Mài Đá Thành Trâu
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Như người dùng khối đá lớn, trải qua bao ngày tháng, ra sức mài dũa thành con trâu nhỏ để chơi, bỏ công sức rất nhiều để được cái cỏn con.
 
Thế nhân cũng vậy, mài khối đá lớn, dụ như miệt mài ra sức học vấn, làm con trâu chơi, dụ như vì danh văn, thị phi lẫn nhau. Phàm người biết học, rèn luyện tư duy, tri kiến sâu rộng, tiến bước trên con đường thành thắng quả. Nếu chỉ để được danh thanh, ắt kiêu ngạo cống cao, tăng trưởng tội lỗi.

Lời Bình:

Câu chuyện Quỷ tranh bảo bối thứ 41, nói về nhân địa và quả đức của ba pháp bố thí, trì giới và thiền định. Chuyện này nói tiếp về ba pháp còn lại là nhẫn nhục, tinh tiến và trí huệ.
 
Người này miệt mài cần cù và kiên nhẫn qua bao ngày tháng mài tảng đá lớn thành con trâu nhỏ để chơi. Sự cần cù và kiên nhẫn do thiếu trí huệ nên chỉ đưa đến một kết quả quá nhỏ bé, là một món đồ chơi. Dưới sự hướng dẫn của trí huệ, sức cần cù, và tâm kiên nhẫn năng có thể được quả giải thoát qua bờ kia.

Tinh tiến là một trong sáu pháp đưa người qua bờ bên kia, nên gọi là tinh tiến ba la mật đa, tức tứ chính cần trong 37 phẩm trợ đạo.

Tinh tiến có nhiều loại, nhưng đại loại được phân làm hai nhóm, chính và tà. Tà là sự tinh tiến tạo ác hay tham dục, hay mọi sự đưa đến hại người hại mình. Chính tinh tiến, dưới mắt trí huệ ba la mật đa, là sự tinh cần nỗ lực trên 2 phương diện, đoạn ác và hành thiện. 

Đoạn ác tức chư ác mạc tác, bao gồm hai nghĩa là diệt nhân ác chưa sinh, và đoạn quả ác đã khởi, có nghĩa diệt tận nhân và quả của mọi ác pháp. Muốn diệt tận nhân quả ác, tất phải vận dụng trí huệ quán sát gốc ác, ác không tự sinh mà do tâm khởi, nên nói tội tùng tâm khởi. Ngăn không cho ác sinh, tức ngăn không cho tâm khởi. Tâm khởi ác thuộc vọng, vì chấp vọng là thật nên khởi tâm theo vọng tạo thành tội, tâm này bị diệt tức vọng diệt, do vậy tội bị tận diệt từ gốc, vĩnh ly tam ác đạo. Nói như vậy tất diệt vọng đồng với diệt tội, và muốn tận diệt vọng tội tất phải diệt từ nơi tâm, chính xác hơn là diệt tâm, một thứ tâm do vọng sinh, là môi trường thích nghi cho vọng sinh khởi và phát triển. Tâm này chỉ thực có khi vọng, và vì vậy không thể có trong giác, khác nào mộng tâm với thường tâm. Mộng tâm chỉ sinh khởi và hiện hữu thật trong cơn mơ, và khi tỉnh dậy trở về với thường tâm thì mộng tâm chỉ là hư vô không thật.

Hành thiện tức chúng thiện phụng hành, bao gồm phát sinh nhân thiện chưa khởi, và tăng trưởng quả thiện đã sinh. Thiện không tự sinh và cũng không từ ngoài đến mà tự tâm sinh. Vì vậy khi phát tâm hành thiện pháp, như hành từ bi, nếu không hành tận gốc tức từ tâm để, mà chỉ dựa vào cảnh sinh bi như khi thấy quả khổ của người mới sinh tâm cứu, đó là ái kiến đại bi. Nếu từ gốc tất không cần dựa vào quả khổ mới sinh tâm cứu, mà thường hằng cứu hộ chúng sinh, đó là vô duyên đại bi. Thí dụ như nếu mỗi người chúng ta thường hay bố thí giúp tha nhân, như khi kinh doanh bán buôn không bóc lột chèn ép người thái quá để cầu lợi, khiến người có thu hoạch đủ hay dư sống tất nhiên những cảnh nghèo sơ xác, những hoàn cảnh thê lương sẽ không hiện hữu và như thế ta không cần phải làm từ thiện, bởi ta đã thường hành từ thiện trong đời sống qua sự tiếp xử với tha nhân khiến ai nấy đều được lợi lộc. Thường hành bố thí như vậy là "vô duyên từ thiện", còn như trong đời sống tính toán lợi hại, mặc cả từng chút với người, thậm chí đến người bán hàng rong hay phu xe, chắt chiu từng xu, đến khi thấy cảnh tang thương thì mới phát tâm từ thiện cứu giúp, đó là "ái kiến từ thiện".

"Vô duyên từ thiện" tức vô duyên đại bi hành từ thiện cứu giúp bình đẳng với mọi người trong mọi thời không. "Ái kiến từ thiện" tức ái kiến đại bi chỉ đối cảnh hành từ thiện cứu giúp nên sự từ thiện này có hạn chế trong một thời không nào đó. Nhờ hành vô duyên từ thiện mà ai nấy đều được lợi lạc, không còn cảnh khổ túng vì bị bóc lột, do vậy mà chẳng còn cần đến ái kiến từ thiện nữa. Thế mới biết vô duyên là gốc, ái kiến chỉ là ngọn nghành.
 
Hành "vô duyên đại bi" chính thật là hành đại tinh tiến, do vì thường hành nơi mọi thời không, nhằm mục đích lấy lợi người làm lợi mình. Hành ái kiến đại bi chỉ khởi hành nếu thấy cảnh khổ, nên lúc hành lúc không, vì thế không là đại tinh tiến. Hành "vô duyên đại bi" công đức vượt xa hơn lễ Phật tụng kinh, vì hành này là sự thân cận phụng sự Phật tâm trong ta đưa đến Phật quả, do hành này thường khiến chúng sinh được lợi lạc và hữu duyên với Phật tâm đó, khiến họ tương lai được thành chính giác. Hành "vô duyên đại bi" tức y lời Phật dậy cứu tế nhất thiết chúng sinh trong mười phương ba đời. Y lời Phật dậy là con đường dẫn đến cung trạch của Như Lai, cứu tế nhất thiết chúng sinh là phép mầu vi diệu chuyển vọng tâm thành chân tâm tức Phật tâm. Như Lai chỉ có một lời dậy duy nhất là "thành Phật độ sinh", nên y lời Phật dậy đồng với cứu độ nhất thiết chúng sinh, vì thế không cứu tế chúng sinh là chưa hề y lời Phật dậy, cho dù có lễ bái tụng kinh đến mấy cũng chỉ là kẻ đọc toa thuốc mà chưa hề uống thuốc.

Phàm nhân tinh tiến lễ Phật tụng kinh, nhưng biếng nhác ngại mệt trong sự độ sinh, tất nhiên sự tinh tiến đó chỉ muốn mua lòng Phật, và được tiếng khen của tha nhân, hầu cầu lợi dưỡng ngũ dục, họ không hề nhằm đến mục đích tự lợi lợi tha, mà không pháp tự lợi lợi tha nào hơn được hành "vô duyên đại bi". Thế nên sự tinh tiến nói trên không hề là chính tinh tiến mà chỉ là tà tinh tiến. Nếu lễ bái tụng niệm với tinh thần tu tâm dưỡng tính, khiến tâm tính thanh tịnh, diệt ác hành thiện, hành mọi thiện pháp lợi người lợi ta, đây mới thực là chính tinh tiến, vì tinh tiến này khép cửa ác đạo và đưa ta và chúng sinh đến cảnh giới thanh tịnh an lạc.

Nhẫn nhục năng đưa đến bờ bên kia được gọi là nhẫn ba la mật đa. Thế gian cũng nhẫn nhưng để cầu ngũ dục. Ngũ dục vốn huyễn nên chẳng ai thực sự nắm bắt được, như Kiều Trần Như coi thế gian này như quán trọ, coi mọi sự thuộc thế gian như vật trong quán trọ, khi lìa thế gian này nhất thiết phải bỏ lại. Như trong Long thư tịnh độ văn nói "nhất nhật vô thường đáo, phương tri mộng lý nhân, vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân" (Một khi vô thường đến, mới hay ta trong mộng, chẳng đem được một thứ, ngoài nghiệp theo sát thân). Nhẫn nhục cầu ngũ dục, kết quả ngũ dục "tương bất khứ", chỉ mang theo một khối nghiệp nặng ra đi tìm môi trường trả nghiệp. Nhẫn này là thế gian nhẫn, làm ta chìm sâu trong thử ngạn, người tu nhẫn nhục chịu đựng tín đồ, để được lợi dưỡng, nên càng ra sức nhẫn và cho đó là quả tu nhẫn, kết quả nhẫn này dẫn đến sự tham đắm ngũ dục, nên càng gia công hành nhẫn, càng đắm dục và càng tự chôn sâu nơi thử ngạn, vì vậy tổ sư Huệ Viễn cảnh giác người tu, đời nay hưởng dục đời sau chịu quả khổ. Nhẫn mọi sự cám dỗ của ngũ dục, ắt năng đoạn ác, nhẫn mọi nỗi khó khăn của sự tu tập, ắt năng hành thiện, nhẫn được những thứ này tất thành ba la mật đa, bao gồm 5 độ kia.

Xét trong pháp hành "vô duyên đại bi" tất có nhẫn lực. Hành này vượt qua tâm tự lợi, nên không cần nhẫn nhục theo lối thế gian để chịu đấm ăn xôi. Hành này lợi lạc nhất thiết chúng sinh nơi mọi thời không nên được an nhẫn (như đại địa). Nhẫn của phàm phu là sự chịu đựng tha nhân để được lợi dưỡng, nên rất phiền não, và lúc nhẫn lúc không, nên không đủ lực chính tinh tiến thành tựu ba la mật. Nhẫn của người hành "vô duyên đại bi" là nhẫn thường hằng trong mọi thời không để mưu cầu lợi lạc cho tha nhân, lại biết chính xác rằng sự nhẫn nại của ta là nhân tố dẫn đến sự an vui lợi ích của chúng sinh, vì vậy an lạc trong pháp nhẫn, như cha mẹ rất an và vui dù có phải hy sinh biết bao cho sự an lạc của con cái. Nhẫn như vậy có đủ chính tinh tiến để không không thối thất hay gián đoạn nên mới thành được ba la mật. 

Tinh cần và nhẫn nhờ vào trí huệ mà có khả năng đưa người qua bờ bên kia, nếu không trí huệ tất tinh cần và nhẫn chỉ tạo thành đồ chơi, thậm chí tạo thành nghiệp chướng ngại cho việc qua bờ kia.

Nếu không có trí huệ dẫn dắt tất cả tinh tiến lẫn nhẫn nhục đều có thể thành tà pháp, đưa người xuống đến tận đáy bờ này. Do đó mà trí huệ được coi là bản thể của lục độ. Nhờ vào trí huệ mà thành ba la mật đa.

Hành "vô duyên đại bi" tất sinh khởi trí huệ, vì muốn lợi lạc chúng sinh, hành giả luôn quán sát thấu triệt để không vấp vào các chướng ngại "tà" nằm phục trong các thiện pháp, như bố thí, trì giới, tinh tiến, nhẫn nhục và thiền định, thậm chí ngay cả ở trí huệ. Hành "vô duyên đại bi" chính là hành Bồ đề tâm. Không Bồ đề tâm tất không lục độ, không lục độ tất không thành Bồ tát đạo, không Bồ tát đạo ắt không có Phật quả.

Tu học Phật cần cứu xét tâm tính, đừng để vì thiếu tư duy thật đức năng, nên hiểu sai thành quả của nhẫn và tinh cần, do nhờ tinh tiến và kiên nhẫn tu hành được tín chúng kính trọng cúng dường, bấy giờ suy nghĩ do công đức của nhẫn và tinh cần mà ta được quả lợi dưỡng, do khởi tâm này tội ác liền sinh, phá tan chính cần, cùng sự kham nhẫn ngũ dục, khiến thành quả tu hành bị lạc vào ma đạo. Tu học dùng sự tinh tiến lễ bái tụng kinh, nhẫn chịu đồ chúng để chỉ được chút ngũ dục nhất thời trong hiện đời, khác nào người có công cần cù nhẫn nại mài tảng đá lớn chỉ để thành con trâu nhỏ, một thứ đồ chơi cho trẻ con, thì thật là hồ đồ lãng phí biết bao sự tinh tiến nhẫn nại chỉ vì thiếu trí huệ. Ba Tiêu thiền sư ví von hạng người thiếu trí huệ đó bỏ công sức lớn để được thành quả nho nhoi, tựa như dùng ngọc làm đạn để bắn chim sẻ, được chim sẻ nhưng mất ngọc báu.
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Bách Trượng Thanh Quy, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc Tải Về
2 Phật Pháp Bách Vấn, Huyền Ngu Quảng Tánh Tải Về
3 Kinh Bách Dụ, Hòa Thượng Thích Thiện Huệ Tải Về

Đốn Cây Tìm Quả
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Thợ Gốm Và Con Lừa
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Trị Bệnh Trọc Đầu
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Quỷ Tranh Bảo Bối
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