Home > Khai Thị Niệm Phật > Sac-Duc-La-Chung-Benh-Chung-Cua-Nguoi-Doi
Sắc Dục Là Chứng Bệnh Chung Của Người Đời
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Sắc dục là chứng bệnh chung của người đời. Chẳng những hạng người trung, hạ bị nó làm mê, mà bậc thượng căn nếu không kiêng sợ giữ gìn, cũng khó khỏi mang hại. Xưa nay biết bao trang tuấn kiệt có thiên tư làm Thánh hiền, chỉ vì phá không nổi lớp cửa ấy, trở thành kẻ hèn ngu bất tiếu! Vô số loài hữu tình cũng vì đó mà sa đọa vào tam đồ. Trong Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật bảo Ngài A Nan: “Nếu chúng sanh ở sáu đường trong các thế giới, dứt được lòng dâm, thì không còn bị xoay vần theo vòng sống, chết. Ngươi tu Tam muội, vì cầu ra khỏi trần lao, nếu chẳng trừ lòng dâm, tất không thể nào giải thoát.”Với người học đạo, vấn đề trọng đại là sự sống chết, nếu không mau thống trừ căn bệnh kia, làm sao lìa nỗi khổ luân hồi? Như pháp môn niệm Phật tuy là đới nghiệp vãng sanh, song nếu đem lòng dâm cố kết, tất sẽ cách ngăn với Phật, đạo cảm ứng khó giao thông. Muốn dứt mối họa ấy, không chi hơn khi thấy tất cả người nữ, đều tưởng là thân thuộc, oan gia và nhơ nhớp.

Tưởng như thân thuộc là thế nào? Khi thấy người người nữ tuổi cao thì tưởng là mẹ, lớn hơn mình tưởng là chị, nhỏ hơn tưởng là em, nhỏ hơn nữa, nên tưởng là con. Người lòng dục dù mạnh, quyết không dám đối với mẹ, chị, em và con, sanh niệm bất chánh. Đó là dùng luân lý ngăn dục tâm khiến cho không phát khởi.

Tưởng như oan gia là thế nào? Người đời, theo tình thường khi thấy sắc đẹp liền động lòng luyến ái. Do tâm mê nhiễm ấy, nên đọa vào ác đạo nhiều kiếp chịu khổ không được thoát ly. Thế thì vẻ kiều mị đẹp tươi, sánh với cọp, sói, rắn rít cùng các thứ thuốc độc, còn hại gấp trăm ngàn lần! Đối với mối oan gia rất lớn ấy, còn quyến luyến ưa thích, há chẳng phải là ngu mê quá lắm ư?

Tưởng nhơ nhớp là thế nào? Sắc đẹp chỉ là một lớp da mỏng bên ngoài. Nếu banh lớp da ấy ra, thì dẫy đầy những xương, thịt, máu, mủ, đờm, dãi, phẩn uế, hôi tanh nhơ nhớp không ai muốn nhìn! Những thứ không đáng ưa đó, chỉ vì một làn da mỏng giấu che, làm cho người lầm sanh lòng yêu mến. Như chiếc bình đẹp đựng đồ hôi nhơ, không ai cầm lấy để ngắm, xem. Lớp da của mỹ nhân chẳng khác chi chiếc bình đẹp kia, trong ấy nhơ nhớp còn hơn phẩn, đâu nên chỉ ưa thích bề ngoài, quên hẳn bề trong, lầm sanh vọng tưởng ư? Nếu không răn dè sợ hãi, thống trừ tập tánh ấy, tất bị vẻ đẹp mỏng manh phỉnh gạt, mũi tên ấy sẽ ghim sâu vào xương tủy, làm sao tự nhổ ra? Lúc bình thường đã như thế, mà muốn sau khi chết chẳng đọa vào bào thai, việc ấy không thể có. Nhưng vào bào thai người còn khá, vào thai loài súc thú mới ra thế nào? Thử suy nghĩ kỹ điều này, tâm thần tự nhiên kinh động sợ hãi! Song, muốn cho khi thấy cảnh không khởi lòng nhiễm, trước phải thường tưởng ba điều trên, thì lúc đối cảnh mới khỏi bị lay chuyển. Bằng chẳng thế, dù không thấy cảnh, ý vẫn mơ tưởng triền miên, cũng vẫn bị tập khí dâm dục ràng buộc. Cho nên, đối với nữ sắc phải xét nhận thấu đáo, quét sạch tập quán dục nhiễm, mới có phần tự do.

Mỗi ngày, ngoài chức phận của mình, cư sĩ gắng chuyên tâm niệm Phật và đem hết lòng thành kính tha thiết sám hối tội nghiệp từ vô thỉ đến nay. Như thế, lâu ngày sẽ có sự lợi ích không thể nghĩ bàn mà chính mình không tự biết. Kinh Pháp Hoa nói: “Nếu có chúng sanh nào nhiều dâm dục, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ tát, sẽ được lìa dục”, cho đến nhiều giận hờn, ngu si cũng như vậy. Thế thì biết, nếu chí thành niệm Thánh hiệu đức A Di Đà, tất cũng được tiêu trừ ba món hoặc: tham, giận, mê. Lại, hiện nay là thời buổi nhiều hoạn nạn, ngoài giờ niệm Phật, nên niệm thêm Thánh hiệu đức Quán Âm. Như thế, sẽ được sự chuyển biến rất mầu nhiệm trong âm thầm, mới khỏi cảnh khi túc nghiệp hiện ra không phương trốn tránh. Phải tìm xem những sách: giới dâm, nhân quả, báo ứng, xa lìa bạn bè du đãng thì tâm hạnh mới được chánh đáng, vững vàng và Tịnh nghiệp mới có thể thành tựu.

Cố gắng! Cố gắng!

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
4.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
10.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
12.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch