Home > Khai Thị Niệm Phật > Uu-Dam-Dai-Su
Ưu Đàm Đại Sư
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Ưu Đàm đại sư, họ Tưởng, quê ở Đơn Dương, gia thế hằng thờ Phật. Mười lăm tuổi, ngài xuất gia nơi chùa Đông Lâm ở Lô Sơn. Về sau, được mời chủ trì chùa Diệu Quả ở tại Đơn Dương.

Niên hiệu Chi Đại năm đầu đời nhà Nguyên, vua xuống chiếu bãi bỏ Liên Tông. Đại sư cả sợ nói: "Ta phụng thừa môn này gần ba mươi năm. Nay nỡ nào để pháp mầu của Như Lai bị mai một nơi đời ta ư ?". Liền quỳ trước bàn Phật phát thệ, nguyện phục hưng môn Niệm Phật. Rồi ngài đem hết tâm tư soạn thuật ra mười quyển Liên Tông Bảo Giám. Trong ấy có những đoạn cảnh sách rất thiết yếu như sau:

* Phàm người niệm Phật, điểm chánh yếu là giải quyết vấn đề sống chết, chẳng phải lơ láo qua ngày! Nên nghĩ đến cơn vô thường mau chóng, thời khắc chẳng chờ người, hằng chăm chú lo cho thành tựu một việc ấy mới được. Nếu nửa lui nửa tới, tợ tin tợ nghi, kết cuộc không chắc thật, thì từ nay trở đi, phải quyết phát lòng đại dõng mãnh, đại tinh tấn! Khi đi đứng nằm ngồi, chỉ nắm giữ một câu A Di Đà Phật, như tựa vào tòa núi Tu Di, đẩy xô không lay chuyển. Chỉ chuyên tâm nhứt ý mà niệm, gác qua việc thông hiểu hay chẳng thông hiểu, thấy tánh hay không thấy tánh. Cách hành trì đều tùy theo sức khỏe căn cơ, hoặc tham cứu mà niệm, quán tưởng mà niệm, mến nhớ mà niệm, hoặc dùng pháp thập niệm, lễ niệm, mặc niệm, kim cang niệm, đê thanh niệm, cao thanh niệm. Mỗi niệm hằng giữ cho hiện tiền, quên cả quá khứ vị lai, thường nhớ thường niệm, sớm cũng niệm, tối cũng niệm, gấp cũng niệm, hưỡn cũng niệm, mọi oai nghi động tác đều niệm. Trong mỗi ngày mỗi giờ, buộc niệm không xen hở, câu Phật chẳng rời tâm, nhặt nhặt nhiệm nhiệm, như gà ấp trứng giữ cho hơi ấm nối tiếp nhau, đó gọi là: "tịnh niệm tương kế". Nếu gia thêm trí tuệ chiếu soi, thì biết Tịnh Độ tức tâm, tâm tức Tịnh Độ. Đây là công phu tu tiến của bậc thượng trí vậy. Chủ trì được, giữ chắc được, ổn định được như thế, thì dù gặp cảnh thuận, nghịch, khổ, vui đưa tới, vẫn chỉ chuyên một câu A Di Đà Phật, không một niệm thay đổi, không một niệm biếng lui, không còn xen tạp tưởng. Niệm như thế đến trọn đời, giữ không đổi chí nguyện, chỉ quyết tâm cầu sanh về cõi Cực Lạc ở phương Tây. Nếu quả dụng công được như thế, thì vô minh nghiệp chướng nhiều kiếp tự nhiên tiêu tan, tập khí trần lao tự nhiên trừ sạch, thân thấy Đức A Di Đà vẫn không rời bỏ niệm. Chừng đó công thành hạnh mãn, nguyện cùng hạnh nương giúp nhau, đến khi mạng chung, quyết định sanh về Thượng phẩm.

* Người niệm Phật, khi trần nhơ chưa sạch, niệm xấu ác khởi lên, phải tự cảnh giác dứt trừ ngay. Những niệm: tham tiếc, bỏn sẻn, giận hờn, si ái, ganh ghét, khi dối, hơn thua, tự cao, dua mỵ, tà kiến, khinh mạn, năng sở, tư tưởng quá khứ, tư tưởng hiện tại, tư tưởng vị lai, tất cả mọi tâm ô nhiễm không lành nổi lên, phải gấp cao tiếng xưng hiệu Phật, nhiếp về chánh niệm. Chớ để tâm xấu ác hư vọng nối nhau, phải quét sạch liền, vĩnh viễn không cho sanh khởi. Những tâm: tin sâu, chí thành, phát nguyện, hồi hướng, từ bi, khiêm hạ, bình đẳng, phương tiện, nhẫn nhục, giữ giới, hỷ xả, thiền định, tinh tấn, giác ngộ, tất cả tâm lành, cần phải giữ gìn. Lại nên lìa sự nhiễm dục, dứt hạnh thô ác, chớ nuôi gia súc, những nghiệp săn bắn chài lưới, cho đến các nghề có can phạm đến sanh mạng, đều không được làm. Phải biết chư thượng thiện nhơn ở Cực Lạc, đều do bỏ duyên ác, tu nghiệp lành, mới được sanh về đó, và được không thối chuyển đạo Bồ Đề. Cho nên người niệm Phật phải học theo Phật, lấy sự bỏ ác tu thiện làm nhiệm vụ.

* Người niệm Phật muốn sanh về Tịnh Độ, phải tưởng nghĩ tất cả sự vật ở thế gian đều vô thường, thành tất có hoại, sống tất có chết. Nếu không nghe Phật pháp, thì bỏ thân này thọ thân khác, luân chuyển trong tứ sanh, xuống lên nơi lục đạo, chẳng biết chừng nào mới giải thoát. Ta nay có duyên được nghe chánh pháp, được tu tịnh nghiệp, thì phải tinh cần niệm Phật. Đến khi xả thân này, mới được sanh về Cực Lạc, gởi chất thai sen, hưởng các điều vui thoát hẳn sống chết luân hồi, không thối chuyển nơi quả Phật. Đây là việc tốt đẹp, và điều tối cần yếu thuở bình sanh của bậc đại trượng phu vậy. Lúc vừa có bịnh, phải rũ sạch thân tâm, một lòng niệm Phật cầu sanh, không được ngờ vực nghĩ vơ vẩn. Nên ngồi ngay thẳng hướng về phương Tây, chuyên tưởng Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí, cùng vô số Hóa Phật hiện ở trước, một lòng xưng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, câu tiếng nối nhau chẳng dứt. Với tất cả việc thế gian, không nên nghĩ tới, chẳng được tham luyến. Nếu bỗng nhiên khởi nghĩ, phải mau xưng niệm Phật, thì trong mỗi niệm sẽ trừ diệt tội chướng, tăng trưởng phước huệ. Giữ nhứt tâm như thế, tất được vãng sanh. Nếu số mạng chưa dứt, bịnh tự an lành. Dè dặt chớ nên khởi niệm lưu luyến thế gian, căn mạng còn sẽ tự còn, đến số chết mặc cho chết, chỉ chuyên việc vãng sanh, cần gì lo ngại! Hiểu được lẽ này, thì sự xả thân cũng như bỏ áo cũ rách, thay áo tốt đẹp, bỏ thân phàm lên cõi Phật, há chẳng đáng cao quý ư?

* Việc chân chánh tu hành có tin sâu, nguyện thiết, là tối yếu phải được sanh về Cực Lạc. Nên chuyên lòng nhứt ý, giữ một câu niệm Phật. Chỉ một niệm này là bổn sư của ta. Chỉ một niệm này là Hóa Phật đến tiếp dẫn. Chỉ một niệm này là viên mãnh tướng phá địa ngục. Chỉ một niệm này là gươm báu chém các yêu tà. Chỉ một niệm này là ánh sáng soi phá cảnh tối tăm. Chỉ một niệm này là thuyền lớn vượt qua biển khổ. Chỉ một niệm này là phương thuốc quý mầu chữa trị bịnh luân hồi sanh tử. Chỉ một niệm này là đường tắt thoát ly ba cõi sáu đường. Chỉ một niệm này là bản tánh Di Đà. Chỉ một niệm này là duy tâm Tịnh Độ. Điều cần yếu là phải ghi khắc một câu A Di Đà Phật nơi lòng, chớ cho lạc mất, mỗi niệm thường hiện tiền, mỗi niệm chẳng rời tâm. Không việc cũng niệm như thế, có việc cũng niệm như thế, an vui cũng niệm như thế, bịnh khổ cũng niệm như thế, sống cũng niệm như thế, chết cũng niệm như thế! Một niệm rõ ràng không mê mờ như thế, lại cần chi phải tìm người hỏi đường trở về quê cũ ư!

Sách soạn thành, đem cầu chứng khắp các phương cao đức, không ai có thể thay đổi một chữ. Đại sư lại đem sách ấy dâng lên Nhân Tôn hoàng đế, cầu xin phục hưng giáo pháp Tịnh Độ. Vua chuẩn y, dạy ngài làm giáo chủ, ban cho hiệu là Hổ Khê tôn giả. Đến năm đầu niên hiệu Thuận Hóa, đại sư an tường ngồi niệm Phật mà vãng sanh.