Home > Khai Thị Niệm Phật > Khai-Thi-Tai-Phat-That-Chua-Linh-Son-Nam-Giap-Dan
Khai Thị Tại Phật Thất Chùa Linh Sơn Năm Giáp Dần
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


1. KHAI THỊ LẦN THỨ NHẤT

Thưa các vị lão sư, các vị đồng tu,

Từ khi Linh Sơn Tự có Phật Thất đến nay đã là hai mươi lăm năm, có thể duy trì lâu dài liên tục, chẳng gián đoạn như thế thật chẳng phải là chuyện dễ. Phật Thất mỗi năm, học nhân (lời cụ Lý Bỉnh Nam tự xưng) đều đến tham gia, chẳng dám bảo là khai thị, mà chỉ là đem phương pháp niệm Phật và yếu nghĩa của nó sách tấn, khuyên lơn các vị mà thôi.

Trong hai mươi lăm năm, những điều cần nói đã nói qua cả rồi. Gần đây học nhân bận rộn lắm việc, trong thời gian tổ chức Phật Thất, chỉ có thể đến hai lần. Những điều nói ra đều là những câu lấy trong kinh, hoặc từ ngữ lục của chư Tổ Sư. Học nhân vô học vô đức, ngoài những lời kinh, lời Tổ dạy thì không còn gì để nói, những điều muốn nói cũng phát xuất từ khuôn phép của tiền nhân. Những điều tôi nói trong quá khứ, chưa chắc quý vị đã nhớ hết, hoặc đã quên sạch, nên hôm nay nhắc lại thì cũng như mới nói.

Lần này học nhân thay đổi phương thức, in dàn bài tặng quý vị tham khảo. Bởi vì xem dàn bài nghe giảng, ấn tượng càng khắc sâu, dễ hiểu rõ trọn vẹn, nghe xong có thể đem về nghiên cứu kỹ càng. Nếu như quý vị nhờ đó mà đạt được cảnh giới tốt thì cố nhiên là rất tốt. Nếu như thấy không tiến bộ gì thì xem đọc lại nhiều lần, cốt sao đúng pháp thực hành, lâu ngày chầy tháng nhất định sẽ được lợi ích.

Chúng ta tu pháp môn Tịnh Ðộ mục đích là tương lai chứng đắc Phật quả. Tu các pháp môn khác mà muốn chứng Phật quả thì phải trải qua ba đại A Tăng Kỳ kiếp; trong trăm vạn người khó có một người thành tựu. Phật Quả tuy tốt, nhưng ai có thể chứng được? Trong pháp môn Tịnh Ðộ thì chỉ cần tại thế giới Sa Bà này, trong vòng mấy mươi năm ngắn ngủi, một câu A Di Ðà Phật niệm đến Nhất Tâm Bất Loạn thì liền được vãng sanh. Sau khi vãng sanh, trong một thời gian ngắn thành địa vị bổ xứ Bồ Tát, thành Phật rất dễ. Vì vậy, pháp môn này dễ tu, đáng gọi là “độ khắp ba căn, gồm thâu lợi, độn”. Thượng căn được lợi mà bọn độn căn chúng ta cũng có thể được lợi. Ai ai cũng tu được, đều có thể thành tựu.

Hễ ai tu Tịnh Ðộ đều biết những câu “vạn nhân tu vạn nhân khứ” (vạn người tu, vạn người vãng sanh), “đới nghiệp vãng sanh”, “Nhất Tâm Bất Loạn”, nhưng mọi người đều chẳng muốn hiểu kỹ ba câu này. Tôi đã từng giảng qua, nhưng ai nấy đều hiểu lầm ý nghĩa của chúng, vẫn chưa thể hiểu sâu, hiểu đúng, hiểu tỉ mỉ, cho nên chưa thể thành công được.

Mấy năm gần đây, thấy công phu các vị thụt lùi lớn. Nhớ năm năm đầu lúc mới mở Phật Thất ở Ðài Trung còn khá, chứ năm năm sau đó đã kém hẳn, năm năm kế tiếp đó càng tệ hơn nữa. Công phu đã chẳng tiến, trái lại còn lui sụt. Ðã thế niệm Phật đều chẳng phấn khởi tinh thần. Ðây là lời thực, học nhân đến đây chỉ mong quý vị đạt được lợi ích chân thật. Bởi thế, chẳng thể khen ngợi quý vị được. Tâng bốc quý vị thì không chỉ chẳng được vãng sanh mà trái lại còn làm hại mọi người. Nay đem ý nghĩa chân thật của ba câu ấy nói ra, quý vị sẽ liền biết rõ công phu của mình như thế nào.

* “Vạn tu vạn nhân khứ”

Ðây chính là lời của Tổ Sư, hoàn toàn chẳng sai lầm, dưới đây tôi sẽ nêu bốn điều để giảng pháp chân chánh, khiến cho quý vị chẳng còn hiểu lầm ý nghĩa câu này nữa.

a. Tu phải nhận thức rõ Chánh Trợ Song Tu

Tu tức là chiếu theo pháp môn Tịnh Ðộ mà tu, phải nhận thức rõ Chánh Trợ Song Tu. Chánh tức là công phu căn bản, chỉ niệm sáu chữ hồng danh “nam mô A Di Ðà Phật”. Ðây là công phu chánh, ai cũng biết niệm. Chẳng học Phật cũng biết niệm, nhưng không hiểu nghĩa. Nay tôi giải thích đại lược:

1) Một câu “nam mô A Di Ðà Phật” là Pháp Giới Tạng Thân, bao gồm cả thập phương tam thế chư Phật.

2) Một câu “nam mô A Di Ðà Phật” bao trùm cả mười hai bộ loại kinh điển trong Tam Tạng, tức là chữ A đã bao gồm toàn bộ giáo pháp của Tam Tạng.

3) Sáu chữ hồng danh là vua của các chú, sáu chữ “nam mô A Di Ðà Phật” là chữ bí mật, chẳng phiên dịch. Cả sáu chữ đều chẳng phải là tiếng Hán. Pháp này cao tột, thù thắng hơn trì tụng bất cứ chú ngữ nào khác.

4) Học Phật phải tu Ðịnh. “Hoa Nghiêm đại định” chính là Di Ðà đại định. Nhất Tâm Bất Loạn chính là định, đạt được Nhất Tâm là thành công. Ðấy chính là chỗ mầu nhiệm của pháp môn Tịnh Ðộ.

Hai mươi năm trước đây, ngoại trừ những lúc có Phật Thất, mỗi Chủ Nhật, học nhân đều đến đây giảng kinh, phần lớn các kinh đã giảng qua, nhưng học nhân thường nói: Giảng kinh chẳng thể liễu thoát sanh tử, chỉ là để kết duyên nhằm khiến chúng sanh hiểu rõ ý kinh, cải biến tâm lý, thực tiễn tu hành. Dù cho có giảng kinh trăm năm, hằng ngày giảng kinh cũng chẳng thể liễu sanh tử. Chẳng bằng kẻ chẳng hiểu giáo lý nhưng biết niệm sáu chữ hồng danh, niệm đến Nhất Tâm Bất Loạn bèn được lợi ích rất lớn.

Niệm Phật là công phu chánh, có thể hiển lộ bổn tánh Chân Như. Niệm đến Nhất Tâm thì tâm minh, tánh hiển, đấy là thành công. Nếu chỉ đàm huyền luận diệu thì tu bao nhiêu năm cũng chẳng thể giải ngộ tâm tánh. Xin quý vị nghe kỹ: Sáu chữ hồng danh “nam mô A Di Ðà Phật” chính là bổn tánh của quý vị, bổn tánh chính là tâm của quý vị.

Thiền Tông chê Tịnh Tông rằng: “Ngu nhân cầu Phật bất cầu tâm, trí nhân cầu tâm bất cầu Phật” (kẻ ngu cầu Phật chẳng cầu tâm, người trí cầu tâm chẳng cầu Phật). Quý vị cầu tâm hay cầu Phật? Nếu cầu Phật thì là người ngu vì chẳng biết tâm quý vị chính là Phật, Phật chính là tâm quý vị. Tâm và Phật vốn là một, vì vô minh ngăn che nên Phật là Phật, tâm là tâm, tâm và Phật bị chia thành hai, đều là do quý vị tạo ra. Nay quý vị niệm Phật chính là hiển lộ bổn tánh của mình: “Mười phương tam thế Phật, cùng chung một Pháp Thân”. Phật quá khứ có Pháp Thân, Phật vị lai cũng có Pháp Thân. Phật vị lai chính là chúng ta. Pháp Thân của chúng ta với Pháp Thân của Phật Thích Ca, Phật Di Ðà là một không phải hai. Niệm Phật là khai hiển bổn tánh, là công phu chánh. Quý vị tu không thành công pháp môn này thì có thể nói đoan chắc là quý vị tu các pháp môn khác cũng không thể thành tựu được. Nếu bỏ pháp môn này mà quý vị có thể thành tựu được thì tôi chính là kẻ đại vọng ngữ, sẽ đọa địa ngục.

Tu chính là vì tâm tánh của chúng ta bị vô minh ngăn che. Vô minh chẳng dễ nhận biết. Nói cách khác, vô minh chính là những hành vi giết, trộm, dâm, tham, sân, si v.v... hằng ngày của chúng ta. Tu chính là trừ khử những vô minh ấy, chẳng tạo nghiệp giết, trộm, dâm, chẳng khởi tham, sân, si, khiến cho bổn tánh tỏ lộ quang minh, đó tức là Tu.

Nhưng ai có thể biết được đạo lý này? Ai chịu thực hành? Mọi người vừa niệm Phật vừa nhiễm vô minh thì làm sao minh tâm kiến tánh cho được? Vì thế phải dùng trợ lực để tiêu trừ giết, trộm, dâm, tham, sân, si. Trợ tu như thế nào? Tuy chẳng hiểu rõ Phật lý, nhưng cốt sao có thể phân biệt thiện ác, hiểu rõ hai câu sau đây là được: Hễ là điều gì bại hoại thì đừng làm, đó chính là “chư ác mạc tác”. Nhẫn chưa được thì cắn chặt răng đừng làm. Làm việc lành, dù lúc ban đầu chỉ miễn cưỡng làm. Ðấy chính là “chúng thiện phụng hành”. Hành thiện dứt ác, giữ tâm lành, nói lời hay, làm việc tốt, đấy chính là phương pháp hỗ trợ công phu chánh, trừ khử vô minh. Vì thế gọi là “trợ hạnh”.

Nói rộng ra, trợ hạnh là tu sáu Ba La Mật, nhưng khó hiểu, nên chẳng cần phải nói đến. Phàm là điều ác thì dù có tặng quý vị khối kim cương nặng mười vạn bảng (pounds), quý vị cũng chẳng chịu làm. Ðối với việc lành thì dù phải chịu trở ngại nào cũng cứ làm. Hai điều này chính là “tùy duyên tiêu cựu nghiệp, cánh bất tạo tân ương” (tùy duyên tiêu nghiệp cũ, chẳng tạo họa mới nữa). Lúc bình thường gặp thiện thì làm, gặp ác thì bỏ. Khi niệm Phật thì buông bỏ vạn duyên, một ác niệm vừa khởi lên thì liền dùng ngay một câu “nam mô A Di Ðà Phật” để áp chế nó. Thâu tóm ba nghiệp thân, khẩu, ý, theo đó mà hành lâu ngày sẽ được thành công. Vì thế bảo là “vạn nhân tu, vạn nhân khứ”.

b. “Bất chiếu tu bất năng khứ” (chẳng tu đúng theo đó thì chẳng được vãng sanh)

Tuy là “vạn nhân tu, vạn nhân khứ”, nhưng nếu chẳng tu đúng thì chẳng thể vãng sanh được. Ai cũng biết có Phật, có Ma. Ma chính là tham, sân, si, giết, trộm, dâm. Niệm một câu A Di Ðà Phật là Phật lực khởi. Khởi tham, sân, si, giết, trộm dâm là Ma lực khởi. Ma lực và Phật lực ngang nhau. Phật, ma đấu nhau gọi là “đạo cao một thước, ma cao một trượng”. Phật hay Ma đều là tâm của quý vị. Niệm Phật vẫn tạo nghiệp, khởi tham, sân, si, Phật và Ma hỗn tạp, tâm làm sao thanh tịnh được, làm sao sanh Tịnh Ðộ được? Sao có thể minh tâm kiến tánh cho được? Ðã niệm Phật lại còn niệm Ma thì chẳng phải là tu vậy. Nếu chẳng mau sửa đổi cõi lòng, chẳng trừ khử tham, sân, si, thì dù có niệm đến tám vạn bốn ngàn đại kiếp cũng chẳng được vãng sanh. Ðây là lời chân thật. Vì thế, quý vị phải mau thay đổi tâm mình.

c. Thiểu tu công bất thành tựu (công tu ít thì chẳng thành tựu)

Ngay lúc này đây, quý vị chẳng khởi tham, sân, si, không giết, trộm, dâm v.v... rất tốt, nhưng một khi bước ra khỏi cửa này, xong Phật Thất là quên ngay. Ở đây niệm Phật dăm ba ngày là chuyện hay, tiếc là quá ít. Kinh Di Ðà dạy: “Chẳng thể dùng chút thiện căn, phước đức nhân duyên mà được sanh về cõi ấy”. Thiện căn tức là công phu chánh, phước đức chính là trợ duyên. Tu ít thì chẳng thể thành tựu, vì vậy cần phải tu nhiều.

d. Ða tu thị thường bất đoạn (tu nhiều là thường tu chẳng gián đoạn)

“Tu nhiều” là tu thường, luôn luôn tu chẳng gián đoạn. “Thường” là vĩnh viễn như thế, “bất đoạn” là thời thời, khắc khắc nghĩ đến chẳng gián đoạn. Xong Phật Thất rồi, tâm vẫn chẳng biến đổi, chẳng khởi những tâm giết, trộm, dâm, tham, sân, si, hại người... Dù là nông, công, thương, công chức, bác sĩ ai nấy cứ giữ nghề mình, chẳng trở ngại chi đến tâm quý vị cả. Ngoài xã hội, học nhân suốt ngày làm việc, trong hai mươi lăm năm, lo liệu đạo tràng, tuy bị nhạo báng cũng chẳng tranh biện với ai. Ðây chính là hành Nhẫn Ðộ trong Lục Ðộ. Người ta mắng chửi cũng chẳng sanh lòng giận. Huống nữa, lửa vô minh nổi dậy, rừng công đức sẽ cháy tiêu. Xin nghĩ xem: Sân tâm nổi lên, người khác chẳng suy xuyển gì, trái lại mình lại bị hại. Vì thế, học nhẫn nhục chính là để đạt đại tiện nghi vậy.

Tổ sư nói: “Tu đạo chẳng ngại lo liệu công việc, cốt sao chẳng tổn người thì làm nghề gì cũng được”, đều là vì tu hành nhưng phải lo kiếm sống, nương vào Tục để tu Chân. Nếu không như thế thì công phu chẳng thành, chẳng thể vãng sanh. Thân người khó được, nay đã được thân người, nay quý vị tu hành chính là cơ hội để liễu sanh tử. Nếu không liễu sanh tử thì tu hành ích chi?

“Bất đoạn” tức là trong từng thời, khắc chẳng quên. Ta chưa đạt được “tịnh niệm liên tục” nói trong chương Ðại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông, nhưng cứ tiếp tục tu chẳng gián đoạn. Tâm chẳng đoạn thì sẽ làm được chuyện ấy. Niệm chẳng phải là miệng niệm xuông mà phải chú tâm vào đó, tức là tâm đặt nơi Tây Phương, tâm hướng về Phật. Phải có ý niệm bất đoạn như thế mới được. Hết thảy hành động đều vì sanh về Tây mà làm, không gì là không làm như thế. Cho nên ăn cơm, mặc áo là để sanh về Tây, mưu sanh nuôi thân là để sanh về Tây, đều vì tu hành, biến cải tâm lý mới nên. Như học nhân làm việc công, dạy học, lại vì những học sinh sáng dạ tuyên dương Phật pháp. Vì thế học nhân nhận tiền công, chẳng nhận tiền của thương thiên hại lý, nên chẳng trở ngại gì đến việc tu hành.

“Thường” là bất biến, sống trăm năm cũng chẳng thay đổi. “Bất đoạn” là thời thời, khắc khắc nghĩ đến gì thì chú tâm vào đó. Tâm đặt nơi Phật thì tâm chính là Phật. Nếu tâm chẳng đặt nơi Phật thì tâm liền biến thành Ma, thành bại hoại vậy.

Hôm nay, học nhân đến đây bàn về pháp môn Tịnh Ðộ là nói chuyện gì? Nói chuyện Chánh Trợ Song Tu. Quý vị niệm Phật chính là Chánh Công Phu. Học nhân đến giảng là giúp quý vị hiểu đạo, đó là Trợ Công Phu. Vì thế, với bất cứ việc gì tâm cũng đặt tại Chánh Trợ Song Tu là được.

Từ trên đến đây toàn là nói về câu “vạn nhân tu vạn nhân khứ, bất tu bất năng khứ”. Những câu khác ngày mai sẽ bàn.

Này quý vị!

Buông xuống vạn duyên, đề khởi chánh niệm.
Một câu Di Ðà, thẳng đường mà niệm.

2. KHAI THỊ LẦN THỨ HAI

Thưa các vị lão sư, các vị đồng tu,

Hôm nay là đã là ngày thứ sáu của Phật Thất. Xin mọi người tinh tấn, rạng ngày nghe giảng giải, chiều tối càng dụng công khẩn mật.

Phật Thất là để cầu Nhất Tâm. Theo đúng lệ, khi giảng khai thị thì chẳng giảng kinh, chẳng thuyết pháp, chỉ xem trong đạo tràng có điều gì tu hành chẳng đúng pháp thì đối trị căn bệnh đó, ứng cơ mà nói, chứ nếu không thì thành ra làm rối thêm.

Lần này đặc biệt cải biến phương thức đã dùng nhiều năm, in dàn bài giảng giải, chứ lần sau chẳng làm vậy. “Vạn nhân tu vạn nhân khứ”, “đới nghiệp vãng sanh”, “Nhất Tâm Bất Loạn” là ba điều mọi người dễ hiểu lầm nhất. Trong quá khứ, đối với những điều này, tôi chỉ lược giảng dăm ba câu. Người chân chánh dụng công để cầu Nhất Tâm phải nên hiểu rõ một cách xác thực. Ðài Trung học Phật đã hai mươi lăm năm, bây giờ lười nhác, đúng là:

Ðầu nhất niên, Phật tại tiền,
Ðệ nhị niên, Phật tại Tây Thiên,
Ðệ tam niên, Phật hóa vi vân yên.
(Năm đầu, Phật hiện diện trước mặt,
Năm kế, Phật ở Tây Thiên,
Năm thứ ba, Phật hóa thành mây, khói).

Kinh Phật cũng nói Bồ Tát mới phát tâm khác nào bậc Ðẳng Giác, tiếc thay vài năm liền lui sụt. Vì thế, người phát tâm tu thì nhiều, kẻ thành tựu lại ít. Phải đâu Phật pháp không linh, mà là vì mọi người chẳng tin, chẳng thể kiên trì triệt để. Cứ hễ kiên trì mà tu thì đối với bất cứ một câu Phật pháp nào cũng đều thành tựu được hết, chẳng cần phải đọc Tam Tạng. Do chúng sanh vô lượng, tâm tư vô lượng, nên mới có Tam Tạng kinh điển, để đối ứng căn cơ của chúng sanh mà nói.

Ngày hôm qua đã nói về câu đầu tiên là “vạn nhân tu, vạn nhân khứ”. Hôm nay nói về câu thứ hai là “đới nghiệp vãng sanh”. Phàm ai tu Tịnh Ðộ cũng biết nói câu này.

Tu các pháp môn khác, cần phải đoạn Kiến Tư Hoặc mới có thể liễu sanh tử, xuất tam giới; nhưng đa số chẳng biết Kiến Tư Hoặc là cái gì. Bởi thế, người thành công khá hiếm. Lại còn có lối nói “nghiệp tận tình không”. “Tình không” chính là tình thức hoàn toàn biến thành trí huệ, thấu rõ bổn tánh. Mức độ “nghiệp tận tình không” thấp nhất là chứng quả A La Hán, hiện tại có mấy ai làm được?

* Ðới nghiệp vãng sanh

Câu “đới nghiệp vãng sanh” là nói về người tu Tịnh Ðộ; đối với các pháp môn khác nếu đới nghiệp thì tuyệt đối chẳng thể giải thoát, chẳng thể liễu sanh tử. Nhưng đa phần người tu Tịnh Ðộ hiểu lầm là dù còn tạo tội nghiệp vẫn có thể vãng sanh, vẫn có thể thành tựu. Do nói như vậy nên trong mười người tu, tám chín người chẳng thể thành công.

Trong hai mươi lăm năm tại Ðài Trung, có hơn hai ngàn vị đồng tu đã qua đời, nhưng lúc mất có lưu lại tướng vãng sanh để chứng nghiệm thì chẳng nhiều hơn mười người. Sao lại đáng buồn đến thế ấy?

Ý nghĩa chân thực của việc “đới nghiệp vãng sanh” là như sau:

a. Nghiệp là túc nghiệp thiện ác

Nghiệp là những tội nghiệp đã tạo. Phải biết là ai cũng do thân, khẩu, tạo mười ác nghiệp, nhưng chẳng phải là gây tạo trong đời này, mà là từ trong bao kiếp lâu xa luân hồi trong lục đạo đã tạo vô lượng, vô biên tội nghiệp. Kinh nói: “Nếu tội nghiệp có hình thể sẽ sớm chật cả hư không”. Tạo tội thì phải đền trả trong lục đạo. Tội cũ chưa xong, đã gây nghiệp mới, làm sao giải thoát được? Vì thế trong ngàn vạn người, không một ai được giải thoát.

Hoặc bảo: “Niệm Phật một tiếng tiêu trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử”. Ai ai cũng nghĩ là niệm Phật tiêu tội. Ðiều này không sai, nhưng “Ðạo cao một thước, Ma cao một trượng”. Sức Ma lớn là vì ma sự nhiều. Chúng sanh từ bao kiếp lâu xa đến nay toàn làm ma sự, bây giờ chỉ niệm Phật dăm ba năm thì làm sao tiêu được? “Ma cao” là ma nghiệp nhiều. Niệm Phật tiêu nghiệp là như lửa nung chảy băng. Ví như khối băng to như cái bàn, đốt ngọn lửa nhỏ như đầu nén hương thì lửa ít, băng nhiều, làm sao tan băng cho được? Vì thế người tu hành mới thấy sức ma lớn lao, Phật lực không linh; bởi thế, lắm kẻ thoái chuyển. Nhưng nếu chẳng tu hành thì một phân đạo cũng không có. Chúng ta có được một phân, một tấc đạo là đã chẳng uổng rồi!

b. Ðoạn Hoặc giải thoát theo cách thông thường

Ngoại trừ Phật pháp, không có biện pháp nào khác để thoát khỏi luân hồi. Các tôn giáo khác đều cho rằng Thượng Ðế là chí cao vô thượng, nhưng Thượng Ðế vẫn còn ở trong luân hồi lục đạo. Mục tiêu của nhà Phật là thoát luân hồi. Làm thế nào để thoát? Phải “nghiệp tận, tình không”, nghiệp trong nhiều kiếp lẫn nghiệp hiện tại phải nhất loạt tiêu sạch. Ðời này không tiêu hết thì gắng tiêu trong ngàn kiếp, vạn kiếp. Thành bậc A La Hán còn phải sanh tử trong nhân gian hay cõi trời bảy lần mới đoạn hết Kiến Tư Hoặc, liễu sanh tử, nhưng vẫn còn Trần Sa Hoặc chưa đoạn. Ðủ thấy đoạn Kiến Tư Hoặc khó khăn. Ví như có vạn phẩm Hoặc, dù đoạn được chín ngàn chín trăm chín mươi chín phẩm, vẫn còn một phẩm chưa đoạn thì cũng chưa giải thoát. Học nhân học Phật hơn năm mươi năm, một phẩm còn chưa đoạn được, biết làm sao đây?

c. Ðới nghiệp là chế phục nghiệp hoặc chẳng cho chúng khởi dậy

Học nhân tu hành, giảng kinh năm mươi năm, gặp được vài vị minh sư, đối với học lý cũng biết được một hai phần, nhưng một phẩm Hoặc cũng chưa đoạn được. Quý vị tu hành chưa lâu, Hoặc là thứ gì còn chưa biết rành thì đoạn Hoặc sao được? Khác nào mài đao mà chẳng biết đao như thế nào thì mài sao được?

Chúng ta chưa đoạn được Hoặc thì chẳng thể giải thoát. Vì thế đức Thích Ca Mâu Ni đại từ, đại bi nói ra pháp môn Tịnh Ðộ, dạy chúng sanh niệm A Di Ðà Phật, chẳng cần phải đoạn Hoặc, chỉ cần chế ngự được Hoặc liền có thể giải thoát.

Ðoạn Hoặc và Phục Hoặc (chế ngự Hoặc) khác nhau như thế nào? Ðoạn Hoặc giống như trong chén đã thanh tịnh, vô nhiễm, dù có nghiêng đi cũng chẳng đổ cát bụi ra. Phục Hoặc giống như trong chén có cát bụi, dùng vật khác đậy lên, có nghiêng chén cũng chẳng đổ bụi ra, nhưng cát bụi vẫn còn chứa bên trong. Nghiệp tận chẳng bị luân hồi, tu Tịnh phục Hoặc thì cũng chẳng lọt trong lục đạo.

Nhưng Hoặc vẫn còn thì phải làm sao? Luôn luôn dùng sáu chữ hồng danh đè nén chúng, lâu ngày thuần thục, đến lúc mạng chung, nếu khởi tâm niệm Phật thì các tạp niệm bị chế phục chẳng khởi lên nên có thể mang theo nghiệp đi vãng sanh (đới nghiệp vãng sanh). Sanh qua cõi kia rồi mới đoạn Hoặc, chỉ mấy ngày là thành công. Ðấy là Phục Hoặc.

d. Phục Hoặc thì tâm và Phật giao cảm với nhau

Chỉ cần chế phục Hoặc sẽ chẳng tạo nghiệp nữa, nên sẽ cảm ứng đạo giao cùng Phật. Ðấy chính là ý nghĩa chân thực của “đới nghiệp vãng sanh”, tuyệt đối chẳng phải là vừa niệm Phật, vừa tạo tội vẫn được vãng sanh!

* NHẤT TÂM BẤT LOẠN

Ðây là điều dùng để chứng minh công phu, nay tôi sẽ giải thích sơ lược.

1. Ðắc Nhất Tâm thì quyết định thành tựu

Ðắc Nhất Tâm nhất định thành tựu, vì chính là đắc đại định.

2. Nhất định phải theo thứ tự tấn tu

Nhất định chẳng thể vừa tu liền thành ngay, phải tấn tu từng bước một, như châu gieo xuống nước, lần lượt chìm dần.

3. Muốn thành công thì phải tu tập dần dần mới thành tựu trọn vẹn được

Muốn thành công thì phải tu dần dần thì mới có thể viên dung. Hằng ngày ở nhà phải luyện Nhất Tâm thì đến đây mới hòng luyện được Nhất Tâm. Nếu không thì dù có nhập thất hơn ba trăm ngày tâm vẫn loạn, dự một kỳ Phật Thất ngắn ngủi này làm sao đạt được Nhất Tâm? Ðấy chẳng phải là cầu may, may ra được Nhất Tâm hay sao? Hãy nên tự hỏi mình, đừng hỏi ai khác.

4. Thành tựu Nhất Tâm chính là ác niệm chẳng khởi

Nếu đắc Nhất Tâm thì giết, trộm, dâm, tham, sân, si chẳng khởi. Nên biết rằng ác khởi chính là ma. Tâm chúng ta dù khởi ác, nhưng nếu chế phục chúng chẳng cho phát tác thì liền có thể thành công.

Kệ rằng:

“Nhất niệm độc tâm sanh”: “Ðộc” chính là ác niệm. Khởi ác niệm thì làm việc hại người.

Nếu độc tâm vừa sanh thì hãy “gấp dùng một câu Phật hiệu” đàn áp, mau mau dùng “nam mô A Di Ðà Phật” để trấn áp. Ðấy chính là “phục Hoặc”.

“Ác ngôn bất xuất khẩu”: Lời hại người, bốn nghiệp miệng chẳng để xảy ra.

“Tổn nhân sự mạc tác” (việc hại người đừng làm): phàm là những việc tổn hại người hoàn toàn chẳng làm, cắn chặt răng, bất luận là tự mình phải chịu khổ sở, thiếu hụt đến đâu, giữ mình chẳng tạo ác. Chẳng tạo chính là “phục”.

“Cửu cửu tự thành nhiên” (lâu ngày ắt sẽ thành tự nhiên): Làm như vậy chẳng khó lắm ư? Lúc ban đầu tuy khó, nhưng lâu dần quen đi sẽ thành tự nhiên.

“Vãng sanh khả đới nghiệp”: Do chế ngự được Hoặc, lại có thể niệm Phật nên liền có thể mang nghiệp đi vãng sanh.

“Thị danh phục Hoặc pháp, chân thật bí mật quyết” (Ðây gọi là yếu quyết chân thật bí mật của pháp chế phục phiền não): Ðây chính là yếu quyết chân thật, bí mật. Nếu có thể thực hành theo đó thì nhất định được vãng sanh.

Này quý vị!

Hãy buông xuống vạn duyên, đề khởi chánh niệm.

Một câu Di Ðà, thẳng thừng mà niệm.

* Bài kệ của Tuyết Sư lão nhân:

Nhất niệm tâm sanh độc,
Cấp áp nhất Phật thanh,
Ác ngôn bất xuất khẩu,
Tổn nhân sự mạc tác,
Cửu cửu tự thành nhiên,
Vãng sanh khả đới nghiệp,
Thị danh phục Hoặc pháp,
Chân thật bí mật quyết

Tạm dịch:

Một niệm độc tâm khởi,
Phật hiệu đè gấp ngay,
Lời ác trọn chẳng thốt,
Việc tổn người chớ làm,
Lâu ngày trở thành thói,
Ðược đới nghiệp vãng sanh,
Ðây bí quyết chân thật,
Bí mật để phục Hoặc.

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
4.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
10.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
12.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
14.    Tử Thư Tây Tạng, Cư Sĩ Nguyên Phong, Việt Dịch
15.    Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập, Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch