Home > Khai Thị Niệm Phật
Sám Hối Nghiệp Chướng Làm Hằng Khoá
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thượng Tọa Thích Chân Tính, Việt Dịch


Sám hối là thừa nhận bản thân mình có bệnh, biết tìm thuốc, cầu chữa trị, chịu uống thuốc. Nếu “dấu bệnh tránh thuốc”, bệnh càng thêm nặng, đi đến chỗ không thể cứu chữa được.

1. Chủng loại và phương pháp sám hối

Mỗi tối trong thời gian Phật thất, chúng ta đều xướng tụng bài kệ sám hối, vừa lễ vừa xướng: “Con xưa đã tạo bao nghiệp ác, đều do vô thủy tham sân si, từ thân miệng ý phát sinh ra, nay đối trước Phật cầu sám hối”. Đồng thời cũng khuyên tất cả quý vị ngoài công khóa cùng tu, mỗi ngày nên tự mình lễ Phật ít nhất là 300 lễ trở lên. Mục đích là để sám trừ những nghiệp ác từ vô thủy đến nay, tiêu trừ chướng ngại vô tận, để cho việc tu hành được thuận lợi.

Do đó, tối hôm nay tôi sẽ khai thị cho quý vị về “Sám hối nghiệp chướng”.

Từ “Sám hối” trong các kinh luật Đại Tiểu thừa thường thấy và cũng rất coi trọng. Bởi vì tác dụng của sám hối cũng giống như người ta mỗi ngày đều phải súc miệng, rửa mặt vậy. Đối với Đại thừa nếu chưa đạt đến Sơ Địa thì không thể sáu căn thanh tịnh. Đối với Tiểu thừa nếu chưa đạt đến địa vị Sơ quả thì không thể trì giới thanh tịnh. Trên nguyên tắc tu đến địa vị sáu căn thanh tịnh mới không đến nỗi tâm tạo tội ác. Cho nên, đại chúng học Phật còn ở địa vị phàm phu cần phải mỗi ngày sám hối, mới có thể mỗi ngày một thêm mới, mỗi ngày một thêm tiến bộ.

Sám hối vốn thuộc thời khóa phải tu của phạm vi giới luật, người đệ tử Phật là do thọ Tam quy ngũ giới, cho đến Cụ túc và Bồ tát giới mà thành tựu. Đã thọ giới mà không phạm dường như là việc khó có thể, song nếu phạm, tùy theo lỗi nặng nhẹ mà như pháp sám hối thì sẽ được thanh tịnh trở lại.

Công năng của sám hối có hai loại:

1. Trải qua một lần sám hối, là một lần tự mình kiểm thảo và làm tăng sức sống cho bản thân. 

2. Trải qua một lần sám hối là đối với hành vi của mình biểu thị toàn bộ trách nhiệm. Bởi vì tội chia làm hai loại: người chưa thọ giới tạo nghiệp ác, nếu là tính tội thì dù chưa thọ qua giới luật của Phật, phạm tội vẫn phải chịu quả báo. Người đã thọ giới mà tạo nghiệp ác, ngoài tính tội ra còn tăng thêm một loại giới tội nữa. Giới tội nặng không thể sám hối, nhẹ thì trải qua sám hối liền được thanh tịnh trở lại.

Phương thức sám hối cũng có hai loại:

1. Sự sám, còn gọi là tác pháp sám. Phạm giới tội, lớn thì phải có Tăng đoàn tập họp làm pháp yết ma sám hối, trung bình thì đối với một người mà sám hối, còn nhỏ thì tự trách tâm mình mà sám hối. Giới tội phải dùng sự sám. 

2. Lý sám, còn gọi là Thật tướng sám hoặc Vô tướng sám. Là dùng thật chứng tính không vô ngã, thân chứng bản tính của tất cả các pháp đều không, do tâm tạo tác, dù là giới tội hay tính tội, một khi ngộ nhập thật tướng vô tướng, chân tính vô tính, liền tức thời tiêu diệt. Loại lý sám này tợ hồ như trái ngược với nhân quả thế gian, kỳ thật không phải vậy, ý nói diệt tội là chỉ cho trong tâm không còn lo sợ ác báo nữa, bởi vì người này đã đem thiện ác khổ vui đối xử bình đẳng, không phải lẩn tránh, trốn nợ mà là đối với nghiệp ác đã tạo sẵn sàng gánh lấy trách nhiệm. Người chưa ngộ thật tướng sẽ bị động khi chịu khổ báo, cho nên có tâm lo sợ. Người đã chứng vô tướng, thừa theo nguyện lực chủ động đi sâu vào chúng sinh, rộng kết thiện duyên, ra tay cứu tế, tuy cũng thọ khổ thọ nạn, nhưng tâm đã được tự do cho nên cũng không lấy khổ nạn làm khổ nạn. Do đó, gọi là tiêu diệt tội nghiệp.

Sám hối lại có hai loại:

1. Tội trái ngược với giới luật, dùng “Chế giáo sám” chỉ hạn cuộc trong việc vi phạm giới luật hiện đời, và do Tăng đoàn năm chúng xuất gia sử dụng. 

2. Tội trái ngược với đạo nghiệp, dùng “Hóa giáo sám”, thông dụng cho cả Tăng tục bảy chúng, cũng thông dụng cho cả Đại Tiểu thừa, lại thông dụng cả thập ác nghiệp đạo ba đời.

Trong giới Phật giáo Trung Quốc, rất ít sử dụng “sự sám” hoặc gọi là “chế giáo sám” để phân biệt với “Chúng pháp sám” “Đối thủ sám” “Tâm niệm sám”, cử tội, xuất tội, trừ tội. Ngược lại hay dùng “lý sám” và “hóa giáo sám”, để sám trừ các loại tội nghiệp. Chẳng qua các vị đại đức Thiền tông và các vị đã đạt đại thành tựu lúc dùng lý sám, ắt phải minh tâm kiến tính, thân chứng bản tính vô tính, mới đạt được mục đích sám hối. Cho nên, có thể có nghi quỹ sám pháp, cũng có thể không có nghi thức tác pháp nhất định. Pháp Hoa tam muội Sám nghi của đại sư Trí Giả tông Thiên Thai là một trong bốn loại tam muội chỉ quán viên đốn, là dùng sự sám làm phương pháp để đạt thành mục đích lý sám. Vô tướng sám của Thiền tông không có nghi quỹ. Đến như Hóa giáo sám là phương pháp mà bảy chúng Tăng tục Phật giáo Trung Quốc thường dùng và thông dụng, như Lương Hoàng Bảo Sám, Từ Bi Tam Muội Thủy Sám, Đại Bi Sám v.v… đều thuộc loại hình Hóa giáo sám.

Sám hối, chữ Ấn Độ là sám ma (Ksama) chữ Hán là hối quá, âm nghĩa hợp dịch mà tạo thành từ mới. Nó còn có nghĩa là hối tội, diệt tội, trở lại thanh tịnh. Như trong kinh Đại Bát Niết Bàn quyển 9 có nói: “Đại vương nên biết. Thần nghe Phật nói: người trí có hai, một là người không làm các điều ác, hai là người phạm lỗi mà biết sám hối… hối rồi hổ thẹn không dám làm nữa… Đại vương, nếu người sám hối, ôm lòng hổ thẹn tội liền trừ diệt, trở lại thanh tịnh như xưa”.

Sám hối có vô lượng công đức, như kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán quyển 3 có nói: “Nếu người có thể như pháp sám hối, những phiền não thảy đều tiêu trừ”. Kinh lại nói: “Sám hối có thể thiêu đốt củi phiền não, sám hối có thể vãng sinh cõi trời, sám hối có thể được cái vui tứ thiền, sám hối mưa báu Ma ni châu, sám hối có thể kéo dài tuổi thọ kim cang, sám hối có thể nhập cung Thường Lạc, sám hối có thể ra khỏi ngục tam giới, sám hối có thể khai hoa Bồ đề, sám hối thấy được đại viên kính của Phật, sám hối có thể đến nơi bảo sở”. Do đó nên biết, pháp môn sám hối cũng là tổng trì của Phật pháp, nếu hay tu trì đắc lực thì đó chính là pháp môn tối thượng.

Các nghi quỹ tu hành sám pháp của Đại thừa cũng giống như đàn thành của Mật tông, yêu cầu phải trang nghiêm, cúng dường, thanh tịnh, uy nghi, tề chỉnh. Như kinh Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo quyển thượng, Viên Giác Kinh Tu Chứng Nghi của Thiền sư Tông Mật, Ngũ tổ tông Hoa Nghiêm, Pháp Hoa Tam Muội Nghi Sám của đại sư Trí Giả tông Thiên Thai, Kim Quang Minh Tối Thắng Sám Nghi của Tứ Minh Tri Lễ cho đến các loại sám nghi đã nêu trước hiện đang lưu hành đều có nghi quỹ thiết đàn, thỉnh thánh, cúng dường, lễ tụng v.v…

Làm thế nào để biết được hiệu quả công đức sau khi sám hối? Có thể nêu ra hai kinh để dẫn chứng như:

1. Kinh Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo quyển thượng có nói: “Sau khi như pháp sám hối, nếu được thanh tịnh, có thể phát sinh các loại tướng lành. Hoặc có chúng sinh lúc được tướng lành ba nghiệp (thân khẩu ý), trong một ngày một đêm, lại thấy ánh sáng đầy khắp trong nhà, hoặc có mùi hương thơm thù thắng kỳ diệu, thân ý an vui. Hoặc chiêm bao lành, trong chiêm bao thấy được sắc thân Phật, thị hiện chứng minh, dùng tay xoa đầu người ấy, ca ngợi lành thay, ngươi nay thanh tịnh ta đến chứng minh cho. Hoặc mộng thấy Bồ tát thân đến chứng minh. Hoặc mộng thấy hình tượng Phật phóng quang mà chứng minh cho”.

2. Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới Bổn có nói: “Nếu có người thọ giới Bồ tát rồi mà phạm một điều trong mười điều giới trọng nên dạy họ sám hối, như ở trước tượng Phật, Bồ tát, ngày đêm sáu thời, tụng mười giới trọng và 48 giới khinh (tức là Bồ tát giới bổn trong kinh Phạm Võng), chí thành khẩn thiết lễ ngàn vị Phật ba đời, cho đến lúc thấy được hảo tướng, hoặc bảy ngày cho đến một năm sẽ thấy được hảo tướng. Hảo tướng là thấy Phật đến lấy tay xoa đầu, thấy ánh sáng và thấy hoa báu, các loại tướng lạ, tội chướng liền được tiêu diệt”.

Hai loại pháp sám hối này tương đối khó, nếu không có hoàn cảnh thuận lợi và thời gian rảnh rỗi, không dễ gì thực hành thành tựu được. Không bằng dùng pháp môn niệm Phật, dễ dàng hơn nhiều, không nhất định phải thấy tướng lạ mới diệt trừ tội lỗi được, như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật có nói: “Chí tâm xưng niệm danh hiệu Phật, trong mỗi một niệm, trừ được tội trong đường sinh tử 80 ức kiếp”. Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao chúng tôi đề xướng pháp môn niệm Phật Tịnh độ của Phật A Di Đà, và cũng chính là vì trong kỳ Phật thất Di Đà tiết Thanh minh này, tôi có dụng ý muốn giới thiệu với quý vị về pháp môn sám hối.

2. Chuyển biến nghiệp chướng thành phước báo

Nghiệp chướng có hai hàm nghĩa:

1. Do từ nơi công việc của nghề nghiệp nào đó khiến cho không được rảnh rỗi để tu học Phật pháp, cũng không muốn tu học Phật pháp. 

2. Do tạo các loại nghiệp ác bất thiện, cho đến kéo theo các loại chướng ngại thuộc tiên thiên tính và hậu thiên tính, không có cách gì tu học Phật pháp chính tín, chính hạnh, chính tri, chính kiến được. Do đó, nếu phân tích tỉ mỉ thêm thì có nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng, nếu phân tích thêm nữa thì gọi là tám vạn bốn ngàn cửa chướng. Bao quát các ma chướng từ hoàn cảnh thân tâm cho đến quỷ thần yêu linh. Nghiệp chướng phần lớn chẳng phải từ ngoài đến mà là do tâm tạo ra, tự tâm hiện ra, tự làm tự chịu. Cũng có cả nhân tố của ngoại ma, sám hối cũng có thể tiêu trừ được.

Nghiệp chướng, báo chướng và phiền não chướng, ba loại này có thể quy kết thành một hạng mục, đó chính là nhân quả. Tạo nhân nhất định phải chịu quả báo. Bất cứ một loại chướng ngại nào đều khởi nguồn từ “gieo nhân nào, gặt quả nấy”.

Quả báo của nghiệp chướng có lúc khiến cho người ta nhận lầm là phước báo. Như thấy người sống giàu sang sung sướng, đứng ở góc độ Phật pháp mà xét không phải là phước báo, bởi vì hưởng phước không phải là có phước, tiếc phước, bồi phước mới thật là có phước.

Có một số người cả đời đều rất khổ chẳng hạn khổ như tôi vậy, xin hỏi đó có phải là một loại quả báo không? Đối với bản thân tôi, tâm tôi tình nguyện mỗi ngày sinh hoạt bận rộn khổ cực mà không ngại. Vì tôi đang trả nợ, trả được càng nhiều thì chủ nợ càng ít, tôi càng hoan hỷ. Như vậy sự cảm thọ ấy của mỗi người như thế nào? Có thể dùng quan niệm Phật pháp để đo lường không? Nếu có thể ứng dụng quan niệm Phật pháp thì phước báo thế gian chẳng phải là khởi đầu của khổ báo sao? Bởi vì phước báo hưởng hết, tiếp đến là khổ báo kéo tới. Nếu hiện tại chúng ta biết nắm lấy cơ hội, không thấy là khổ sở, không so bì nhục nhã, mà lại hay giúp đỡ người khác giải quyết mọi khổ nạn, càng không vì tiếng tăm lợi dưỡng của bản thân, luôn luôn nỗ lực cầu tiến bộ, đem hết khả năng của mình cống hiến trợ giúp cho người, trên thực tế đó chính là cầu phước, bồi phước.

Bình thời, những thứ sinh hoạt trong cuộc sống của bản thân mình nên tiết kiệm không xa hoa lãng phí, để lấy những tài vật đó trợ giúp cho người. Loại hành vi này xem ra tợ hồ như tự làm khổ mình, thậm chí bị chê là có phước mà không biết hưởng. Nếu chúng ta sợ người khác chê bai như thế thì không có cách gì tu phước được, chỉ là người nghèo cùng ngu xuẩn mà thôi. Ngược lại, hay thực hành như trên thường xuyên thì mới gọi là người phú quý có trí tuệ.

Có một vị cư sĩ thường cúng rau cho đạo tràng của chúng ta, người chấp sự nhà bếp thấy nhiều quá, chỉ chọn lựa lấy những lá non còn lá già và rễ bỏ đi. Vị cư sĩ đó thấy vậy, không nói một lời bèn gom tất cả lá già, cọng rau lại chuẩn bị đem về nhà. Có người hỏi: “Cư sĩ đã đem rau này cho chúng tôi rồi lại còn đem về nhà làm gì?”. Vị cư sĩ ấy đáp: “Quý vị không ăn tôi có thể ăn. Tôi chỉ cần đem muối những lá rau này liền biến thành dưa muối, hoặc đem luộc lấy nước uống có rất nhiều dinh dưỡng. Còn cọng rau hoặc rễ thì tước vỏ già bỏ đi, dùng muối nhào sạch ăn rất ngon. Nếu quý vị thích ăn, đợi tôi làm xong sẽ đem đến cúng dường”. Đây thật là một bài học rất quý giá. Từ đấy về sau chúng xuất gia chúng tôi không dám mặc ý bỏ phí một thứ gì cả.

Tu hành không đắc lực, là vì thiện căn không thâm hậu, đó chính là chướng ngại. Trong tâm có phiền não là nghiệp chướng, muốn tu hành mà lại không có thời gian, lúc nào cũng có người có việc làm trở ngại bạn, đó cũng là chướng ngại. Những thứ chướng ngại này đều do nghiệp nhân đã tạo đời quá khứ, cho nên đời nay mới sinh ra như vậy, dù là trên sinh hoạt, tâm lý, thân thể, hoàn cảnh, nhân sự đều có thể có sự trở ngại. Hoặc có một số người cho rằng bản thân mình là không có vấn đề gì, có chăng là do hoàn cảnh, ví như muốn tham gia Phật thất tinh tấn, nhưng người chủ không cho phép nghỉ, quan trên không ký tên, hoặc người nhà đột nhiên có sự cố v.v…

Có một vị cư sĩ đến tham gia Phật thất kiên trì tu tập cho đến ngày thứ ba rồi phải xin về. Tôi hỏi: “Nguyên nhân gì mà lại về?”. Người ấy trả lời: “Con muốn tham dự khóa tu Phật thất này cho được trọn vẹn, nhưng nó lại không cho phép con được tiếp tục nữa”. Tôi hỏi: “Nó là ai?”. “Bạch thầy là thân thể của con, hiện tại không cách gì chịu đựng được nữa, cho nên con đành phải bỏ cuộc”. Thân thể của anh ta khiến cho anh ta không thể tu Phật thất trọn vẹn, vậy thân thể của anh ta cứu cánh là gì? Là nghiệp chướng từ đời quá khứ đem theo. Nếu anh ta có thể kiên định tu trì, thì thân thể ấy không phải là nghiệp chướng mà là phước báo.

Cũng có người lúc niệm Phật trong tâm rất bồn chồn, không cách gì an tâm được, càng không an tâm lại càng chán nản niệm Phật. Tôi hỏi họ vì sao? Họ trả lời ý nghĩ quá nhiều. Tự thân họ cũng không hiểu vì sao, tuy họ không nghĩ gì nhưng ý nghĩ cứ tự động xuất hiện liên tục. Loại ý nghĩ này là gì? Cũng là nghiệp chướng từ đời quá khứ mang theo. Nếu họ có thể chuyên tâm niệm Phật, mỗi ý đều chuyển hướng niệm Phật thì ý nghĩ của họ không còn là nghiệp chướng nữa mà là phước báo. Vì lúc niệm Phật chỉ thấy nghiệp chướng trùng trùng mà không thấy được phước báo hiện tiền, làm thế nào để tiêu trừ nghiệp chướng đây? Chỉ có cách là chí tâm sám hối.

3. Nguyện tiêu ba chướng các phiền não

Ba chướng là:

a. Nghiệp chướng:  Nghiệp chướng nghĩa hẹp là chỉ cho nghề nghiệp, có một số nghề nghiệp khiến cho người ta không có biện pháp soi rọi lại mình để tu hành Phật pháp, ví như nhiều đời làm nghề nuôi heo, nuôi bò, đánh cá, cờ bạc v.v… một thời gian ngắn không thể thay đổi được. Cũng có một số người một năm 365 ngày đều phải làm việc, lại có người phải làm việc ban đêm ban ngày thì ngủ, đối với việc tu hành Phật pháp đều cấu thành chướng ngại về mặt nghề nghiệp

b. Báo chướng:  Chỉ cho thân thể và hoàn cảnh, thân thể của chúng ta không thể thực hiện nguyện vọng của mình, muốn làm gì thì làm. Như bạn rất muốn nghe kinh thính pháp tu học, kết cuộc thân thể, hoặc hoàn cảnh khiến cho bạn không cách gì như nguyện tu hành Phật pháp, đó chính là báo chướng. Nếu sinh làm thân thể động vật như trâu, ngựa, heo, chó v.v.. thì không biết đến việc học Phật, nếu thiện căn thâm hậu, muốn tu Phật thất cũng không thể tiếp thụ được đạo tràng Phật thất. Dù là động vật phóng sinh ở trong tự viện, cũng không có cách gì tham gia cộng tu niệm Phật và lễ Phật, đó chính là báo chướng. Lại như người mù không thấy được tượng Phật trang nghiêm, kẻ điếc không nghe được pháp âm vi diệu, người câm không thể dùng miệng hoằng dương Phật pháp. Một số người này có thể là Bồ tát thị hiện nhưng phần lớn là do báo chướng.

c. Phiền não chướng:  Chỉ cho tâm không theo mình, lúc nào ở trong tâm cũng sinh ra các thứ phiền não vu vơ như: tham, sân, đố kỵ, kiêu mạn, hoài nghi, lo sợ v.v… mong cầu cái này lại chán ghét cái kia, hy vọng lại thất vọng… Những vấn đề này thường ở trong tâm nổi lên không ngừng, khiến cho mình rối loạn không thôi, chẳng những niệm Phật khó chuyên tâm, mà lúc ăn uống cũng loạn tưởng. Do vì phiền não quá nặng nên không thể tu học Phật pháp, thật là chướng ngại.

