Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Bien-Minh-Phuong-Cach-Tu-Tam-Muoi

Đạo tràng đã thiết lập, cúng phẩm đã trần thiết, mỗi mỗi theo đúng nghi thức, đâu lại tùy thời để luống qua, nên phải y theo pháp vận tâm quán huệ thông hiểu diệu cảnh, nương nơi tâm hăng hái lập hạnh vô tác thì hiển sanh tử chắc chắn khô cạn, Tịnh-độ chắc chắn được sanh vậy.

Bấy giờ có ông khách tại chỗ ngồi với vẽ ung dung, đoan trang nhã nhặn, dung mạo bình thản không lộ vẽ sợ sệt, đứng dậy lễ bái thưa hỏi:

Hỏi: Nay theo lời dạy của đại sư thời biết do vận tâm rộng lớn sâu cạn mà cảm nên, nếu cần phải thiết lập đạo tràng, cúng phẩm đầy đủ, cho đến an tâm tịnh xứ mới có thể khởi sự tu tập. Nếu chúng tôi hàng hậu bối căn cơ ngu độn ít nghe, từ trước đến nay phiêu lưu hồ hải khắp nơi, hoặc tới hoặc lui, tuy muốn ở chốn yên tịnh để tấn tu nhưng lượng sức chưa được, nếu có thể ở nơi tạm trú không lập đạo tràng nhưng cũng có thể sáu thời hành đạo, ba nghiệp không thiếu, tụng chú trì kinh xưng danh lễ sám, nhứt nhứt như nghi thức cầu sanh An-Dưỡng, công hạnh đồng như ở đạo tràng, ngõ hầu bọn chúng tôi lấy đó phụng hành. Cúi xin thương xót chỉ giáo những điều thắc mắc để làm phương tiện cho người đời sau tấn tu.

Đáp: Lành thay! Lời hỏi hay.

Người đời muốn tu tam muội đâu cần phải đợi mọi việc hoàn tất mới khởi tu! Nay ý ngươi là muốn nêu lên những nghi vấn, không phải là câu hỏi mà ta chẳng nêu lên điều trở ngại giúp cho những điểm thiết yếu được sáng tỏ. Lời dạy của Thánh nhơn, như một trận mưa rào, ba loại cỏ hai thứ cây đều được tươi tốt, huống là niệm Phật tam muội nhiếp hết căn cơ. Ngươi nếu cầu quyết sanh về Tịnh-Độ, nên biết trong bốn oai nghi đều là đạo dụng há lại có hại trên đường tu tập sao? Muốn thành tựu chí nguyện, tốt nhất trước tiên phải lập hạnh chẳng rời tâm niệm, khi vạn đức hiển lộ cẩn thận chớ khoe khoang.

Khi bắt đầu hạ thủ, cần yếu là thân tâm yên ổn, bặt hết các duyên dứt hết mọi việc. Khi đã sẵn sàng trước phải thuộc lòng kinh chú Tịnh-Độ và năm hối pháp, giữ gìn oai nghi đoan trang nhã trọng. Như trước đã nói, phải khởi tâm chánh tín thương xót tất cả chúng sanh, như lý quán sát quả báo tịnh uế lạc khổ của hai cõi thật phải xả bỏ và ưa thích. Bất luận ở bất cứ một chỗ nào phải đúng như vậy mà hành trì, như mây bay nước chảy, bất tất phải có đạo tràng trang nghiêm, chỉ cần thân tâm thanh tịnh, y phục sạch sẻ, trong sáu ngày trai, dù ở một chỗ nào cũng phải có đủ hương hoa cúng phẩm để cúng dường Tam Bảo. Khi đã sửa soạn xong, đứng trước Tam Bảo cúi đầu quỳ lạy v.v… phát đại thệ nguyện thề không thối chuyển, trong đời này lấy nơi ấy làm chỗ sở quy, tuyệt đối không hối hận.

Tuy không có đạo tràng trang nghiêm, bắt đầu từ nay cho đến suốt đời mỗi ngày sáu thời tu tập pháp này, hương đèn có hay không chớ câu nệ.

Hỏi: Tam muội cần phải nhứt tâm, thế sự có nghìn mối, vậy thật hành Phật sự hay thế sự chẳng có điều phương ngại sao?

Đáp: Ví như chim trong lồng, thân tuy ở trong lồng mà tâm nhớ nghĩ cây rừng, hai điều đâu có phương ngại, lồng chỉ nhốt thân không thể nhốt được tâm, cũng vậy sự tướng trở ngại nơi thân chứ không trở ngại chí nguyện vãng sanh được. Phương chi ba cõi như lồng chim, thân ta như con chim, mong ra khỏi là nguyện được vãng sanh, cây rừng là Tịnh Độ. Cho nên vọng duyên vạn mối chẳng trở ngại đến chơn tâm, huống là tạm trú là việc ngoài tự chẳng phiền hà, thân tâm bình thản mà tấn tu.

Hỏi: Pháp môn có thứ lớp, hạnh nguyện lại có khúc chiết khiến cho người tấn tu gặp sự việc lại chẳng lo lắng?

Đáp: Ngày ba thời đêm ba thời phân chia rõ ràng ấy là thứ lớp. Ở nơi tạm trú, ban mai nếu ở nơi có hình tượng Phật, hoặc có đem theo hình tượng thì miệng tụng thân lễ, hoặc thầm niệm thân lạy, đối trước hình tượng mà tu, như không có hình tượng thì đối trước kinh quyển quay mặt về hướng Tây mà lễ, hoặc là quay về phương Đông hay bất cứ phương hướng nào mà lễ, phải đủ nghi thức như tại đạo tràng. Như đang ở trên tàu thuyền hay vì có nhiều việc làm cho thân bận rộn cũng không nên bỏ dở, như thế Phật sự thế sự đồng tiến hành. Nên nhớ công việc ở đời là để nuôi thân, thân ta hành đạo cũng chẳng bỏ tức đồng thể với tam muội.

Hỏi: Tai nghe và tâm không phải hai, nhưng được một thì phải mất một, hai cái liên quan như thế nào?

Đáp: Ngươi há không nghe thí dụ lồng chim sao, cũng đủ rõ. Lại nữa nhứt tâm không trở ngại cho mắt thấy, tai nghe, thân hành, tâm nhớ tưởng, ứng dụng vô tận thì thành tựu hết thảy công dụng vậy.

Nhứt tâm trì tụng tiểu bổn kinh A-Di-Đà, hoặc chương thượng phẩm, hoặc chương Lăng Nghiêm , Thế-Chí, hoặc trì chú Tịnh-Độ ba, bảy, trăm ngàn lần, hay xưng danh hiệu Phật ba trăm, năm trăm, cho đến ngàn lần hay nhiều vô số, là để cầu xin sám tội, hồi hướng rồi mới vào sám pháp, nghi thức có trong nghi thức bái sám của ngài Từ-Vân.

Từ sự cung kính, đảnh lễ Tam Bảo, dâng hương tán Phật, lễ bái sám hối cho đến tuần nhiễu quy y đều phải theo phân đoạn như trong văn nghĩa. Nhứt nhứt phải tưởng thân này của ta như cung kính đối trước đức Phật ở cõi Tịnh-Độ, hoặc trước hình tượng đức Phật tại đạo tràng chiêm ngưỡng quỳ lạy, quán tưởng đức Phật và tướng bạch hào, nhứt nhứt phải rõ ràng không được hôn trầm tán loạn trong thời lễ, theo thời gian đã định như vậy mà tụng kinh chú, niệm danh hiệu và hồi hướng, ấy là tu tập phần đầu trong ngày.

Âm thanh niệm tụng tùy theo nhơn cảnh tốt xấu mà phát âm lớn nhỏ, tiếng nên bình thường, trầm bổng nhã nhặn, hoặc là thầm niệm mấp máy đôi môi. Cần yếu là không nên cùng người nói chuyện nhiều, trước nhứt là việc tu niệm chưa xong nên đốt hương đèn, nếu không thể được thì lấy một vật làm hương đến trước hình tượng rải ra rồi vận tưởng vậy. Còn các thời khác nên ngồi hay đi một mình, rời xa những nơi tụ hội nói chuyện nhảm, đùa cợt ngâm vịnh múa hát viết lách làm cho mất chánh niệm. Ấy là thời tu niệm đầu tiên trong ngày, những thời kế tiếp trong ngày và ba thời trong đêm cũng thật hành như vậy. Ấy là sáu thời tu tập của một ngày đêm. Tuy nhiên sự hành trì về nửa đêm cần phải lặng lẽ vì mọi người cần yên tịnh nên khác với các thời ban ngày.

Hành giả đã vì sanh tử là việc lớn há lại giãi đãi tự ý ngủ nghỉ, dù trời nóng bức hay giá lạnh, đều phải cẩn thận. Thay đổi y phục, pháp phục tràng hạt nên để chỗ gần mình, khăn tay nước sạch không để chỗ xa, những vật cần dùng đều nên dự bị sẳn.

Lại nên quán sát tín căn sâu cạn của người, không nên phiền nhiễu để họ ghét. Nếu không trở ngại, nên dùng lời nhỏ nhẹ dịu dàng hành xử, trên thiên thần hoan hỷ, dưới quỷ súc nghe tiếng được giải thoát, công đức rất lớn.

Nếu ở trên tàu thuyền, ở nhà người hay nơi đồi núi đều phải quán sát hoàn cảnh phương tiện uyển chuyển hành trì nhứt tâm tinh tấn. Không nên nói lỗi của người làm họ buồn ghét, lại cũng không nên quá lời khen ngợi điều hay tốt của người.

Nếu gặp được trú xứ hay thời gian tiện lợi, hoặc nhiều người, hoặc có sự trở ngại thì tùy nghi tìm nơi kín đáo ngồi ngay thẳng mặt hướng về Tây chấp tay ngang ngực âm thầm tưởng lễ như trước.

Lại nếu trong khi làm việc, khi xong việc được rảnh, đừng nghĩ việc bái sám nhiều ít, cho đến một câu một lạy nếu chưa đủ thì nên khởi tâm tùy tụng, đến khi được đến trước hình tượng hãy lễ bái cho viên mãn.

Nếu trong khi đang hành trì bổng có việc cần gấp, không nên vì sự bái sám chưa xong mà phó mặc, phải đi giải quyết cho xong, rồi ở chỗ làm tìm dịp thuận tiện mà tưởng lễ cho đủ.

Nếu ở tại nhà trọ tưởng lễ không được, không vì nhàn rổi mà sanh lười không tưởng lễ, lại không nên đem sự tưởng lễ xen kẻ trong lúc làm việc trở thành luống công vô ích vậy.

Đối với người tín tâm còn cạn không nên vội khuyên tu, với người tín tâm đã vững lại chẳng khích lệ để họ tự nhận định. Không nên để sự việc tự nhiên thành, ví như mùa xuân đến vạn vật sanh trưởng không thấy được công năng.

Nếu gặp đạo tràng mà tu tập gọi là thuận duyên, như ở nơi tạm trú mà tiến tu gọi là nghịch cảnh tu tập; ở chỗ nghịch mà tu, so với thuận duyên tu tập thì sai biệt rất xa, nên nơi nghịch cảnh mà tu được, công quả thật sâu dày.

Hỏi: Tưởng lễ và thân lễ có như nhau không?

Đáp: Đồng nhau. Trong ba nghiệp ý làm chủ của thân khẩu, chủ đã chuyên vào ý tưởng, vậy không như thân khẩu sao? Như trong khi lễ sám đem cả thân tâm vận tưởng dâng cúng hương hoa há chẳng phải niệm tưởng ư! Cứ thế mà suy thì biết.

Hỏi: Nếu vậy thì dùng tâm tưởng lễ cũng đủ cần gì phải đem cả thân khẩu?

Đáp: Ý nghiệp tuy thù thắng, nhưng phải đem cả thân khẩu mới gọi là ba nghiệp viên dung. Như khi niệm thầm cũng do ý có thể tính vào túc số, nhưng khi rỗi rảnh phải lễ bù để công hạnh được vẹn toàn.

Hỏi: Ngoài sáu thời tu niệm còn phải dụng tâm gì nữa?

Đáp: Nên phải quán tưởng tướng hảo của Phật, trì chú, tụng kinh, xưng danh, đảnh lễ, niệm niệm không rời cầu vãng sanh, như người đi bộ phải gấp bước mới chóng đến, bước thư thả thì đến chậm, phải như vậy mà dụng tâm. Với người thân tâm yếu ớt không thể hành trì đủ cả sáu thời, thì phát nguyện hành trì ba hoặc năm thời mỗi ngày làm định khắc, không thể nhiều hơn được, tuy nhiên không được thêm hoặc bớt một thời để trái với sự lập hạnh của mình.

Hỏi: Trong thuyết viên dung tam muội thứ đệ ít nghe người nói đến, như vậy thì y vào đạo tràng tu tập là chẳng hoàn toàn sao?

Đáp: Như người bị ngã xuống nước, kêu cứu ghe thuyền không được, may gặp thân cây trôi đến nhờ đó mà được vào bờ, há dễ bỏ thân cây để bị chết chìm sao?

Nay trên đường phiêu bạt biết rõ đâu nên chán đâu nên vui nhận, được điều không ngại lại không nỗ lực gắng sức như người bộ hành nêu trên mà tu tam muội pháp. Cảnh giới tam muội thật thâm sâu, công năng rộng lớn, hiệp với diệu tâm Phật, xưng dương không cùng. Phi hành phi tọa tam muội, hay tứ oai nghi tam muội là một trong bốn tam muội, thuộc về thượng cơ, hàng tiểu trí ba căn theo từng phần thọ trì cũng được lợi lạc. Nếu so với cách tu tập tại đạo tràng chỉ thiếu phần lễ bái còn nghi thức thì giống nhau. Nên tinh tấn thọ trì pháp tam muội này, một lòng cầu về Tây phương, thiết hoặc không nhơn đây tuân thủ chắc chắn phải trở lại vòng sanh tử.

Đã tự thấy chánh hạnh, nhưng người đời nay đối với pháp môn này tuy có tâm mong cầu, nhưng có người mới nghe qua cho rằng dễ liền sanh dị tưởng, vọng bảo là dễ chứng đắc, lại có người bảo khó liền sanh thối thất mất hết quyết tâm, do tín tâm chưa kiên cố nên rơi vào rừng tà kiến, hiểu một cách sai lạc lại đem truyền cho nhau bằng nhiều cách khiến nhiều người lầm lẫn, đến nỗi có điều không thể nghe được, làm loạn nhơn tâm thật hành sai quấy, dẫn đến thầy trò đồng đọa lạc. Nên phải chánh tâm tham vấn những điều quan yếu.

Khách liến cúi lễ và thưa rằng: Tôi từ lâu bôn ba trong trần thế, hằng nghĩ đến vô thường sanh tử, muốn tu tập nhưng chưa có thể vì còn phải nuôi dưỡng thân khẩu, nên với cách tu tại đạo tràng giận là chẳng thể khởi sự, nay được duyên may nhiều đời mới nghe được phương pháp này, như được nước cam lồ quán đảnh sạch mát cốt tủy, quyết chí thọ trì, từ nay xem như kẻ thù của bản thân không còn ân hận. Nay phải quyết bỏ tất cả như quẳng đi gánh nặng thong dong tự tại, nguyện đời đời kiếp kiếp cầu xin thọ trì, thà bỏ thân mạng thề không thối thất, để thấu rõ hết thảy pháp khắp nơi nơi, dù thuận hay nghịch duyên đều không trở ngại, chỉ mong sao tam muội được thành tựu, may thay cho quần sanh, may thay cho người học Phật!

Khi đã tu tập pháp này thì thấy bôn ba trong đời, lưu lãng bốn phương, lăn lộn thương trường, lao tâm khổ trí trăm công nghìn việc, trai gái già trẻ nô tì hoàng môn đều bị sai khiến không được tự tại, cả đến những lúc đi đứng nằm ngồi, thay đổi y phục, ăn uống nói năng, yên tịnh, hay hỷ nộ ái lạc cũng chưa từng tu tập. Hàng xuất gia tứ chúng, tại gia tứ dân (16), đã có cuộc sống yên ổn, nhàn rỗi hãy nên tu tập, những điều mong cầu đã đủ, được tự tại há không tinh tấn sao?

Hỏi: Nay nghe nói cõi Cực-Lạc xa mười vạn ức cõi Phật, e rằng quá xa, những vị sanh về đó phần nhiều là bậc nhứt sanh bổ xứ, tủi hổ cho thân này làm thế nào đạt được?

Đáp: Vậy ngươi không nhớ như trên đã nói mười phương cõi đều do tâm, tâm tịnh thời mười vạn đâu có xa, tâm nhiễm đối mặt vẫn còn xa. Khi tâm đã tịnh lo gì lộ trình, như trong giấc ngủ mộng thấy khoảnh khắc đi cả vạn dặm, sao lại lấy thường tình mà so sánh! Như lý, đã có cõi nước để sanh, song thực ra khi tâm đã thuần tịnh thì đâu cần phải sanh về.

Lại thưa: Nay xin cung kính lảnh thọ sự chỉ giáo. Đây là lần đầu mới nghe được những lời này, từ trước chưa từng được nghe. Đại sư đã tùy theo tâm mong cầu chỉ dạy, nay nghe được danh từ tam muội mới biết Thánh điển đã ứng cơ thuyết giảng sáng tỏ như ban ngày, làm mẫu mực cho kẻ hậu học, đâu phải lời ủy khúc. Nguyện xin ghi những lời này để hướng dẫn hậu lai, lại xin y cứ cẩn trọng chánh hạnh của đạo tràng mà tu tập, để khắp lợi ích cho đời đó là điều mong mỏi lớn vậy.

Lành thay! Thật đúng ý ta. Khách bèn khiêm cung thối lui.

Vị khách đó tên là Hạnh-Nhất tự Chí-Tây tự thưa: Tôi đã đọc kỹ tập “Vạn thiện đồng quy” của ngài Trí-Giác Thiền sư, sau đến Lô-Sơn được xem “Di tích nhơn duyên nguyện niệm Phật Vân” của thỉ tổ Viễn-Công.
_____________________

16. Tứ dân: bốn hạng người: sĩ, nông, công, thương.

Trích từ: Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Cư Sĩ Minh Chánh Tải Về
2 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
3 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
4 Kinh Bát Chu Tam Muội, Hòa Thượng Thích Minh Lễ Tải Về
5 Luận Bảo Vương Tam Muội, Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn Tải Về
6 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
8 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
9 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
10 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
11 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
12 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
13 Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
14 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
15 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về

Thế nào là Thập niệm hồi hướng...?
Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần

Thế Nào Là Mười Niệm Tương Tục...?
Nguyên Ngụy Huyền Trung Tự sa-môn Đàm Loan

Đau Không Có Nghĩa Là Khổ
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm