Tu hạnh nghiệp gì mà phàm thánh đều được vãng sanh, kinh luận mênh mông khó lòng tìm trọn được, nay rút lấy hai điều trọng yếu:
- Một là Thông Nhân như ba bậc vãng sanh trong kinh Vô Lượng Thọ đều phải phát Bồ Ðề tâm và phải tu đủ ba phước Tịnh nghiệp theo như Quán Kinh thì mới được vãng sanh.
- Hai là Biệt Nhân gồm có sáu thứ:
1) Một là phải riêng niệm danh hiệu A Di Ðà Phật. Một là tâm niệm, hai là khẩu niệm.
1.1. Tâm niệm lại gồm có hai loại: Một là niệm sắc thân của Phật, hai là niệm trí thân của Phật.
1.2. Khẩu niệm là nếu tâm vô lực thì phải dùng miệng để hỗ trợ, dùng miệng dẫn tâm khiến tâm chẳng tán loạn như kinh dạy: “Nếu ai niệm A Di Ðà Phật đến trăm vạn lần, nhất định sẽ được sanh về thế giới Cực Lạc”. Nếu có thể chuyên tâm niệm Phật trong bảy ngày thì niệm được cả trăm vạn lần. Do vì nghĩa này, các kinh hay khuyên niệm Phật bảy ngày.
2) Hai là phải lễ bái. Hướng thẳng về Tây, tưởng đức A Di Ðà Phật như đối trước mắt, nghiêm trì hương, hoa, miệng xưng danh hiệu Phật, năm vóc gieo xuống đất, đôi ba lượt dập đầu nguyện sanh về cõi Ngài.
3) Ba là phải tán thán A Di Ðà Phật: [Khen ngợi] sắc hoặc tâm, hoặc y báo, hoặc chánh báo, [tưởng Phật] hoặc đứng hoặc ngồi, nhìn thẳng về phương Tây như Phật đang ở ngay trước mắt, nhất tâm tán thán, nguyện sanh Tịnh Ðộ.
4) Bốn là phải phát nguyện cầu sanh Cực Lạc. Hoặc nguyện chúng sanh vãng sanh, hoặc nguyện Thích Ca đưa đi, hoặc nguyện Di Ðà đến đón, hoặc nguyện thường dạo chơi cõi Tịnh, hoặc nguyện vĩnh viễn lìa khỏi thân sanh trong thai, hoặc nguyện lâm chung an ổn, hoặc nguyện chánh niệm hiện tiền. Tùy tâm phát nguyện những điều như thế.
5) Năm là phải quán sát y báo và chánh báo của Tây Phương. Theo đúng mười sáu pháp Quán trong Quán Kinh, mỗi thứ đều quán sát. Hễ thành tựu được một pháp Quán nào, sẽ nhất định được vãng sanh.
6) Sáu là phải hồi hướng:
6.1. Một là đem công đức của chính mình hồi hướng để chúng sanh cùng sanh về Tịnh Ðộ.
6.2. Hai là đem tất cả công đức từ vô thỉ đến nay và tất cả công đức trong một đời này dù ít hay nhiều, dù là phước hay trí thảy đều nguyện hồi hướng để cầu sanh Cực Lạc.
Hai nhân Thông và Biệt dành cho bậc thượng căn. Ðối với hạng trung, hạ, chỉ cần năm điều sau:
1) Một là sám hối ác nghiệp chướng đạo từ vô thỉ đến nay, chỉ sợ chúng gây trở ngại [việc vãng sanh] Tịnh Ðộ.
2) Hai là phải phát Bồ Ðề tâm. Nếu chẳng phát Bồ Ðề tâm, cứ một bề lánh khổ tìm vui, e chẳng được vãng sanh!
3) Ba là phải chuyên niệm danh hiệu A Di Ðà Phật. Cần phải trang nghiêm riêng một đạo tràng, thắp hương, rải hoa; phan, đèn đầy đủ, thỉnh một tượng A Di Ðà Phật bày trong đạo tràng, tượng quay mặt về Ðông, hành nhân hướng mặt về Tây, hoặc là bảy ngày hoặc mười ngày, giảm bớt ngủ nghê, trừ khử tán loạn, chỉ trừ khi đại tiểu tiện và lúc ăn uống, nhất tâm chuyên niệm. Hễ buồn ngủ liền đứng dậy niệm, chẳng cần phải lễ bái, đi nhiễu. Niệm Phật bảy ngày xong, ra khỏi đạo tràng, đi, đứng, nằm, ngồi, hễ rảnh lúc nào bèn niệm.
Thường niệm danh hiệu Phật có ba điều lợi ích:
3.1. Một là do thường niệm, nên các ác giác quán rốt ráo chẳng sanh, cũng được tiêu nghiệp chướng.
3.2. Hai là do thường niệm, nên thiện căn tăng trưởng và cũng gieo thành nhân duyên thấy Phật.
3.3. Ba là do thường niệm, nên huân tập chín muồi, lúc lâm chung chánh niệm hiện tiền.
4) Bốn là cần phải quán sát tổng tướng của thế giới Cực Lạc: đất, ao, lầu gác, rừng cây như thế; A Di Ðà Phật: hoa tòa, tướng hảo, đồ chúng như thế, thuyết pháp như thế. Tổng quán như vậy nhất định được vãng sanh vì tam giới duy tâm.
5) Năm là với những công đức đã tạo dù trong quá khứ hay trong đời này đều phải phát nguyện hồi hướng để sanh về cõi Cực Lạc.
Nếu có thể thực hiện đầy đủ năm hạnh trên đây, ắt sẽ vãng sanh, xin đừng ngờ nữa!
Nhận định:
Như kinh đã nói: Nếu ai niệm Phật đến trăm ngàn lần, quyết định được vãng sanh, chẳng luận là thượng, trung, hạ căn, chỉ cốt sao nhất tâm chuyên niệm nhiều hay ít, chẳng cần phải kiêm tu quán sát!