Home > Khai Thị Phật Học
Đổi Năm Thành Ba
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Có một thôn làng cách vương thành 5 do tuần, nước trong làng rất thơm ngon, vua mệnh lệnh mỗi ngày phải gánh nước về thành cho vua dùng, dân làng rất là khổ sở với công việc hằng ngày nặng nhọc này, nên rủ nhau bỏ làng đi lánh nơi khác, chủ làng mới bảo, mọi người không nên dời đi nơi khác, tôi sẽ vì mọi người thưa với vua, cho đổi 5 do tuần thành ba mà thôi. Sau đó chủ làng gặp vua xin đổi, vua đáp ứng, người dân trong làng hớn hở vui mừng, có người khuyến cáo, vẫn chỉ là 5 do tuần chẳng chút thay đổi, tuy nhiên do tin lời vua, nên mọi người vẫn không dời đi.

Người tu hành cũng vậy, băng qua ngũ đạo hướng đến thành niết bàn, tâm sinh mỏi mệt, nên muốn buông bỏ, không còn nghị lực tiến bước, chỉ muốn tìm cách mau vượt sinh tử. Như lai pháp vương dùng đại phương tiện, nơi nhất thừa pháp phân biệt nói tam, người tiểu căn nghe xong hoan hỷ, cho là dễ hành, tu thiện tiến đức, cầu thoát sinh tử, sau đó nghe nói không có tam thừa, vẫn chỉ một đạo, do tin lời Phật quyết không thay đổi, giống như người dân thôn vậy.

Lời Bình:

Câu chuyện này cho thấy chúng sinh thường bám vào sắc thanh, ngũ trần sinh tâm, mà không cứu xét chân lý. Như khi nghe nói nhà vua cho lệnh đổi 5 do tuần thành 3 do tuần, thì người dân vọng tưởng con đường ngắn hẳn lại, với vương thành được dời đến gần hơn, nhưng sự thật thì không có gì thay đổi. Như người đi học, mở đầu mẫu giáo, sau đó lên tiểu học, chỉ thấy chương trình có 5 năm nên không có cảm giác lâu dài sinh uể oải, rồi trung học 7 năm, chỉ có 7 năm thôi, cuối cùng đại học có thể kéo đến 10 năm tốt nghiệp, đến đây chấm dứt sự nghiệp đi học. Sự phân cấp này khiến đời đi học bớt thấy dài, khỏi sinh tâm thối chí, mỗi một tầng học vấn chỉ thấy không quá 10 năm, tạo cảm giác hăng hái hơn, nếu không phân cấp thì việc học kéo dài hơn 20 năm này sẽ khiến người e ngại không dám theo đuổi.

Từ lý do chúng sinh hay bám vào sắc thanh phân biệt, nên đức Phật tùy căn tính này, lập phương tiện pháp nhiếp hóa chúng sinh, bằng cách dậy người xuất gia oai nghi ba nghiệp, ý quán các pháp như ngũ đình tâm quán, khẩu thì nói lời ái ngữ, và thuyết pháp khuyến tu thiện tập đức, thân thì đoan nghiêm nơi tứ oai nghi, để làm mẫu mực cho chúng sinh thấy nghe mà sinh tâm kỉnh trọng. Song chúng sinh chỉ thấy hình tướng đoan nghiêm (sắc), và nghe những lời dậy cao thượng (thanh), sinh tâm tin kính, còn về phần tu quán nơi ý để huân tập trí huệ, giữ thân trang nghiêm, khiến khẩu năng thuyết pháp cao thượng, là nền tảng của sắc oai nghi và lời thuyết pháp, thì chúng sinh không sao thấy được vì vô hình tướng lẫn âm thanh. Song kỳ thật tướng của trí huệ chính là sắc oai nghi, thanh của trí huệ là lời lẽ cao thượng năng nhiếp hóa tha nhân.

Chúng sinh bản chất chỉ dựa vào kiến văn giác tri, nên thường lấy kiến sắc văn thanh làm nền tảng tư duy, thấy sắc đoan nghiêm thì biết là oai nghi, nghe thuyết thiện pháp biết là cao thượng, nên cảm phục sắc thanh này, tôn kính và học theo sắc thanh, mà không biết nếu nơi ý không quán chân pháp tất sắc thanh kia sẽ biến chứng và hư hoại. Biết ngọn không biết gốc nên chỉ học ngọn mà bỏ gốc, vì vậy thành vẹt học tiếng người hay chỉ là kẻ nhái, như câu chuyện Bắt chước vua thứ 26. Học theo sắc thanh, thì cho là đúng. Nếu muốn được sắc thanh đó, tất phải tu tập ý quán là gốc của sắc thanh này mới là chính yếu, song chúng sinh lại thấy người này muốn được sắc thanh tốt mà lại học quán nơi ý, không học theo sắc thanh, nên cho đó là sai lầm.

Hàng tín chúng hiểu sai nghĩa Phật, hàng xuất gia cũng có thể ngộ nhận, không hiểu đức Phật dùng oai nghi để độ căn tính kiến sắc sinh tâm, khiến hàng chúng sinh đó tôn kính, nhờ tôn kính sinh phụng mạng, và phụng mạng tất như Phật thuyết tu hành, nên đạt được trí huệ viên mãn, thành đạo bồ đề. Vì không hiểu thật nghĩa của Như lai lại do chỉ thích theo thanh sắc nên nghe Như lai nói làm sao thì áp dụng hệt vậy, vì thế biến phương tiện pháp là oai nghi thành cứu cánh, chỉ biết giữ oai nghi đó suốt đời mà không hiểu để làm gì, cùng lắm chỉ nhận ra oai nghi được tín chúng kính, và được cúng dường lợi dưỡng, vì vậy càng cần gìn giữ oai nghi. Nếu oai nghi không để nhiếp hóa chúng sinh giác ngộ, mà oai nghi chỉ vì lợi dưỡng cúng dường thì oai nghi đó là một hình thức trộm Phật hình nghi, mưu cầu lợi dưỡng, hay như chuyện thứ 3 trong kinh Bách dụ gọi là đản chỉnh oai nghi, dĩ chiêu lợi dưỡng (chỉ sửa oai nghi để được cúng dường).

Do dùng kiến sắc văn thanh làm nền tảng tư duy đưa đến nhiều ngộ nhận như vậy, nên Như lai căn dặn trong kinh Kim cương, không nên trụ nơi sáu trần sinh tâm. Sáu trần duyên sáu căn sinh tâm phân biệt, đó chính là tâm phan duyên, duyên thuộc y tha khởi, phan duyên thành biến kế sở chấp, nên phan duyên còn gọi là vọng tâm.

Người dân gánh nước trong mát về thành dâng vua, ví như người tu gánh thiện pháp độ sinh làm tư lương đến cung trạch của Như lai, độ sinh là gánh nặng lại đi đường xa, tức đi khắp ngũ đạo độ ngũ đạo chúng sinh, công việc gánh nặng đi đường xa (nhậm trọng nhi viễn hành) này đích thực là Phật sự, vì cầu thành Phật đạo phải gánh vác việc đó. Gánh nặng lâu ngày sinh tâm thối thất, vì vậy từ nơi nhất thật đạo, tức Phật đạo, phải độ nhất thiết chúng sinh, gánh hết chúng sinh trong 5 đạo mới đến được cung trạch của Như lai, Như lai phương tiện nói có ba thừa, khiến người tiểu căn thấy con đường tu thoát sinh tử ngắn và nhẹ nhàng hơn nhiều không còn phải gánh chúng sinh vượt 5 đạo đến cung trạch Như lai nữa, tựa như người dân thấy chỉ còn 3 do tuần nên sinh tâm hoan hỷ.

Nhị thừa tu chứng Hữu dư niết bàn liễu sinh thoát tử rồi, nghe Bồ tát nói chỉ có nhất thừa, nhất định không tin, thứ nhất vì chấp chặt nơi lời dậy phương tiện của Như lai, thứ hai do đã chứng thực được lời dậy này bằng chứng thánh quả chấm dứt sinh tử, nên không chịu chuyển đổi tu hành thành Phật.

Tóm lại tất cả mọi pháp môn Phật thuyết đều chỉ là hóa thành, phương tiện để chúng sinh có thể đi đến sự giác ngộ viên mãn. Dù là dị hành hay nan hành cũng phải qua đồng một con đường, thượng cầu hạ hóa, song chỉ vì do căn tính khác nhau nên thấy đủ mọi pháp sai biệt.