Việc giải thích như trên là hợp lý, thế nhưng ở trong kinh luận đối với việc giải thích ba chướng là chỉ cho “Chướng chính đạo hại thiện tâm” có ba loại chướng: 1. Phiền não chướng, tức là các hoặc như tham dục, sân hận, ngu si v.v…; 2. Nghiệp chướng, tức là nghiệp ngũ nghịch thập ác; 3. Báo chướng, tức là quả báo địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh v.v…

Y cứ vào A Tỳ Đạt Ma Phát Trí Luận quyển 11 có chép: “Ba chướng là phiền não chướng, nghiệp chướng, dị thục chướng (tức là báo chướng)”. Thế nào là phiền não chướng? Do lửa phiền não tham sân si đốt cháy bản tính, nên khó có thể sinh yếm ly, khó có thể giáo huấn, khó có thể khai ngộ, khó được giải thoát. Thế nào là nghiệp chướng? Đó là nghiệp ngũ gián. Thế nào là dị thục chướng? Là chỉ cho các hữu tình ở Na Lạc Ca (địa ngục), bàng sinh, ngạ quỷ, Bắc Câu Lư Châu (phước báo rất tốt nên không dễ gì học Phật), trời Vô tưởng (thuần là cõi trời ngoại đạo).

Tôi thường nói Phật pháp tốt đẹp như vầy, vì sao người biết đến thì quá ít, người hiểu lầm lại nhiều? Ấy là do nhân tài hoằng pháp của chúng ta quá ít, cũng là do chúng sinh có ba chướng này quá nhiều. Cho nên, giới Phật giáo cần phải bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp. Người biết Phật pháp là tốt mà không có duyên tu học, cho đến người có duyên tiếp xúc Phật pháp nhưng lại gặp nhiều chướng ngại, cần phải khuyên họ dùng pháp môn sám hối để tiêu trừ ba chướng.

Xin khuyên các vị thiện tri thức đang lúc học Phật niệm Phật tu hành Phật pháp, nếu thời thời chỗ chỗ đều có lòng sám hối thì chướng ngại tự nhiên giảm dần, trái lại nếu không biết hổ thẹn và sám hối thì chướng ngại cứ chồng chất. Ýù nghĩa của sám hối là thừa nhận bản thân mình có bệnh, biết thân mình có bệnh chướng thì phải tìm thầy chữa trị, uống thuốc có như vậy thì các loại bệnh chướng tự nhiên dần dần tiêu trừ, nếu không biết hổ thẹn và sám hối thì bệnh càng thêm nặng, diễn tiến trở thành không thể cứu chữa được. Cho nên, sám hối nghiệp chướng là hằng khóa phải tu mỗi ngày của tín đồ Phật giáo.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Sám Hối Nghiệp Chướng Làm Hằng Khoá

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Long Thư Tịnh Độ, Vương Nhựt Hưu | Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Việt Dịch
4.    Luận Tịnh Độ, Đời Đường, Thích Ca Tài ở chùa Hoằng Pháp Kinh đô | Giới Niệm - Diệu Thảo - Chúc Đức, Việt Dịch
5.    Lược Luận Về Nghĩa An Lạc Tịnh Độ, Nguyên Ngụy Huyền Trung Tự sa-môn Đàm Loan | Sa Môn Thích Bửu Hà, Việt Dịch
6.    Nghi Thức Tịnh Độ, Khuyết Danh, Việt Dịch
7.    Ngũ Kinh Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
8.    Niệm Phật Sinh Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thượng Tọa Thích Chân Tính, Việt Dịch
9.    Pháp Môn Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Trí Thủ
10.    Phật Giáo Nhân Gian Của Pháp Môn Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch
11.    Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Phật Danh Hiệu Lợi Ích Đại Sự Nhân Duyên Kinh, Pháp Sư Khương Tăng Khải | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
12.    Tam Kinh Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
13.    Tâm Thư Tịnh Độ, Diệu Âm Trí Thành
14.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Thích Nguyên Thành, Việt Dịch
15.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
16.    Tịnh Độ Cảnh Quan Yếu Môn, Sa Môn Hoài Tắc Ở Hổ Khê thuật | Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn, Việt Dịch
17.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
18.    Tịnh Độ Giảng Lược, Hòa Thượng Thích Giác Quang
19.    Tịnh Độ Giáo Khái Luận, Pháp Sư Thích Ấn Hải | Ni Sư Thích Nữ Viên Thắng, Việt Dịch
20.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch