Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Phap-Tu-Thanh-Tuu-Trong-Doi-Nay
I. Phải nhận thức rõ hoàn cảnh hiện tại và đường lối tương lai

1. Ðời người nhiều nghịch cảnh

Có ai là không bị bệnh hoạn, già suy, thân thuộc sanh ly tử biệt, của cải mất mát, oán thù gia hại? Lại còn kẻ nghèo mong cầu tiền của, người không con cầu con, kẻ vô nghề nghiệp, chẳng có chức vụ mong có nghề nghiệp, chức vụ; nhưng rốt cuộc mấy ai được như ý? Những điều bất như ý ấy làm cách nào để giải quyết đây?

2. Cõi đời này lắm tai nạn

Gió bão nổi dậy, địa chấn phát sanh, tường đổ, nhà sập khiến lắm người bị tử thương. Lại còn không mưa thành đại hạn, mưa quá thành lụt, mất mùa khiến lắm người bị chết đói. Nước lớn tràn dâng, chìm ngập thôn trang. Lửa to bốc cháy, thiêu tan thành thị khiến lắm người bị tử thương. Những chuyện như vậy gần như năm nào cũng có. Lại còn có năm chẳng thái bình, có những quốc gia trên thế giới chẳng nghĩ gì đến lẽ nhân đạo luôn gây tai vạ chiến tranh. Lại còn phát minh những vũ khí giết người tối tân, nào là bom nguyên tử, nào là bom khinh khí, chỉ sợ là chẳng giết được thật nhiều người mà thôi. Còn bảo như vậy mới là thế giới tiến hóa, chứ nói trắng ra chỉ là một lò sát sanh lớn! Thử hỏi ai có biện pháp nào để tránh khỏi những tai nạn như thế hay không?

3. Nỗi khổ luân hồi của thân sau

Rất đáng thương thay! Người chết chẳng phải là hết vì thân tuy chết đi, thần thức chẳng diệt. Có sáu cảnh giới là thiên, nhân, A-tu-la, súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ. Thần thức hoàn toàn chẳng thể vượt ra khỏi phạm vi của sáu cõi này. So trong lục đạo, cõi trời, cõi người còn khá, nhưng vẫn có sanh tử, xoay vần qua qua, lại lại; hốt nhiên mang thân trời, người, hốt nhiên sanh trong địa ngục, súc sanh. Ngàn lần sống, vạn lần chết, luân chuyển như thế; xương vùi cao như núi, lệ trào nhiều như biển, thật quá cực khổ! Thử hỏi ai có phương pháp nào trốn tránh sự luân hồi ấy ngõ hầu được trường sanh an tịnh chăng?

II. Phương pháp giải cứu nghịch cảnh, tai nạn, luân hồi

1. Chuyển biến nghịch cảnh, tiêu trừ tai nạn

 Sự khổ vui của mỗi người vốn là một thứ quả báo, phải vận dụng cả ba đời để quán sát. Nếu chẳng hiểu rõ đạo lý này, làm sao thông hiểu được? Hiện tại chúng ta gặp phải nghịch cảnh, mắc phải tai nạn, đương nhiên là có dính líu đến nhân quả. Cách để chuyển biến, tiêu trừ chúng nhanh nhất chính là Niệm Phật. Trong kinh từng nói chí tâm niệm Phật một câu, tiêu trừ được trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Nếu đã tiêu trừ được tội thì nào còn có nghịch cảnh, tai nạn gì nữa! Kinh còn dạy người niệm A Di Ðà Phật được vô lượng vô biên chư Phật ở bốn phương, thượng, hạ hộ niệm. Phật là bậc pháp lực vô biên vạn đức, vạn năng, đã được Phật gia bị thì còn sợ gì tai nạn cơ chứ?

2. Thoát khỏi luân hồi, trường sanh vĩnh viễn

Ngoài lục đạo lại còn có cảnh giới nào khác thì thật là chuyện lạ. A! Lục đạo là cảnh phàm, nào biết còn có cảnh thánh. Cảnh thánh chính là cõi Phật. Trong các thế giới ở phương Tây, có thế giới Cực Lạc là quốc độ của Phật A Di Ðà, hoàn toàn do bảy báu tạo thành, trang nghiêm thanh tịnh.

So với bất cứ cõi thiên cung nào, thế giới Cực Lạc cũng tốt đẹp hơn ngàn vạn vạn lần. Ðiểm tuyệt diệu nhất là thọ mạng vô lượng, chẳng giống như cõi trời, cõi người sanh tử chẳng ngừng trong lục đạo. Trong kinh có dạy: Nếu ai sanh về đó thân đều sắc vàng, quang minh chói lọi, thần thông đầy đủ, nghĩ đến áo liền có áo, nghĩ ăn liền có ăn, thọ mạng vô lượng, sống mãi đến khi thành Phật.

Phương pháp rốt ráo để sanh về đó là như kinh đã dạy: Niệm A Di Ðà đến Nhất Tâm Bất Loạn. Lúc lâm chung, nhất định A Di Ðà Phật đến rước đi.

3. Nêu lời cổ huấn để chứng minh

Những điểm tốt lành vừa được đề cập trong hai đoạn trên đều được chép trong kinh, vốn ngàn lần, vạn lần chân thật, chẳng cần phải nhọc công nêu chứng minh. Nhưng càng chứng minh nhiều thì tín tâm càng thêm kiên cố nên chẳng ngại dài dòng, nêu thêm mấy câu về “mười đại lợi ích của việc niệm Phật”. Nghĩa là người niệm Phật quyết định sẽ được mười điều lợi ích:

1) Ngày đêm thường được hết thảy chư thiên, đại lực thần tướng ẩn thân thủ hộ người ấy.
2) Thường được hai mươi lăm vị đại Bồ Tát như Quán Âm bảo vệ, gia hộ.
3) Ngày đêm thường được chư Phật hộ niệm, A Di Ðà Phật thường phóng quang minh nhiếp thọ người ấy.
4) Hết thảy ác quỷ, dạ-xoa, la-sát đều chẳng hại được, chẳng bị trúng phải rắn độc, thuốc độc.
5) Nước, lửa, oán tặc, đao binh, súng ống, gông, cùm, lao ngục... đều chẳng mắc phải.
6) Những tội nghiệp đã tạo khi trước thảy đều tiêu diệt.
7) Ðêm ngủ mộng thấy điềm lành, hoặc thấy thân sắc vàng thắng diệu của A Di Ðà Phật.
8) Tâm thường hoan hỷ, vẻ mặt tươi tắn, khí lực sung mãn, việc làm tốt đẹp.
9) Thường được hết thảy mọi người trong thế gian cung kính lễ bái giống hệt như kính Phật.
10) Lúc lâm chung tâm không hãi sợ, chánh niệm hiện tiền. Tây Phương Tam Thánh dùng đài vàng tiếp dẫn vãng sanh Tịnh Ðộ, liên hoa hóa sanh, hưởng sự vui thắng diệu.

Xin quý vị chú ý: Trong mười điều lợi ích này, chín điều trước đều là những lợi ích chuyển hóa nghịch cảnh, tiêu trừ tai nạn. Ðiều lợi ích cuối cùng là thân sau thoát khỏi luân hồi.

III. Phương pháp niệm Phật

1. Khóa lễ sáng chiều đơn giản nhất

 - Nam mô đại từ đại bi Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (niệm một lần, lễ một lạy, hoặc chỉ chắp tay).
 - Nam mô đại từ đại bi A Di Ðà Phật (niệm lễ giống như trên).
- Nam mô A Di Ðà Phật
(không cần lễ bái, chỉ cung kính niệm. Quỳ niệm, ngồi niệm, đứng niệm đều được. Tối thiểu là trăm câu đến ngàn câu, vạn câu tùy theo công việc rảnh hay bận của mỗi người. Chỉ nên từ ít tăng lên nhiều, đừng từ nhiều giảm xuống ít).

- Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát (một niệm, một lạy).
- Nam mô Ðại Thế Chí Bồ Tát
(niệm một niệm, một lạy. Quán Âm, Thế Chí là hai vị hiếp sĩ (Bồ Tát thị giả thân cận) của đức A Di Ðà, thường gọi chung là Tây Phương Tam Thánh. Niệm Phật xong, lẽ đương nhiên nên lạy hai Ngài)

- Nam mô Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát (một niệm, một lạy. Cực Lạc thế giới có rất nhiều vị Bồ Tát, tương lai đều là thầy bạn của mình nên cũng nên lễ bái)

Nguyện đem công đức này,
Trang nghiêm Phật tịnh độ
Trên đền bốn ân trọng
Dưới cứu khổ ba đường
Nếu có ai thấy nghe,
Ðều phát tâm Bồ Ðề,
Hết một báo thân này.
Cùng sanh cõi Cực Lạc.

(Ðây là bài hồi hướng, cũng nói về nguyện lực niệm Phật của mình). Lễ bái lui ra.

IV. Trợ duyên để niệm Phật thành công

1. Tiêu chuẩn đơn giản để phân biệt thiện ác

Niệm Phật là chánh nhân, làm lành là trợ duyên, giống như chim có hai cánh mới có thể bay cao. Nhưng người đời thường chẳng nhận rõ giới tuyến giữa thiện ác. Chuyện lành vằng vặc chẳng hay là lành, điều ác rành rành nào hay là ác. Ở đây, tôi căn cứ theo kinh Thập Thiện Nghiệp Ðạo để nêu ra một tiêu chuẩn: nếu ngăn dè thì là thiện, nhược bằng trái phạm thì là ác. Ðể dễ hiểu, tôi dùng biểu đồ như sau:

Ba nghiệp nơi thân

Sát sanh, Trộm cắp, Tà dâm

Bốn nghiệp nơi miệng

Nói dối (vọng ngữ), Nói thêu dệt (ỷ ngữ), Ác khẩu, Nói đôi chiều (lưỡng thiệt)

Ba nghiệp nơi ý: Tham, Sân, Si

Phàm là động vật có sanh mạng, bất luận lớn hay nhỏ, cứ làm thương tổn chúng đều là “sát sanh”. Phàm là tài vật hay danh dự, dù nhiều, ít, lớn nhỏ, nếu chẳng phải là vật của mình, chưa được đối phương chấp thuận mà công khai đoạt lấy, hay trộm lén, cưỡng chiếm, lừa lấy thì đều là “trộm cắp”. Ngoài vợ chồng chánh thức, hễ hành dâm với hết thảy chúng sanh, chẳng luận vì lý do nào đều là “tà dâm”.

Ôm lòng khinh lừa, nói lời giả dối thì gọi là “vọng ngữ”. Chẳng luận là ngôn ngữ hay văn tự, đã viết ra, đã nói ra, tự mình đề xướng, hoặc hùa theo, tạo ảnh hưởng thương phong bại tục thì gọi là “ỷ ngữ”. Lời lẽ thô bạo, chửi mắng người thì gọi là “ác khẩu”. Khuấy động thị phi giữa hai bên, ly gián cảm tình người khác thì gọi là “lưỡng thiệt”.

Mê đắm các thứ vật dục chẳng bỏ, đã có lại mong có thêm là Tham. Có việc bất như ý, tâm nổi nóng, phát nộ khí thì là Sân. Không có lý trí, gặp việc mê hoặc; đối với đạo lý Phật nói, kinh sách thánh hiền đều chẳng nghe theo, lại chẳng tin nhân quả thì là Si.

2. Ba đại yếu quyết để vãng sanh Cực Lạc: Tín, Hạnh, Nguyện

Niệm Phật vãng sanh Cực Lạc là một phương pháp đặc biệt ngoài tám vạn bốn ngàn pháp môn của Phật, được gọi là “môn dư đại đạo” (đạo lớn nằm ngoài các pháp môn). Sự tuy đơn giản, lý thực thâm áo, chẳng thể dùng dăm ba câu để trình bày tường tận được.

Cần phải biết là đức Phật đạo đức tối cao không ai bằng được, lời Ngài nói ra tuyệt không dối người. Chỉ nên tin thật có cõi Cực Lạc, niệm Phật được sanh về đấy. Ðó chính là yếu quyết thành công thứ nhất.

Lại phải chịu nhận rõ đời ác ngũ trược đây, phát khởi tấm lòng chân thật, nguyện sanh về thế giới Cực Lạc. Ðấy chính là yếu quyết thành công thứ hai.

Ðã tín, nguyện rồi lại nên theo đúng phương pháp, mỗi ngày định giờ giấc thực hành công khóa. Ðấy chính là yếu quyết thành công thứ ba.

V. Những bậc tiền bối mô phạm và kinh điển nên tham khảo

1. Một vài vị sư trưởng cổ, kim

Pháp môn Niệm Phật vốn phát xuất từ bi tâm độ sanh triệt để của đức Thích Ca. Pháp môn này giản tiện nhất, ổn thỏa, thích đáng nhất, cao siêu nhất. Nếu chẳng tu nổi pháp môn này thì đừng bàn đến phương pháp nào khác nữa. Ðiểm hay của pháp môn này là người học vấn càng rộng thì càng nghiên cứu, càng thấu hiểu cao sâu, mà người chẳng biết một chữ vẫn tu tập được. Chỉ tiếc cho những kẻ không hiểu rõ lý này, cứ cho là cách tu của mấy bà già lụm cụm, không khỏi là lầm lạc lớn lắm ư?

Xin hãy xem trên hội Hoa Nghiêm, hai vị đại thánh Văn Thù, Phổ Hiền đều khuyên tu. Hai vị đại Bồ Tát Mã Minh, Long Thọ của Ấn Ðộ đều soạn luận hoằng dương. Các bậc cổ đức Trung Hoa từ Huệ Viễn đại sư cho đến Ấn Quang đại sư, lịch đại tổ sư đa phần là tu các tông khác từ trước, sau đều quy hướng Tịnh Ðộ. Ðàm Loan đại sư được xưng tụng là hàng nhục thân Bồ Tát, Trí Giả đại sư là bậc truyền đăng trong nhà Phật, đều hoằng truyền Tịnh Ðộ. Cận đại, Ðế Nhàn đại sư của tông Thiên Thai, Thái Hư đại sư của tông Duy Thức, Hoằng Nhất đại sư bên Luật Tông, hai vị đại sư Hư Vân và Viên Anh bên nhà Thiền đều có trước tác hoằng dương Tịnh Ðộ.

Về phía cư sĩ, có các vị hiền giả như ông Lưu Lôi ở Lô Sơn đời Tấn, Bạch Lạc Thiên đời Ðường; Tô Ðông Pha, Văn Ngạn Bác đời Tống; Viên Hoằng Ðạo đời Minh, Bành Xích Mộc (Bành Tế Thanh), Dương Nhân Sơn... đời Thanh. Họ đều là bậc đại học vấn, ai nấy đều đặt tâm nơi Tịnh Ðộ. Những vị này ai cũng biết đến. Còn nhiều vị như thế, nhất thời chẳng thể nêu rõ hết, nên cũng không nói thêm nữa.

Chúng ta hãy tự vấn: trí huệ, đức năng của mình so với những bậc thánh hiền ấy, ai cao, ai thấp? Họ đều là bậc tu Tịnh, hoằng Tịnh. Trái lại, bọn ta lại xem thường. Tri kiến như vậy có thể nói là tri kiến chánh xác được chăng?

2. Kinh điển nên tham khảo

Tam Tạng kinh điển đâu đâu cũng chỉ dạy, quy hướng pháp môn Tịnh Ðộ, nhưng ai có thời gian để nghiên cứu trọn hết, cho nên trước hết chỉ kể những kinh điển chuyên biệt.

Về kinh có A Di Ðà Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Kinh. Trong ba bộ này, tối thiểu là phải đọc kinh A Di Ðà mấy lượt. Nếu đủ sức, hãy nên đọc kỹ bộ Tịnh Ðộ Thập Yếu đôi ba lượt ngõ hầu hiểu đại khái pháp môn Tịnh Ðộ. Nếu chẳng hiểu nổi thì những cuốn như Kỹ Lộ Chỉ Quy, Sơ Cơ Tịnh Nghiệp Chỉ Nam, Phật Pháp Ðạo Luận... là những cuốn sách nhỏ viết bằng thể văn Bạch Thoại để tiếp dẫn người sơ cơ.

Tịnh Ðộ Tam Yếu Thuật Nghĩa, Long Thư Tịnh Ðộ Văn là những tập sách nhỏ viết theo thể loại văn ngôn, tùy sức đọc vài lượt cũng hiểu được đại lược những điểm quan trọng. Ấn Quang Ðại Sư Văn Sao giống như một quyển ngữ lục của Tịnh Ðộ, An Sĩ Toàn Thư có những mẫu chuyện cũ khá hứng thú. Hai quyển này là có thể giúp người học khai phát trí huệ, chánh tri kiến.

Nếu có thể đọc hết các sách trên xong, xem thêm các kinh khác sẽ thấy dễ dàng hơn.

VI. Hai loại tâm lý sai lầm thường gặp

1. Chấn chỉnh kiến chấp phổ biến “tâm tốt thì cũng giống như niệm Phật”

Tâm ai nấy đều đầy dẫy tham, sân, si, thân thường luôn gây tạo sát, đạo, dâm, vẫn cường điệu cố nói là tâm mình tốt, chẳng phải là lầm lạc đến mức cùng cực ư? Giả sử như có tâm tốt thật sự thì cũng chẳng ngoài mười thứ thiện nghiệp đã nói ở phần trên mà thôi. Ðấy chỉ đáng gọi là “tu phước”, kiếp sau sẽ hưởng tiểu quả nhân, thiên, chứ vẫn không thoát khỏi luân hồi. Chẳng đến được cõi Cực Lạc là do đi không đúng đường. Muốn vãng sanh Cực Lạc thì phải tu Huệ, mà tu Huệ chính là niệm Phật. Nhân thế nào, quả thế ấy. Phước là phước, huệ là huệ, phải phân biệt rõ ràng, chẳng thể coi là cá mè một lứa đến nỗi lầm lạc đại sự!

2. Chấn chỉnh lời viện cớ “bận rộn quá không có thời gian niệm Phật”

Niệm Phật chuyển biến nghịch cảnh, tiêu trừ tai nạn, sanh về Cực Lạc, còn sự nào lớn lao hơn pháp này nữa, nhưng lại xem rất thường. Phần nhiều người đời hay viện mấy lý do như quá bận rộn, không có thời gian để cự tuyệt pháp đại tiện nghi vạn kiếp khó được gặp gỡ này, thật đáng tiếc quá!

Có thật sự bận rộn hay chăng? Tôi chẳng thấy vậy. Niệm Phật thì đi, đứng, nằm, ngồi đều làm được; dù là sĩ, nông, công thương đều chẳng trở ngại gì. Nếu chẳng tin thì dưới đây tôi sẽ dẫn một bài ca ngắn để người đời đối với những sinh hoạt thường nhật có thể phân tích rõ ràng. Tôi tin rằng sau khi xem bài ca này xong, nhất định quý vị sẽ chẳng còn cười được nữa.

Bài ca chẳng nhàn
 
Biết ngài vốn chẳng bận,
Cứ cố nói chẳng nhàn,
Trong hai mươi bốn giờ,
Nằm ngủ mất tám giờ,
Ba bữa ăn ba tiếng
Lại uống trà, hút thuốc
Chải gỡ, đại tiểu tiện,
Phí mất khoảng một giờ,
Ði ra ngoài uống rượu
Về chuyện gẫu cùng vợ
Ít nhất vài ba giờ,
Lại e lòng bận bịu,
Thân mệt tính ngủ trưa,
Ngủ hai giờ chẳng đã,
Mất đi mười sáu giờ,
Uổng phí hơn quá nửa,
Trong tám giờ còn lại,
Chưa chắc đã bận thật.
Niệm Phật được nửa tiếng
Ðã kêu lâu lắm rồi
Hãy xem người xưa nay,
Mấy ai bảy mươi tuổi?
Ðừng đem khổ sanh tử,
Vất ra đằng sau ót,
Việc chân chánh của mình,
Vạn vạn lần khẩn cấp,
Xin hãy gấp tỉnh ngộ,
Mau trồng chín phẩm sen.

GIẢI ÐÁP NGHI VẤN

1) Có người nói: Chúng tôi là công chức, giáo chức, ở cư xá công cộng thì cúng Phật, lễ Phật, đương nhiên là bất tiện, niệm Phật cũng làm phiền người khác bất an, tôi chẳng biết làm sao?

Ðáp: Chốn công cộng đúng thật là có nhiều nỗi bất tiện, nhưng việc gì cũng có cách để dung thông cả. Nếu như đã biết niệm Phật là đại sự thì cứ thành tâm thầm niệm, ắt có hiệu quả lớn. Bởi lẽ tâm niệm còn càng khẩn mật hơn miệng niệm, bất tất phải cúng Phật, lễ Phật ra tiếng.

2) Có người nói: Niệm Phật tuy tốt, nhưng phải đến chùa, miếu, liên xã hay trai đường, tôi không có thời gian.

Ðáp: Không nhất định phải đến những nơi đó, không có thời gian đi ra ngoài, nhưng chẳng lẽ ở nhà không có thời gian nào rảnh sao? Cứ ở nhà niệm Phật nào có trở ngại chi.

3) Có người nói: Niệm Phật là việc của kẻ có tiền, tôi không có tiền bạc dư dả!

Ðáp: Thế là lại càng lầm hơn nữa! Niệm Phật chẳng tốn tiền mấy. Ba cây nhang đáng giá là bao? Dù chẳng đốt lấy một cây nhang cũng chẳng quan hệ gì. Chỉ cốt sao trong tâm cung kính là đủ.

4) Có người nói: Niệm Phật là phải ăn chay, tôi không làm được, cho nên tôi không thể niệm Phật?

Ðáp: Tạm thời bất tất phải ăn chay, chỉ nên kiêng sát sanh thì cũng có công đức lớn. Có thể tập ăn ba thứ tịnh nhục, tức là không vì mình mà giết, chẳng thấy con vật bị giết, chẳng nghe nó bị giết. Cá, thịt ngoài chợ làm sẵn rất nhiều, đủ để cho quý vị ăn rồi.
 
Trích từ: Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
3 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
4 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
5 Tử Thư Tây Tạng, Cư Sĩ Nguyên Phong Tải Về
6 Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
8 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
9 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
10 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về
11 Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm Tải Về
12 Tịnh Độ Hoặc Vấn, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
13 Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
14 Tịnh Độ Nhập Môn, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
15 Tịnh Độ Vựng Ngữ, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về

Phương Pháp Niệm Phật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Phật Giáo Có Tin Ở Sám Hối Hay Không...?
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

Phương Pháp Tu Hành
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Phương Pháp Khai Ngộ
Hòa Thượng Thích Tịnh Không