Home > Khai Thị Niệm Phật
Định Hướng Thuyền Đời
Hòa Thượng Thích Đức Niệm


Thưa quý bạn,

Biển Phật Pháp mênh mông. Rừng thiền sâu thăm thẳm. Nếu không có minh sư bạn hiền thiện tri thức hướng đạo giúp đỡ thì thật là khó tránh khỏi lầm đường lạc lối.

Chúng ta sanh vào thời pháp nhược ma cường này. Chánh tà lẫn lộn, thánh phàm khó phân. Nếu người học đạo, không quán sát kỷ, không suy nghĩ chín chắn, không thận trọng trong việc tìm thầy hướng đạo cho mình, mà chỉ biết chạy theo sự kêu gọi rủ rê rỉ tai, thì về sau khó tránh khỏi cái nạn mất định hướng, không tìm được thầy hiền bạn tốt, do đó không tìm đâu ra phương pháp chân chánh để tu học, mất căn bản nương tựa, rồi mù mịt không biết về đâu, phải chuốc lấy thất vọng khổ đau oan uổng một đời, lúc đó dù có muốn hướng thiện tu hành mà vẫn không thành đạt!

Đã bao thánh năm tôi âm thầm thành tâm lạy Phật, đọc tụng kinh sách Phật giáo, theo Thầy Đức Niệm nghe giảng thuyết kinh Phật, tư tưởng của Phật từ từ thấm sâu vào lòng tôi, tâm trí tôi cũng theo đó mà sáng sủa hơn. Khi biết Phật Pháp rồi, có những lúc hồi quang phản chiếu thấy rõ điều sai lẽ phải. Tôi tủi hận phận mình sanh nhằm vào thời cách Phật quá xa, pháp nhược ma cường, lại thêm nước mất nhà tan, mang thân sống gởi đất khách quê người, mà còn chút thiện duyên hằng tuần đến Phật Học Viện Quốc Tế nghe thầy giảng kinh thuyết Phật. Tôi tỉnh ngộ, đời là mộng huyễn, là biển khổ triền miên. Tôi sớm dứt khoát tư tưởng quay lái thuyền đời, không còn hời hợt để thời gian trôi qua một cách vô ích. Không chạy theo thú vui dục lạc ở đời như trước nữa. Tôi đã tìm ra định hướng cho niềm tin qua một trong những bài thuyết pháp của Thầy. Tôi đã tìm được hướng đi cho lẽ sống thăng hoa thánh thiện. Một trong những câu chuyện được lồng vào trong bài thuyết pháp của Thượng Tọa Đức Niệm nay tôi xin đem cống hiến quý bạn.

Bạn ơi! Vào một chiều Chủ nhật như bao chiều Chủ nhật. Nhưng hôm nay nhằm ngày Vu Lan thắng hội. Ngày báo hiếu! Với đức độ uy nghi điềm đạm, nơi điện Phật, Thầy hướng về thiện tín thập phương, cất giọng đồng lảnh lót bắt đầu thời pháp, Thầy nói:

“Hôm nay tôi xin nói về đề tài, chọn đường tu học”. Thầy tiếp:

Thưa quý vị! Thường tình con người lúc nào cũng tham được nhiều, cầu hoàn mỹ, thích mới chán cũ, quên phủi ân, bội bạc nghĩa, sùng thần bái thánh, tranh quyền đoạt lợi, thích tự xưng mình là kẻ cả để làm thầy tổ ăn trên ngồi trước thiên  hạ. Đó là căn bệnh trầm kha của hầu hết mọi người! Những tánh đó lá căn tánh phàm tục trói buộc con người, khiến cho con người phải giong ruổi vong thân, truy cầu cho thỏa lòng tham vọng. Nhưng nghĩ cho kỹ thì, trong thế gian này có mấy người được trọn vẹn theo như ước muốn của mình đâu? Phải không thưa qúy vị!

Con người là một động vật nhỏ bé trong muôn loài động vật. Sức chịu đựng nắng mưa thời tiết của con người so với loài động vật cũng thua kém xa. Chẳng hạn trâu, dê, hươu, nai, chim chóc v.v… phần nhiều sanh ra đều thích ứng ngay với hoàn cảnh tự lực cánh sanh, tự tìm lấy thức ăn để sống. Trong khi đó, con người phải suốt ba bốn năm nhờ sự bú mớm săn sóc của me cha. Thế mà lắm người miệng thường tự phô trương, không chút e dè, đối với bề trên mình không biết sợ phạm thượng với các bậc ân nhân, các đấng thánh hiền. Đối với dưới mình không biết tự hổ với lương tâm và tự thẹn với muôn loài. Lòng tham quá độ mà không mấy khi biết đủ. Tự để mình sống tự cao tự đại mà lại lặn hụp trong ngũ dục sắc, danh, tình ái, uống ăn, chơi ngủ. Người học Phật thiếu minh sư hướng dẫn, không thực tâm chân chánh hành trì, cũng sẽ không ra ngoài công lệ tham tạp đó. Nghĩa là lợi dụng đạo để tạo danh lợi cho mình.

Phương pháp tu hành của Phật có muôn vạn pháp môn. Có số người tu Phật muốn gồm tất cả chùa miễu, nên chùa miễu nào cũng đi, thầy bà nào cũng đến, Không có pháp môn tu rõ rệt. Hạng người ngày thường được gọi là tu lòng vòng tin đạo lang bang. Đó là những hạng người không hiểu biết Phật Pháp là gì, chỉ ở ngoài cổng rào nghe ngóng, rồi nói hùa theo. Như thế chẳng khác nào kẻ chèo đò phớt lẹ qua mặt nước sông hồ, chỉ biết thoáng qua trên mặt nước chứ đâu thể nào biết được chiều sâu ở lòng đáy ao hồ. Hạng tu lòng vòng này đối với việc trong thiên hạ thì sáng, trong lúc đó, việc tu của chính bản thân thì quờ quạng.

Bởi lẽ suốt ngày chỉ để tâm chạy rong tìm biết việc tạp của thiên hạ, xem thiên hạ dở hay, tốt xấu, mà tự quên đi tìm biết chọn thầy, chọn bạn, chọn pháp môn để chuyên tâm hành trì, suốt ngày tháng cứ chạy đôn chạy đáo chỗ nào cũng có mặt, để nghe thử ông thầy này, ông sư kia, bà Phật tử nọ, rồi phê bình chỉ trích, trong lúc đó lại quên quán sát phê bình chỉ trích những lỗi lầm phàm tục của chính mình. Đó là hạng người xách nước cho người tắm, mà tự mình quên tắm. Bưng nước cho người uống mà tự mình khát. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Phật nói: Hai mươi lăm thứ viên thông, Di Lặc Bồ Tát chỉ quán thức tâm viên thông, đích chứng lý duy thức. Quán Thế Âm chỉ tu nhĩ căn viên thông, chứng nhập tam ma địa. Đại Thế Chí Bồ Tát chỉ niệm Phật viên thông, mà chứng đắc lục căn thanh tịnh. Trì Địa Bồ Tát quán tánh đất bằng phẳng mà nhập trí viên thông. Nguyệt Quang đồng tử do quán tánh nước mà chứng được vô sanh nhẫn. Lưu Ly Quang đồng tử quán tánh gió mà chứng tam ma địa. Ngài Ô Sô Sắc Ma do quán tánh lửa mà chứng được trí huệ vô thượng. Hư Không Tạng Bồ Tát do quán tánh hư không mà được diệu lực viên mãn. Xá Lợi Phất do quán nhãn thức mà chứng được kiến tánh viên thông. Tu Bồ Đề do quán ý căn mà đạt đến tánh năng phi sở phi, chứng nhập ý căn viên thông v.v… (xin quý vị xem kinh Thủ Lăng Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm thì sẽ rõ). Do đó, chúng ta chưa thấy vị Bồ Tát nào cùng lúc tu nhiều pháp môn, giong ruổi bên ngoài mà quên chiếu chính mình, lại có thể chứng đắc được nhiều môn viên thông, đạt nhiều quả vị.

Người học đạo ngày nay tâm trí thiếu chuyên tinh. Đã học tu tham thiền, lại quay ra muốn niệm Phật. Niệm Phật chưa đến đâu, lại đòi tu mật. Thiền, Tịnh, Mật chưa hiểu biết gì thì liền tu phép Quán Âm, thiền xuất hồn, nhứt thượng thừa v.v… tạp nhạp đủ thứ! Tin học Phật Pháp thấy chưa đủ, lại khẩn cầu thần tiên. Cầu khấn thần tiên chưa xong, lại quay ra giong ruổi chạy đi tìm bùa mê, phép lạ, bát quái sấm truyền bói quẻ bói tướng v.v… Suốt tháng năm, cứ lo chạy đôn chạy đáo, dáo dác khắp tìm, tán tâm loạn tưởng, lãng phí thì giờ, chỉ cầu được chút danh, chỗ nào cũng có mặt, để được quen chùa này, người nọ. Cứ thế tuổi đời chồng chất, tóc bạc sức mòn, mà họ vẫn còn chưa tỉnh ngộ, nào có lợi ích gì cho con đường tu tiến đâu?! Rốt cuộc không đi đến đâu mà thân tàn sức yếu, quay lại trách người, giận thầy, oán trời, rồi sanh tâm chán nản xa chùa, rời bỏ đạo.

Trải hơn mười năm giong ruổi trên đường đời ở xứ Mỹ này, tôi đã thấy bày ra trước mắt bao nỗi phiền toái của tình người làm cho tôi bàng hoàng tỉnh thức. Tôi không để mình lặn hụp trong biển đời mộng huyễn nữa. Tôi biết tất cả đều là mộng huyễn bất tịnh. Dù cho có suốt đời năm bảy mươi năm lặn lội đuổi bắt lợi danh, rồi cuối cùng có để lại được gì cho ta? Hay khi buông xuôi đôi tay rồi cũng lại giống hệt như ngày trong bụng mẹ mới ra chào đời với hai bàn tay trắng, mà nghiệp mình phải tự mang! Nhà cửa vợ con danh vọng có cứu ta sống lại được không? Khi hơi thở chấm dứt, những thứ đó có chịu theo ta không? Hay chỉ một mình ta phải chịu quả báo nghiệp khổ? Rõ ràng như thế, tại sao ta không sớm thức tỉnh giác ngộ, nghe lời Phật dạy, nghe lời thầy khuyên, để gắng tu tâm sửa mình. Không ai thương ta bằng ta thương ta. Không ai biết ta bằng ta biết ta. Không ai cứu ta bằng chính ta tự cứu lấy ta. Chồng vợ con cái chỉ thêm trói buộc, chỉ làm phiền cho nhau. Ơn cha mẹ như trời biển, ta cố gắng báo đền. Tình đồng loại nghĩa quốc gia, ta cố gắng phục vụ. Còn tất cả lợi danh, ái ân, tình đời là giả tạm, buộc ràng, phiền lụy. Nhà thơ đã nói:

Trần thế đã nhiều oan nghiệp lắm,
Lệ lòng mong cạn chốn am không,
Cửa thiền một đống duyên trần dứt,
Quên hết người thân chốn bụi hồng.

Sanh ra đời chịu phải mấy mươi năm chinh chiến. Cuối cùng nước biến nhà tan, thân bằng quyến thuộc phải ly tán, kẻ ở người đi, sống trong cảnh sanh ly. Người sống trên đất khách quê người cũng như ở quê hương, đều phải nhọc nhằn tìm cái sống. Sống không thoải mái, khổ nhiều vui ít, đủ thứ đày đọa kiếp người. Còn gì nữa mà chưa tỉnh thức? Còn gì nữa mà phải công kích nói xấu hủy báng nhau? Rắn độc phun nọc hại mạng người. Kẻ vu khống hủy báng người hiền, nguy hiểm hơn rắn độc. Cổ đức nói: “Ôi! Luận người ở đời búa để trong miệng. Ngậm máu phun người, trước dơ miệng mình”. Vu khống hủy báng người hiền là việc làm tán tận lương tâm, thiếu mất nhân cách con người. Tin vào hạng người này là ta vô tình mở ngõ vào hầm chông tội ác, bước gần sát đến cảnh giới của qủy la sát, yêu ma, sa đọa địa ngục.

Những kẻ hay dòm ngó, xoi bói, nói xấu người hiền, để thỏa mãn lòng ganh tị, để tỏ ra ta đây hiểu biết hơn người, là những kẻ niềm tin và thiện duyên đạo đức đã khô cạn. Theo sách Thánh hiền Ngữ lục thì những kẻ như trên thuộc về hai hạng người sau đây: Một là vừa mới thoát kiếp từ ngạ qủy, la sát. Hai là tuy là mang hình người, nhưng tâm địa của họ là yêu tinh ma mị, tìm cách phá hại người hiền đức”.

Nhiều khi họ tỏ ra ham tụng kinh Đại thừa để thỏa mãn lòng hiếu kỳ với tà tâm kiêu mạn. Họ tụng kinh ăn chay tưởng là hơn hết, vọng cầu người khen, tưởng việc làm của mình như thế là hơn cả. Những hạng người này sống trong hư danh vọng tưởng, tự mình đào huyệt chôn mình, tự mình mở cửa ba đường ác đạo để vào.

Nói cùng gốc rễ, đáo để có thể tóm một lời: “Những kẻ thích danh lợi, dục vọng là những kẻ ưa vu khống hủy báng người hiền”, Bởi họ muốn người khác chú ý đến họ. Họ muốn đồng hóa người hiền đức cũng thấp hèn ô uế như họ. Họ là những con người không sợ tội lỗi, không có lòng tin nhân quả luân hồi, nghiệp báo. Phật nói: “Không tối tăm nào bằng người không biết tin nhân quả. Không tội ác nào bằng kẻ dám hủy báng người hiền, mà không biết ăn năn sám hối”. Hạng người như thế, họ sống không có ích lợi gì cho chính bản thân của họ, mà còn lại làm hại cho đời. Đối với tín ngưỡng, họ chỉ làm tổn thương cho đạo. Họ sùng tín vị nào, trước sau gì vị đó cũng bị họ vu khống. Họ gần bạn bạn đạo, chậm mau gì rồi cũng đặt điều rỉ tai nói xấu. Đó là lẽ tự nhiên.

Vậy thì còn có ý nghĩa gì nữa để gọi là Phật tử học đạo? Nói cho cùng, những hạng người như thế chưa đủ tư cách làm một con quỷ biết quy đầu chánh pháp, chớ đừng nói là có đủ tư cách của một môn đồ kính ngưỡng tôn giáo, thì làm sao có đủ tư cách là đệ tử Phật?

Cổ đức tiên hiền hành đạo thành công. Cái bí quyết là ở chỗ biết chọn pháp môn thích hợp với khả năng của mình, rồi chuyên tâm tu hành trì thâm nhập. Từng ngày từng phút phải cẩn trọng giữ gìn thân miệng ý ba nghiệp cho được thanh tịnh. Không dám hé miệng phóng tâm, buông lung hành vi cử chỉ. Thủ khẩu như bình. Tâm tâm niệm niệm hướng thiện nhớ Phật. Phong độ nghiêm túc. Đạo hạnh quán thông. Người niệm Phật thì chuyên tâm trì danh hiệu Phật đến tận cùng tâm ý, không còn lo nghĩ buông lung. Người tham thiền thì ý chí phải định tỉnh, phải quả quyết để xa lìa sanh tử, một lòng thiền quán, cho dù trời đất ngửa nghiêng, lòng vẫn quyết không giao động nao núng, chứ không phải tu thiền văn nghệ ngâm thơ, uống trà cho vui, tà tà hưởng thụ, giả trang thiền tướng.

Đức Phật suốt 6 năm thiền định trong rừng khổ hạnh. Ngày ngày với hạt bắp hạt mè để độ nhật. Chim chóc trùng dế, làm ổ trên người Ngài. Thú rừng rắn rết đủ thứ hiểm nguy vây bủa, nhưng Ngài vẫn bất động.

Người tu trì chú phải nhất niệm, chuyên tâm hành trì đến chỗ tâm chú hợp nhất, năng sở không hai. Người tu hành phải nhất tâm quyết chí trước sau như một. Phải luôn luôn thúc liễm thân tâm, kiểm soát hành vi tâm niệm của mình từng giờ từng phút. Không thể tự dễ dãi với mình. Không thể tha thứ cho mình. Phải lấy hạnh nguyện tu hành của Đức Phật, của chư vị thánh hiền làm gương soi sáng cho chính mình. Phải giữ trọn nhiệt tình tâm thành của buổi ban sơ đến với đạo cho đến ngày lâm chung nhắm mắt lìa đời, trước sau như một, thì đạo quả có cơ đạt thành ngay trước mắt, trong tầm tay trước mặt. Cổ đức nói: “Xuất gia sơ tâm, thành đạo hữu dư”. Có nghĩa là người tu hành nhiệt tình tinh tấn với đạo, với lý tưởng của mình dã tôn thờ, suốt trọn cuộc đời nhiệt tình hành trì như độ nhiệt tâm lúc ban đầu mới phát tâm, thì người đó công đức thừa dư để trở thành bậc giác ngộ thánh thiện. Người tu hành một lòng với lý tưởng của mình, chuyên tâm phụng trì giới hạnh, tiến bước không lùi, cho dù vấp phải lần thứ một ngàn, vẫn mạnh dạn đứng dậy tiến bước như lần đầu, thì không có mục đích nào mà không đạt, một nơi nào mà không đến. hành đạo như thế thì không tội lỗi nào mà không tiêu diệt, không phước đức nào mà không sanh trưởng, không tâm nguyện nào mà không thành, không đạo quả nào mà không chứng.

Khi Đức Phật còn ở đời, đệ tử của Ngài là Tôn Giả Châu Lợi Bàn Đà, trọn đời chỉ chuyên niệm hai chữ: “chổi quét”, mà được nhứt tâm bất loạn, chứng thánh quả A La Hán. Lục Tổ Huệ Năng chỉ biết nhớ đến hai chữ “gạo trắng”, mà được đắc Pháp, kế thừa Tổ Vị. Gần đây, Bồ Tát Quảng Đức một đời tu hành rất bình dị, chỉ nhớ đến câu “Nam Mô A Di Đà Phật, hiến thân này cho đạo Pháp”, mà dũng khí hùng tâm, khi ngồi trong lửa hồng vẫn bất động, lửa thành hoa sen. Sức định tâm của Ngài đã kết thành quả tim Kim Cang bất hoại, sách sử muôn đời còn ghi, nhân loại thế giới đã phải kinh hoàng bái phục.

Ngày nay có kẻ nhận mình là Phật tử, tự xưng trì kinh Đại thừa, học đạo lâu năm, nhưng vẫn chưa tỏ ra thấm chút nào giáo pháp của Phật. Vẫn chưa nhận ra đâu là minh sư để cầu học dạo. Vẫn chưa tạo cho mình cái chỗ đứng vững chắc trong niềm tin. Vẫn chưa tìm cho mình một phương pháp để tu, một định hướng để đến. Cứ mãi rượt bắt lợi danh, lang bang khắp chốn suốt năm tháng, tiêu hao năng lực vào chỗ loạn tâm tà tín thiên kiến tin theo hình dáng bên ngoài sùng bái tà sư ác thần, đi chùa chỉ để cầu vui gặp bạn bàn luận những chuyện quàng xiên đâu đâu, không dính dấp gì đến ý nghĩa cầu đạo tiến tu giác ngộ. Những người như thế thật oan uổng một đời luống qua, đánh mất cả chánh tâm chánh tín chánh niệm. Đó 1à những hạng người không chịu cẩn trọng tìm thầy chọn bạn, không biết quý tiếc thời gian và không sáng suốt lượng định sức khỏe tuổi tác của mình. Cứ lang thang theo danh lợi hảo huyền, để rồi bị bạn bè quyến rũ kéo vào đường tu bất chánh. Kết quả, ngày tháng trôi qua đầu đã bạc, mà chưa chọn lấy pháp môn tu! Chưa có bậc thầy đạo hạnh để nương tựa.

Không thực lòng chơn chánh làm việc phước đức, thì làm sao đạo nghiệp chánh chuyên, thân tâm được an định, để thể nhập Phật lý, làm tư lương hạt giống lành, ngõ hầu được bước vào cửa ngỏ giác ngộ giải thoát. Tụng kinh thọ giới cho nhiều, mà tà tâm trước tướng, đi đủ chùa này am khác, không có lập trường định hướng, nghe theo lời rỉ tai lôi kéo, chẳng khắc nào như bèo trôi trên mặt nước, như kẻ hát bội trên sân khấu. Hạng người này suốt năm tháng giong ruổi bên ngoài, học đòi hình thức mê tín, mà quên đi thanh sạch hóa nội tâm, khi gặp việc trái ý nghịch lòng thì tâm không được định tĩnh, há miệng lồng lộng kêu than, bởi tại lang bang không định hướng. Cổ nhân có câu rằng:

“Tham sân nghiệp chướng không chừa,
Bo bo mà giữ tương dưa làm gì”.

Hoặc:

Có tật thì vái bốn phương trời,
Vô tật đồng lương chẳng mất.

Xuất tiền góp của ra công mất thì giờ mà không y theo lời Phật dạy để thực hành chánh đạo, không kính trọng quy Tam Bảo, không cầu thâm nhập pháp môn tu hành, suốt đời vẫn phải chạy quanh quẫn ngoài vòng rào của biển giáo pháp giải thoát, thì không bao giờ được ngồi vào tháp giác ngộ. Bà Thanh Đề cũng tin Tam Bảo, nhưng khinh thường sư tăng, mà phải đọa vào ngạ qủy. Vợ vua Lương Võ Đế chỉ vì xem thường chư tăng và lòng nhiều đố kỵ, mà phải bị đọa vào loài súc sanh làm con mãng xà. Chú Sa di chỉ lỡ lời chê vị Tỳ kheo già tụng kinh tiếng ồ ề như chó sủa, mà phải đọa làm thân chó. Mẹ của vị Tỳ kheo trụ trì một ngôi già lam tu viện nọ, vì nghĩ mình là mẹ của trụ trì, nên không cần xin phép, tự ý lấy cái y cũ của con mình dùng đắp che thân đỡ lạnh, mà phải đoạ vào loài súc sanh, làm con rùa đến 500 kiếp. Những chuyện đố kỵ, khinh tăng, coi thường của Tam Bảo phải chịu quả báo ác, còn ghi tạc rất nhiều trong tam tạng kinh điển.

Phật dạy rằng: ‘Tin ta mà không hiểu giáo lý của ta, thì sẽ hủy báng ta”. Hành đạo giác ngộ của Phật mà không biết tìm minh sư học đạo, không chọn thiện tri thức để kết thiện duyên không làm theo lời Phật dạy, lại chạy đôn chạy đáo nghe theo ông này bà nọ tự xưng là thánh, phải biết những người như thế là thiếu nhân duyên lành, khó tránh được những lỗi lầm trên bước đường tu tập, vô tình tự họ mở cửa vào hang động của ác tri thức, ma vương.

Sau khi thành đạo, Đức Phật quán sát căn tánh chúng sanh, Ngài dõng dạc tuyên bố: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Ta là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành, nếu mọi người đều biết dốc lòng học đạo tu hành như ta”.

Hễ ai dốc chí y theo lời dạy của Phật mà phát tâm tu học, đều có thể thành Phật. Nên trong kinh Pháp Hoa, Ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát, tiền thân của Đức Thích Ca Mâu Ni, đã tu mật hạnh mỗi khi thấy người nào, thì liền chấp tay đảnh lễ, miệng nói lớn: “Tôi không dám khinh Ngài. Bởi Ngài sẽ là Đức Phật tương lai”. Lúc bấy giờ, người đời cho Ngài Thường Bất Khinh là anh chàng điên ăn nói quàng xiên, nên đánh rượt mắng nhiếc! Nhưng vị Bồ Tát này vẫn trì chí thật hành theo hạnh thường bất khinh. Vì thấy mọi người đều có thể thành Phật, đức tánh trí tuệ giác ngộ của Phật có đủ trong tất cả mọi người, nên Phật quả quyết xác nhận “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật”.

Do đó, nên biết, hễ có tâm khinh người tức là khinh chư Phật tương lai. Trong lúc tu hạnh Bồ Tát, hay sau khi thành Phật, Ngài Thường Bất Khinh vẫn cản trọng tôn kính chúng sanh. Không việc phước đức nhỏ mà Ngài bỏ qua. Không việc ác nhỏ nào mà Ngài dám làm. Cử chỉ Đức Phật cúi lưng xỏ kim dùm cho bà cụ già bên vệ đường thì đủ thấy điều đó. Khinh chê hủy báng bản tánh Phật tâm của mình. Khinh chê sư tăng chân tu tức là khinh chê Tam Bảo, tự đào hố sâu hố thẳm tội lỗi chôn mình, tự hủy diệt giống Bồ Đề của mình vậy.

Thưa quý vị, Đức Phật vì chúng sanh nhân loại, mà Ngài đã xả bỏ tất cả để vào rừng sâu núi tuyết tu hành. Sau khi thành đạo chứng quả, Ngài đem trọn đời mình rày đây mai đó thuyết pháp giáo hóa để cho chúng sanh sớm tỏ ngộ đạo lý chơn thường, biết đường tu hành giải thoát nổi khổ sanh tử luân hồi. Suốt 50 năm, Ngài đem hết tâm lực cho công cuộc hoằng pháp lợi sanh. Không pháp môn tu nào mà Ngài không nói. Không phương tiện hành trì nào mà Ngài không khai thị sử dụng. Không lời khuyên nhủ dịu hiền giải thoát nào mà Ngài không tha thiết bày tỏ với chúng sanh. Không thắc mắc hoài nghi nào mà Ngài không từ hòa cặn kẻ giải đáp. Không có phương thức nào cho việc hoàn thành nhân các trên đường thánh thiện tiến hóa mà Ngài không phân tích trình bày. Tất cả những gì đáng nói, Ngài đều nói hết. Tất cả những hạnh lành, Ngài đã thực hành viên mãn. Ngài như mẹ hiền dạy con, như ánh trăng rằm chiếu mát trên vạn vật. Cha mẹ hiền còn có thể buồn phiền giận tức từ bỏ những đứa con bất hiếu. Ánh trăng rằm còn có khi tỏ khi mờ. Chứ lòng từ bi hỷ xả bao dung của Đức Phật không bao giờ bỏ quên bất cứ một chúng sanh nào, dù đó là những chúng sanh căn tánh ác độc ám độn đến đâu. Đến như Đề Bà Đạt Đa nhiều lần quyết tâm hại Phật mà Phật vẫn độ. Bởi thế, kinh Pháp Hoa nói: “Phật thương chúng sanh như mẹ hiền thương con nhỏ”. Nhà thơ đã ca ngợi tình thương bao la của Đức Phật đối với chúng sanh:

Phật động lòng thương kiếp đọa đày,
Hóa thân làm tuyết bốn trời bay,
Kết hoa sáu cánh sen mười trượng,
Giọt tịnh bình xoa dịu đắng cay.

Đức Phật lấy nỗi khổ đau của chúng sanh làm nỗi khổ đau của chính mình. Các chân tăng đã hy sinh xả bỏ tất cả ân tình dục lạc của thế gian, không còn gần gũi dâng cúng những đồ ngon ngọt cho cha mẹ, sáu hàng bà con trọn đã bỏ lìa, cũng chỉ mục đích duy nhất là quyết chí đi trọn trên con đường giác ngộ lợi tha và giải thoát. Ấy là các thầy theo gót chân Đức Phật, nguyện hy sinh đời mình cho đại nghĩa từ bi giác ngộ. Đức Phật chẳng những Ngài hy sinh cho từ bi giác ngộ, mà Ngài còn khuyến khích dặn dò hàng Bồ Tát, hàng đệ tử của Ngài phải dõng mãnh phát Bồ Đề tâm, dấn thân vào công cuộc lợi tha giải thoát, để hướng dẫn chúng sanh được hạnh phúc an lạc giác ngộ giải thoát.

Nào, các bạn đợi đến bao giờ mới chọn lựa hướng đi cho mình, để giải cứu mình? Ngày tháng trôi qua mau như nước chảy xuống dốc. Sự sanh già bệnh chết không hẹn với người. Đợi đến bao giờ mới hết ân ái bạn bè, hết lặn lội trên đường đời? Ân nghĩa sanh thành của cha mẹ lẽ nào chúng ta xem nhẹ không lo báo đền?! Sự có mặt của chúng ta trên cõi đời này lại để bận rộn lợi danh luống qua ư? Khả năng Phật tánh thánh thiện của chúng ta lại có thể dễ dãi để nhàn không luống trôi qua theo thời gian năm tháng ư? Đời này không tỉnh ngộ sớm chọn đường tu, chúng ta phải đợi đến bao giờ? Cổ đức dạy: Đời này không độ lấy thân, lại đợi đến đời nào mới độ? Cửa thiền môn thanh tịnh vẫn mở rộng để đón người trần thế. Thuyền Bát Nhã đang chờ để cứu vớt kẻ trầm luân, tỉnh thức tiến bước lên đi hỡi bạn:

“Con thuyền Bát Nhã thênh thênh,
Này nơi cửa Phật mông mênh liên trì,
Nước trong trăng ánh quang huy,
Kìa nơi đức hạnh uy nghi vẹn toàn”.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Định Hướng Thuyền Đời

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
3.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
4.    Kinh Bát Chu Tam Muội, Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Việt Dịch
5.    Luận Bảo Vương Tam Muội, Đại Sư Phi Tích | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
6.    Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch
7.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
8.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
9.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
10.    Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
11.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
12.    Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn
13.    Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
14.    Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Tiểu Bình Thật | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
15.    Quy Nguyên Trực Chỉ, Đại Sư Tông Bổn | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
16.    Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch