Phật Học Vấn Đáp


Làm sao để lãnh hội được tánh Không trong sự hiện hữu của các pháp?

2/18/2023 8:23:00 AM
Để hiểu được ý nghĩa của tánh Không (śunyatā) trong sự hiện hữu của các pháp, bạn cần phải quán chiếu các tính chất cơ bản của chúng, được tóm tắc trong bốn thuật ngữ như sau: nhân duyên, giả danh, không, và trung đạo.

a/ Nhân duyên (pratītyasamutpāda): Một pháp (thuộc về tâm lý hay vật lý) được hình thành luôn bao hàm nhiều nhân duyên; hay nói khác đi, do các nhân duyên kết hợp với nhau mà một pháp được hình thành. Do vậy, khi các nhân duyên tan rã, thì pháp ấy cũng hoại diệt theo.

b/ Giả danh (prajñapti): Một pháp (thuộc về tâm lý hay vật lý) được đặt tên tùy theo các nhân duyên, điều kiện. Khi các nhân duyên thay đổi, tên gọi cũng thay đổi. Ví dụ: cây, gỗ, cái bàn, củi, lửa, tro, bụi.

c/ Không (śunyatā): Một pháp (thuộc về tâm lý hay vật lý) dầu được định danh theo chức năng của nó, nhưng bản chất của nó khi được phân tích đến cùng đều trở thành Không, tức không có tự tính cá biệt độc lập nào; vì pháp đó là sự tựu thành của các nhân duyên và điều kiện khác nhau, như hydro cộng với oxy để tạo thành nước.

d/ Trung đạo (madhyamā pratipad): Giá trị của một pháp (thuộc về tâm lý hay vật lý) cần được nhìn nhận trong chuỗi tương quan của các nhân duyên và điều kiện mang tính tương đối, nhằm tránh xa các cố chấp cực đoan về có không, sinh diệt, giống khác, thường hằng hay đoạn diệt... Do vậy, Trung đạo là con đường vượt lên trên mọi chấp thủ và dẫn đến Niết bàn.
Quán chiếu sâu sắc bốn tính chất này, bạn có thể lãnh hội được ý nghĩa Không trong sự hiện hữu của các pháp.
Trích từ:  Cẩm Nang Của Người Phật Tử Tập 1. Khải Thiên



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Từ Ngữ Phật Học Trong Phần Vấn Đáp



Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật