Home > Khai Thị Niệm Phật
Không Tha Thiết Vì Việc Sanh Tử
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Được thơ, biết cư sĩ siêng năng đối trị tập quán, song chưa có hiệu quả. Ấy cũng bởi cư sĩ không tha thiết vì việc sanh tử, chỉ đem “pháp môn vượt phàm lên Thánh, dứt trừ hoặc nghiệp, thành tựu tịnh niệm”làm việc lấy có bên ngoài. Duyên cớ không được thật hiệu là tại chỗ đó! Phải thường xét nghĩ: “thân người khó được, pháp Phật khó nghe, môn Tịnh độ rất là khó gặp. Nay ta đã may mắn được thân trượng phu, lại có phước duyên gặp môn Tịnh độ, dám đâu đem ngày giờ hữu hạn để cho sắc, thanh, danh, lợi làm tiêu mòn hầu hết ư? Nỡ cam chịu mãi kiếp sống suông chết uổng, rồi vẫn đắm chìm trong sáu nẻo, không biết chừng nào thoát ly đó ư?”Lại phải đem một chữ chết dán trên đầu, khi gặp những cảnh không nên tham luyến, liền biết đó là vạc dầu lò lửa để làm khổ lụy cho mình, thì quyết không đến đỗi như con sâu bướm bay vào đèn tự tìm lấy sự thiêu đốt. Lúc gặp những điều đáng làm, lại nghĩ đó là thuyền từ cứu khổ, tất không còn sụt sè trong việc nhân nghĩa, biếng trễ trên bước tu hành. Được như thế, cảnh trần cũng có thể làm duyên nhập đạo, đâu phải từ bỏ hết sự đời mới là tu niệm? Nếu tâm có chủ trương, không xoay theo hoàn cảnh, thì trần lao chính là giải thoát. Cho nên trong Kinh Kim Cang luôn luôn khuyên bảo chẳng nên trụ tướng; tuy phát tâm độ tất cả chúng sanh, song không thấy mình là người hóa độ, chúng sanh là kẻ được độ, cho đến dù chứng đạo cũng không thấy có tướng thọ giả của quả Vô Dư Niết bàn. Đó mới là người thật hành đạo Bồ tát. Nếu trái lại, dù có độ sanh hay tu muôn công đức cũng không thể hợp với thật tướng nhứt thừa, vì chẳng hiểu chúng sanh đương thể là Phật, trong tánh bình đẳng lầm khởi tâm phân biệt, khiến cho sự lợi ích vô vi hóa thành phước hữu vi. Như thế làm sao thoát khỏi vòng ràng buộc của sắc tài danh lợi?

Người đời phải có bổn phận, nhưng ngoài phần việc của mình, chớ thêm điều chi vô ích. Nên để thời giờ ấy, tùy phần tùy sức tụng kinh niệm Phật, quyết chí cầu sanh Tây phương. Đối với tất cả việc lành, hoặc ra của tiền, hoặc dùng lời để tán trợ, nếu không thì phát lòng vui theo, cũng có công đức. Và phải đem những điều này hồi hướng, phụ giúp cho sự vãng sanh. Như thuyền đã đi theo nước xuôi lại thêm chèo chống, chẳng là mau về bến hơn đó ư? Ba mươi tháng chạp là ngày cuối năm, nếu không có dự bị sẵn sàng trước, đâu thể tránh khỏi các tay chủ nợ? Giờ phút lâm chung chính là ngày ba mươi tháng chạp của một đời, nếu chưa đủ tư lương Tín Nguyện Hạnh, vẫn còn nghiệp ác tham giận mê, thì oan gia chủ nợ từ vô lượng kiếp đến nay, đều tới đòi hỏi lôi kéo. Đừng nói chi kẻ không biết pháp môn Tịnh độ phải bó tay theo nghiệp thọ sanh, tức như người biết mà không thiết thật tu trì, cũng bị nghiệp lực lôi cuốn vào sáu nẻo, kiếp kiếp chịu luân hồi. Muốn cầu đường yếu thoát khổ, chỉ có mỗi niệm sợ chết và chết mà đọa vào ác đạo, thì câu niệm Phật tự thuần, phẩm sen thành tựu, tất cả cảnh trần không thể cướp được chánh niệm.

Tâm Kinh nói: “Soi thấy năm uẩn đều không, vượt qua tất cả khổ ách.”Năm uẩn bao quát thân tâm và ngoại cảnh, nếu thấy đó là không, thì chính nơi năm uẩn mà rời năm uẩn, chỗ nào không phải pháp môn đại giải thoát, cảnh giới đại Niết bàn?



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Đạo Đức Người Xuất Gia, Đại Sư Liên Trì | Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng, Việt Dịch
2.    Để Trở Thành Phật Tử Tại Gia, Hòa Thượng Thích Đức Thắng
3.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
4.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
5.    Long Thư Tịnh Độ, Vương Nhựt Hưu | Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Việt Dịch
6.    Pháp Môn Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Trí Thủ
7.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
10.    Tịnh Độ Ngũ Kinh, Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
12.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
14.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
15.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
16.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
17.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
18.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
19.    Tuyển Tập Khuyến Tu Tịnh Độ, Nguyễn Long