Hôm nay, chúng ta vân tập về Tự Viện Linh Sơn và long trọng cử hành lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo. Nhân dịp này Thầy sẽ giảng cho quý vị về sự thành đạo của chư Phật để buổi lễ có đầy đủ ý nghĩa hơn.
Theo truyền thống của Phật giáo Bắc tông, thì cứ mỗi giai đoạn quan trọng trong đời sống của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, chúng ta đều làm lễ kỷ niệm. Thí dụ như Lễ Phật Đản là để kỷ niệm ngày ra đời của Ngài; Lễ Phật thành đạo là kỷ niệm ngày Ngài đạt được đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và lễ Phật nhập niết bàn là kỷ niệm ngày Ngài, sau khi hoàn thành viên mãn công việc đem chánh pháp giáo hóa cứu độ chúng sanh muôn loài tại thế giới Ta Bà, thị hiện nhập diệt.
Theo truyền thống Phật giáo Nam tông thì người ta chỉ tổ chức lễ kỷ niệm cả ba giai đoạn quan trọng đó vào trong một ngày gọi là Lễ Tam Hợp hay là Lễ Kỷ Niệm Vesak.
Trong buổi lễ hôm nay, theo truyền thống Bắc Tông, Thầy sẽ nói cho quý vị rõ hơn, ý nghĩa và những lý đạo của ngày Thành Đạo và cũng như nói về những giai đoạn thị hiện thành đạo của Đức Thích Ca Mâu Ni mà lịch sử Phật Giáo gọi là Bát Tướng Thành Đạo.
Theo tư tưởng và Kinh Điển Đại Thừa, bất cứ một vị Phật nào ra đời để cứu độ chúng sanh và trước khi thành tựu đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cũng phải thị hiện tám tướng hay tám hiện tượng, dẫn tới việc đạt được đạo quả thành Phật. Chư Phật trong quá khứ cũng đã từng thị hiện đầy đủ tám tướng. Hôm nay, chúng ta kỷ niệm ngày thành đạo của Đức Thích Ca, nên Thầy sẽ nói về tám tướng thị hiện của Ngài, mà trong lịch sử Phật Giáo chỉ mới ghi chép lịch sử của Đức Thích Ca, quý vị mới có thể theo dõi và hiểu được.
Trước khi nói tới "Tám Tướng Thành Đạo", Thầy muốn giảng cho quý vị rõ ràng cái lý đạo của hai chữ Thành Đạo. Có hiểu được cái lý đạo của hai chữ thành đạo, quý vị mới thấy được cái ý nghĩa của những buổi lễ kỷ niệm mà Phật tử chúng ta tổ chức hàng năm.
Trước hết, chúng ta phải hiểu chữ đạo ở đây. Chữ đạo trong từ ngữ thành đạo này để chỉ cho cái tột cùng, rốt ráo của cái Tánh Biết mà ngôn ngữ thế gian chỉ có thể tạm gọi là chân lý. Nói tới hai chữ chân lý thì cũng phải dùng ngôn ngữ hạn cuộc của thế gian để giảng giải, nhưng Thầy cũng phải nói trước là, muốn giảng cách nào chăng nữa cũng không thể hết cái ý nghĩa của chân lý.
Vậy thì chúng ta hãy tạm giải thích như sau: Chân Lý là tư tưởng, triết thuyết, sự thật, hiện tượng, trạng thái của tâm v.v... mà lúc nào cũng đúng với lẽ thật, lúc nào cũng nhất như, không thể sai chạy được, dù ở trong thời quá khứ, hiện tại hay vị lai. Chân lý là cái thể vốn đã sẵn có trong thiên nhiên, không ai có thể tạo ra được và cũng không thể tiêu diệt được, giống như hư không. Bằng bất cứ cách thức nào, người ta cũng phải sống trong hư không, tất cả mọi hiện tượng dù hữu hình hay vô hình đều không thể nằm ngoài phạm vi của hư không. Không một siêu lực nào có thể sống ngoài hư không hay cắt một mảnh hư không từ chỗ này đem đến chỗ khác vì tính chất của hư không là bao trùm, thể của nó rộng lớn đến độ không có biên giới, ngằn mé. Cũng thế, chân lý cũng có cái thể bao trùm và rộng lớn như vậy. Không ai có thể đem chân lý ở thế giới này sang thế giới khác mà tính chất thật của nó có thể bị biến đổi. Trong các loài chúng sinh, chân lý được thể hiện dưới ngôn từ chân tâm.
Cổ Đức đã diễn tả chân tâm hay chân lý như sau:
Hữu vật tiên thiên địa,
Vô hình bản tịch liêu,
Năng vi vạn tượng chủ,
Bất trục tứ thời diêu.
Tạm dịch là:
‘Có một vật trước trời đất,
Không có hình tướng, vốn rất vắng lặng,
Hay làm chủ muôn loài,
Không thay đổi theo bốn mùa’.
Nói là tạm dịch vì hai chữ ‘Hữu vật’ được dịch là ‘Có một vật’. Hiểu theo chân đế thì nói ‘Có một vật’ đã là không đúng lẽ thật. Lục Tổ Huệ Năng đã trực ngộ được chân lý cũng phải nói ‘Bản lai vô nhất vật’. Vậy thì cái ‘Hữu vật’ và cái ‘Vô Nhất Vật’ ở đây chỉ có thể dùng tuệ giác mà trực ngộ. Đi xa thêm nữa, chúng ta sẽ mắc vào cái lỗi ‘vạch lá tìm cành’.
Chữ đạo trong hai chữ thành đạo chính là chân lý hay chân tâm của chúng sanh muôn loài.
Còn chữ thành là thế nào? Cũng như Thầy đã giảng về chữ đạo, chữ thành ở đây không phải là một sự tạo tác mà có hay do một cuộc tìm kiếm mà thấy, như người ta vẫn thường nói: "Đi tìm chân lý". Nói đi tìm chân lý hay đi cầu đạo chỉ để diễn tả cái quyết tâm tu hành, học hỏi, thiền định, quán sát để trí tuệ có thể trực nhận được chân lý, trực ngộ được đạo. Tổ Vĩnh Gia đã nói: "Khi còn đi tìm thì biết ông không thấy". Sau này, Thái Tử Tất Đạt Đa cũng phải mất một thời gian dài "đi tìm" và đi "cầu đạo" từ các bậc thầy rồi cũng không tìm ra chân lý, đành phải quay về quán sát những cái mình đã ‘sẵn có’ bên trong mà đạt được giác tánh.
Vậy thành đạo không phải là tìm ra chân lý như chúng ta thường nghĩ. Vì Chân Lý vốn sẵn có khắp mọi nơi, trong mọi loài chúng sinh hữu tình và vô tình; nên không cần phải đi tìm mà chỉ cần Biết và Thấy (Đức Phật gọi là Tri Kiến) được nó mà thôi. Bên trong chúng ta vốn đã sẵn có chân lý, tức là chân tâm. Nếu chúng ta đi tìm tức là đi tìm kiếm một cái gì ở bên ngoài thì càng ngày ta càng rời xa cái chân lý bên trong chúng ta. Như vậy làm sao mà thấy được? Vậy Đức Thích Ca thành đạo là thành như thế nào?
Lịch sử Phật giáo chép rằng sau khi Thái Tử Tất Đạt Đa đã học hết sở học của hai vị Thầy lỗi lạc đương thời là đạo sĩ Alamara Kalama và Uddaka Ramaputa mà vẫn chưa thấy được chân lý, Ngài bèn quay trở về tìm về cái ở bên trong và sau thấy được chân lý. Vậy chữ thành ở đây, chúng ta phải hiểu là Đức Phật đã trực ngộ được cái chân lý sẵn có bên trong của Ngài và đã hòa tan (thể nhập) cái Biết của Ngài vào cái Chân lý bên trong cũng như bên ngoài.
Thật ra chân lý không có biên giới (như hư không) nên không có bên trong và bên ngoài. Và khi đã thể nhập được cái biết (tâm) của Ngài cùng với chân lý thì lúc đó Ngài chính là chân lý và chân lý cũng chính là Ngài. Đối với Ngài, cũng như với hư không, không có một trạng thái nào, một hiện tượng nào còn làm ngăn ngại cái biết và cái thấy của Ngài.
Trong lịch sử, người ta viết: ‘Trong đêm thành đạo, vào canh một, Ngài đắc được thiên nhãn minh và đã thấy được tam thiên đại thiên thế giới. Hào quang (tuệ giác và tuệ nhãn) của Ngài đã phóng suốt hằng hà sa quốc độ của chư Phật mười phương. Theo ý Thầy, diễn tả cái minh như vậy cũng còn là hạn cuộc, tuy nhiên, ngôn ngữ thế gian cũng không còn chữ nào khác hơn để diễn tả chữ minh (là sự sáng suốt). Quý vị muốn thâm nhập cái đạo ở đây, thì đừng lầm thiên nhãn minh với thiên nhãn thông (một trong sáu phép thần thông). Sử dụng thần thông thì phải vận dụng tới lực để phát khởi, như vậy là động. Còn minh là sự sáng suốt, trí tuệ.
Sự sáng suốt ấy bao trùm vũ trụ (tiếng nhà Phật còn gọi là tròn đồng thái hư), không ngăn ngại; trí tuệ hòa nhập với mọi Pháp nên vạn Pháp tự hiện bày, nên cái biết và thấy thấu suốt, vắng lặng. Đặc tính của minh là ‘tĩnh lặng’, còn động tức là còn vọng, không thể đạt được minh. Tâm không dấy khởi một niệm mà tam thiên thế giới đều tự hiện bày. Đó là trạng thái thể nhập ‘bất khả tư nghì’ vào hiện tượng của vũ trụ. Thời Đức Phật còn tại thế, nói tới một thế giới khác ngoài trái đất, đã là một chuyện "hoang đường", huống chi là nói tới hằng hà sa thế giới khác.
Sau khi Đức Phật hòa nhập vào chân lý của vũ trụ, qua canh ba, Ngài lại thể nhập vào sự sáng suốt để biết và thấy được mạng sống tiền kiếp liên tục từ vô thỉ, của chính Ngài và của chúng sanh trong vòng luân hồi và nguyên nhân tái sanh của những kiếp sống đó cũng tự hiện bày trước tuệ giác và tuệ nhãn của Ngài, giống như một người đứng trên lầu cao, nhìn xuống ngã tư đường và thấy người đi lên Bắc, kẻ xuống Nam, người rẽ phương Đông, kẻ quẹo phương Tây. Lịch Sử nói giây phút đó, Ngài đã thể nhập vào chân lý của thế giới nhân sinh và đắc túc mạng minh.
Qua canh năm, thì tất cả trạng thái phiền não, vọng tưởng, hiện tượng ngăn ngại dầu nhỏ như hạt bụi trong không khí đều được thanh lọc khỏi tâm của Ngài. Tâm thể của Ngài không một mảy may vẩn đục. Lúc đó, Ngài đã được cái tuệ giác thứ ba: Lậu Tận Minh.
Vừa lúc đó, sao Mai vừa ló dạng. Đức Thích Ca đã hoàn toàn thể nhập vào chân lý của vũ trụ, nhân sinh và đã trở về với Tâm Thể Bản Nhiên rỗng suốt, vắng lặng và đắc đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Từ giây phút đó, Ngài là vũ trụ, Ngài là nhân sinh, Ngài là ánh sáng. Một ánh sáng kỳ diệu vắng lặng và chiếu rọi, không còn ngăn ngại. Ngài đã đạt được trí tuệ của Bậc Toàn Tri, Toàn Giác. Tâm thể của Ngài đã trở về với cái tâm Ngài đã có sẵn, trong suốt như lưu ly và vắng lặng như hư không. Chư Phật, chư Thiên, các hàng Thiên Long Bát Bộ đều rung động phóng hào quang, trổi nhạc Trời, rải mưa hoa, ca ngợi và tắm gội trong cái yến sáng giác ngộ kỳ diệu của một vị Phật vừa thành tựu đạo quả Vô Thượng.
Đó cũng là cái ý nghĩa mà chúng ta phải thâm nhập của buổi Lễ Kỷ Niệm hôm nay. Báo thân và hóa thân của Đức Phật tuy không còn tại thế, nhưng pháp thân Tỳ Lô Giá Na của Ngài vẫn hằng tỏa yến sáng che chở và chiếu rọi cho chúng sanh muôn loài. Chúng ta làm lễ kỷ niệm sự thành đạo của Ngài, phải làm với tâm nguyện được tắm gội trong cái yến sáng đó, nương nhờ hào quang của chân lý đó mà phát huy được tuệ giác sẵn có trong chúng ta, như Ngài.
Sau khi đã giảng yếu lý của hai chữ thành đạo, bây giờ Thầy sẽ nói về tám tướng dẫn tới sự thành đạo mà Đức Thích Ca đã thị hiện. Chúng ta phải ôn lại lịch sử cuộc đời của Đức Thích Ca và tìm xem tám tướng thị hiện ấy là những tướng gì và tìm hiểu cái ‘Ý’ mà Đức Phật muốn giáo hóa trong khi thị hiện tám tướng đó.
Trước hết, ta hãy tìm hiểu tại sao chư Phật lại phải dùng Tướng Thị Hiện?
Cái chân lý mà Đức Thích Ca cùng Chư Phật đã thể nhập (thành tựu đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác), như Thầy đã giảng ở trên, vốn đã sẵn có ở bên trong chư Phật, mà cũng có bên trong chúng sanh muôn loài. Mục đích của sự thị hiện là chỉ cho chúng sanh đều có khả năng thành tựu đạo quả như chư Phật. (Kinh: Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng. Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn ...) Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, trong vô lượng kiếp xa xưa, trước khi thị hiện hóa thân Thái Tử Tất Đạt Đa, có thể cũng đã là một vị Phật ở thế giới Vô Thắng.
Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật đã nói: ‘Này Thiện Nam Tử! Về Phương Tây cách cõi Ta Bà này bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật, có thế giới tên là Vô Thắng. Những sự trang nghiêm, xinh đẹp trong cõi đó đều bình đẳng như cõi Cực Lạc, như cõi Mãn Nguyệt. Hiện tại Ta xuất hiện trong cõi Vô Thắng đó. Vì hóa độ chúng sanh nên Ta thị hiện chuyển pháp luân nơi Diêm Phù Đề này ....’
Hai ngàn năm trăm năm trước đây, tại cõi thế giới Ta Bà, chúng sinh đã phải chịu nhiều đau khổ vì đã quên mất chân lý, chân tâm hằng hữu trong thân mình. Nhiều tôn giáo thờ ma, thờ thần, thờ quỷ đã ra đời làm tay sai cho dục vọng của Ma Vương Mara, dẫn dắt con người đi sâu vào đường ác như: Sát hại sinh linh làm vật tế thần, không có tình nhân đạo, thiếu đạo đức; nói năng lếu láo, không đúng sự thật, suy nghĩ viễn vông, hại mạng người, hại mạng vật để thỏa mãn dục vọng của mình. Cái thể tánh vốn trong sáng (chân tâm), càng ngày càng bị bao phủ bởi những giáo điều bí ẩn đó nên càng ngày, con người càng bị đắm chìm trong sông mê bể khổ, lên xuống trong sáu nẻo luân hồi, không có hy vọng gì giải thoát.
Vì lòng thương xót chúng sanh, như mẹ thương con đỏ, nên Ngài phải thị hiện xuống cõi Ta Bà đầy uế trược này để cứu độ, để chỉ dẫn cho chúng sanh 1 nẻo ra. Trong Túc Sanh Truyện, Đức Thích Ca đã kể lại chuyện tiền thân của Ngài, lúc lên khi xuống trong luân hồi. Ngài đã quá thấu rõ những khổ đau của sanh tử trong khi Ngài vẫn thường tinh tấn tu Đạo Bồ Tát. Dù đã được Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký sau này thành Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni, nhưng không vì thế mà Ngài buông lãng sự tu hành. Trong tiền thân, dù trong dạng thân người, Trời, hay súc sanh v.v... Ngài vẫn không hề quên phát Tâm Bồ Đề "Thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sanh" cho nên dầu đắc quả Phật, Ngài cũng không đành an trụ nơi quốc độ Vô Thắng, mà đã trở về Đâu Xuất Nội Điện với báo thân Bồ Tát Hộ Minh, rồi giáng trần cứu độ chúng sanh.
Chỉ vì lòng thương xót chúng sanh mà chư Phật trong quá khứ cũng đã từng dùng tướng thị hiện xuống thế gian, như Ngài, để cứu độ muôn loài, khai thị cho chúng sanh biết rằng Phật và chúng sanh đều có đồng một thể tánh, nhưng chỉ vì một vọng vô minh bất giác, phải chịu trầm luân trong sinh tử luân hồi. Trong mỗi tướng thị hiện của Phật đều ẩn dụ phương thức giáo hóa chúng sanh tu hành để trở về được với cái Phật tâm, Phật tánh sẵn có của mình.
Bây giờ chúng ta trở lại với tám tướng thị hiện thành đạo của Đức Từ Phụ Thích Ca. Ở mỗi tướng, Thầy sẽ nói về cái lý ẩn dụ cho sự thành đạo. Quý vị cần tư duy và hiểu cho được những ẩn dụ đó; nếu không thì chỉ thấy một bài học ôn về lịch sử Đức Phật mà chẳng thâu hoạch được chút lợi lạc nào cho công phu tu hành của quý vị.
1. Đâu Xuất Lai Nghi Tướng nghĩa là tướng thị hiện từ cung trời Đâu Xuất giáng trần: Lịch sử Phật giáo Bắc tông chép rằng: ‘Hoàng Hậu Ma Da, một hôm ngủ trưa, nằm mộng. Trong giấc mộng, Hoàng Hậu thấy một vị Bồ Tát cưỡi con voi trắng sáu ngà từ trên trời bay xuống, len vào hông bên hữu của bà. Hoàng Hậu giật mình thức giấc và cảm thấy mình thọ thai’. Ta hãy tìm hiểu những dấu hiệu tượng trưng cho sự đạt đạo trong tướng thị hiện thứ nhất:
a. Là một vị Thập Trụ Bồ Tát, xuống trần để thực hiện lời nguyện ‘Hạ hóa chúng sanh’ nên Ngài phải thị hiện dưới hóa thân phàm phu như chúng sanh loài người. Nhưng vì đã chứng đắc đạo quả nên Ngài có được pháp du hý thần thông, tự do lựa chọn cha mẹ thế gian, và nhân duyên sự lựa chọn này là Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Da đã từng là phụ mẫu của Ngài trong nhiều kiếp.
b. Ngài đã hóa hiện Bồ Tát cưỡi voi trắng sáu ngà để giáng trần. Voi trắng tượng trưng cho bạch tịnh nghiệp, Ngài giáng trần vì lời nguyện của một vị Bồ Tát đắc đạo. Nghiệp của Bồ Tát đã hoàn toàn thanh tịnh, trong trắng như đóa bạch liên hoa, không phải như phàm phu tái sanh do nghiệp dẫn dắt. Voi có sáu ngà tượng trưng cho hạnh tu lục độ đã đầy đủ. Bồ Tát giáng sanh đầy đủ lục độ vạn hạnh để sau này sẽ thành đạo, cứu độ muôn loài. Người đời sau đã ca tụng sự giáng trần của Bồ Tát như sau:
Ma Da mộng ứng niềm hoan lạc,
Voi trắng quỳ dâng đóa bạch liên,
Âm nhạc bốn phương lừng cát địa,
Vang lời chúc tụng hội quần tiên,
Giáng sanh ngày ấy không xa nữa,
Là một tin vui khắp mọi miền.
Chiếu rạng tưng bừng xua bóng tối,
Rồi đây sẽ có đạo vàng thiêng
c. Vậy tướng thị hiện thứ nhất là tướng hồi nhập Ta Bà của Bồ Tát Hộ Minh. Vì lòng thương xót chúng sanh nên phải thị hiện làm thân chúng sanh mà cứu độ. Lòng thương xót chúng sanh là tâm đại từ đại bi của Bồ Tát. Chúng ta tu theo đạo Ngài, cũng thọ Bồ Tát Giới như Ngài thì cũng phải thực hành cái hạnh của Ngài mà đem tâm đại từ đại bi trải khắp cho những người đang đau khổ chung quanh chúng ta; và thương xót cứu độ đến những chúng sanh, vì nghiệp sâu dày, còn đang phải mang thân súc sanh quả báo. Bồ Tát Hộ Minh trong tiền thân đã nhiều lần bố thí cả tài sản, vợ con và thân mình để cầu Phật đạo nên Ngài mới được thành Phật. Chúng ta cũng phải cố gắng theo được cái hạnh Bồ Tát vì Bồ Tát là nấc thang cuối cùng phải vượt để trở thành Phật.
2. Lâm Tỳ Ni Viên Thị Hiện Đản Sanh Tướng, nghĩa là tướng thị hiện ra đời tại vườn Lâm Tỳ Ni:
Sử chép rằng: ‘Khi sắp đến ngày nở nhụy khai hoa, theo tục lệ quốc gia, Hoàng Hậu Ma Da phải trở về quê cha mẹ mình để chờ ngày sanh nở. Trên đường về, Hoàng Hậu ghé qua nghỉ ngơi tại khu vuờn hoa Lâm Tỳ Ni. Đương khi ấy, Hoàng Hậu thấy có cây Vô Ưu, tuy không phải đúng mùa, mà lại trổ đầy hoa tươi ngát (tương truyền rằng cây Vô Ưu mấy ngàn năm mới trổ hoa một lần và chỉ trổ hoa khi có Thánh Nhân ra đời), vừa giơ tay lên hái thì Hoàng Hậu lâm bồn, hạ sanh một hoàng nam từ hông bên phải.
Theo truyền thuyết Bắc Tông, khi Thái Tử giáng sanh, nhạc trời trổi vang lừng. Có chín con rồng xuất hiện trên không trung phun nước xuống tắm cho Thái Tử. Tắm xong, Thái Tử đột nhiên lớn hẳn lên như một cậu bé 4, 5 tuổi và bắt đầu bước đi về bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi hướng 7 bước, đoạn trở lại trung tâm, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất và nói: "Thiên Thượng, Thiên Hạ, Duy Ngã Độc Tôn". Nói xong, Thái Tử lại trở về hình thể của một trẻ sơ sinh và cũng không biết nói. Đời sau có hai câu thơ ca tụng Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Da như sau:
Thánh Ma Da mộng ứng điềm lành,
Vua Tịnh Phạn phước sinh con thảo.
và ca ngợi tướng thị hiện phi thường tại vườn Lâm Tỳ Ni:
Người cao quý trong người cao quý,
Nguyện ra đời dốc chí độ sanh,
Mỗi phương bảy bước du hành,
Muốn đem diệu pháp chỉ rành quần sanh.
Đường giác ngộ đinh ninh dặn bảo,
Cảnh niết bàn tiếng thảo khuyên sang,
Như Lai chí nguyện đưa đàng,
Thế nên quán sát chu toàn bốn phương.
Gần 20 năm muộn màng, Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Da mới sanh được một Thái Tử có nhiều tướng quý, lạ, như vậy thì lòng nên rất vui mừng. Lịch sử Nam tông chép rằng: Khi Thái Tử vừa được 5 ngày, Vua Tịnh Phạn có tổ chức một buổi lễ đặt tên cho Thái Tử, được gọi là lễ Quán Đảnh. Trước khi lễ Quán Đảnh được tổ chức, có một vị Đạo Sĩ già, tên là A Tư Đà (Asita), vốn rất thân cận với nhà Vua, đang tu luyện trên núi Hy Mã Lạp Sơn; hay tin bèn xuống núi xin hoàng gia cho phép được thăm Thái Tử.
Khi Thái Tử được bồng ra trước đạo sĩ A Tư Đà thì trước sự ngạc nhiên của mọi người, Thái Tử xoay người và đặt hai chân lên đầu Đạo Sĩ lúc đó đang ngồi trên một chiếc ghế bên cạnh Vua. Đạo Sĩ A Tư Đà vội đứng dậy, chắp tay xá Thái Tử và tiên tri rằng về sau Thái Tử sẽ trở nên một vĩ nhân cao quý của nhân loại. Trong Lễ Quán Đảnh, có 108 Đạo Sĩ Bà La Môn được mời tới. Các Đạo Sĩ đều tiên tri về sau, Thái Tử, nếu làm Vua, sẽ là một vị Vua vĩ đại nhất trong lịch sử; nếu Thái Tử xuất gia làm đạo sĩ Bà La Môn, Ngài sẽ là một đạo sĩ cao quý nhất trên thế gian. Chỉ riêng có một Đạo Sĩ trẻ tuổi nhất, đã khẳng định: Thái Tử nhứt định sẽ từ bỏ gia đình, ngôi vị, xuất gia và sẽ trở thành một vị Phật...’
Đó là những truyền thuyết lịch sử. Chúng ta hay thử phân tích những tướng Thị Hiện Đản Sanh có những dấu hiệu gì tượng trưng cho sự thành đạo của Đức Phật.
a. Trước hết là những truyền thuyết về lịch sử của cả Bắc Tông và Nam Tông. Đã gọi là truyền thuyết thì đó là những câu truyện được lưu truyền bằng miệng, từ đời này qua đời khác. Dù có vẻ "hoang đường" nhưng vì sự lưu truyền lâu đời mà người ta chấp nhận như một truyện lịch sử có thật. Cũng như truyền thuyết về lịch sử của dân tộc Việt Nam chúng ta với sự tích Con Rồng, Cháu Tiên; Lạc Long Quân và Âu Cơ sanh ra một bọc trứng nở một trăm con; truyện Sơn Tinh và Thủy Tinh, v.v... Theo Đạo Phật, mặc dầu sau này Đức Phật luôn luôn bác bỏ những chuyện mê tín, dị đoan, sùng bái thần quỷ, không được xây dựng trên căn bản nhân quả; nhưng Ngài lại xác nhận những khả năng thần thông, bất khả tư nghì, khi người tu hành đã thanh tịnh đến mức hoàn toàn dứt sạch các vọng tưởng và làm hiển lộ được chân tâm.
Ở đây, chúng ta hãy tạm bỏ vấn đề suy luận tin hay không tin những truyền thuyết mà chỉ xét nghiệm các hiện tượng trong tướng thị hiện đản sanh, được ghi chép trong lịch sử để rút ra những ẩn dụ cho sự thành đạo mà Đức Phật muốn để lại làm phương tiện giáo hóa chúng sanh.
b. Cũng như khi Ngài thị hiện giáng trần, nhập vào thai tạng của Hoàng Hậu Ma Da. Sự cấn thai của Hoàng Hậu, không giống như sự cấn thai của những người đàn bà trên thế gian. Hoàng Hậu đã nằm mộng thấy một vị Bồ Tát cưỡi voi trắng sáu ngà bay xuống ẩn vào hông bên hữu và kết thai. Tới ngày sanh nở, nhân giơ tay với cành hoa Vô Ưu mà Thái Tử được sanh ra, cũng từ hông bên hữu (không qua sản môn như những bà mẹ bình thường sanh con). Lối nhập thai và xuất thai này chứng tỏ Bồ Tát có đầy đủ thần thông tự tại, lựa chọn ngày giáng trần, nơi chốn, thời gian v.v... Sự nhập thai và xuất thai đều thanh tịnh; mặc dầu có cha mẹ nhưng lại không do sự kết hợp của tinh cha huyết mẹ.
Hơn nữa sau này, khi trở về thành Vương Xá hóa độ cho Vua Tịnh Phạn và Hoàng tộc, đức Phật đã hướng dẫn đệ tử đi trì bình như thường lệ. Vua Tịnh Phạn rất không hài lòng, đi thẳng ra đường phố tìm Đức Phật và nói: ‘Này Thái Tử! Sao con nỡ làm tổn thương thể thống Hoàng Tộc như thế. Cha lấy làm nhục nhã khi thấy con đi khất thực trong cái thành phố mà thường ngày con chỉ ra đường trên chiếc kiệu vàng! Tại sao con nỡ làm nhục cha như vậy?’ Trước sự ngạc nhiên của Vua Tịnh Phạn, Đức Phật đã điềm tỉnh trả lời: ‘Tâu Đại Vương! (không gọi bằng cha) Như Lai (không xưng bằng con) không hề làm nhục Đại Vương. Đúng là thể thống của dòng dõi Hoàng Gia không bao giờ đi khất thực, nhưng Như Lai đã làm đúng như truyền thống của chư Phật trong quá khứ, vì đó mới là dòng dõi của Như Lai (xác nhận thân Bồ Tát thị hiện).
Đó chứng tỏ rằng: Đức Phật xác nhận việc đầu thai vào gia đình Vua Tịnh Phạn chỉ vì phước đức của Vua và Hoàng Hậu đã từng là phụ mẫu của Ngài trong nhiều tiền kiếp (Túc Sanh Truyện). Thân của Bồ Tát giáng trần vốn rất thanh tịnh và đó là dấu hiệu của sự chứng đạo.
c. Thái Tử là con Vua, dòng dõi Hoàng Gia, mà Ngài lại ra đời giữa một khung cảnh thiên nhiên; sau này, khi trở về thế giới của Chư Phật, lại cũng ở trong một khu rừng hẻo lánh, giữa bốn cây Sa La, thiên nhiên như thế, mặc dầu nơi đó có rất nhiều tịnh thất, tinh xá đã được chư thiện tín, vua chúa xây cất lên để cúng dường Ngài và thánh chúng đệ tử của Ngài. Thị hiện đản sanh giữa thiên nhiên và nhập niết bàn giữa thiên nhiên như thế, ý Ngài muốn nói với chúng ta cái gì? ‘Như Lai không từ đâu đến và cũng chẳng có nơi nào để đi’ . Thiên nhiên, vũ trụ, hư không v.v... là nơi thường trú của Ngài vì Ngài chính là thiên nhiên, vũ trụ, và hư không.
d. Ngay sau khi đản sanh, Bồ Tát thị hiện bước 7 bước về mỗi phương hướng, tay chỉ trời, tay chỉ đất mà tuyên bố: ‘Trên trời, dưới đất chỉ có cái Ta (chân thật) duy nhất là cao quý’. Là người tu hành, quý vị đều hiểu chữ ‘Ngã’ trong câu nói này của Đức Phật là để chỉ cho ‘chân ngã’ và cũng là ‘chân lý’. Khi cái ngã (cái bản ngã hư vọng của phàm phu) đã được hoàn toàn thanh tịnh, thì nó "thể nhập" được với chân lý và không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian nữa.
Bản ngã đã trở về với cái ’thể’ vắng lặng và rỗng không của nó. Nó không chứa đựng bất cứ một vật gì, nhưng trong bất cứ một vật gì cũng có nó.
Không như ánh sáng mặt trời, mặt trăng, hay đèn. Những thứ ánh sáng ấy đôi khi còn bị che lấp bởi mây mù hoặc các chướng ngại; ánh sáng của chân ngã dù bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, bên trong thân, hay ngoài thân, trên suốt các cõi Trời Hữu Đảnh, dưới thấu các cõi địa ngục A Tỳ, Đông, Nam, Tây, Bắc, Thượng, Hạ, thập phương chư Phật, chư Bồ Tát quá khứ, hiện tại và vị lai đều được ánh sáng của chân ngã chiếu tới vì chân ngã là chân tâm và cũng là chân lý của vũ trụ, nhân sinh.
Chư Phật mười phương đã nương theo sự thể nhập chân lý bằng trí tuệ ba la mật của chân ngã đó mà thành đạo (Tam thế chư Phật y bát nhã ba la mật đa cố đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề).
3. Tứ môn du hành tướng, nghĩa là tướng thị hiện dạo chơi bốn cửa thành để thấy cái khổ của nhân sinh.
Theo lịch sử thì Thái Tử Tất Đạt Đa đã được nuôi nấng trong một hoàn cảnh tốt đẹp nhất trong ngôi vị một Thái Tử Đông Cung, nghĩa là một vị Hoàng Tử được lựa chọn lên ngôi Quốc Vương kế vị Vua Cha. Từ nhỏ, Thái Tử đã là một cậu bé phi thường, rất khỏe mạnh và khôi ngô, tuấn tú. Quốc Vương Tịnh Phạn đã cho vời tất cả các học giả lỗi lạc, danh tiếng nhất nước, trong mọi lãnh vực kiến thức, vào cung dạy Thái Tử về Văn Học, nhưng chỉ một thời gian ngắn, các vị giáo sư đều xin rút lui vì không còn đủ sức để chỉ dạy Thái Tử. Trình độ lãnh hội của Thái Tử đã làm cho các vị Thầy phải kinh ngạc. Không những Thái Tử đã thâu thập được tất cả kiến thức của các vị ấy mà sự suy luận đã vượt xa khả năng của các bậc Thầy. Về võ học cũng thế, Ngài đã trở thành một cao thủ tuyệt luân, ít người dám sánh.
Một ngày kia, nhân buổi lễ Hạ Điền của Vương Quốc, Thái Tử vừa 7 tuổi, được theo Vua Cha ra khỏi thành để tham dự buổi lễ khai khẩn đất ruộng cho mùa lúa mới. Không như những Vương Tử, Vương Tôn khác, dịp ra ngoài đồng ruộng là để chạy nhảy nô đùa cho thỏa thích; Thái Tử Tất Đạt Đa, ngược lại, đã lặng lẽ theo sát bên Cha để quan sát lễ Hạ Điền. Khi những lưỡi cầy vừa xới tung lớp đất mầu mỡ, đồng thời làm tổn hại nhiều sinh trùng, chúng đang đau đớn quằn quại, thì một đàn chim quạ, chim sáo xà xuống, tranh nhau mổ nuốt, cắn xé những thân trùng bé nhỏ vô tội kia; nhiều con bị cắp lên những ngọn cây để nuôi những con chim nhỏ. Xa xa ven rừng, người thợ săn sẵn sàng giương cung tên bắn hạ những con chim đang say sưa thưởng thức món ăn bổ béo. Sau những người thợ săn, lảng vảng vài bóng cọp beo đang rình bắt họ.
Một bức tranh sống động, hỗn tạp của tham sân, mạnh hiếp yếu, đảo điên khiến Thái Tử quặn lên mối cảm hoài xót thương cho các loài chúng sanh, vì chỉ bîết bảo vệ cái sống của riêng mình mà sát hại lẫn nhau một cách tự nhiên. Thái Tử lặng lẽ rời bỏ đám đông, tới một gốc cây, xếp chân ngồi trong tư thế tọa thiền, tư duy về sự đau khổ của kiếp nhân sinh. (Lịch sử Phật giáo ghi rằng Thái Tử đã nhập Sơ Thiền trong lúc này). Khi buổi lễ Hạ Điền chấm dứt, Quốc Vương nhìn lại quanh mình, không thấy Thái Tử, bèn cùng các cung nữ, và quần thần tìm kiếm. Tới gốc cây, thấy Thái Tử đang ngồi yên lặng, đôi mắt đăm đăm hướng về một phía xa xăm hầu như không nhìn thấy Quốc Vương và quần thần đang tới đứng trước mặt, Vua Tịnh Phạn thoạt nhìn con đang trầm ngâm như vậy, sanh lòng cung kính cúi đầu xá Thái Tử, và lo lắng liên tưởng đến lời tiên tri của vị Đạo Sĩ trẻ tuổi Kiều Trần Như trong buổi lễ Quán Đảnh năm xưa, e ngại điều đó có thể sẽ trở thành sự thực.
Từ đó, nhà Vua cho xây thêm ba cung điện nguy nga, mục đích để giam chân thái tử trong lầu vàng điện ngọc, cung phi mỹ nữ. Suốt ngày đêm, từ lúc Thái Tử thức giấc cho đến khi đi ngủ, các trò chơi giải trí, đờn địch, ca múa vang lừng. Không một cảnh khổ nào của con người hay con vật được phép xuất hiện trước mắt Thái Tử. Năm 16 tuổi, Thái Tử lại được Vua Cha hỏi cưới Công Chúa Gia Du Đà La, một giai nhân tuyệt sắc, mà cũng là em họ của Thái Tử, về làm vợ để cầm chân Thái Tử, vì hạnh phúc luyến ái là một trong những thú vui dục lạc và ràng buộc cõi thế gian. Nhưng đến một ngày kia, Thái Tử du ngoạn ngoài thành để thăm dân cho biết sự tình.
Trên đường đi, trước khi xe của Thái Tử tới, người ta đã phải dàn ra những cảnh vui tươi, sung sướng, che dấu tuyệt đối sự thật khổ não của con người, nhưng như một phép lạ xuất hiện, từ đằng sau những thân hình xinh tươi của các nàng vũ nữ đang ca múa đón tiếp Thái Tử, một thân hình gầy gò, lưng còng, lẩy bẩy trên cây gậy, từ từ tiến ra phía trước xe.
Trông thấy hình ảnh lạ lùng của một người như vậy, Thái Tử bèn hỏi Xa Nặc, người phu xe trung thành, và được biết đó đó là hình ảnh biến chuyển của một người đến tuổi già nua. Thái Tử càng ngạc nhiên hơn nữa khi được biết rằng, rồi đây chính Thái Tử cũng sẽ phải tới cái tuổi già như vậy. Vua Cha và nàng Gia Du Đà La xinh đẹp của Thái Tử cũng không tránh khỏi cái cảnh tàn úa của cái tuổi về chiều như thế. Thái Tử ra lệnh cho xe quay về hoàng thành, những cảm giác thoải mái của cuộc du ngoạn đã bị hình ảnh run rẩy, tàn tạ, khổ đau kia thay thế và làm vướng bận, dày vò trong tâm.
Sau đó ít lâu, Thái Tử lại được phép du ngoạn qua các cửa thành khác và dù quan quân có cẩn thận thế nào đi nữa, thì tại cửa thành phía Nam, lại có một người quằn quại, rên la đau đớn vì bệnh hoạn. Rồi tại cửa thành phía Tây, một cái xác của một người vừa chết, nằm lăn lóc như khúc củi mục, bay quanh loạn xạ là một đàn ruồi tranh nhau rúc đậu lại hiện diện trước mắt Thái Tử.
Ngao ngán hơn nữa là Thái Tử lại được chỉ cho rằng: Những trạng thái đó rồi cũng sẽ tới với chính Thái Tử, với Vua Cha hiện đương oai vệ, và với nàng Gia Du Đà La sắc nước hương trời và với tất cả mọi người, mọi loài làm xốn xang lòng Thái Tử. Một ngày kia, tại cửa thành phía Bắc, Thái Tử nhìn thấy một vị Sa Môn, uy nghi, bình thản, bước khoan thai nhẹ nhàng thoải mái. Một uy lực siêu thoát tỏa ra từ vị ấy làm cho bầu không khí chung quanh và cho chính Thái Tử sự tươi mát, an lạc, hiền lành như nụ cười hàm tiếu nhẹ điểm trên môi của vị ấy khi đi ngang qua trước xe của Thái Tử. Ngài bỗng thấy như mình bị thu hút theo hướng đi của Vị Sa Môn.
Kể từ giây phút ấy, Thái Tử gần như đã tìm thấy một con đường hạnh phúc, một hướng đi. Ý nghĩ lìa bỏ ngai vàng đîện ngọc, địa vị và sự ràng buộc tình ái đã bắt đầu nhen nhúm trong lòng Thái Tử ...
Trong tướng thị hiện thứ ba này, chúng ta thấy cái nhân Bồ Tát mà Bồ Tát Hộ Minh đã gieo trồng, và tu tập trong nhiều kiếp đã trở lại dần dần và kết trái trong tâm của Thái Tử Tất Đạt Đa. Tuy còn niên thiếu và được nuôi dưỡng trong môi trường cực sung sướng của một Thái Tử Đông Cung, nhưng Bồ Tát đã sớm nhận thức được cái cảnh khổ mà nhân sanh phải chịu qua sanh, lão, bệnh, tử. Thật là:
Cảnh sanh già bệnh chết gian truân,
Luống chịu khổ không ngừng gây khổ,
Mê chấp tánh tham, sân, tật đố,
Mãi cùng nhau vầy ổ oan gia,
Nợ trần, hoàn vay trả không xa...
Ngọn lửa đại từ, đại bi, thương xót muôn loài chúng sanh đang mê muội, không người khai sáng, chỉ lối giải thoát, mà cứ mãi đắm chìm trong những kiếp vô minh, từ đời này qua đời khác đã nung nấu trong lòng vị Hoàng Thái Tử.
Không như những vị Vương Tử, Vương Tôn khác, lấy thú vui săn bắn, hại mạng sinh linh làm trò giải trí, và lịch sử chép rằng: Cũng vào thời niên thiếu, Một hôm Thái Tử đang trầm ngâm tản bước trong ngự viên, chợt một con ngỗng trời sa xuống trước mặt Thái Tử, rên xiết trong đau đớn, vì bị mũi tên oan nghiệt xuyên qua cánh. Thái Tử vội ôm ngỗng lên quán sát và rút tên khỏi cánh ngỗng. Đoạn lấy áo choàng quấn ngỗng, định đem về cung chữa trị vết thương, thì vương tử Đề Bà Đạt Đa, em họ Thái Tử, chạy tới, tay còn cầm cung tên và đòi lại con ngỗng vừa bị Y bắn hạ. Thái Tử nhất định không trả lại con ngỗng và việc tranh chấp giữa hai anh em, sau cùng phải đưa đến trước Vua Tịnh Phạn và triều đình.
Sau một hồi lâu bàn thảo, nhà Vua và quần thần chưa biết quyết định xem con ngỗng nên thuộc về ai, thì có một vị Đạo Sĩ già từ ngoài bước tới sân rồng, tâu rằng: "Tâu Đại Vương! Tất cả mọi chúng sanh, loài nào cũng tham sống và cố gắng gìn giữ mạng của mình; con ngỗng cũng thế; do đó con ngỗng phải thuộc về người đã "bảo vệ" mạng sống cho nó. Xin Đại Vương đừng trao nó cho một kẻ chủ tâm "sát hại" nó. Và như thế là con ngỗng được triều đình quyết định trao cho Hoàng Thái Tử Tất Đạt Đa.
Trong câu chuyện này ta có thể nhìn rõ cái Tâm Từ Bi thương xót chúng sinh, dù đó chỉ là loài súc sinh của Thái Tử. Sau khi thành đạo, giáo lý của Đức Phật dạy chúng sinh muôn loài đều Bình Đẳng (đều tham sống sợ chết), và điều đó Đức Phật luôn luôn nhắc nhở các đệ tử cũng như những người quy y theo Ngài. Các điều khổ không thể phủ nhận là Sanh, Lão, Bệnh, Tử được Đức Phật chỉ rõ trong chân lý Tứ Diệu Đế (Khổ Đế, Tập đế, Diệt đế, và Đạo đế). Tâm đại từ đại bi trở thành giáo lý Tứ Vô Lượng Tâm trong pháp tu Bồ Tát Đạo, một giáo lý nền tảng để đạt thành Phật quả. Chúng ta là người xuất gia, mong cầu đạo quả Phật, không thể không phát tâm của Bồ Tát: ‘Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh’, vì tâm từ bi là con đường chánh nghiệp, chánh mạng dẫn ta trở về với chân tâm.
4. Việt Thành Xuất Gia Tầm Đạo Tướng, nghĩa là vượt thành đi khỏi nhà để tìm chân lý.
Sử chép rằng: Sau khi du ngoạn 4 cửa thành, Thái Tử đã nhìn thấy chúng sanh trầm luân trong cảnh khổ khó thoát. Tất cả những cái vui, cái đẹp của thế gian chỉ là tạm bợ, chỉ xuất hiện trong một thời gian rất ngắn của một kiếp người, vốn đã rất ngắn. Những hình ảnh yêu kiều của Công Chúa Gia Du Đà La, cũng như của đoàn cung nữ bao vây chung quanh Thái Tử, hàng ngày đang hiến dâng lên cho Thái Tử những tiếng hát ngọt ngào, những nụ cười quyến rũ, và điệu múa dịu dàng, rồi một ngày kia không xa, sẽ trở thành những thân hình tàn tạ vì bệnh hoạn và rên xiết trong đau đớn. Những làn da tươi mát, mịn màng kia sẽ trở thành nhăn nhúm, và những thân hình đang căng đầy nhựa sống kia sẽ còng xuống, run lẩy bẩy rồi cuối cùng sẽ nằm lăn lóc bên đường như cây khô, củi mục, vô tri vô giác. Tệ hại hơn nữa là chính Thái Tử, một thanh niên anh tuấn, tài ba lỗi lạc hơn người sẽ cũng không tránh khỏi sự tàn phá của thời gian và tử biệt. Những lâu đài tráng lệ mà Ngài đang ngự, một ngày nào đó cũng không tránh khỏi luật thiên nhiên của vòng thành, trụ dị, diệt. Những ưu tư chán nản đã làm tắt đi, nụ cười vương giả trước những trò vui ca múa chung quanh.
Hình ảnh khoan thai tự tại với nụ cười hiền từ an lạc của Vị Sa Môn mà Thái Tử đã gặp nơi cửa thành phía Bắc mãi vấn vương trong tâm trí. Thái Tử cảm nhận: Ngoài cái vui giả tạo của cuộc đời, chắc phải có một con đường giải thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của sanh, lão, bệnh, tử và phải có một nơi chốn mà ở đó hạnh phúc và an vui sẽ không bao giờ chấm dứt. Nhìn thấy các vị Đạo Sĩ Bà La Môn, với phong thái tự tại, quần áo giản dị, đến Hoàng Cung và được Vua Cha cùng quần thần đảnh lễ kính trọng, càng làm phát triển mạnh ý tưởng xuất gia tìm chân lý vốn đã như một ngọn lửa âm ỷ, nung nấu tâm can Thái Tử. Nhiều đêm, nghe văng vẳng từ không trung, những lời thúc dục của chư Thiên:
Ngày nay tuổi đã lớn rồi,
Sao không nhớ lại những lời nguyền xưa?
Xin tu chứng đạo chân thừa,
Trần gian vẩn đục say sưa làm gì?
Ngài còn lần lựa thế thì,
Chúng sanh ngu dại ai vì bảo ban?
Mau mau mở lối Niết Bàn,
Khêu đèn Trí Tuệ, phá màn Vô Minh.
Một ngày kia, không còn giữ mãi được sự nung nấu của ý tưởng xuất gia, Thái Tử đã tâu lên Phụ Hoàng, xin phép rời bỏ gia đình để đi tìm chân lý cứu mình, cứu người. Vua Tịnh Phạn, đương nhiên, bác bỏ lời cầu xin của Thái Tử và tuyên bố sẽ thỏa mãn tất cả những gì mà Thái Tử muốn, trừ việc xuất gia. Do đó Thái Tử tâu lên 4 lời thỉnh cầu và nếu được thỏa mãn thì Ngài sẽ từ bỏ ý định lìa gia đình đi tìm chân lý. Đó là:
1) Xin cho con trẻ mãi, không già.
2) Xin cho con khỏe mạnh mãi, không đau.
3) Xin cho con sống mãi, không chết.
4) Xin cho con và thần dân được mãi mãi sung sướng, không bao giờ khổ.
Nghe 4 lời thỉnh cầu của Thái Tử, Vua Tịnh Phạn đã nổi giận mà phán rằng: "Tất Đạt Đa! Con quả là điên khùng mất rồi! Hãy quên những tư tưởng bệnh hoạn và vô lý đó đi để tiếp tục chuẩn bị lên kế vị cha. Thần dân Ca Tỳ La Vệ đang chờ đón ngày con trưởng thành và thay cha hướng dẫn họ. Nếu Con muốn xuất gia, hãy đợi đến khi con già và có người thừa kế". Thái Tử cương quyết: "Tâu Phụ Vương! Nếu Phụ Vương không thể cứu con khỏi những khổ đau của tuổi già, bệnh tật, cái chết và những phiền não thì xin Phụ Vương hãy cho phép con rời khỏi Hoàng Cung để đi tìm sự giải thoát cho con và cho mọi người". Vua Tịnh Phạn giận dữ, quát lớn: "Hãy canh gác Thái Tử nghiêm mật; các cửa thành phải luôn luôn đóng chặt, không cho Thái Tử bước ra khỏi hoàng thành", rồi Ngài phủi áo bước ra khỏi điện.
Thái Tử đành trở về cung điện riêng, và khi bước qua những hành lang tráng lệ mà lòng càng thêm nỗi chán chường, cho rằng mọi thứ trần thiết quý báu đó đã được xây dựng bằng những giọt mồ hôi lao nhọc của đoàn công nhân và sẽ tan hoại một ngày nào đó. Và khi nhìn những cung nữ tuyệt sắc mà lòng Thái Tử trổi dậy niềm đau, xót thương cho những con người còn mê muội, không biết rằng ngày mai đây nhan sắc mỹ miều kia sẽ tàn phai và thân hình sẽ quằn quại trong đau khổ của già nua, tật bệnh. Tất cả những cảnh tượng xa hoa chung quanh không còn quyến rũ được Thái Tử nữa. Bấy giờ, Ngài chỉ còn thấy một sự thôi thúc mãnh liệt là phải thoát ly ra khỏi chốn này để tìm một con đường giải thoát những ràng buộc khổ đau cho mình và cho nhân loại.
Một đêm kia, có tin vui là công chúa Gia Du Đà La vừa hạ sanh một Vương Tôn rất khôi ngôi, và được Vua Tịnh Phạn đặt tên là La Hầu La (Rahula). Nghe tin Thái Tử đã không tỏ vẻ vui mừng như những người Cha khác vừa có con trai đầu lòng, ngược lại, Thái Tử lại thở dài và thầm than: "Lại thêm một ràng buộc". Ý tưởng rời bỏ gia đình lại càng thúc giục Thái Tử hơn bao giờ hết, và, ngay trong đêm ấy, Ngài quyết định rời khỏi hoàng cung.
Kỳ diệu thay, sau bữa cơm chiều, một năng lực bí ẩn đã làm cho các người phục dịch chung quanh Thái Tử chìm vào một giấc ngủ li bì. Vương Phi Gia Du Đà La cũng say sưa ngủ với Vương Tôn La Hầu La còn gối trên tay. Thái Tử bước tới cửa phòng nhìn người vợ xinh đẹp, và đứa con sơ sinh đang nằm trong lòng mẹ; Ngài nghĩ rằng: "Ta muốn bồng đứa con yêu quý của Ta lần cuối, nhưng e sẽ làm Gia Du Đà La thức giấc thì Ta khó mà thoát ly được. Thôi đành! Ta phải rời khỏi nơi đây trong lúc mọi người còn đang ngủ".
Thái Tử vội vàng rời khỏi cung điện, xuống chỗ người đánh xe thân tín là Xa Nặc đang say sưa ngủ, đánh thức hắn dậy và ra lệnh cho hắn thắng yên cương và đem con bạch mã Kiền Trắc tới cho Thái Tử. Tuy rất ngạc nhiên, nhưng Xa Nặc cũng phải tuân lệnh, y như lời dạy. Thái Tử lên yên và Xa Nặc ngồi sau lưng, tiến ra cổng Hoàng Thành, nhưng cửa Hoàng Thành còn đóng chặt, và chú lính canh đang gục đầu trên ngọn giáo, ngủ vùi.
Thái Tử vỗ về con ngựa: ‘Kiền Trắc, đêm nay chúng ta phải vượt khỏi bức tường cao kia đang giam hãm chúng ta. Con hãy cố gắng đưa ta qua bức tường và đừng làm cho quân canh thức giấc’. Lại thêm một sự kỳ diệu nữa, con ngựa Kiền Trắc cất vó nhẹ nhàng như bay bổng lên không trung và vượt khỏi bức tường cao, ra khỏi Hoàng Thành, không một tiếng động. Nhẹ nhàng nhìn Hoàng Cung lần chót và Thái Tử phát lời thề nguyện: "Nếu Ta không tìm được một con đường giải thoát mọi đau khổ cho Ta và cho chúng sanh, Ta thề sẽ không bao giờ trở về Thành Ca Tỳ La Vệ thân yêu này"
Đời sau có thơ nói về đêm Thái Tử Tất Đạt Đa vượt thành ra đi tìm chân lý như sau:
Lời Xa Nặc hỏi khi bị Thái Tử đánh thức dậy:
Trời tối nhân gian mờ mịt quá
Giờ này Thái Tử định đi đâu?
Thái Tử Đáp:
Chính đời mờ mịt nên ta phải,
Đi để tìm ra ánh nhiệm mầu.
Xa Nặc than:
Ngày mai sẽ có bao người khóc,
Ly biệt thương Ngài, nỗi khổ đau.
Thái Tử hứa:
Ta sẽ trở về khi thấy Đạo
Giải thoát nhân gian vạn thảm sầu...
Trong Kinh văn cũng có lời tán thán sự vượt thành xuất gia của Thái Tử như sau:
Thái Tử nhủ từ tâm lân mẫn,
Quyết hy sinh độ tận hữu tình,
Đoạn ái ân phú quý riêng mình,
Chọn lối sống quang minh vũ trụ...
Đến đây chúng ta lại suy nghiệm xem trong tướng thị hiện thứ tư này, Đức Phật đã muốn đem lý đạo giáo huấn nhân loại như thế nào?
a. Mục đích của Chư Phật ra đời là chỉ cho chúng sanh (con người) sự tỉnh thức để nhận rõ rằng cuộc sống tam bợ trên thế gian này là ràng buộc những khổ đau; vì vô minh tạo nghiệp liên hồi để rồi bị nghiệp dẫn dắt hết kiếp này sang kiếp khác trong sáu nẻo luân hồi. Người có trí tuệ phải sớm nhận thức được lý vô thường của cuộc sống. Sanh ra, lớn lên, bệnh hoạn rồi già chết, rồi lại sanh, lại lớn, lại bệnh, lại già, lại chết, cứ như thế mà không bao giờ con người có thể làm chủ được những hiện tượng hay quy luật thiên nhiên ấy. Cái thân không thể mãi mãi thường còn khỏe mạnh như ý mình muốn; những cảnh vui trên thế gian không phải là hạnh phúc vĩnh cửu. Tiếp theo nụ cười là nước mắt.
Sau này, khi đi giáo hóa chánh pháp, Đức Phật đã thí dụ, nước mắt của chúng ta (con người) từ vô thỉ đến nay còn nhiều hơn nước chứa trong bốn biển. Trong cái thân phàm phu, Thái Tử Tất Đạt Đa sớm đã thức tỉnh và nhận ra những tướng vui giả tạo tạm thời như vậy chỉ dẫn tới phiền não và khổ đau, nên Thái Tử đã cương quyết đi tìm chân lý để giải thoát cho chính mình (Tự độ) và cho nhân loại (độ tha). Thái Tử cũng sớm nhận ra rằng, những ràng buộc của gia đình, vợ đẹp, con khôn; những sự giàu sang, uy quyền vương giả cũng chỉ là những thứ tạm bợ, chướng ngại, phải từ bỏ trước khi quá muộn. Sự từ bỏ tất cả ràng buộc thế gian, sau này, trong Giáo Lý của Ngài, gọi là Buông Xả. Thái Tử đã buông xả cái Ta (một Thái Tử Đông Cung) và cái của Ta (uy quyền, ngai vàng, gia đình v.v...). Chính nhờ sự buông xả này, đã giúp Ngài thể nhập được vào chân lý như giáo lý mà Ngài dạy trong Kinh Kim Cương: Buông xả cho đến khi không còn thấy buông xả, không còn thấy năng, thấy sở, không còn thấy nhân, thấy ngã, thấy chúng sanh, thấy thọ giả.
b. Theo truyền thuyết thì khi Ngài quyết tâm vượt thành đi tìm chân lý, Ngài đã được Tứ Thiên Vương ủng hộ bằng cách làm cho quân canh, thị nữ, cung nhân đều say ngủ và nâng bốn vó con ngựa Kiền Trắc lên khỏi bức tường thành. Đối với chúng ta, từ bỏ gia đình và những thú vui thế gian để xuất gia cầu đạo, cũng phải có quyết tâm, mà cũng không phải ai cũng có thể có cái quyết tâm ấy và có thể xuất gia được. Thầy tốt, bạn lành trong chốn già lam chính là Tứ Thiên Vương đối với chúng ta. Đã có lý tưởng (chánh pháp) để tu học, giới luật để phòng hộ, thầy tốt bạn lành làm thiện tri thức, có vào được chân lý như Thái Tử Tất Đạt Đa hay không chỉ còn trông cậy nơi chính mình có thối chuyển hay không mà thôi.
5. Lục Niên Khổ Hạnh Lâm Tướng, nghĩa là tướng thị hiện sáu năm tu khổ hạnh trong rừng già. Kinh sách có câu:
Lục Niên Khổ Hạnh Thích Ca Tôn,
Ca Diếp hân hoan diệu lý chơn....
là để nói về tướng khổ hạnh suốt sáu năm trường, Thái Tử Tất Đạt Đa đã kinh nghiệm để tìm ra Chân Lý rồi sau này trao tryền cho người đệ tử xứng đánh nhất là Ngài Ma Ha Ca Diếp. Phật sử chép rằng:
Sau khi rời bỏ hoàng cung, Thái Tử đã băng rừng tới bên dòng sông Anoma. Tại đây, Thái Tử đã trao cho Sa Nặc tất cả y phục Hoàng Gia và con ngựa Kiền Trắc đem trả về cho Hoàng Tộc. Ngài dùng gươm cắt bộ tóc mượt mà và đánh đổi với người tiều phu, chiếc áo choàng quý giá cuối cùng còn trên người, lấy chiếc áo vá bạc mầu, rồi từ đó bắt đầu một cuộc đời không nhà cửa, không tiền bạc của một nhà tu hành khất sĩ.
Ngài đi lang thang trong rừng để tìm kiếm một vị Thầy lỗi lạc đương thời là Alarama Kalama, đã được các đạo sĩ Bà La Môn giới thiệu. Chẳng bao lâu, Ngài chứng ngộ và thành đạt cảnh giới Vô Sở Hữu Xứ Thiên như Thầy, nhưng sự chứng ngộ này không giúp Ngài thấu triệt được những vấn đề mà Ngài muốn tìm kiếm.
Chưa được toại nguyện, Ngài từ giã Đạo Sĩ Kalama để đi tìm một Đạo Sư danh tiếng khác. Đó là Uddaka Ramaputa, nhưng rồi cũng chẳng bao lâu sau đó, Thái Tử đã lại học hết giáo lý của Ramaputa và đạt được cảnh giới Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Đây là cảnh giới định cao nhất của Tam Giới (Thiền Vô Sắc), nhưng Ngài vẫn cảm thấy chưa được hoàn toàn giải thoát. Ngài nhận ra rằng, trên đời, không còn ai có đủ khả năng để dẫn dắt Ngài ra khỏi vòng vô minh và ngộ được chân lý tối thượng.
Ngài lại từ giã Đạo Sĩ Ramaputa và nghĩ rằng: "Hay ta chưa đủ nghị lực để tu khổ hạnh vì đã bao năm qua Ta đã quen sống trong nhung lụa. Từ nay Ta phải quyết tâm sống khổ hạnh và quay về tìm trong nội tâm, như Ta đã nhập Sơ Thiền hồi còn niên thiếu (trong buổi lễ Hạ Điền), may ra Ta có thể tìm ra con đường giải thoát mọi khổ đau". Ngài đã lang thang đây đó, để tìm ra một nơi thích hợp cho cuộc sống khổ hạnh. Một ngày kia, tìm được một khu rừng bên cạnh một giòng sông và Ngài quyết định dừng tại đó để bắt đầu cuộc sống khổ hạnh.
Khi hay tin Thái Tử Tất Đạt Đa đã từ bỏ cung điện để ra đi tìm chân lý, Kiều Trần Như, vị đạo sĩ trẻ tuổi đã tiên tri khẳng định là Thái Tử sẽ rời bỏ ngôi vị đi tìm đạo và sẽ đắc quả Phật trong buổi lễ Quán Đảnh, cùng với bốn người em họ đi tìm Ngài để cùng nhau tu học.
Trong khi tu hành, Đạo Sĩ Cồ Đàm đã không để ý gì đến những đòi hỏi hay những cảm thọ của thân. Những lúc ngồi tọa thiền hết giờ này qua giờ khác, Ngài cố gắng chịu đựng sự đau đớn bởi khí huyết không được lưu thông, thêm vào đó, sự ăn uống lại chỉ có vài hạt mè và những trái cây nhỏ bị gió thổi bay vào lòng Ngài. Vì thiếu dinh dưỡng, Ngài đã trở nên gầy ốm. Những nét tuấn tú của vị Thái Tử phong độ đã dần dần biến mất; da đã sạm đen và mất hết sinh khí.
Phật sử chép rằng, Ngài đã bị hao mòn đến độ khi sờ vào bụng thì da bụng dính vào cột xương sống ở sau lưng. Tuy thế, tinh thần Ngài vẫn sáng suốt và tiếp tục chịu đựng để tu hành. Cứ như thế suốt sáu năm trời, thân thể tiều tụy, khô đét, sức lực kiệt quệ và cái chết đã gần kề. Lúc ấy Ngài chợt nghĩ: "Dầu các Đạo Sĩ hay các nhà tu khổ hạnh trong quá khứ đã chịu những cảm giác nhức nhối, đau đớn dữ dội hay xót xa như thế nào thì cũng chỉ đến mức này là cùng không thể hơn nữa. Dầu các Đạo Sĩ hay các nhà tu khổ hạnh trong tương lai sẽ chịu những cảm giác nhức nhối, đau đớn dữ dội hay xót xa như thế nào thì cũng đến mức này là cùng không thể hơn nữa. Tuy đã trải qua bao nhiêu khắc khổ, khó khăn và đau đớn mà Ta vẫn không đạt được điều chi tốt đẹp, xứng đáng với sự giác ngộ cao thượng và trí tuệ vượt hẳn những trạng thái của loài người. Hay là còn con đường nào khác dẫn đến sự chứng ngộ cao thượng chăng?"
Nghĩ như vậy xong, Ngài đã quyết định thay đổi đường lối tu hành. Đường lối lợi dưỡng với tất cả sự đầy đủ chỉ làm nô lệ cho những đòi hỏi của xác thân. Đường lối khổ hạnh, như Ngài đã từng kinh nghiệm trong sáu năm vừa qua, chỉ là dày vò xác thân. Những đau đớn có ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển trí tuệ. Ngài cũng đã khổ hạnh tới mức cùng cực. Vậy thì con đường đưa đến chân lý phải là con đường thứ ba: Không lợi dưỡng và cũng không khổ hạnh.
Ngài đứng dậy, xuống sông tắm rửa nhưng vì quá yếu nên Ngài đã té ngã, suýt bị chết chìm. Gắng sức hơi tàn, Ngài quờ quạng lết vào bờ tịnh dưỡng, thì vào lúc ấy, một người phụ nữ tên Sujata, tay bưng bát sữa đi vào rừng với mục đích cúng dường bát sữa cho chư thần mà nàng tin tưởng đã phù hộ cho nàng sanh một đứa con khỏe mạnh.
Thấy một vị Đạo Sĩ gầy còm, nhưng nét mặt rạng rỡ, đang ngồi bên bờ sông; nàng nghĩ, hẳn đây là một vị Thần của rừng cây mà nàng đang tìm kiếm. Nàng tiến tới đặt bát sữa trước mặt vị Đạo Sĩ. Ngài từ từ mở đôi mắt và mỉm một nụ cười, đoạn bưng bát sữa lên uống. Uống xong bát sữa, thần diệu thay, thân thể Ngài dần dần hồi phục, thịt da lại nẩy nở và tươi sáng. Ngài đặt bát xuống và mỉm cười, nói với nàng Sujata: "Bà tưởng Ta là một vị thần linh phải không? Không! Ta chỉ là một người bình thường đang đi tìm chân lý để cứu vớt nhân loại khỏi đau khổ. Bát sữa của Bà đã làm cho Ta hồi phục sức khoẻ. Bà sẽ có nhiều phước đức vì sự cúng dường hôm nay. Ta xin cảm ơn Bà".
Năm anh em Kiều Trần Như thấy Đạo Sĩ Cồ Đàm đã từ bỏ cuộc sống khổ hạnh, bèn tỏ vẻ thất vọng. Họ nói với nhau: ‘Đạo Sĩ Cồ Đàm đã bỏ cuộc và trở về với đời sống lợi dưỡng. Chúng ta không nên sống gần con người dễ dàng bỏ cuộc như vậy’ và họ đã ra đi.
Đạo Sĩ Cồ Đàm đứng dậy, lội qua dòng sông Ni Liên Kiền và tới một gốc cây Pipala, mà sau này được gọi là cây Bồ Đề, bắt đầu cuộc tu thiền định. Sau khi đã trải cỏ làm tọa cụ, Ngài ngồi xuống và phát một lời thề: "Dù thân này có chết, thịt này có rã, xương này có tan; nếu không tìm ra chân lý, Ta quyết không bao giờ đứng dậy".
Đó là câu chuyện được kể trong lịch sử về cuộc tu hành khổ hạnh của Đức Phật. Từ cái tướng thị hiện sáu năm khổ hạnh này, chúng ta nhìn thấy được ý nghĩa gì?
a. Ngài đã tìm đạo từ những vị Thầy danh tiếng nhất và chứng đắc được tất cả những cảnh giới mà các bậc Thầy đã chứng, nhưng sự chứng đắc đó không làm Ngài toại nguyện. Đi tìm chân lý từ phía ngoài thân không thể nào được, Ngài đã quyết định quay vào tìm chân lý từ bên trong nội tâm, và đã kết quả. Đó là đường lối tu hành dẫn Ngài đắc Đạo quả và đạo quả chứng đắc mà không nhờ sự dạy dỗ của ông Thầy nào.
Sau này, trước khi nhập Niết Bàn, Ngài đã nhắn nhủ các đệ tử: "Các Con hãy tự thắp đuốc mà đi, hãy tự làm hải đảo cho mình nương náu". Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật cũng đã dạy: "Các Đấng Như Lai chỉ là người chỉ đường". Suốt cuộc đời giáo hóa, Đức Phật luôn luôn khuyến khích các đệ tử phải dành tất cả thì giờ vào sự phát triển trí tuệ và tránh những cuộc hý luận, tạp thoại vô ích.
b. Ngài đã tìm ra con đường tu thứ ba, sau này được gọi là Con Đường Trung Đạo. Ngài đã sống khổ hạnh hơn bất cứ một Đạo Sĩ đương thời nào; rốt cuộc, đời sống khổ hạnh chỉ đem lại sự đau đớn thể xác và làm suy giảm ý chí. Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy một quan niệm, một tâm hồn thánh thiện không thể có ở trong một thân thể bệnh hoạn.
Cũng trong tướng thị hiện này, Đức Phật đã phá cái tà kiến ‘Giới Cấm Thủ’ của ngoại đạo là nhất định phải dày vò xác thân cho đến mức cùng kiệt. Sau này, khi giáo hóa các đệ tử, Ngài luôn luôn áp dụng con đường trung đạo. Ngài thí dụ về cây đàn. Khi một vị đệ tử đến hỏi Ngài lý do tại sao ông ta không đạt được Thánh quả, mặc dầu đã khổ công tu hành đến mức tối đa. Đức Phật nói: "Sự tu hành và trì giới cũng giống như sợi dây đàn, chùng quá thì không ra tiếng, căng quá thì tiếng chát chúa, khó nghe". Đó là con đường Trung Đạo để phá hai cái chấp cực đoan: Lợi dưỡng và khổ hạnh.
c. Lý đạo thứ ba trong tướng thị hiện này là không nên vì nghe thấy khó thực hành mà không tu. Muốn biết mình có thể làm được hay không, cần phải thực hành với tất cả khả năng và thiện chí của mình trước đã. Vì muốn làm gương cho chúng sanh mà Đức Phật đã phải thị hiện hạnh kham nhẫn khổ hạnh tới sáu năm mà không đạt được mục đích, rồi phải từ bỏ. Chỉ có từ sự thực hành, mới gặp những khó khăn và mới thu thập được kinh nghiệm để sửa đổi lề lối tu tập.
Chúng ta ngày nay tu hành, đa số đều thiếu đức tin kiên cố và lòng kiên trì đối với pháp môn mình đã lựa chọn. Nhiều người đang tu Tịnh Độ, nghe nói tu Thiền mới đạt được ‘Minh Tâm Kiến Tánh’ và là môn tu của bậc Thượng Căn Thượng Trí thì bắt đầu khởi tâm tu Thiền, rồi bỏ hay khinh thường pháp môn Tịnh Độ. Sau một thời gian tu Thiền, không có kết quả, lại quay trở về pháp môn Tịnh Độ. Những người này, thật sự, đã không thâm nhập được lý đạo của Thiền và của Tịnh Độ. Vì thiếu sự thâm nhập và thiếu lòng kiên nhẫn nên họ luôn luôn chạy theo vọng tưởng mà lạc vào lối tu sai lầm vì những ảo giác của vọng tâm. Những ảo giác này, đôi khi, rất nguy hiểm cho người tu. Những ảo giác này thường là những biến hiện của tâm bị dồn ép, đè nén, nên sanh ra những cảnh giới lạ lùng hay những cảm giác hoan hỷ. Vì những cảnh giới đó, cảm giác đó, người tu dễ bị dẫn dắt vào ma chướng mà người ta thường gọi là ngũ ấm ma.
Trong sáu năm khổ hạnh, Đạo Sĩ Cồ Đàm thường gặp những ma chướng muốn làm Ngài thối chí, nhưng với sự kiên trì trong 49 ngày cuối cùng, Ngài đã đại thắng ma chướng mà thành đạo. Đó là tướng thị hiện thứ sáu mà Thầy sắp nói tới.
6. Hàng Phục Chúng Ma Tướng, nghĩa là tướng thị hiện diệt trừ tất cả những Ma Chướng từ bên ngoàiẠ và từ bên trong.
Sử chép rằng: Sau khi Đạo Sĩ Cồ Đàm phát một lời thề như đã nói ở trên; Ngài đã ngồi thiền định dưới gốc cây Pipala (cây Bồ Đề), và nhập Sơ Thiền, rồi tới Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền ... Trí tuệ của Ngài trở nên sáng suốt, tâm thể vắng lặng nhờ sự quán sát tận nguốn gốc của mọi cảm thọ và buông xả tất cả những đòi hỏi của ái dục.
Lúc đó, Ma Vương Mara rất sợ hãi và giận dữ. Mara là tên Ấn Độ để gọi những ma chướng chuyên gây đau khổ, phiền não và tội lỗi cho loài người. Mara chính là tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến.
Khi Mara nhận thấy Đạo Sĩ Cồ Đàm đang nhập vào các bậc Thiền và diệt trừ dần những cám dỗ mà hắn thường gieo rắc trong tâm loài người; hắn đã triệu tập con cháu (những nguồn gốc của phiền não và cám dỗ) lại và nói: ‘Này các con, hãy trông Đạo Sĩ Cồ Đàm đang tọa Thiền dưới gốc cây kia. Ông ta đang tìm phương pháp loại trừ chúng ta ra khỏi tâm ý của Ông ta và tìm cách chấm dứt những đau khổ và phiền não mà chúng ta thường gieo rắc để sai khiến loài Người. Nếu Ông ta thành công và đem phương pháp ấy phổ biến thì chúng ta sẽ hết đất sống. Loài người có thể dễ dàng nhận diện chúng ta và loại trừ chúng ta khỏi tâm ý của họ. Vậy còn ai mà chiều đãi, cung phụng chúng ta nữa. Bằng mọi giá, chúng ta phải ngăn cản cho kỳ được cái ý định chấm dứt phiền não và đau khổ của loài người đó’.
Và Mara cùng bộ hạ của ác pháp xúm nhau lại tấn công Đạo Sĩ Cồ Đàm. Thoạt đầu, chúng tạo ra những trận mưa gió dữ dội và những sấm sét kinh hoàng, hướng về phía Đạo Sĩ Cồ Đàm đang tọa thiền. Cây cối chung quanh Ngài gẫy đổ, bật gốc ầm ầm, nhưng kỳ lạ thay, cành lá của cây Pipala lại bất động và vẫn xòe rộng tàng lá che chở cho Ngài. Mara thấy trận đầu đã thất bại, bèn tập họp quân đội xung phong và ào ào bắn những mũi tên độc vào mình vị Đạo Sĩ.
Một lần nữa, sự kỳ diệu lại diễn ra, tiếng la hét của chúng ma hầu như chìm vào trong biển cả của im lặng, các mũi tên độc biến thành những cánh hoa sen rơi lả tả chung quanh Đạo Sĩ Cồ Đàm. Mara thấy rằng những khí giới từ bên ngoài không làm hại được Đạo Sĩ Cồ Đàm; hắn đổi chiến thuật, tấn công bằng những khí giới bên trong là sự cám dỗ của ái và dục. Hắn cho ba người con gái của hắn tới trước mặt Đạo Sĩ Cồ Đàm, dùng tất cả những âm thanh ngọt ngào, và khêu gợi tình dục để quyến rũ Ngài. Thậm chí, chúng đã thi triển thần thông biến hiện ra cả nàng Gia Du Đà La xinh đẹp và các cung nữ, nhạc công biểu diễn những vũ điệu mà ngày xưa đã làm Thái Tử Tất Đạt Đa ham thích. Nhưng giờ đây, những hình ảnh đó đã trở thành hoàn toàn vô dụng. Ngài vẫn bình thản trong thiền định với nét mặt rạng rỡ, đôi mắt rực sáng nhìn thẳng vào chúng và làm khả năng thần thông của chúng bị tê liệt, trong khi trên môi của Ngài vẫn giữ một nụ cười từ ái.
Mara đã kiệt quệ khả năng và hắn cố tập trung vào một đòn chót. Hắn hiện thân Ma Vương trước mặt Đạo Sĩ Cồ Đàm và nói bằng một giọng diễu cợt: ‘Này Tất Đạt Đa! ông tưởng ông vĩ đại lắm sao? Biết bao nhiêu Đạo Sĩ Bà La Môn trước ông, đã từng có ý định chấm dứt đau khổ và đã ngồi tọa Thiền như ông đang làm và tất cả đều thất bại. Hãy từ bỏ ý định điên rồ của ông đi và trở về ngôi vị Hoàng Thái Tử. Sau này, khi lên ngôi Vua, ông thiếu gì tiền bạc, oai quyền và cơ hội làm tốt cho thần dân của Ông. Lúc ấy, sự nghèo đói và đau khổ sẽ chấm dứt’.
Đạo Sĩ Cồ Đàm chỉ mỉm cười và trả lời: "Này Mara, con người quỷ quyệt! Ngươi là nguồn gốc của mọi tội lỗi và lười biếng. Ngươi đến đây chỉ vì lợi ích riêng của ngươi. Ngươi chỉ muốn nhân loại phải luôn luôn cúi đầu phục tòng mệnh lệnh của ngươi mà thôi. Ta đã biết rất rõ các đạo binh của ngươi là tham dục (Kama), bất mãn (Arati), đói khát (Khuppipasa), ái dục (Tanha), hôn trầm (Thina Middha), sợ hãi (Bhaya), hoài nghi (Vicikiccha), phỉ báng và cố chấp (Makkha Thamba), lợi lộc (Labha), khen tặng (Siloka), vinh dự (Sakkara) và thanh danh bất chánh (Yasa), kiêu mạn và khinh rẻ kẻ khác (Attukkamsanapa Ravambhana). Này Mara, ta đã chế ngự được các đạo binh ấy của ngươi vì ta biết rất rõ ràng bản chất của quân đội của Ngươi, nên âm mưu của Ngươi đều thất bại đối với ta. Sau này, người nào biết cách chế ngự các đạo binh ấy của ngươi, cũng sẽ tìm ra hạnh phúc chân chánh".
Ma Vương nghe xong, hắn biết rõ ràng là đã hoàn toàn thất bại. Hắn biến đi như một cơn ác mộng.
Sau khi đã chiến thắng được Ma Vương và quyến thuộc của hắn; Đạo Sĩ Cồ Đàm lặng lẽ trở về với thiền định và mọi hiện tượng về vũ trụ, nhân sinh dần dần phơi bày trước mắt Ngài. Đó là đêm thứ 48, kể từ ngày Ngài cất lời thề phải tìm ra chân lý hay là chết, bên bờ sông Ni Liên Thiền.
Sách chép rằng: Canh một, ánh sáng trí tuệ của Ngài đã soi thấu các cõi Trời và địa ngục. Bốn phương, tám hướng đều hiện rõ ràng khi Ngài phóng tầm mắt về hướng ấy. Không một chướng ngại nào có thể ngăn che được cái Thấy của Ngài. Ngài đã chứng đắc Thiên Nhãn Minh.
Rồi Ngài tiếp tục đi sâu vào thiền định, qua canh ba, Ngài hướng tư tưởng về tiền kiếp của mình; đầu tiên một kiếp, rồi hai kiếp, ba kiếp, cho đến vô lượng kiếp cứ lần lượt hiện rõ trong tuệ giác của Ngài, rồi đến cả sự vận hành của vũ trụ và nhân sinh từ vô thỉ cũng lần lượt hiển bày. Ngài đã nhìn rõ trong từng kiếp của Ngài, tên gì, vui thích và đau khổ thế nào, chết đi cách nào, tái sinh ra sao. Không những Ngài chỉ biết về tiền thân của Ngài mà Ngài còn nhìn thấy chúng sanh chết từ kiếp này, tái sanh vào kiếp khác. Ngài đã nhìn rõ được cả những nguyên nhân sâu xa (nghiệp) dẫn dắt chúng sanh vào những kiếp của sáu nẻo trong luân hồi. Lúc đó, không còn một bí mật gì về nhân sinh và vũ trụ có thể trốn lánh được tuệ giác của Ngài và Ngài đã chứng đắc Túc Mạng Minh.
Ngài lại tiếp tục đi sâu vào tận cùng của Định Vô Thức (Diệt Tận Định), Ngài đã nhận thức: ‘Đây là phiền não; đây là nguồn gốc của mọi phiền não; đây là trạng thái chấm dứt mọi phiền não và đây là con đường dẫn tới sự chấm dứt phiền não’. Cũng với tuệ giác ấy, Ngài đã nhận thức: ‘Đây là ô nhiễm của tâm; đây là nguồn gốc làm tâm bị ô nhiễm; đây là trạng thái của tâm không còn ô nhiễm và đây là con đường dẫn tới sự thanh lọc mọi ô nhiễm’. Đến đây, tâm thể của Ngài đã hoàn toàn thanh lọc các dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Ngài đã chứng đắc Tuệ Giác thứ ba: Lậu Tận Minh.
Đầu canh năm, khi sao Mai vừa lố dạng, tâm thể của Đạo Sĩ Cồ Đàm đã trở thành một vùng ánh sáng mà không có thứ ánh sáng nào, người ta đã từng biết, từng thấy có thể so sánh được với cái ánh sáng của tâm thể Ngài. Mọi hiện tượng trong Vũ Trụ, gần, xa, đều bị bao trùm bởi vùng yến sáng đó. Mọi sự thật không còn bị che dấu vì màn vô minh đã hoàn toàn bị quét sạch. Đạo Sĩ Cồ Đàm đã thể nhập được vào cái mà ta tạm gọi là chân lý (lẽ thật) và trở thành một vị Phật. Ngài đã hòa mình vào các hiện tượng của nhân sinh và vũ trụ. Ngài biết rõ từng cụm mây đã được cấu tạo ra sao vì chính Ngài là cụm mây. Ngài biết rõ những cảm thọ buồn phiền từ đâu tới và tới cách nào vì chính Ngài là những cảm thọ. Ngài biết Ngài đã giải thoát khỏi sanh diệt và chứng quả vô sanh pháp nhẫn.
Ngay khi ấy, tuyên ngôn đầu tiên của Ngài trong trạng thái hoàn toàn giải thoát là: ‘Lạ thay! lạ thay! thì ra tất cả mọi chúng sanh đều có đủ Trí Tuệ và Đức Tướng của Như Lai’ (Kỳ tai! kỳ tai! Nhất thiết chúng sinh cụ hữu Như Lai Trí Tuệ Đức Tướng). Sự phát triển của Tuệ Giác tới mức không ngằn mé như vậy và ánh sáng tâm linh đã như ngọn đèn xua đuổi bóng tối ngàn năm trong một căn nhà như vậy, được trời và người gọi là Sự Thành Đạo’.
Trong tất cả 8 tướng thành đạo, tướng thứ sáu này là quan trọng nhất vì trong giai đoạn thị hiện này, chúng sanh hữu tình Tất Đạt Đa đã giải thoát tướng phàm phu để trở thành một vị Phật. Có hai lý đạo quan trọng trong tướng thị hiện này, Thầy muốn quý vị tư duy, thâm nhập vì nó chính là mục đích cho cả cuộc đời tu hành của quý vị.
a. Đức Phật đã chỉ rất rõ ràng những ma chướng thường làm trở ngại cho những người xuất gia mà thiếu tâm bồ đề kiên cố và làm cách nào Ngài đã chiến thắng được ma vương? Sau này, trong cuộc đời hoằng đạo, Ngài đã dạy trong Kinh Pháp Cú về lý đạo này:
‘Thắng ngàn vạn quân địch, chưa thể gọi là thắng. Tự thắng được mình mới là chiến công oanh liệt nhất’ (Câu 103).
‘Tự thắng mình còn vẻ vang hơn thắng kẻ khác. Muốn thắng mình phải luôn luôn chế ngự lòng tham dục’ (Câu 104).
‘Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta. Làm lành cũng bởi ta mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay bất tịnh cũng bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được’ (Câu 165).
Ba câu Phật dạy trong Kinh Pháp Cú kể trên có thể nói là toàn bộ phương pháp mà Ngài đã dùng để chiến thắng ma vương. Ta hãy xếp loại các ma chướng mà Đức Phật gọi là các đạo quân của ma vương xem chúng từ đâu mà ra. Nếu xếp loại được (biết được vì đâu mà có) thì việc diệt trừ không còn là một chướng ngại cho công cuộc tu hành của chúng ta nữa:
Đạo quân thứ nhất: Tham dục (Kàma) ta có thể xếp loại là sản phẩm của sắc uẩn, hành uẩn và thức uẩn.
Đạo quân thứ hai: Bất Mãn (Arati) là sản phẩm của thức uẩn.
Đạo quân thứ ba: Đói và Khát (Khuppipàsà) là sản phẩm của sắc uẩn và thọ uẩn.
Đạo quân thứ tư: Ái Dục (Tanhà) là sản phẩm của tưởng, hành uẩn và thức uẩn.
Đạo quân thứ năm: Hôn Trầm Dã Dượi (Thìna Middha) là sản phẩm của hành uẩn và thức uẩn.
Đạo quân thứ sáu: Sợ Hãi (Bhaya) là sản phẩm của tưởng uẩn.
Đạo quân thứ bảy: Hoài Nghi (Vicikicchà) là sản phẩm của thức uẩn.
Đạo quân thứ tám: Phỉ Báng và Cố Chấp (Makkha Thambha) là sản phẩm của hành uẩn và thức uẩn.
Đạo quân thứ chín: Lợi lộc (Làbha), Khen tặng (Siloka), Vinh dự (Sakkàra) và Thanh danh bất chính (Yasa) là sản phẩm của tưởng uẩn.
Đạo quân thứ mười: Đánh giá mình quá cao và khinh rẻ kẻ khác (Attukkamsanaparavambhana) là sản phẩm của tưởng uẩn và thức uẩn.
Tất cả những đạo quân (ma chướng) của Ma Vương vừa nói ở trên đều phát sinh từ cái thân ngũ uẩn của con người, nên chúng được gọi là ngũ ấm ma. Ngũ ấm ma là loại ma chướng khó diệt trừ nhất. Nguyên do chính là con người thường chấp cái thân ngũ uẩn này là thật có và thường còn. Ít có người nào có được cái trí tuệ của Đức Phật, nhìn thấu suốt tới cái bản thể của sự vật, hoặc nghe theo lời chỉ dạy của Đức Phật về tính chất như huyễn của vạn vật mà sống với cái nhận thức như huyễn đó. Vì chấp cái thân ngũ uẩn là một vật có thật nên các ma mới có chỗ trú ngụ để gieo rắc phiền não và đau khổ và để sai xử con người. Đó chính là lý do tại sao các nhà tu khổ hạnh phải đày đọa cái thân cho đến mức tiều tụy.
Đức Phật, vì lòng thương xót chúng ta phải chịu khổ đau trong đời sống khổ hạnh mà vẫn không đạt được mục đích giải thoát nên Ngài đã phải thị hiện dùng thân ngũ uẩn của phàm phu mà sống theo lối khổ hạnh tới sáu năm dài, khổ hạnh tới mức không một ai trong quá khứ hay trong vị lai có thể khổ hạnh hơn nữa có thể đạt được giải thoát, để chỉ cho chúng ta cái lý do mà Ngài bác bỏ cái cực đoan phải khổ hạnh. Vậy chúng ta cũng không cần phải bàn tới khổ hạnh, nhưng cũng phải luôn luôn nhớ lời cảnh giác của Đức Phật là sống một cách tỉnh thức để biết rằng cái thân này chỉ là giả tạm; có cung phụng cho nó đến mấy đi nữa thì cũng không bao giờ nó chịu thỏa mãn và sẽ bỏ chúng ta mà trở về với nguyên thể đất, nước, gió, lửa của nó.
Sau khi đã chỉ cho chúng ta nguồn gốc của ma chướng, Ngài cũng lại đã chỉ dạy cho chúng ta phương pháp mà Ngài đã thực hành để chế ngự những ma chướng đó. Đó là Tám Nẻo Chân Chính (Bát Chánh Đạo). Tám nẻo chân chính này là phương pháp mà Ngài đã áp dụng giáo hóa chánh pháp lần đầu tiên trong bài Kinh Chuyển Pháp Luân. và năm anh em ông Kiều Trần Như, nhờ hấp thụ được và thực hành đúng như phương pháp được chỉ dạy, nên đều đắc quả Thánh, trở thành Tăng Bảo, là những thánh chúng đệ tử đầu tiên của Đức Phật.
b.Thường thường, khi nói tới Khai, Thị, Ngộ, Nhập, người ta nghĩ đến Kinh Diệu Pháp Liên Hoa bởi vì chúng ta thường được nghe thuyết giảng rằng mục đích (hay đại sự nhân duyên) của Đức Phật ra đời là để khai, thị, ngộ, nhập, Phật tri kiến cho chúng sinh như Ngài đã thuyết giảng Bộ Kinh Pháp Hoa. Chúng ta cũng phải nên biết rằng Khai, Thị, Ngộ, Nhập, là một phương pháp thuyết giảng mà Đức Phật đã dùng để giáo hóa quần sinh ngay từ bài Kinh đầu tiên tại vườn Lộc Uyển. Một đức tính cao quý mà nhân loại kính ngưỡng Đức Phật là: ‘Không bao giờ Ngài chỉ nói mà không tự mình thực nghiệm và không bao giờ Ngài giảng dạy những điều mà Ngài chưa tự mình thực nghiệm và chứng đắc’. Đó là điều mà Đức Phật ân cần nhắc nhở các đệ tử trong hầu hết các Kinh: "Này các Tỳ Kheo! Hãy tin những lời Như Lai nói. Như Lai không bao giờ nói dối".
Trong tướng thị hiện thứ sáu này, Đức Phật đã khai mở cho con người một trạng thái, mà con người chưa từng được nghe và được biết: Trạng thái niết bàn. Ở trong trạng thái này, mọi đau khổ và phiền não đã bị chấm dứt. Ngài đã hé mở (thị) cánh cửa niết bàn bằng sự không thỏa mãn với các trạng thái tứ thiền bát định mà Ngài đã học được từ hai vị Thầy Bà La Môn đầu tiên. Ngài đã dẫn dắt chúng ta ngộ (gặp và nhận ra) tri kiến Phật bằng sự phân tách bản chất 10 đạo quân của Ma Vương Mara. Cuối cùng, Ngài dẫn chúng ta nhập Phật Tri Kiến bằng cách dùng Tri Kiến (sự quán sát và hiểu biết tận gốc rễ) để diệt trừ các loại ma chướng.
Trong Kinh Văn, người ta đã tán thán chiến công lẫy lừng (tự chiến thắng mình) diệt trừ ma chướng của Đức Phật như sau:
Tâm quang rực rỡ,
Chứng sáu thần thông,
Đạo thành Chánh Giác,
Tọa Bồ Đề Tòa đại phá Ma quân
Nhất độ minh tinh, đạo thành.....
Đức Phật đã Thành Đạo ngay sau khi Ngài đã diệt trừ tận gốc và chấm dứt các phiền não, đau khổ. Sự thể nhập chân lý của Ngài, giản dị và bình thường ở chỗ Ngài nhận thấy cái khả năng chấm dứt đau khổ đó cũng hằng hữu và tiềm tàng trong mọi chúng sinh. Ngài đã tuyên bố một câu đã được lưu truyền từ ngày Ngài Thành Đạo cho tới ngày nay và thời vị lai: "Như Lai là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành".
Chánh Pháp của Đức Phật đã được lưu truyền từ đó và chắc chắn sẽ mãi mãi, không bao giờ cùng tận. Từ đó, trong cõi Ta Bà này.....
Hào quang chiếu diệu,
Sáng tỏ muôn phương,
Ngộ lý chân thường,
Phá màn hôn ám....
Cánh cửa Vô Sanh Bất Diệt đã mở cho chúng sanh. Hãy để cho ai muốn nghe (Chánh Pháp) đặt trọn niềm tin tưởng. (Apãrutã tesain amatassa drãvã ye sotavantã pamunca tu saddhain). (Kinh A Hàm) .
7. Đáo Lộc Giả Uyển Tướng, thuyết pháp độ sanh tướng, nghĩa là tướng thị hiện sự tuyên dương chánh pháp cứu độ chúng sanh tại vườn Nai.
Phật sử chép rằng: Sau khi Đức Phật thành đạo; Ngài lại ngồi tham thiền dưới gốc Bồ Đề: "Giáo pháp mà ta đã chứng ngộ quả thật thâm diệu, khó nhận thức, khó lãnh hội, vắng lặng, cao siêu, không thể dùng luận lý và đo lường, chỉ có bậc thiện trí mới thấu hiểu. Nếu ta truyền dạy Giáo Pháp mà kẻ khác không thể thấu hiểu được thì thật phí công, vô ích".
Lúc ấy có một vị Phạm Chí sợ Ngài không truyền bá giáo pháp và thế gian sẽ phải chịu diệt vong vì mãi sống trong đêm dài vô minh, không người chỉ dạy con đường giải thoát, nên hiện thân tới thỉnh Đức Phật như sau:
‘Bạch Đức Thế Tôn! Giáo pháp của Ngài quả là cao siêu, thế gian chưa từng nghe. Xin Thế Tôn hoan hỷ mở rộng cửa vô sanh bất tử mà truyền bá giáo pháp. Sẽ có người lãnh hội được giáo pháp của Ngài’
Vị Phạm Chí phải thành tâm cung thỉnh đến ba lần, Đức Phật mới hứa khả và Ngài bắt đầu tuyển chọn xem ai là người xứng đáng lãnh hội được Giáo Pháp của Ngài lần đầu tiên. Ngài nghĩ đến hai vị Thầy đầu tiên là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta, nhưng cả hai người đều vừa qua đời.
Ngài bèn nghĩ tới 5 vị Đạo Sĩ đã cùng với Ngài năm xưa, tu pháp môn khổ hạnh, bèn phóng tầm tuệ nhãn quán sát thấy 5 anh em Kiều Trần Như đang còn tu ở Vườn Lộc Uyển, thành Ba La Nại. Ngài liền rời gốc cây Bồ Đề đến vườn Nai để bắt đầu cuộc giáo hóa độ sanh. Trên đường đi tới Ba La Nại, Ngài gặp một Đạo Sĩ. Vì này thấy dáng dấp uy nghi của Ngài nên đã cung kính đón đường để hỏi về pháp tu và trình độ tu chứng của Ngài. Khi được biết Ngài đã chứng được quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác (là bậc Toàn Giác) và quả vị Vô Sanh Bất Tử, thì vị Đạo Sĩ lại tỏ vẻ nghi ngờ lời nói của Ngài và bỏ đi. Đó là cái trở ngại đầu tiên trong cuộc đời hoằng dương Chánh Pháp của đức Phật.
Khi gặp năm anh em Ông Kiều Trần Như, một lần nữa, Đức Phật lại chạm phải cái khó khăn khác, vì năm anh em ông này không tin rằng một người tu hành từ bỏ lối tu khổ hạnh lại có thể thành công. Phải đến lần thứ ba, Đức Phật lập lại rằng Ngài đã đạt Phật quả và chính năm người này cũng có thể chứng ngộ được như Ngài, nếu họ hành trì đúng lời chỉ dẫn của Ngài. Bấy giờ, năm anh em ông Kiều Trần Như mới chịu tin lời Đức Phật và ngồi xuống yên lặng để nghe giáo lý cao quý.
Bài Kinh cực kỳ quan trọng được Đức Phật giảng lần đầu tiên ấy được gọi là bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakha). Trong bài pháp đầu tiên này Ngài đã bác bỏ hai cực đoan: Lợi dưỡng và khổ hạnh, trong đường lối tu hành. Đức Phật đã giải thích rất cặn kẽ về con đường Trung Đạo mà Ngài đã tìm ra. Ngài khuyên anh em ông Kiều Trần Như nên xa lánh hai lối tu Lợi Dưỡng và Khổ Hạnh. Lợi Dưỡng cản trở tiến bộ tinh thần, khổ hạnh làm suy giảm trí tuệ. Ngài đã nhấn mạnh chính bản thân Ngài đã tích cực sống theo hai cực đoan ấy và rút kết quả rằng cả hai đều không đưa tới quả vị Vô Thượng.
Sau khi được nghe về Con Đường Trung Đạo, năm anh em Ông Kiều Trần Như lại được nghe giảng về Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế).
Đức Phật đã giảng rất rõ về bốn Sự Thật Cao Quý đó mà cho đến nay (hơn 2500 năm sau) vẫn không có một lý luận nào có thể tìm thấy sự sai lầm trong Bốn Sự Thật đó.
Sự Thật Thứ Nhất: Khổ Đế. Trong sự thật về Khổ, Đức Phật đã phân loại tất cả mọi đau khổ của con người trên Thế Gian này làm 8 loại: Có 5 loại khổ của thân là sanh, già, bệnh, chết và sự lên xuống của 5 Ấm; và 3 loại khổ của tâm là phải xa lìa người mình thương yêu, phải gần gũi người hay vật mình ghét và mong cầu mà không được toại nguyện.
Sự Thật Thứ Hai: Tập Đế. Đức Phật giảng về nguyên nhân của các loại Khổ: Đó là ái dục hay luyến ái. Kinh Pháp Cú có ghi lời dạy của Đức Phật: ‘Do Ái Dục sanh phiền não. Do Ái Dục sanh sợ sệt. Người đã hoàn toàn chấm dứt ái dục, không còn phiền não và ít sợ sệt’.
Sự Thật Thứ Ba: Diệt Đế. Đức Phật đề cập đến phương pháp diệt khổ và trạng thái an lạc của niết bàn sau khi sự đau khổ chấm dứt.
Sự Thật Thứ Tư: Đạo Đế. Trong sự thật thứ tư này, Đức Phật chỉ dạy con đường phải đi, có thể nói là con đường duy nhất, dẫn tới sự chấm dứt đau khổ. Con đường đó là Bát Chánh Đạo.
Sau khi đã giảng dạy kỹ lưỡng Bốn Sự Thật Cao Quý đó, Đức Phật lại tóm tắt như sau đối với mỗi sự thật, mà trong Kinh Điển Phật Giáo gọi là Chuyển Pháp Luân. Chuyển Pháp Luân được thực hiện qua 3 giai đoạn, thường được gọi là Tam Chuyển:
Giai đoạn Một gọi là Thị Chuyển, tức là chỉ rõ trạng thái của mỗi sự thật.
Giai Đoạn Hai gọi là Khuyến Chuyển. Trong giai đoạn này, Đức Phật kể lại cái Thấy và cái Biết của Ngài và khuyến khích các đệ tử phải Thấy và Biết như vậy.
Và Giai Đoạn Ba gọi là Chứng Chuyển. Trong giai đoạn này Đức Phật nói về phương pháp được Ngài áp dụng và nhờ đó đạt được Giác Ngộ:
Thị chuyển:
Này các vị Tỳ Kheo!
Đây là sự thật về khổ.
Đây là sự thật về nguồn gốc của khổ.
Đây là sự thật về trạng thái chấm đứt khổ.
Đây là sự thật về con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ.
Khuyến chuyển:
Này các vị Tỳ Kheo!
Đây là sự thật về khổ, cần được nhận thức.
Đây là sự thật về nguồn gốc của khổ, cần được nhận thức.
Đây là sự thật về trạng thái chấm dứt khổ đau, cần được nhận thức.
Đây là sự thật về con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau, cần được nhận thức.
Chứng Chuyển:
Này các Vị Tỳ Kheo!
Đây là sự thật về khổ đã được thấu triệt.
Đây là sự thật về nguồn gốc của khổ đã được thấu triệt.
Đây là sự thật về trạng thái chấm dứt khổ đã được thấu triệt.
Đây là sự thật về con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau đã được thấu triệt.
Đức Phật đã kết luận bài pháp "Chuyển Pháp Luân" tại Lộc Uyển như sau:
Hỡi các Tỳ Kheo! Ngày nào mà tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về bốn pháp Thánh Đế, dưới 3 sắc thái và mười hai phương thức chưa được hoàn toàn sáng tỏ thì cho đến chừng ấy Như Lai không xác nhận là Như Lai đã chứng ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác"
Đức Phật giảng xong bài Kinh Chuyển Pháp Luân, thì Ngài Kiều Trần Như chứng quả A La Hán, các anh em của Ngài đắc quả Tu Đà Hoàn và sau này nhờ tu pháp Tứ Đế cũng đều đắc quả A La Hán.
Từ đó trong Phật Giáo có Tam Bảo: Phật Bảo (Đức Thích Ca), Pháp Bảo (pháp Tứ Diệu Đế) và Tăng Bảo (Thánh chúng đệ tử đầu tiên của Phật).
Quay trở lại tìm cái lý đạo trong tướng thị hiện này, ta có thể có nhận thức gì?
a. Phật pháp rất cao siêu, khó hiểu, khó tu, khó chứng ngộ. Người muốn tu phải có thành tâm, thiện chí cầu đạo thì mới có thể ngộ được phần nào chân lý. Nếu gặp ai cũng đem ra giảng nói là khinh rẻ, là hủy báng tính chất cao quý của chánh pháp và thiếu sự tôn kính đối với Đức Phật. Vì vậy, Đức Phật phải đợi vị Phạm Thiên cung thỉnh đến ba lần Ngài mới đồng ý truyền bá giáo pháp của Ngài. Sau này, trước khi thuyết những Kinh quan trọng như Kinh Pháp Hoa, Ngài cũng đợi các đệ tử cung thỉnh đến ba lần rồi mới chịu nói.
b. Đức Phật muốn hóa độ người nào, Ngài phải dùng tuệ nhãn quán sát căn cơ của người đó có khả năng lãnh hội giáo pháp không; và khi đã quán sát xong thì Ngài đi đến tận nơi và dùng hạnh nhẫn nhục để hóa độ, như trường hợp của năm anh em ông Kiều Trần Như, ba anh em tôn giả Ma Ha Ca Diếp, tôn giả Vô Não (Angulimala) v.v...Ngài đã biết không phải người nào cũng đủ phước đức và trí tuệ để lãnh hội Phật Pháp nên Ngài không phải là gặp ai cũng giảng pháp. Thí dụ điển hình là vị Đạo Sĩ Bà La Môn mà Ngài gặp trên đường đi đến vườn Nai. Vì biết người Đạo Sĩ này không thể lãnh hội được Phật Pháp nên Ngài đã để mặc ông ta bỏ đi. Chính vì sự sáng suốt và thận trọng này mà thời Đức Phật tại thế được gọi là thời Chánh Pháp, mười người tu, mười người chứng.
c. Đạo Phật là kết tinh kinh nghiệm của Đức Phật. Dù là bậc đại trí, Ngài cũng không dùng trí tuệ suy luận làm phương tiện giáo hóa mà Ngài đem cái THẤY và chính sự tinh tấn tu hành của Ngài làm phương tiện giáo hóa.
Đây chính là một đặc điểm mà chúng ta thời nay, ngay cả tại những quốc gia rất tiến bộ về khoa học, đã tỏ ra tôn sùng ngôi vị Giáo Chủ của Ngài. Không bao giờ ta thấy Đức Phật chỉ dạy cho đệ tử bất cứ vấn đề gì mà chính bản thân Ngài chưa kinh nghiệm. Chính vì thế, Kinh đã nói: "Chư Phật ba đời không bao giờ nói dối". Sau này, khi đi thuyết pháp độ sanh, Đức Phật cũng khuyên mọi người đừng vội tin những gì Ngài nói. Hãy suy nghĩ và thực hành; nếu có lợi lạc cho mình thì phải nỗ lực thực hiện sự tu hành cho đến khi đạt được đạo quả. Đó là phương pháp Văn (nghe), Tư (suy nghĩ) và Tu (tinh tấn thực hành) trong đạo Phật.
d. Giáo Pháp của Đức Phật vượt khỏi phạm vi luận lý bằng kiến thức thế gian. Đạo của Phật chỉ có thể Chứng Ngộ bằng tuệ giác và nỗ lực thực hành. Không bao giờ Ngài nói giáo pháp của Ngài là một triết lý. Ngài cho những luận bàn mà không một kinh nghiệm thực hành là hý luận, không giúp ích gì cho người tu hành và không bao giờ có thể đạt được giải thoát. (Ngoại trừ trường hợp dùng lý luận để bác bỏ tà kiến của ngoại đạo như những lý luận Ngài đã dùng để nói các Kinh trong hệ thống Kinh A Hàm). Đức Phật cũng không bao giờ đích thân nói chỉ có Phật Pháp mới là chánh kiến, mặc dầu sự thật rõ ràng là như thế, như trong trường hợp của Tứ Diệu Đế; và để tránh những xô xát, xích mích tôn giáo; Ngài luôn luôn dạy đệ tử phải tôn trọng đức tin của những tôn giáo khác đương thời.
Có một lần, một vị hiền triết đến hỏi Đức Phật rằng giáo lý của Ngài dạy về vô ngã hay hữu ngã. Đức Phật chỉ im lặng, không trả lời. Sau khi thấy không thể ép Đức Phật xác nhận một bên nào, nhà hiền triết đứng lên ra về. Tôn Giả A Nan liền bạch Phật: "Bạch Thế Tôn, vì nhân duyên gì Đức Thế Tôn không trả lời cho ông ta như Đức Thế Tôn vẫn dạy chúng con?" Đức Phật nói: "Ông ta đến đây muốn Như Lai nói lên một triết thuyết. Này A Nan, từ trước tới nay, Như Lai chỉ giảng về Khổ và Con Đường Diệt Khổ". Đức Phật chủ trương đạt được quả Giải Thoát, không phải là chỉ học những triết lý cao siêu mà là do thực hành những lời giảng về Tứ Diệu Đế.
đ. Và sau cùng, muốn hoàn toàn giải thoát, người tu hành phải biết buông xả tất cả mọi tri kiến đã học được. Kinh nói: "Khi đáo bỉ ngạn thì Chánh Pháp cũng phải bỏ". Cũng vì vậy, trước khi nhập niết bàn, Đức Phật đã tuyên bố: "Trong hơn 40 năm qua, Như Lai không nói một lời nào". Ta phải hiểu cái "lời" mà Đức Phật không nói ra được lại là cái "lời có thể dẫn đến sự thể nhập chân lý". Nhưng cái "lời" đó lại không thể diễn dịch được bằng ngôn ngữ của cái thế giới hiện tượng này thì làm sao có thể nói lên được.
Những lời Đức Phật đã nói: Trong hơn 40 năm thuyết pháp độ sanh chỉ là những phương tiện mà thôi. Không thể chấp phương tiện để đạt được cứu cánh. Đạt được cứu cánh phải là giáo ngoại biệt truyền như giữa Đức Phật và tôn giả Ma Ha Ca Diếp.
8. Sa La Song Thọ Thị Hiện Niết Bàn Tướng, nghĩa là tại giữa hai cây Sa La, Đức Phật thị hiện tướng nhập niết bàn.
Khi ấy, Đức Phật đã được 80 tuổi thọ. Tuy là một nhân vật phi thường, Ngài vẫn còn mang xác thân ngũ uẩn, mà đã là ngũ uẩn thì phải có bệnh hoạn, già yếu và tịch diệt như bất cứ chúng sanh nào trên thế gian. Ngài thường nói với môn đồ là thân xác của Ngài lúc này, giống như một chiếc xe đã quá cũ và Ngài đã báo tin đó ba tháng trước, đồng thời lựa chọn khu rừng Kusinara làm nơi nhập diệt.
Nghe Đức Phật sắp nhập niết bàn, Ngài A Nan kêu khóc thảm thiết và hỏi Đức Phật có chỉ định vị đệ tử nào thay thế Ngài lãnh đạo giáo đoàn chăng? Đức Phật Đáp: "Này A Nan, Như Lai không nghĩ rằng phải có một người nào lãnh đạo giáo đoàn các Tỳ Kheo, hoặc giáo đoàn phải tùy thuộc nơi người nào. Này A Nan, các con hãy tự coi chính mình là hải đảo, là chỗ nương tựa cho chính mình. Không nên tìm nương tựa vào bất cứ ai bên ngoài. Hãy lấy Giới Luật và Giáo Pháp của Như Lai làm Thầy của các con".
Khi Đức Phật đến rừng Kusinara, nhìn thấy những cây Sa La trổ bông và các đệ tử lễ bái tôn sùng Ngài; Ngài đã giáo huấn như sau: "Này A Nan, không phải lễ bái như vậy là tôn trọng, kính cẩn, sùng bái và làm vẻ vang Như Lai đâu. Bất luận người nào thực hành đúng lời giáo huấn, phẩm hạnh trang nghiêm, sống một cuộc đời chân chánh, là người tôn trọng, kính cẩn, sùng bái là làm vẻ vang Như Lai một cách cao thượng nhất".
Đến giờ nhập diệt, Đức Phật còn dạy bảo các đệ tử một lời tối hậu: "Hãy nghe đây, các đệ tử! Như Lai khuyên các con. Tất cả các Pháp Hữu Vi đều vô thường. Hãy tận lực liên tục chuyên cần".
Rồi Ngài nằm xuống chiếc võng mắc giữa hai cây Sa La, đầu hướng về phía Bắc gối lên bàn tay phải, nghiêng mình trên hông bên mặt, chân trái gác dài trên chân phải, tâm hoàn toàn tỉnh giác và nhập Đại Niết Bàn. Hôm đó là ngày trăng tròn của tháng hai.
Chúng ta lại xem về ý nghĩa thành đạo trong tướng Thị Hiện Niết Bàn.
a. Như lúc đản sanh, lúc nhập niết bàn, Đức Phật cũng lựa chọn một phong cảnh thiên nhiên, mặc dầu lúc đó có nhiều tinh xá được xây cất và cúng dường cho giáo đoàn, để nói lên sự thể nhập thiên nhiên của Ngài.
Thời sanh tiền, Đức Phật đã từng nói: "Dù chư Phật có ra đời hay không, chân lý (Phật pháp) đó vẫn có". Chư Phật ra đời để chỉ cho loài người biết cái gì là chân lý mà thôi. Người nào muốn ngộ được chân Lý như chư Phật, tất nhiên phải tu hành tinh tấn, giữ gìn giới hạnh, hành trì giáo pháp của chư Phật. Không thể có con đường nào khác hơn để đạt được giác ngộ và giải thoát. Tám mươi năm tại thế, trong thân thể ngũ uẩn của một người bình thường, Ngài đã để lại cho chúng sanh lịch sử cuộc đời Ngài từ lúc sơ sanh đến lúc nhập diệt, không có một cái gì có thể gọi là bí mật, hay không có một thời gian nào trong 80 năm đó mà người ta không biết Ngài ở đâu và làm gì.
Ngài đã tuyên bố rất rõ ràng trước ngày nhập diệt: "Này A Nan, Giáo hội các đệ tử còn mong mỏi gì ở Như Lai? Như Lai đã truyền dạy giáo pháp không có sự phân biệt nào giữa giáo lý bí truyền và giáo lý công truyền. Về chân lý, Như Lai không khi nào có bàn tay nắm lại của một ông Thầy". Ngài từ thiên nhiên tới, và cũng từ thiên nhiên đi, giáo pháp truyền dạy cũng là những điều thiên nhiên sẵn có. Tâm Ngài không bao giờ lưu giữ bất cứ cái gì, hoặc tình thương riêng biệt cho người nào, nên Ngài cũng không còn có một chút tham luyến gì nơi cõi Ta Bà. Đó là một sự Siêu Thoát hoàn toàn thanh tịnh.
b. Lời nhắn nhủ: "Các con hãy tự làm hải đảo cho chính mình nương tựa" là lời nhắn nhủ rất thân tình. Ngài đã nhắc cho đệ tử và những người tu theo giáo pháp của Ngài sau này, không nên trông cậy vào bất một ai hay bất cứ một năng lực nào đến từ bên ngoài dù là từ một nhân vật siêu thế nào, để cầu mong một sự ban phước giáng họa.
c. Lời dạy dỗ: "Bất luận người nào hành trì đúng giáo pháp của chư Phật và sống một đời sống chân chánh, phẩm hạnh trang nghiêm là người tôn kính, sùng bái Như Lai một cách cao thượng nhất" là Ngài muốn nói đến Pháp Thân của chư Phật. Cái pháp thân đã hòa nhập vào thiên nhiên, vũ trụ và chân lý nên trở thành bất diệt, luôn luôn thường còn. Tướng niết bàn (nhập diệt) chỉ là tướng thị hiện sự sanh diệt hữu vi mà thôi.
d. Và cuối cùng, Đức Thích Ca nhập diệt, đầu hướng về phương Bắc, mặt ngoảnh về phương Tây... Phải chăng Đức Thích Ca cũng chính là Đức Di Đà ở Tây Phương Thế Giới Cực Lạc, vì lời nguyện độ khắp chúng sanh mà thị hiện nơi chốn Ta Bà, nay nguyện lực đã viên mãn, Ngài trở về nhà? Phải chăng như Chư Phật mười phương hoan hỷ hộ niệm giáo pháp của Đức Thích Ca tại chính quốc độ của mình, Đức Phật A Di Đà cũng đang chờ đón cuộc viếng thăm Tây Phương Cực Lạc của Bậc Đại Đạo Sư?
Chư Tăng Ni và quý vị Phật Tử thân mến:
Trong hơn một tiếng đồng hồ vừa qua, Thầy đã cùng quý vị ôn lại lịch sử của Đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni và cuộc đời tu hành cùng công đức hoằng truyền Chánh pháp của Ngài.
Là một nhân vật phi thường, hàng vạn năm mới xuất hiện một người, giáng trần cứu độ nhân loại và muôn loài chúng sanh hữu tình. Như trong phần mở đầu Thầy đã nói, không phải nhờ sự giáng trần xuống quốc gia Ấn Độ hơn 2500 năm trước đây, Ngài mới tu hành và đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Sự thật là Ngài đã tu hành từ vô luợng kiếp và đắc quả Phật như đã được kể lại trong Túc Sanh Truyện. Nay vì tâm nguyện cứu độ quần sanh và cũng là nhân duyên đúng thời, đúng lúc của nhân loại, Ngài hóa hiện giáng trần để đem ánh sáng của Chân tâm, trí tuệ chiếu rọi, thức tỉnh chúng ta mau trở về với tự tánh bản nhiên của mỗi chúng ta, vốn đã sẵn có, để ra khỏi cảnh trầm luân, tìm đường thoát khỏi sáu nẻo luân hồi. Ngài đã hoàn thành viên mãn tâm nguyện Hạ Hóa Chúng Sanh của một vị Bồ Tát. Sanh thân của Ngài tuy không còn, nhưng pháp thân Tỳ Lô Giá Na vẫn luôn luôn hòa nhập cùng hư không và linh linh thường chiếu.
Hôm nay, tại đạo tràng này, chúng ta cử hành lễ kỷ niệm ngày Ngài đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chúng ta phải tự nguyện chuyên tâm tìm về với pháp thân của Ngài đang luôn luôn ở trong chúng ta. Như trong Kinh Pháp Hoa nói, chúng ta là những cùng tử, vì mê muội mà chúng ta đã bỏ cha, bỏ quê hương, đi lang thang lần hồi kiếm ăn, chịu cảnh cùng khốn, nổi trôi đến nỗi quên cả đường về. Chỉ có chúng ta bỏ Phật chứ Phật có bao giờ nỡ xa lìa chúng ta. Đấng Từ Phụ của chúng ta sẽ hoan hỷ biết bao nhiêu, mỗi lần đón nhận một đứa con thân yêu biết tìm đường trở về nhà.
Con đường đó, Ngài đã mất 80 năm trong cõi Ta Bà uế trược này, làm thân phàm phu để nhắc nhở, chỉ vẽ cho chúng ta. Công đức ấy non nào sánh kịp, biển nào chứa đủ? Chúng ta là những kẻ có cơ duyên được chút xíu ánh sáng của Ngài chiếu tới, phải biết nương theo ánh sáng đó, như người mù vừa được chữa mắt, dù còn thấy lờ mờ, cũng phải lần mò theo luồng hào quang của Ngài đã chiếu rọi mà trở về với Đấng Cha Lành.
Những buổi lễ như thế này, chỉ là hình thức. Ngài đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, ngôi vị Đế Vương cao sang để tìm cho chúng ta một con đường sáng, thì buổi lễ dù có long trọng cách nào chăng nữa cũng chẳng đủ báo đền công đức hy sinh của Ngài. Thầy muốn toàn thể quý vị hãy luôn luôn nhắc nhở tới bản hoài của Ngài "Thượng cầu Phật Đạo, Hạ Hóa Chúng Sanh" mà dõng mãnh phát tâm Bồ Đề để biến cái quốc độ uế trược này thành một cõi trang nghiêm Tịnh Độ của Ngài. Mong tất cả hãy cố gắng!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.