Home > Khai Thị Niệm Phật
Phát Bồ Đề Tâm, Một Hướng Chuyên Niệm
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Người niệm Phật ít nhất phải hiểu rõ tám chữ ‘Phát Bồ Ðề tâm, một hướng chuyên niệm’. Nếu chẳng hiểu rõ tám chữ này thì chẳng thể nào niệm được tốt, công phu sẽ chẳng được đắc lực. Không những chẳng thể chuyển cảnh giới, mà vẫn bị cảnh giới chuyển như cũ; bị cảnh giới chuyển tức là tiếp tục luân hồi lục đạo. Nếu có thể chuyển cảnh giới thì nhất định sẽ được vãng sanh, cho nên tám chữ này vô cùng quan trọng.

Bồ Ðề tâm là gì? Làm thế nào phát? Kinh Kim Cang nói: ‘Sanh tâm’, Sanh tâm tức là phát tâm, sanh tức là sanh khởi, ý nghĩa giống như phát khởi. Cư sĩ Giang vị Nông trong cuốn Kim Cang Giảng Nghĩa nói: ý nghĩa của chữ ‘sanh’ sâu và rốt ráo hơn chữ ‘phát’.

Một hướng chuyên niệm, một hướng có nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Nghĩa hẹp là niệm niệm đều hướng về Tây phương Cực Lạc thế giới. Một phương hướng, hướng về Tây phương Tịnh độ, như vậy mới có thể vãng sanh, đây là thuộc về ‘sự’, có thể đạt được Sự nhất tâm. Nói theo nghĩa rộng, ‘nhất’ là Nhất Chân pháp giới, hướng về Nhất Chân pháp giới. Phàm phu, Nhị Thừa, Quyền Giáo Bồ Tát chẳng biết Nhất Chân pháp giới, chẳng nhập vào Nhất Chân pháp giới nên vọng tưởng, chấp trước, chướng ngại trùng trùng.

Nhất chân pháp giới ở tại đâu? Thiệt ra, chẳng nơi đâu chẳng phải, chẳng lúc nào chẳng phải [là Nhất Chân Pháp Giới]. Người hiện nay ưa nói về ‘đột phá’. Nhất chân thì sẽ đột phá hết thảy. Các khoa học gia và triết học gia trong thế gian tư duy, tưởng tượng, cảm nhận về thời gian và không gian, đặc biệt là thời gian không gian nhiều chiều, tức là không gian bốn chiều, không gian năm chiều, sáu chiều, … cho đến không gian vô số chiều, trên thực tế tức là ‘pháp giới’ nói trong nhà Phật. Pháp giới chia một cách đại khái thì có mười pháp giới, nếu chia nhỏ ra thì thành vô lượng vô biên, cách nói này rất kề cận với không gian vô số chiều. Những hiện tượng này đều là từ vô minh, bất giác sanh ra, nếu có thể đột phá từng tầng thì có thể nhìn thấy Nhất Chân pháp giới; khi nhìn thấy Nhất Chân pháp giới thì thành Phật rồi, như nhà Thiền nói ‘kiến tánh thành Phật’. Nhất Chân tức là chân tánh, chân tâm. Phật nói hết thảy vạn pháp duy tâm hiện, thập pháp giới y báo, chánh báo trang nghiêm (không gian nhiều chiều) là do duy thức biến. Có thể nương vào phương hướng này một hướng chuyên niệm thì sẽ được Lý nhất tâm bất loạn, đây gọi là ‘biết niệm Phật’, công phu dễ đắc lực.

Hiện tượng công phu đắc lực tức là vọng tưởng, phiền não, phân biệt, chấp trước sẽ ngày càng giảm bớt, trí huệ ngày càng tăng trưởng, tâm địa ngày càng thanh tịnh, tự tự nhiên nhiên sẽ buông xuống. Họ từ bi, họ chịu niệm Phật, đây đều là hiện tượng công phu đắc lực. Trong đời sống hằng ngày những hiện tượng này của chúng ta chẳng thể hiện tiền tức là còn mê hoặc điên đảo rất nặng cho nên công phu chẳng thể đắc lực.

Lời nói của Phật, câu nào câu nấy cũng đều chân thực. Kinh Kim Cang nói: ‘Phàm hết thảy các tướng đều là hư vọng’. Hết thảy tướng đích thực là hư vọng, là mộng, huyễn, bọt, bóng. Nếu ở trong đó khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, như vậy tuyệt đối là sai lầm. Nghĩ trong đó có thể có cầu, có được thì tuyệt đối là vọng tưởng. Có những vọng tưởng, phân biệt, chấp trước này bày trước mặt là chướng ngại to lớn. Không những chướng ngại chứng đạo, vãng sanh, còn chướng ngại công phu đắc lực. Những thứ chướng ngại này đều do tự mình tạo thành nên vẫn phải do mình tự giải trừ, bất cứ người nào cũng chẳng thể giúp mình giải trừ, cho dù là Phật, Bồ Tát cũng chẳng có năng lực ấy.