Home > Khai Thị Niệm Phật
Căn Bản Của Thành Đạo
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Chúng ta học Phật phải bắt đầu học từ đâu? Từ chân thành!

Ấn Quang đại sư dạy: “Có một phần thành kính thì được một phần lợi ích”. Không hẳn chỉ là Phật pháp, thế pháp cũng vậy, nhất định phải dùng thành kính để đối đãi với người.

Tu “chân thành” bắt đầu từ đâu?

Bắt đầu từ không tự gạt, không nói dối.

Ngày nay trên toàn thế giới cho đến pháp luật cũng đòi phải có quyền ẩn tư (riêng tư), thế mới biết người trên thế gian không có ý niệm muốn thoát ly luân hồi; không những không muốn thoát ly lục đạo, ngay cả ý muốn thoát ly Dục giới cũng không có. Tại sao vậy? Họ có tâm riêng tư! Tâm riêng tư nặng thì chấp trước ngũ dục lục trần rất mạnh mẽ, không có năng lực sanh lên cõi Sắc giới. Tâm của người trên cõi Sắc giới thanh tịnh hơn chúng ta rất nhiều, không có dục vọng nhiều như chúng ta. Tại sao bạn tham thiền không đắc được định? Vì dục vọng quá sâu đậm, vì chấp trước quá nặng nề cho nên họ tu định cũng không thể sanh đến cõi trời Sơ Thiền. Thế nên bạn mới biết sự nguy hại của quyền riêng tư là bao lớn! Ðã biết rằng sanh không mang đến, chết cũng không mang theo thì có gì đâu mà không thể công khai? Còn bí mật gì muốn dấu người ta? Những chuyện không thể nói cho người biết đều không phải là chuyện tốt. Chuyện tốt thì sao không thể nói cho người ta biết? Cho nên bạn phải hỏi học Phật bắt đầu từ đâu? Tu hành bắt đầu tu từ đâu? Ðều bắt đầu từ đây! Nếu bạn còn chuyện gì không thể nói cho người khác biết thì bạn có thể thành tựu trong Phật pháp hay không? Niệm Phật một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu, thì hét bể cuống họng cũng uổng công mà thôi. Bạn niệm Phật không thể vãng sanh, tham Thiền cũng không đắc được định, càng không thể nói đến khai ngộ, nghiên [cứu] Giáo [môn] thì cũng không thể khai giải, [trên con đường] tu “đạo” này bạn không có phần! Bạn chỉ kết thiện duyên với Phật pháp, trồng một chút thiện căn mà thôi, phải đợi đến đời kiếp nào mới có thể thành tựu? Xa lơ xa lắc hà! Ðời này không còn trông mong gì nữa!

Nếu chúng ta muốn thành tựu ngay trong đời này thì phải nhổ tận gốc những căn bịnh thói quen hư ngụy, giả dối; khi xử thế, đối người, tiếp vật phải dùng chân thành, chúng ta phải bắt đầu từ đây. Trước hết phải nhớ: đừng sợ chịu thiệt thòi, đừng sợ bị gạt. Trên thực tế thì bạn nhất định không có chịu thiệt thòi, không bị gạt gì cả. Nếu trong tâm không có âu sầu, không có lo lắng, nhớ nhung, thì bạn sẽ rất khoái lạc, vui vẻ! Thực sự đạt được đại tự tại (thong dong, thảnh thơi)! Bạn không có phiền não thì sau đó bạn mới có thể làm được một người “chân chánh, chân thường”; con người trong thế gian này không chân thường là vì họ không chân thật, không chân thành tức là không chánh thường.