Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Giai-Thich-Moi-Nghi-Ve-Nhan-Qua-Sai-Biet

Giải Thích Mỗi Nghi Về Nhân Qủa Sai Biệt
Chu An Sĩ | Dịch Giả :Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến

Hỏi: Người quý tiếc vật mạng, làm việc phóng sinh ắt được trường thọ, kẻ xem thường mạng sống, ưa giết hại ắt phải chết yểu, theo lý chắc chắn là như vậy. Nhưng sao vẫn thấy có những người quý tiếc vật mạng mà chết yểu, lại có người ưa giết hại mà sống lâu?

 Đáp: Quả báo có ba loại. Đối với việc làm trong đời này, thứ nhất là có thể ngay trong đời này chịu quả báo (hiện báo), thứ hai là có thể qua đời tiếp theo chịu quả báo (sinh báo), thứ ba là có thể trải qua nhiều đời sau nữa mới chịu quả báo (hậu báo).

 Người quý tiếc vật mạng mà chết yểu, đó là do oan nghiệt đã tạo từ đời trước, nếu không biết quý tiếc vật mạng ắt còn chết sớm hơn nữa.

 Người ưa thích giết hại mà được sống lâu, đó là nhờ phước báo đời trước, nếu không giết hại ắt còn được sống lâu hơn nữa.

 Hỏi: Tôi thấy có người nọ, người kia... đã từng làm việc phóng sinh, giữ giới không giết hại, còn tụng kinh, trì chú nữa, nhưng đến nay không thấy chút báo ứng gì, vì sao vậy?

 Đáp: Quả báo có nhanh, có chậm, còn phải xem duyên đã chín mùi hay chưa. Nếu duyên chưa đến mà mong được báo ứng ngay, khác nào như chỉ vừa gieo giống xuống lại mong được thu hoạch lúa thóc ngay. Huống chi đời người rất dễ dàng gặp phải những mối nguy như: oan ức cửa quan, hỏa hoạn, trộm cướp, bệnh tật... Nếu ngày nay không mắc vào những tai nạn ấy thì đã là phước báo rồi, sao có thể biết được lại không có những sự âm thầm giúp đỡ bảo vệ [nhờ nơi sự tu tập ấy] hay sao?

 Hỏi: Quả báo ngay trước mắt trong đời này thì người ta mới biết sợ. Quả báo chậm lại đến đời sau thì mơ hồ khó biết, vì sao trời không bắt người ta phải nhanh chóng chịu quả báo ngay trong đời này?

 Đáp: Quả báo nhanh hay chậm là do nghiệp báo của chính người đó chiêu cảm. Người hiền thiện mà nghiệp ác trước đây đã đến thì quả thiện không thể đến trước. Người xấu ác mà phước báo đời trước đã đến thì quả ác cũng không thể đến trước. Cũng giống như người làm vườn đã trồng đào trước, trồng mận sau, dù có khéo chăm sóc thế nào cũng không thể làm cho mận ra quả trước đào. Nếu cứ nhất định đợi thấy được quả báo ngay trước mắt rồi mới tin nhân quả thì thật là quá sức mê muội.

 Hỏi: Tôi thấy có người kia, lúc chưa làm việc tu tích phước đức thì cầu gì được nấy, từ sau khi biết tu thiện tích phước thì làm gì cũng gặp khó khăn trở ngại, lẽ nào nghiệp báo như thế chỉ là chuyện ngẫu nhiên mà đến?

 Đáp: Không thể cho là ngẫu nhiên được. Việc như thế ắt là do đời trước đã tạo nghiệp ác, theo lẽ phải chịu quả báo nặng nề, chính nhờ việc tu thiện tích phước nên đã chuyển nặng thành nhẹ, [chỉ gặp phải những trở ngại khó khăn trong công việc mà thôi]. Cũng giống như người phạm tội tử hình, đến mùa đông sẽ mang ra hành hình, nhưng chưa đến lúc ấy thì được người có uy thế quyền lực xin tha cho, nhờ vậy chỉ bị phạt đánh bằng trượng rồi thả ra.

 Hỏi: Bố thí được giàu có, keo kiệt phải nghèo cùng, điều đó tất nhiên không cần phải bàn. Nhưng nay lại thấy người ưa thích bố thí đa số thường nghèo khốn, còn những nhà giàu có thì đa phần keo lận tham lam. Vì sao lại như thế?

 Đáp: Người sống trong hoàn cảnh trái nghịch ắt phải nảy sinh sự suy nghiệm, nhờ suy nghiệm ắt khởi tâm hiền thiện. Người sống trong hoàn cảnh thuận lợi ắt được vui vẻ, ham vui thì không khởi được tâm hiền thiện, không có tâm thiện ắt tâm ác khởi sinh. Những điều như thế đều là lẽ tự nhiên. Huống chi trong chốn luân hồi [nhân quả] hỗ tương qua lại, cao thấp thay đổi. Người nghèo khó nếu tham lam keo kiệt thì đời sau lại càng nghèo hơn, người giàu có nếu chịu làm việc bố thí thì đời sau càng giàu hơn nữa, sự khác biệt giàu nghèo lại càng rất lớn.

 Kinh Nghiệp báo sai biệt dạy rằng: “Nếu có chúng sinh do được nghe lời người khác khuyên bảo mà bố thí, nhưng sau đó lại hối tiếc, sẽ chịu quả báo trước giàu sau nghèo. Nếu có chúng sinh do được nghe người khác khuyên bảo mà bố thí được chút ít, bố thí rồi thì sinh tâm hoan hỷ vui mừng, sẽ được quả báo trước nghèo sau giàu. Nếu có chúng sinh trước đây từng bố thí nhưng không gặp được bậc phước điền, sau đó lưu lạc trong sinh tử luân hồi, sinh ra làm người, vì bố thí không gặp bậc phước điền nên quả báo rất nhỏ nhặt, vừa có được đã hết ngay. Tuy nhiên, do đã tập quen với việc bố thí nên tuy sinh vào hoàn cảnh nghèo khó vẫn ưa thích làm việc bố thí. Lại có những chúng sinh chưa từng bố thí, nhân gặp được bậc thiện tri thức khuyên bảo nên tạm thời nghe theo mà bố thí một lần, lại gặp được bậc phước điền, do đó được quả báo sinh ra trong hoàn cảnh đầy đủ sung túc. Tuy nhiên, vì không thường làm việc bố thí, nên người như vậy sẽ giàu có mà tâm thường keo kiệt.”

 Hỏi: Những kẻ giết hại vật mạng, khiến cho loài vật mẹ con chia lìa, lẽ ra phải chịu quả báo không con nối dõi. Nhưng những người đánh cá tạo nghiệp ác hết sức nặng nề, vì sao thường thấy con cháu rất đông đúc?

 Đáp: Người đời sinh con cái, có khi là do phúc đức mà được, cũng có khi do oan nghiệt mà thành. Người đánh cá vì mưu sinh mà giết hại rất nhiều, nên do nghiệp lực chiêu cảm mà có nhiều quyến thuộc xấu ác, chẳng qua để phân chia miếng cơm manh áo, khiến cho họ phải khổ nhọc sớm tối vẫn không đủ nuôi dưỡng, cho nên con cái càng nhiều, khổ lụy càng nặng. Ông không thấy như các loài dê, chó, gà, lợn đều sinh sản rất nhiều, trong khi chư thiên chẳng bao giờ sinh sản đó sao? Ông nên suy nghĩ cho kỹ về điều đó.

 Hỏi: Người ta sống ở đời nên theo học đạo lớn của thánh hiền, trên báo đền ơn nước, dưới lợi lạc muôn dân, như thế mới có thể gọi là đáng quý. Còn như thuyết nhân quả đó thì đâu có liên quan gì đến việc đời hay lòng người?

 Đáp: Lý nhân quả cũng chính là đạo của thánh hiền đó thôi. Kinh Thư nói rằng: “Người làm việc thiện, ban xuống điều lành; người làm việc ác, ban xuống tai ương.” Làm việc thiện hay làm việc ác, đó là nhân; ban xuống điều lành hay ban xuống tai ương, đó là quả.

 Kinh Dịch thì gọi là lành, dữ (cát hung), tiêu mất hay tăng trưởng (tiêu trưởng); thiên Hồng phạm [trong Kinh Thư] thì gọi là năm phước lành (ngũ phúc), sáu khổ nạn (lục cực), thiên Vô dật [trong Kinh Thư] thì gọi là sống lâu (thọ) hay chết sớm (yểu), trong Phật giáo gọi là nhân quả, thật ra cũng chỉ là cùng một nguyên lý mà thôi.

