Home > Khai Thị Phật Học > Nguoi-Xuat-Gia--Phai-Tung-Ba-Bo-Kinh
Người Xuất Gia Phải Tụng Ba Bộ Kinh
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch


Nếu bạn lý hội cảnh giới ba bộ kinh này thì mới không uổng làm tín đồ Phật giáo.

Ba bộ kinh đó là gì? Ðó là Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Lăng Nghiêm, và Kinh Pháp Hoa. Ba bộ kinh nầy là do Ðức Thích Ca Mâu Ni Phật kim khẩu nói ra, Ngài A Nan Tôn Giả thuật lại, sau đó viết lên lá bối hầu lưu truyền trong thế gian, trở thành bộ kinh điển mà người Phật giáo đồ phải học và tụng.

Người xuất gia và tại gia ở Vạn Phật Thánh Thành đều phải học tụng thuộc ba bộ kinh nầy. Tối thiểu là thuộc Kinh Lăng Nghiêm, hoặc là hai bộ hoặc là ba bộ, đó là điều lý tưởng. Nếu như liễu giải kinh nghĩa, không thể chỉ ở trên mặt chữ thôi, nếu như không cầu sự thâm giải thì không ích lợi gì. Nếu như bạn có thể lý hội được cảnh giới của ba bộ kinh nầy thì mới không uổng làm một tín đồ Phật giáo.

Lúc Phật ba mươi tuổi thì Ngài ngồi dưới cội bồ đề đắc thành chánh giác. Suốt hai mươi mốt ngày nhập định, Ngài vì Pháp Thân Ðại sĩ mà thuyết bộ Kinh Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm; bộ kinh nầy bao quát tam tạng mười hai bộ, thuyết rõ cảnh giới viên dung vô ngại của vạn sự vạn vật trên vũ trụ này, cũng có thể gọi là "Cảnh giới của nhất chân Pháp giới."

Lúc Phật sáu mươi hai tuổi, Tôn giả A Nan do quá chú trọng đến học vấn, đa văn, xao lãng chuyện tu trí nên Tôn giả không may bị cô con gái của bà Ma Ðăng Già dùng chú của trời Phạm Thiên làm khốn, thiếu chút nữa là phá giới thể. Phật phải dùng thần Chú Lăng Nghiêm cứu Ngài A Nan thoát khỏi nữ nạn, rồi thuyết Kinh Ðại Phật Ðảnh Thủ Lăng Nghiêm cho Ngài A Nan. Kinh nầy là kinh khai trí huệ, hiển minh đạo lý. Nếu khai triển chân lý trong kinh, nhất định trí huệ của ta sẽ bao la, rộng lớn như biển cả.

Lúc Phật bảy mươi hai tuổi thì Ngài ở trên núi Linh Sơn trong Hội Pháp Hoa, vì các bậc đại A La Hán, đại Bồ tát, diễn thuyết đạo lý "Một Phật Thừa", cũng là đạo lý làm thế nào thành Phật. Lúc bấy giờ do những người theo pháp Tiểu thừa bỏ tâm hướng nhỏ hẹp đổi ra chí hướng rộng rãi, được chư Phật thọ ký tương lai thành Phật, nên Kinh Diệu Pháp Liên Hoa được xem là Kinh dạy thành Phật.

Nếu kẻ tu bắt chước học sinh, hết lòng chăm chỉ đọc sách, thì Tam tạng mười hai bộ kinh rất dễ học thuộc. Song sau khi xuất gia có kẻ tưởng rằng mình đã đầy đủ rồi, rằng niệm Phật, tham thiền, học Giáo, trì giới, trì chú là đủ rồi, do đó không học hỏi kinh điển, bởi vì họ xem nhẹ tính chất trọng yếu của chuyện học kinh. Nên kẻ đời sau thì không bằng người đời trước; tạo thành tập quán biếng nhác. Ðó chính là điều bất hạnh của Phật giáo. Nếu như mình không cấp thời chỉnh đốn lại quan niệm sai lầm đó, thì tiền đồ Phật giáo không biết sẽ đi về đâu.

Giảng ngày 12 tháng 11 năm 1983