Phật Học Vấn Đáp


Chuyên niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. Xin hỏi như vậy có được không?
Kính bạch Hoà thượng! Lâu nay, con chuyên niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát và trì tụng Kinh “Phổ Môn”. Lúc làm việc cũng như khi đi kinh hành, con cũng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Xin hỏi như vậy có được không? Nếu niệm Phật thì chỉ trì tụng Kinh Vô Lượng Thọ. Như vậy, có được phép tụng Kinh “Phổ Môn” không? Xin Hoà thượng chỉ dạy cho con hiểu.

8/15/2022 2:27:32 PM
Cư sĩ Giang Vĩ Nông một đời chỉ trì niệm Kinh Kim Cang. Khi xếp Kinh lại thì Ngài niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Đây chính lời Ngài nói: “Giáo tông Bát Nhã hành tại Di Đà”. Phật tử trì Kinh “Vô Lượng Thọ” nhưng nếu niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì đâu có trở ngại gì! Trì Kinh Phổ Môn, niệm thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát đều được cả, chẳng có gì trở ngại. Đem công đức tu học của mình mà hồi hướng cầu sanh Tịnh độ sẽ được vãng sanh. Trong “Tam Bối Vãng Sanh”, đoạn kinh văn sau cùng nói rõ: Có những người, tuy họ chẳng chuyên tu Tịnh độ mà lại tu học các pháp môn đại thừa khác nhưng tất cả phước đức, công đức, họ đều hồi hướng cầu sanh Tịnh độ, thì họ vẫn tự tại vãng sanh. Cái cửa Tây phương Tịnh độ của A Di Đà vô cùng rộng lớn, chẳng phải nhất định Ngài tiếp dẫn những người chuyên tu niệm Phật, mà còn tiếp dẫn những người hoằng pháp các pháp môn khác, nếu như họ biết hồi hướng về Tịnh độ, thì khi lâm chung tất cả đều được vãng sanh. Quý vị phải ghi nhớ, đem công đức tu tập của mình mà hồi hướng thì sẽ thành tựu việc vãng sanh. Cái gì là công đức? Phật tử tu hành như vậy có công đức hay không? Nếu như chẳng có công đức thì lấy gì hồi hướng? Niệm bài kệ hồi hướng ấy là trống rỗng, chẳng có tác dụng gì cả.

Điều quan trọng là chính mình phải có công đức chân thật. Công đức chân thật nói một cách đơn giản tức là tâm thanh tịnh. Trong kinh Phật thường nói: Tâm tịnh thì Phật độ tịnh. Chúng ta tu hành quan trọng nhất là thanh tịnh tâm, xa lìa tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì công đức sẽ hiện tiền. Vậy chúng ta phải nói rõ thêm một tí. Trì giới là Công, được định là Đức. Mình được định, là nhân nơi trì giới mà được định. Tu định là Công, khai trí tuệ là Đức. Phật tử nên biết, “Công” là tu nhân, “Đức” là kết quả của mình. Phật tử phải có “Công tu” chân chánh, mới thành tựu được cái “Quả đức” chân thật! Trì giới nếu như không được định thì việc trì giới đó là phước báu, là phước đức chẳng phải công đức. Chúng ta thấy nhiều người trì giới rất nghiêm, trì nghiêm như họ, đó là phước đức, chẳng phải công đức. Tại sao vậy? Vì họ không được định, họ vẫn còn vọng tưởng phân biệt chấp trước, cho rằng mình tu giới luật rất hay, rất giỏi, thấy người kia phá giới, người nọ phạm giới, thì ngay đó công đức của chính mình bị hủy hoại hết. Trì giới như thế nào mới thành tựu công đức? Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư nói rất hay: “Nhược như chơn tu đạo nhơn bất kiến thế gian quá nếu như người chân thật tu đạo, thì chẳng nhìn lỗi thế gian.”

Trì giới đó là công đức. Ngài trì giới được định. Phật tử thử nghĩ xem, dù có trì nghiêm giới luật hay đi nữa, nhưng nhìn thấy người này không vừa mắt, thấy kẻ kia chẳng vừa ý, thấy mình hay giỏi hơn người. Thì trong tâm mình không an định được. Tâm không thanh tịnh thì giới này là phước đức, chẳng phải công đức. Công đức mới giúp chúng ta thể liễu thoát sanh tử, ra khỏi tam giới, còn phước đức thì không được. Công đức và phước đức chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng, muôn ngàn không thể hiểu sai!, Phật nói trong Kinh: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai.” Lại nói: “Lửa thiêu rừng công đức.” Lửa gì đây? Là nổi nóng, lửa sân hận, trong tâm không vui gặp phải chuyện không như ý, thì nổi nóng, ngay đó công đức sẽ mất hết. Công đức rất khó tu, khó tích tụ. Nếu như lúc mạng chung, chỉ khởi một niệm sân giận thì công đức mất hết, một đời tu tạo công đức, đến đó coi như hết. Quý vị thử hỏi một người nào đó: “Bạn có bao nhiêu công đức?” Thì người đó trả lời: “Từ khi niệm Phật, tụng Kinh đến bây giờ chưa bao giờ nóng giận.” Ngay đó biết họ tích tụ được bao nhiêu công đức, thì mình biết ngay. Chúng ta nên biết tâm nóng giận sẽ đánh mất hết công đức, Tâm tham ái cũng như vậy. Nói một cách khác, thất tình lục dục người Trung Quốc gọi là hỷ, nộ, lạc, ái, ố, dục bảy thứ này, nếu chúng ta chẳng trừ nó sẽ phá sạch hết công đức của mình. Do đây có thể biết công đức không dễ tu, phước đức thì dễ. Phước đức sẽ không bỏ mất, công đức không dễ tu nhưng rất dễ đánh mất. Đây là công đức và phước đức cần phải phân biệt cho rõ ràng.
 
Trích từ:  Tịnh Độ Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Thích Nhuận Nghi


Thẻ
Niệm Phật        Quán Thế Âm        Tụng Kinh        Thập Niệm        Bồ Tát       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật