Phật Học Vấn Đáp


Lạy phật như thế nào mới đúng ý nghĩa?
Kính thưa thầy, con là một Phật tử đi chùa đã lâu, nhưng chỉ đi chùa theo lệ thường chớ không có tu học hay nghiên cứu kinh điển. Về cách thức lạy Phật cũng như nguồn gốc ý nghĩa lạy Phật và lạy Phật có bao nhiêu cách? thú thật là con chưa hiểu rõ. Vậy con kính mong thầy hoan hỷ có thể giải thích cho con được hiểu rõ hơn. Con thành kính cảm ơn thầy.

8/1/2022 12:53:16 PM

Lạy Phật thuộc về Lễ bái môn một trong Ngũ niệm môn (Lễ bái môn, Tán thán trì tụng môn, Tác nguyện xưng danh môn, Quán sát môn và Hồi hướng môn).  Truy nguyên về nguồn gốc của việc lạy Phật đã có từ thời đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế. Xưa kia, đức Phật không phải chỉ ở nhơn gian không mà có khi Ngài lên cung trời thuyết pháp. Thời gian Ngài vắng mặt ở nhơn gian, các hàng đệ tử rất nhớ Ngài. Khi gặp Phật ai nấy đều hết sức mừng rỡ và hết lòng tôn kính, bằng cách quỳ mộp xuống ôm chân Ngài và đặt trán mình lên bàn chân Ngài. Đó là biểu lộ lòng chí thành ngưỡng mộ một bậc Đạo Sư bi trí siêu phàm. Sau khi Phật nhập diệt, cử chỉ tôn kính lạy Phật vẫn được các hàng đệ tử tín đồ xuất gia và tại gia luôn thể hiện cho đến ngày nay và mãi đến ngàn sau. Lạy Phật cũng là một pháp môn thắng diệu để biểu lộ diệt trừ cái tâm cống cao ngã mạn, hiu hiu tự đắc, khinh người dưới mắt mình. Đó là ý nghĩa chính yếu của sự lạy Phật để dẹp trừ ngã mạn.

Phật tử hỏi: về cách thức lạy Phật và lạy Phật có bao nhiêu cách?

Về cách thức lạy Phật tùy theo mỗi truyền thống của các nước Phật giáo mà biểu hiện cách thức lạy Phật có khác nhau. Theo truyền thống của hệ phái Phật giáo phát triển ở Trung Hoa, cũng như ở Việt Nam, thì cách thức lạy Phật giống nhau. Nghĩa là, khi lạy Phật năm vóc gieo xuống đất. Đây gọi là "Ngũ thể đầu địa", tức là hai cánh tay, hai đầu gối quỳ xuống và đầu phải xát đất. Khi lạy xuống hành giả phải ngửa hai bàn tay ra đưa về phía trước với tư thế như đang nâng bàn chân Phật lên và trán phải đặt giữa hai bàn tay. Lạy Phật không những thân phải trang nghiêm tề chỉnh mà tâm cũng phải hết lòng cung kính tưởng như đức Phật đang ở trước mặt mình. Lạy Phật như thế, trong kinh gọi là "Thân tâm cung kính lễ".

Về cách lễ bái, đứng về mặt Sự tướng biểu lộ bằng hình thức của thân tâm mà nói, thì trong kinh nêu ra có 4 cách:

Quy mạng lễ: cách lễ nầy hành giả phải đem hết cả thân tâm hướng về Phật mà chí thành đảnh lễ.

Thân tâm cung kính lễ: cách lễ nầy như đã nói, thân và tâm phải hợp nhứt với nhau trong khi đảnh lễ.

Sám hối lễ: cách lễ nầy hành giả phải hết lòng sám hối những lỗi lầm mà mình đã gây tạo để cầu Phật chứng minh cho lòng ăn năn sám hối của mình.

Hồi hướng phát nguyện lễ: cách lễ nầy là hành giả phải bối trần hiệp giác, phát nguyện làm những điều lành, tránh xa các điều dữ, có bao nhiêu công đức phúc thiện đều hồi hướng về quả Vô thượng Bồ đề.

Đứng về phương diện Lý lễ cũng có 4 cách:

Phát trí thanh tịnh lễ: cách lễ nầy hành giả đem tâm thanh tịnh mà lễ, bởi tất cả cảnh giới của chư Phật đều từ tâm hiện bày. Do đó, lạy một vị Phật là lạy tất cả chư Phật. Lạy một lạy là lạy tất cả pháp giới, vì pháp thân của Phật dung thông trùm khắp. Dụ như, tất cả bóng đèn đều có chung một dòng điện vậy.

Biến nhập pháp giới lễ: cách lễ nầy hành giả nên quán sát thân tâm cùng pháp giới không rời nhau. Pháp giới tánh trùm khắp mười phương, ở thánh không tăng, ở phàm không giảm, tánh vốn không hai, hành giả thể nhập sống với "tánh không hai" nầy gọi là Biến nhập pháp giới lễ.

Chánh quán lễ: Cách lễ nầy là hành giả nên lễ ông Phật tự tâm mình, không nên chạy ra ngoài tìm cầu, vì mỗi chúng sanh đều sẵn có tánh giác, gọi là Phật tánh viên mãn, bình đẳng và chân giác.

Thật tướng bình đẳng lễ: Cách lễ nầy là hành giả không còn thấy có hai, tự và tha hay năng và sở khác nhau, tất cả đều có chung một thể tánh, tức vạn vật đồng nhứt thể. Đó là năng lễ sở lễ tánh không tịch. Lễ Phật như vậy, mới thực sự là thể hiện trọn vẹn Lý hành lễ vậy.

Nói gọn cho Phật tử dễ hiểu là lạy Phật có Sự lạy và Lý lạy. Qua hai cách chính nói trên, thì đại đa số Phật tử chúng ta đều nghiêng về phần Sự lễ hơn là Lý lễ. Ngay cả phần Sự lễ thôi, đôi khi chúng ta thật hành còn không đúng cách nói chi là phần Lý lễ. Nhưng chúng ta cũng cần nên hiểu cả hai cách lễ Phật vậy.

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái


Thẻ
Thập Niệm        Phật Tử       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật