* Phàm là kẻ bận việc công hay làm chuyện tư, bận rộn công việc, tuy làm việc mà trong tâm vẫn thường chẳng quên Phật, luôn nhớ Tịnh Ðộ. Giống như người đời có chuyện quan trọng phải bận tâm, tuy tính toán, nói năng, nằm, ngồi, làm đủ các sự, nhưng chẳng trở ngại việc thầm nhớ, chuyện bận tâm trên đây vẫn còn y nguyên! Phải nên có tâm niệm Phật như thế! Nếu lỡ quên mất thì phải nhiều lần gom tâm lại, lâu ngày sẽ thành tánh, luôn nghĩ nhớ tùy ý.
Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật, cách Phật chẳng xa; chẳng nhọc phương tiện, tâm tự khai ngộ”.
Ràng buộc tâm như thế sẽ luôn ngăn ngừa các ác một cách tùy ý. Giả sử muốn làm ác thì do nhớ đến Phật nên ác chẳng thể thành. Dù cho có lúc ngả theo điều ác mà làm ác thì tâm cũng luôn rụt rè, giống như thân có mùi thơm sẽ tự nhiên xa lìa chỗ hôi thối.
Hơn nữa, nếu biết tâm vừa mới hơi khởi ác niệm thì liền nhớ đến Phật. Do Phật lực nên ác niệm tự dứt, như kẻ gặp nạn cầu đến cường viện (kẻ cứu viện mạnh mẽ) sẽ được thoát khỏi. Lại như lúc thấy người khác chịu khổ thì do tâm niệm Phật sẽ xót thương kẻ ấy, mong kẻ ấy thoát khổ.
Nếu phải xét xử án tù thì do niệm Phật nên sanh lòng thương xót, tuy vẫn tuân phép vua, nhưng nên thầm nguyện rằng: “Ta tuân hành vương pháp chứ chẳng phải bổn tâm muốn thế. Nguyện khi ta sanh về Tịnh Ðộ, thề sẽ cứu vớt ngươi!”
Khi trải qua hết thảy hoàn cảnh dù thiện hay ác thì do tâm nhớ Phật nên luôn tâm niệm, phát nguyện. Vì thế, đại nguyện vương của đức Phổ Hiền: “Làm hết thảy ác, đều chẳng thành tựu; nếu làm thiện nghiệp thảy đều hòa hợp” phát xuất chính từ ý nghĩa này. Trong tâm luôn niệm Phật liên tục như thế sẽ có thể thành tựu hết thảy công đức nhân duyên Tịnh Ðộ.
Nhận định:
Môn Hệ Duyên này có lợi ích rất lớn, giữ sao cho trong tâm luôn hệ niệm chẳng quên đức Phật; trong hết thảy hoàn cảnh thiện ác đều nguyện và khi làm các việc đều mật trì danh hiệu Phật chẳng sót thì có thể nói là chẳng hề lìa Ðạo trong khoảnh khắc nào.