Phật Học Vấn Đáp


Đạo Phật kinh điển khó hiểu; nên truyền giáo chẳng sánh bằng đạo Chúa?
Kinh điển Phật giáo chữ đã kỳ quái, mà lời văn lại khó hiểu. Hiện thời vẫn giữ phương pháp cũ kỹ, chẳng biết thay đổi cho tốt đẹp hơn; do vậy, sức truyền giáo chẳng sánh bằng đạo Chúa. Tại hạ [phê phán như vậy] vẫn là do hảo ý, sao không nghĩ cách dịch cho kinh văn thông tục hơn một chút, khiến cho người khác vừa xem liền hiểu ngay! (Một độc giả tại Hoa Liên hỏi)
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Dịch Giả :Cư Sĩ Như Hòa | Xem: 42

5/14/2024 11:13:20 AM
Thế tục có tục học, thánh có thánh học, thánh có thể bao gồm tục, nhưng tục chẳng thể gồm thâu thánh. Tuy vậy, trọn chẳng phải là không thể [lãnh hội thánh học], ắt phải tinh tấn cầu học, tuân theo thứ tự, có thể dần dần nâng cao trình độ. Giống như nhà trường trong thế tục, có Tiểu Học, Sơ Trung, Cao Trung, Đại Chuyên v.v..., chẳng thể nhảy lớp được! Hoặc như đối với văn học thế tục, kẻ ít thông đạt, dẫu đọc sách của Khổng Tử cũng chẳng thể hiểu, huống là kinh Phật ư? Nếu như dạy cho người ấy kinh văn thông tục, hễ nghe liền dễ hiểu, đấy chính là khiến cho kẻ căn tánh kém hèn chẳng thể tiến nhập cao sâu. Xin hãy coi các thứ bảo quyển[i] và loan thi (thơ giáng cơ) của các thiện đường đều là vừa thông tục, vừa khuyến thiện, nhất là xem các truyện Tây Du Ký, Phong Thần Bảng v.v... càng cảm thấy thông tục, mà cũng có thể cảnh tỉnh cõi đời, nhưng có gì dính dáng tới đạo đâu! Còn như nói phiên dịch kinh sách, [điều này chưa thể tiến hành là vì] lý do tuyệt đối chẳng đơn giản, chẳng phải là có thể giải quyết trong vài câu! Xin hãy xem bản dịch Tứ Thư sang Bạch Thoại của Giang Hy Trương, trăm nỗi sai lầm, đã sớm bị kẻ hiểu biết chê trách. Thế đế mà còn như thế, thì cũng có thể biết thánh đế như thế nào!
 
[i] Thiện đường: Các miếu thờ hay điện thờ của dân gian, hay Đạo giáo, chủ yếu là thờ cúng tạp nham thần thánh dân gian, thờ kèm thêm Phật, Bồ Tát, thường làm chuyện phước thiện như chẩn bệnh, phát thuốc miễn phí. Nhiều khi mang tiếng là “thiện đường” nhưng chỉ giới hạn phát chẩn mỗi năm vài lần, chủ yếu lên đồng, cầu cơ, chữa bệnh bằng bùa chú, tiến hành các lễ cầu an, siêu độ, trấn yểm, rước xách, cúng tế của Đạo giáo, hoặc do những kẻ hiếu sự bày đặt ra các nghi thức phỏng theo Phật giáo như trai đàn chẩn tế, thí thực v.v...
Bảo quyển: Các bản “kinh” được tin là do Phật, Bồ Tát, tiên, thánh trao truyền trong các đàn cầu cơ. Theo tổ Ấn Quang, trong nhà Phật, không hề có kinh điển nào gọi là “bảo quyển” và các vị “Phật, Bồ Tát” trong đàn cơ đều là linh quỷ mạo danh. Loan thi là các bài thơ do “thần tiên” giáng bút trong các đàn cầu cơ vì cơ bút có hình chim loan, nên còn gọi là loan bút. Người nâng cơ bút cho viết thành chữ trên mâm cát sẽ gọi là Thanh Đồng, Loan Sanh, hoặc Đồng Tử.

 
 

Trích từ:  Phật Học Vấn Đáp Loại Biên.

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật