nhất tâm, lý nhất tâm rõ ràng không nghi, quyết sẽ lên Thượng phẩm Thượng sanh, đài vàng tiếp dẫn, hoàn toàn chẳng cần người khác khuyên bảo khen ngợi. Tôi cũng không cần phải nói rườm rà.

Nay chỉ đối với người niệm Phật ở nơi Sự, phân làm ba hạng:

Hạng thứ nhất:

Lòng tin chân thật thiết tha, chân chân thật thật, nhất tâm niệm Phật.

Tuy cùng mặc áo, ăn cơm, làm việc, buôn bán bình thường nhưng chỉ tin một việc này, đi cũng A Di Đà, ngồi cũng A Di Đà, dù bận rộn như tên bắn cũng không rời A Di Đà, tinh tấn chẳng lùi. Hôm nay cũng như thế, ngày mai cũng như thế, năm nay cũng như thế, năm sau cũng như thế.

Hạng người này, Đức Phật nhất định hộ niệm, lúc mạng chung người ấy nhất định vãng sanh thế giới Cực Lạc.

Hạng thứ hai

Hoặc tâm không chuyên nhất, họ cũng biết sự lợi ích của niệm Phật nhưng tục niệm nặng nề, chánh niệm, cạn mỏng, vừa mới niệm Phật thì trong tâm lại nghĩ việc khác, một nóng mười lạnh, niệm một ngày lại bỏ mười ngày.

Niệm Phật giống như hạng người này, dù niệm đến già cũng không được gì, chẳng qua chỉ là gieo trồng căn lành mà thôi.

Đời sau có duyên chạm đến điểm căn lành này thì bắt đầu mới chân thật tu hành một phen mới mong có được thành tựu.

Hạng thứ ba:

Miệng niệm, tâm không niệm. Người này vốn chẳng biết sự lợi ích của niệm Phật mà chỉ hâm mộ danh tu hành.

Hôm nay ở trong hội Phật này đi theo một người niệm một ngày, ngày mai ở trong hội Phật kia đi theo người niệm một ngày, tuy là có danh niệm Phật một ngày nhưng kỳ thật chỉ là qua suông. Thời gian nói chuyện phiếm thì nhiều, thời giờ niệm Phật thì ít. Ở trong Phật đường vốn đã có tham sân si ái, ra khỏi Phật đường tất tránh không khỏi việc tham sân si ái.

Người này so với hạng thứ hai kém hơn nhiều.

Ba hạng người nói trên, hạng thứ nhất rất ít, hạng thứ ba cũng không nhiều lắm, chỉ có hạng thứ hai mọi người dễ phạm vào. Do chúng sanh cõi Ta Bà bị vật dục che lấp, vọng niệm khó trừ cho nên mới như thế.

Thử nghĩ, lúc làm tất cả việc đời, nếu có thể chuyên tâm nơi đây còn không phân tâm nơi kia. Thậm chí mắt chẳng biết sắc, tai chẳng biết tiếng, thân chẳng biết sự xúc phạm, làm suốt đêm ngày, đó chính là khuôn mẫu của sự dụng tâm chân thật. Niệm Phật cần phải như thế mới có thể đắc lực.

Khổ nỗi chỉ dựa vào cách niệm tán loạn lười biếng ấy của ông thì tuy gieo được một chút căn lành, nhưng e cội ác sâu dày, căn lành cạn mỏng, dù cho một đời không có ác nghiệp, đâu bảo đảm được đời sau ông không làm ác.

Do điều ác che lấp việc lành nên tuy gieo trồng căn lành nhưng khó mà phát sanh. Hơn nữa, chẳng biết mấy đời mấy kiếp mới được thoát khỏi. Đâu chẳng phải rất là thống khổ sao?

Phải nên gấp rút phát khởi tâm khẩn thiết chân thật, phát khởi sức lực dũng mãnh, duyên đời có thể buông bỏ thì buông bỏ, mạng người vô thường quyết đừng lưu luyến mà tự làm lầm mình.

Dù có điều chưa thể buông bỏ, cũng chẳng ngại ông niệm Phật. Ví như, ông có một việc khẩn thiết ở nơi lòng, tuy làm việc khác nhưng vẫn không sao quên được việc khẩn thiết ấy.

Có thể niệm Phật như thế thì tự nhiên không có tạp niệm; cũng không đến nỗi một ngày nóng mười ngày lạnh, đó là vì tâm không chân thật khẩn thiết.

Còn có người tâm qua chân thật khẩn thiết lại bị ma nhiễu loạn, chẳng được tự do. Công đức lợi ích của niệm Phật họ cũng biết thật sự, rất tin tưởng; phương pháp niệm Phật họ cũng nghe nhiều thấy rộng, nhưng công phú niệm Phật lại không thể thực hành đầy đủ.

Họ nói với người tâm phải chuyên nhất, nhưng chính mình lại tạp niệm không dứt.

Họ nói với người mạnh mẽ tinh tấn, nhưng chính mình lại thường thường lười biếng.

Họ nói với người tâm sanh tử khẩn thiết, nhưng chính mình lại nhàn rỗi lơ là.

Họ nói với người nhiều thứ phương tiện, nhưng chính mình lại vì người quên mình.

Đó là vì lý do gì?

Bởi vì người này kiếp trước hoặc đời nay từng gieo trồng căn lành, cho nên trong tâm sáng tỏ, tương đối có thể hiểu biết chút ít.

Lại do thuở xưa nghiệp nặng cho nên bị ma nhiễu loạn. Có ma bên trong, có ma bên ngoài. Ma bên trong là trong tâm khi tỉnh lúc mê, tất cả tham sân si ái, tâm này vừa lìa thì tâm kia lại khởi. Ma bên ngoài là gặp cảnh khó khăn đủ mọi chướng duyên bức hại thân tâm, chẳng được an ổn.

Nếu không may gặp ma sự thì nên đối trước Phật phát nguyện, siêng năng cầu sám hối, tiêu trừ lỗi lầm trước kia. Người tu hành xưa nay đều gặp việc này, song quan trọng ở chỗ tâm niệm Phật chẳng nhân ma sự mà thối lui. Lập chí kiên định, trăm khó không sờn, mặc cho mọi thứ chướng duyên một câu Phật hiệu này quyết chẳng rời tâm ta.

Sức ma tuy mạnh, dựa vào vạn đức hồng danh này chống cự với nó, chẳng tính lợi hại sống chết chỉ lo chuyên niệm, niệm sáu chữ, niệm bốn chữ, niệm lớn, niệm nhỏ, niệm rõ, niệm thầm, niệm lúc hành đạo, niệm khi lễ bái, đi đứng nằm ngồi cũng niệm, khi vui niệm, lúc buồn cũng niệm, sáng tỏ niệm, hôn trầm cũng niệm. Niệm đến mủi lòng thương cảm, niệm đến lửa tắt tro tàn, niệm đến quỷ thần khâm phục, niệm đến chư Thiên hoan hỷ, niệm đến ma quỷ đầu hàng.

Một câu Phật hiệu làm tiêu nghiệp chướng trong muôn kiếp ngàn đời; một câu Phật hiệu là nhân duyên phát khởi bốn ân ba cõi.

Công phu niệm Phật bền bỉ mãi giống như ép mè, tiếng chày giã càng thêm mạnh mẽ cho đến lúc ra dầu; thuyền khi gặp sóng to, tiếng mái chèo càng thêm kiến quyết; vạt nước sôi ở phía sau, ao sen ở phía trước, tuy có ngàn vạn người ngăn trở ta niệm Phật, thề không thối lui, lâu ngày dài tháng tất được lòng từ bi của Phật âm thầm trợ giúp, chướng duyên tiêu tan, thanh tịnh duyên thành tựu. Phật chẳng phụ lòng người, ắt làm mãn nguyện chúng sanh.

Các vị Thiện nhân! Người nghiệp chướng nặng nề còn như thế thì người nghiệp chướng cạn mỏng tất có thể biết được. Người có nghiệp chướng mà còn như thế thì người không nghiệp chướng ắt cũng có thể biết rõ.

Lành thay! Lành thay!
Mọi người nên gắng sức,
Thật tâm mà niệm Phật.



Kinh Sách Liên Quan