 Chúng sinh thời suy mạt thường buông thả làm theo các nghiệp xấu ác, không sợ luật pháp, không quan tâm đến liêm sỉ, nhưng cũng có lúc đêm khuya thanh vắng chợt suy nghĩ lại, trong lòng thấp thỏm lo sợ [về lẽ nhân quả] mà không dám làm chuyện xấu ác nữa, chỉ vì sợ rằng sau khi chết sẽ phải chịu quả báo.

 Ôi, từ khi có Phật pháp đến nay, thật không thể biết đã có biết bao nhiêu kẻ loạn thần tặc tử [vì nghĩ đến nhân quả mà] run sợ trong lòng, biết bao nhiêu người gian ác hiểm độc [cũng vì nghĩ đến nhân quả mà] khiếp đảm. Như vậy, thuyết nhân quả không thể cho là không có công đóng góp cùng Nho giáo, giúp ích thêm cho giềng mối pháp luật.

 Nếu cho rằng việc thiện việc ác đều không có quả báo, sau khi chết không có chuyện phải thọ nhận hình phạt, ắt người đời chẳng có việc gì phải né tránh kiêng sợ. Quan điểm như thế ắt cho rằng có nỗ lực làm thánh làm hiền cũng chỉ uổng công tự khổ nhọc, mà kẻ chống lại người trên, làm loạn quy củ hóa ra lại là được việc. Như vậy làm sao người trong thiên hạ lại không về hùa theo những kẻ phản loạn? Tuy nhiên, người đời nay bàn luận đến đạo lý thánh hiền liền cho rằng không đề cập đến nhân quả mới là cao siêu, ý muốn khác biệt hoàn toàn với Đạo giáo và Phật giáo. Những kẻ như thế chỉ là tham muốn hư danh, kỳ thật đối với đạo lớn của thánh hiền thì dù nằm mơ cũng chưa thấy được chút gì.

 Đời Tấn, vào niên hiệu Vĩnh Gia năm thứ tư, cao tăng Ấn Độ là ngài Phật Đồ Trừng đến Lạc Dương, thấy Thạch Lặc là người hiếu sát nên tìm đến muốn giáo hóa. Thạch Lặc hỏi: “Đạo Phật có những gì linh nghiệm?” Ngài biết Thạch Lặc chưa hiểu gì về giáo lý đạo Phật nên trước hết liền hiển lộ thần thông để nhiếp phục. Ngài cầm trên tay một bát nước, đốt hương niệm chú giây lát liền bỗng nhiên hóa sinh trong bát một đóa hoa sen xanh. Thạch Lặc nhân đó tin phục. Từ đó, mỗi khi có người bị tội chết, ngài liền đem việc nhân quả báo ứng mà giảng bày cho Thạch Lặc, nhờ đó có rất nhiều người được cứu thoát.

 Lại như vào thời Nam Bắc triều, Chu Ngung thấy Minh Đế của nhà Lưu Tống thường giết hại nhiều người tàn nhẫn nhưng không dám trực tiếp khuyên can, liền tụng đọc các đoạn kinh nói về tội phúc, nhân duyên cho ông ta nghe. Minh Đế nghe qua rồi có sự thay đổi hối cải.

 Ôi, không dùng phần thưởng mà khuyến khích được người, không nổi giận mà vẫn đầy uy vũ, giúp người dân tự nhiên mỗi ngày hướng về điều thiện mà không cần biết do ai dẫn dắt. Đó là những điều tôi thấy được khi nhìn vào Giáo pháp của đức Như Lai.
Trích từ: An Sĩ Toàn Thư Khuyên Người Bỏ Sự Giết Hại
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người Tin Sâu Nhân Qủa Quyển Hạ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
2 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người Bỏ Sự Tham Dục, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
3 An Sĩ Toàn Thư Khuyên Người Bỏ Sự Giết Hại, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
4 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người Tin Sâu Nhân Qủa Quyển Thượng, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
5 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về

Lý Luận và Sự Thật Của Nhân Qủa
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nhân Qủa
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa