Home > Khai Thị Phật Học
Y Giáo Phụng Hành Mới Có Thể Chứng Quả
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Thế Tôn thường nói: ‘Thân người khó được, Phật pháp khó được nghe’, chúng ta may mắn được thân người và còn có cơ hội nghe được Phật pháp thì phải trân quý nhân duyên thù thắng này. Những năm gần đây chúng ta hết lòng học theo lời dạy của đức Phật và đã thấy được vài chứng minh trong đời sống. Thường thức cạn cợt nhất là lời dạy của đức Phật về ‘nhân duyên quả báo’, chúng ta hãy bình tĩnh quan sát kỹ thì đích thật bố thí tài vật được quả báo giàu sang, bố thí pháp được quả báo thông minh trí huệ, bố thí vô úy được quả báo khỏe mạnh sống lâu. Có thể hiểu được đạo lý và chân tướng sự thật này thì trong sinh hoạt hằng ngày tâm tình tự nhiên sẽ ổn định, đó tức là ‘tâm an lý đắc’; sau khi hiểu đạo lý thì tâm sẽ an.

Cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn kể chuyện ông Liễu Phàm và Vân Cốc thiền sư ngồi trong thiền đường suốt ba ngày ba đêm chẳng khởi lên một vọng niệm, phần đông người thường chẳng làm được việc này. Phần nhiều người ta có vọng niệm lung tung, phân biệt chấp trước quá nhiều, trong kinh gọi họ là phàm phu, ‘người đáng thương xót’. Thiền sư Vân Cốc nói: “Công phu của anh khá lắm!”. Ông Liễu Phàm trả lời: “Con chẳng có công phu, mạng con đã được Khổng tiên sinh đoán chắc rồi, cả đời tốt xấu, kiết hung, họa phước đều đã được an bài sẵn trong vận mạng, khởi vọng tưởng cũng chẳng có ích chi nên con không thèm khởi nữa”. Tuy ông Liễu Phàm hiểu sự thật này nhưng chẳng thấu triệt, chỉ hiểu như vậy nhưng chẳng hiểu tại sao lại như vậy. Sau đó thiền sư khai thị cho ông, giảng cho ông biết lý do tại sao. Ông y theo lời dạy của thiền sư, hết lòng nỗ lực thực hành và thật sự đã biến đổi được vận mạng. Thế nên hiểu rõ đạo lý và chân tướng sự thật mới có thể sửa đổi và sáng tạo vận mạng.

Bồ Tát gồm có năm mươi mốt cấp bậc, đạo lý và cảnh giới của mỗi bậc đều chẳng giống nhau. Bậc thấp nhất là quả vị Sơ Tín của Viên Giáo, những gì Bồ Tát bậc này hiểu được cao hơn ông Liễu Phàm quá nhiều, nhưng thuộc về bậc thấp nhất trong Phật giáo, đến quả vị Như Lai mới thấu triệt rốt ráo. Giáo học của nhà Phật chẳng qua chỉ là giúp chúng ta hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh mà thôi. Người thực sự hiểu rõ chân tướng là Pháp Thân đại sĩ, là quả vị Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát. Từ quả vị Sơ Trụ trở xuống tuy hiểu nhưng chẳng thấu triệt, chỉ là giải ngộ, còn chưa chứng ngộ. Thí dụ việc Phật nói hết thảy chúng sanh đều là pháp thân của chính mình, chúng ta tin sâu chẳng nghi, đây là giải ngộ chứ chưa chứng thực được, còn chưa xem hết thảy chúng sanh như chính mình, chúng sanh và mình còn có chỗ khác nhau. Nếu đối đãi với hết thảy chúng sanh giống như chính mình thì đó mới là chứng ngộ, đó là Pháp Thân đại sĩ.

Chúng ta hiện nay hiểu được những đạo lý này chứ chưa làm được, đó là giải ngộ, chẳng phải chứng ngộ. Thầy Lý thường nói giải ngộ không dùng được, phải sanh tử như thế nào thì vẫn phải sanh tử như thế ấy, chẳng có cách chi thoát ly luân hồi, đến mức chứng ngộ mới có thể thoát ly luân hồi; không những thoát ly luân hồi mà còn thoát ly thập pháp giới, chứng được Nhất Chân pháp giới. Ðến Nhất Chân pháp giới mới thực sự được đại tự tại, được hạnh phúc mỹ mãn. Hạnh phúc mỹ mãn trong thập pháp giới chẳng phải thiệt, ‘chân thiện mỹ huệ’ chỉ có danh, không thật; Nhất Chân pháp giới mới là ‘chân thiện mỹ huệ’ chân thật. Sự kỳ vọng và khích lệ của Phật đối với chúng ta là hy vọng chúng ta nội trong đời này chứng được. Những gì đức Phật dạy, chúng ta nhất định có thể làm được, vấn đề là ‘chúng ta có chịu làm hay không’. Phật dạy chúng ta mở rộng tâm lượng, thương yêu hết thảy chúng sanh cũng như chính mình, như vậy là ‘hành’, giải hành phải tương ứng mới có thể chứng được.

Nhiều người trong thế gian có dã tâm rất lớn, họ muốn làm người khống chế toàn thế giới, họ có thể làm được không? Có thể. Trong kinh Phật nói vua lớn nhất trong thế gian là Kim Luân Vương, thống trị một ‘Tứ thiên hạ’, tức là thống trị một thái dương hệ. Tại sao xưng là Luân Vương? Vì Ngài dùng ‘Luân Bảo’ làm công cụ giao thông và võ khí. Việc này làm chúng ta liên tưởng đến vài chục năm gần đây nhiều nơi trên thế giới đồn đãi chuyện dĩa bay, dĩa bay chắc có lẽ là ‘luân bảo’ của Luân Vương. Có thể Luân Vương phái thuộc hạ đến đây xem xét. Họ dùng luân bảo này trong một ngày đêm có thể đi khắp một ‘tứ thiên hạ’, tức là một thái dương hệ, đây là một cách giải thích.

Nếu nói theo lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, một đơn vị thế giới là một hệ ngân hà; nói cách khác phạm vi cai quản của Luân Vương là một hệ ngân hà. Luân bảo của ngài trong vòng hai mươi bốn giờ có thể đi khắp một hệ ngân hà. Tại sao Luân Vương có thể thống trị một cõi nước lớn như vậy? Trong kinh nói ngài tu ‘Thập thiện nghiệp đạo và Tứ vô lượng tâm’ nên được phước báo lớn như vậy. Ma Hê Thủ La Thiên Vương là thiên vương có phước báo lớn nhất, Kim Luân Thánh Vương là người có phước báo lớn nhất trong cõi người, họ đều do tu tập tích lũy công đức mà được thành tựu như vậy, nhất định chẳng phải do võ lực, ngang tàng mà thành tựu.

Ở Trung Quốc, Tần Thỉ Hoàng dùng bá đạo [cai trị] ba mươi mấy năm liền mất nước; thời gian gần đây Hitler dùng bá đạo thì cũng vậy; người Nhật dùng võ lực gây chiến với Trung Quốc sau tám năm thì gần như diệt vong và đến sau cùng phải đầu hàng vô điều kiện; đây là bằng chứng trong lịch sử cho việc bá đạo chẳng thể thành tựu. Trong lịch sử Trung Quốc, vương triều kiến lập được dài nhất là đời nhà Châu, kéo dài được tám trăm năm chính là nhờ thực hành chánh sách nhân từ, dùng Ngũ Luân, Bát Ðức để trị thiên hạ. Con cháu cuối đời nhà Châu chẳng tuân theo lời dạy của tổ tiên, chẳng nhân, chẳng nghĩa nên dẫn đến vong quốc. Nếu họ vẫn tuân theo nề nếp của tổ tông thì nhà Châu đã chẳng phải diệt vong.

Thế nên nhân từ, chân thành, yêu người, giúp đỡ người vô điều kiện, thành tựu cho người là phước báo chân thật trong thế gian và xuất thế gian. Phước báo chân thật chẳng để cho mình hưởng, mà cho hết thảy chúng sanh hưởng, vì hết thảy chúng sanh là chính mình. Cũng giống như một người già chân chánh thương yêu con cháu, tự mình làm việc, canh tác siêng năng, cực nhọc vì muốn cho con cháu được hạnh phúc, mỹ mãn. Ông ta xem con cháu như chính mình, con cháu hưởng thì cũng như chính mình hưởng thọ, đây là người trong thế gian. Chư Phật, Bồ Tát coi tất cả chúng sanh cũng như chính mình, trên thực tế hết thảy chúng sanh thật sự là chính mình. Ở đây nói rõ sanh mạng là một thể hoàn chỉnh, tận hư không trọn khắp pháp giới là một thể cộng đồng của chính mình, nghĩa là cùng chung một thể.

Nếu ví hư không pháp giới như một thân người, hết thảy chúng sanh chính là tế bào trong thân thể. Mỗi tế bào đều là chính mình, mỗi tế bào đều bình đẳng. Tuy mỗi công năng chẳng giống nhau, mắt có thể thấy, tai có thể nghe nhưng bất luận là mắt, tai, mũi, lưỡi hay nội tạng, tứ chi, da, móng tay khi phân tách nhỏ đều thành phân tử, nguyên tử, điện tử, những bộ phận này đều hoàn toàn giống nhau, đều bình đẳng. Thế nên tận hư không trọn khắp pháp giới đều là chính mình, đây là tri kiến Phật.

Tông Hoa Nghiêm thường nói ‘Tác Pháp Giới Quán’. Lúc trước có một số lão pháp sư, như pháp sư Long Tuyền, Trí Quang và Nam Ðình đều học Hoa Nghiêm, trong kinh Hoa Nghiêm họ thấy tổ sư, đại đức nói về ‘Tác Hoa Nghiêm Quán’. Thế nào là Hoa Nghiêm Quán? Trong đời sống thường ngày, dốc sức làm việc và tận lực học hành, tận hư không trọn khắp pháp giới đều là chính mình, đây chính là Hoa Nghiêm Quán. Thế nên hết thảy chúng sanh giống như các tế bào trong thân thể, các tộc đoàn (tạm dịch cho chữ tộc quần, đoàn thể chủng tộc) khác nhau giống như các khí quan (bộ phận trên thân thể), thiếu một tộc đoàn [giống như thiếu một khí quan] thì người này sẽ sanh bịnh. Thế mới biết các tộc đoàn khác biệt hợp lại với nhau một cách hoàn chỉnh, mỹ mãn, tốt đẹp, trở thành một thể có cùng chung một sanh mạng, hiểu được như vậy thì bạn sẽ thương yêu hết thảy chúng sanh chẳng cùng tộc đoàn. Vì vậy chúng ta đối với những văn hóa, tộc đoàn, tôn giáo khác nhau đều dùng tâm chân thành và thương yêu, dùng hết sức giúp đỡ, như vậy chính là đem kinh Hoa Nghiêm biến thành hiện thực (lạc thực). Lạc thực nghĩa là chứng quả của kinh Hoa Nghiêm. Trong ‘Tín, Giải, Hành, Chứng’, Chứng có nghĩa là ‘lạc thực’, hoàn toàn thực hiện được trong đời sống, đời sống hiện thực này chính là ‘Phật Hoa Nghiêm’, [như vậy] chúng ta mới đạt được thọ dụng chân thật.

Chúng ta phải thể hội tấm gương năm xưa đức Phật Thích Ca thị hiện, hết lòng học tập trong vòng một năm thì sẽ có thể sống cuộc đời của Phật, Bồ Tát. Lúc đó bạn sẽ thành Phật, thành Bồ Tát, tiền đồ vô cùng tươi sáng. Ðây là kỳ vọng của chư Phật, Bồ Tát đối với chúng ta, nội trong đời này chắc chắn có thể chứng được, chỉ cần thực sự y giáo phụng hành. Những gì Phật dạy thì chúng ta làm hết lòng, những gì đức Phật dạy đừng làm thì chúng ta nhất định không làm, như vậy thì sẽ chứng nghiệm được chân tướng sự thật nói trong kinh, mới được thọ dụng chân thật của Phật pháp.