Home > Giảng Kinh > A-Di-Da-Thong-Tan-So

Lời Nói Đầu


Bản Thông sớ này do sa môn Khuy Cơ ở chùa Đại Từ Ân soạn.

Rõ rằng! Lý lẽ dứt đường ngôn ngữ, hàng Tam thừa sao có thể lãnh hội được; trí tuệ bao trùm muôn đức, nên chẳng phải điều mà hàng Thập địa có thể quán biết được. Rải mây lành để che hết tứ sinh; rưới mưa pháp để thấm nhuần chín cõi.

Do đó, Đức Thế Tôn từ nơi cung trời Đâu suất sinh xuống thành Ca duy, chán đời sống dục lạc ở vương cung, thành tựu đạo chơn thường dưới cội cây. Vì nghiệp lực của chúng sinh, bởi quần ma cường thịnh, nên Ngài vượt biển khổ để khai mở ba đường; dong thuyền từ để làm vạn thiện. Vì thế, Ngài mới rộng tuyên chính pháp, chỉ thẳng cõi Tây phương. Đây là cửa mầu nhiệm để vào bậc thánh, là phương pháp vi diệu để thoát khỏi phàm phu. Mười lớp tịnh độ căn cứ vào địa vị vì có nhiều sự sai khác; đài sen chín phẩm ứng với mức độ tịnh uế mà có cấp bực thứ lớp. Vĩ đại thay! đã vượt ra ngoài có, không; dứt tuyệt thường, đoạn.

Phật là người đã thành tựu trọn vẹn bồ đề. Thuyết là vận dụng lòng từ mà diễn nói pháp. A di đà, Trung Quốc dịch là Vô Lượng Thọ. Chữ kinh có nghĩa là Thường pháp nhiếp quán. Thường tức trăm vua không đổi. Pháp chính là quy luật chung của nghìn đời. Nhiếp tức bao hàm tất cả văn tự. Quán nghĩa là thấu suốt mọi ý nghĩa thâm diệu. Cho nên mới nói Phật thuyết kinh A di đà.

Đầu mỗi kinh thường dẫn: “Như thị ngã văn v.v…”

Lời tán: Trước khi đi vào giải thích tên bộ kinh, trình bày sơ lược sáu điều:

1. Trình bày khái quát về nguyên nhân Phật nói kinh.

2. Phân biệt kỹ về tông chỉ.

3. Trình bày thể và dụng của bộ kinh.

4. Người dịch và thời gian dịch.

5. Bàn về đốn, tiệm.

6. Chính thức đi vào giải thích văn kinh.