Home > Khai Thị Phật Học
Năm Uẩn Đều Không
Cư Sĩ Phương Luân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch


Thân thể chúng ta có thể chia làm hai bộ phận lớn: đó là tinh thần và vật chất. Từ hai bộ phận lớn này lại có thể phân tích thành nhiều bộ phận nhỏ, để thấy rõ rằng, thân cũng như tâm, đều do sự chứa nhóm mà có; cho nên mới nói rằng, nhân duyên(1) hòa hợp một cách giả tạm, không có một pháp chân thật có thể nắm bắt. Điều đó giúp cho hành giả hiểu rõ được một cách sâu sắc về ý nghĩa thế nào là không và vô ngã.

Năm uẩn lại dịch là “năm ấm”, tức là năm nhóm sắc, thọ, tưởng, hành và thức. “Uẩn”(2) nghĩa là chứa nhóm, tức là thân thể của chúng sinh do năm pháp này tích tụ mà thành; “ấm”(3) nghĩa là che lấp, tức là các phiền não vọng tưởng che lấp chân tánh vậy. “Sắc” có nghĩa là biến ngại –“biến” là biến hoại, “ngại” là chất ngại– gồm có năm căn(4) (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) và năm trần(5) (hình sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm). Căn và trần đã thuộc về sắc pháp, thì cả thân căn và khí giới cũng đều bao gồm trong đó, không sót một vật gì.

Có hai thuyết giải thích về thọ, tưởng, hành và thức. Thuyết thứ nhất nói rằng: “Thọ” là khi năm căn đối trước năm trần thì lãnh nạp cảnh hiện lượng(6); đó là cảnh giới của năm thức trước. “Tưởng” là sáu căn đối trước sáu trần mà thành sáu tưởng; đó là cảnh giới của thức thứ sáu. “Hành” là thức thứ bảy luôn luôn bám chặt kiến phần(7) của thức thứ tám và lấy đó làm ngã, niệm niệm liên tục không dừng. “Thức” tức chỉ cho thức thứ tám, là bản thể nương tựa của các thức. Đó là thuyết dùng cả tám thức(8) để chi phối bốn uẩn thuộc tâm pháp(9).

Thuyết thứ hai nói rằng: “Thọ” nghĩa là lãnh nạp. Đương khi sáu thức cùng với sáu trần tương ưng nhau mà có sáu loại cảm thọ; đó là cảm giác sinh ra lúc đầu tiên khi căn và cảnh tiếp xúc với nhau. “Tưởng” là giữ lấy ảnh tượng, nghĩa là bởi sáu cảm thọ mà sinh ra sáu tưởng; đó là căn và cảnh, sau khi tiếp xúc nhau, tiến một bước nữa, sinh khởi tư lự. “Hành” là tạo tác, nghĩa là từ tư lự, tiến thêm một bước, phát khởi hành động. “Thức” là phân biệt rõ ràng, nghĩa là trong quá trình hành động, không ngừng thêm vào sự phân biệt rõ ràng đối với mọi sự vật. Thuyết này dùng chỉ một mình thức thứ sáu để chi phối cả bốn uẩn thuộc tâm pháp.

Năm uẩn(10) như huyễn hóa, do nhân duyên mà sinh, vốn không có thật tánh. Sắc là do bốn đại giả hợp mà có; thọ, tưởng, hành và thức thì do vọng niệm sinh ra; cho nên, hai pháp thân và tâm này, ngay nơi bản chất đã là không, không nhất định phải đến khi tịch diệt mới thành ra không, cũng không phải có một pháp nào đó có năng lực làm cho chúng trở thành không. Kinh Đại Trang Nghiêm nói: “Sắc như bọt nước tụ lại; thọ như bong bóng nước; tưởng như dợn nắng; hành như cây chuối; thức như việc huyễn hoặc.” Thế mới biết, tất cả hai báo y và chánh, đều như hoa trong gương, mặt trăng trong nước, núi sông trong chiêm bao, đều hư ảo, không chân thật. CHÚ THÍCH

01. “Thân căn” tức thân thể với sáu căn, là chánh báo của chúng sinh. “Khí giới” cũng gọi là “khí thế gian”, tức quốc độ với tất cả khí vật, là y báo của chúng sinh.

02. Là năm căn (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân) đối trước năm trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc).

03. “Hiện lượng” là một trong “ba lượng”, có nghĩa là hiện tại, hiển hiện, hay hiện tiền; tức là cái cảnh giới mà trong giây phút đầu tiên khi căn đối trước cảnh, liền thấy biết rõ ràng, nhưng chưa khởi niệm phân biệt, cho nên chưa mang danh ngôn, không có tâm tính toán, trực tiếp với thể tính của pháp, gọi là “hiện lượng”.

04. Tức là năm thức: mắt, tai, mũi, lưỡi và thân.

05. Tức là ý thức.

06. Cũng có tên là mạt na thức, là căn bản của hai thứ chấp trước ngã và pháp.

07. Tức a lại da thức, dịch là “vô một” (không mất), nghĩa là giữ gìn các chủng tử, không để mất; lại dịch là “tàng thức” (thức chứa đựng), nghĩa là chứa đựng tất cả chủng tử; tên gọi tuy có khác, nhưng ý nghĩa thì như nhau.

08. “Kiến” nghĩa là soi thấy, tức là “năng duyên”, có tác dụng soi thấy “tướng phần” do chính thức ấy biến hiện ra.

09. Nghĩa là nhìn xa ngoài đồng nội, thấy ánh sáng mặt trời phát ra hơi nhiệt trông giống như nước, người đang khát nước sẽ nghĩ đến việc uống nước, nhưng rốt cuộc không uống được; lấy đó để thí dụ cho vọng tưởng không có thật.

10. Cây chuối thẳng mà xốp, trong lòng rỗng, không cứng chắc, thí dụ cho các “hành”.


PHỤ CHÚ

(01) Nhân duyên là từ gộp chung của hai từ “nhân” và “duyên”. Nhân là nguyên nhân nội tại, trực tiếp dẫn tới sinh ra một pháp; duyên là nguyên nhân ngoại tại, trợ giúp cho nguyên nhân nội tại, gián tiếp dẫn tới sinh ra một pháp. Bởi vậy, nhân cũng còn gọi là “nội nhân”, hay “thân nhân”; và duyên cũng còn gọi là “ngoại duyên”, hay “sơ duyên”. Từ đó, ở một ý nghĩa rộng rãi, khi nói “nhân” thì đã bao hàm cả nhân (nội nhân) và duyên (ngoại duyên). Một cách cụ thể, có thể nói, nhân là hạt giống để phát sinh ra một pháp, và duyên là những điều kiện phụ thuộc giúp cho hạt giống ấy phát sinh pháp đó. Vậy, nhân và duyên đều là nguyên nhân; pháp được sinh ra chính là kết quả. Tất cả vạn pháp đều do nhân và duyên hòa hợp mới phát sinh; nhân và duyên không hòa hợp thì không có gì phát sinh; hoặc, nếu một pháp đã sinh, mà nhân và duyên tan rã, thì pháp ấy liền tiêu diệt. Đó gọi là “duyên sinh” hay “duyên khởi”, là một trong những giáo lí căn bản và quan trọng nhất của Phật giáo.

Mặt khác, “nhân duyên” là một duyên trong bốn duyên (tứ duyên), tức bốn loại điều kiện làm phát sinh vạn pháp: nhân duyên, tăng thượng duyên, sở duyên duyên và đẳng vô gián duyên. Một pháp được phát sinh, phải có đầy đủ bốn điều kiện trên; dù thiếu bất cứ điều kiện nào cũng không thành. Trong từ “nhân duyên” ở đây, chữ “nhân” nghĩa là chính, chữ “duyên” nghĩa là điều kiện; “nhân duyên” nghĩa là điều kiện chính, điều kiện chủ yếu. Và ba loại duyên kia là: tăng thượng duyên: điều kiện phụ giúp; sở duyên duyên: điều kiện đối tượng của nhận thức; đẳng vô gián duyên: điều kiện chuyển biến liên tục.

“Nhân Duyên” cũng là tên của một trong mười hai thể loại của toàn bộ kinh điển Phật giáo (mười hai bộ kinh). Đây là loại kinh văn chứa đựng những bài pháp Phật nói do có người thỉnh cầu, do một sự việc nào đó đã xảy ra, hoặc các điều giới Phật chế ra do vì đã có người phạm lỗi. Đối lại với loại kinh văn này là loại “Tự Thuyết”, tức là loại kinh văn chứa đựng những bài pháp Phật tự nói ra vì thấy cần thiết cho sự tu học của tăng chúng, chứ không vì một nguyên nhân nào cả.

(02) Uẩn: Chữ “uẩn” có ba nghĩa: phi nhất: bất luận ở nơi chốn nào và thời gian nào cũng đều có rất nhiều chất lượng; tổng lược: chứa nhóm những gì đang có; phân đoạn: y theo tính chất không giống nhau mà phân loại.

(03) Ấm: Tiếng Phạn “skandha”, cựu dịch là “ấm”, hay “chúng”; tân dịch là “uẩn”. Như vậy, chữ “ấm” vừa mang ý nghĩa “chứa nhóm” của chữ “uẩn”, vừa có nghĩa là “che lấp”; ý nói rằng, năm nhóm sắc, thọ, tưởng, hành và thức tích tụ lại, làm che lấp chân tánh. – Trong bài học tác giả nói: “... các phiền não vọng tưởng che lấp chân tánh”; – Nói rằng sắc, thọ, tưởng, hành, thức làm che lấp chân tánh, theo chúng tôi, đó chỉ là cách nói chủ quan. Các bậc giác ngộ (Phật, Đại Bồ tát, A la hán, chư Tổ, v.v...) cũng mang thân “ngũ uẩn”, nhưng các Ngài có bị che lấp chân tánh đâu! Có lẽ vì vậy mà các nhà tân dịch đã không muốn dùng chữ “ấm”, mà đã dịch chữ “skandha” là “uẩn” –là một sự diễn tả có tính cách khách quan hơn.

(04) Căn: Chữ “căn” nghĩa là rễ cây; nghĩa rộng là điểm tựa, chỗ nương tựa. Trong Phật học, chữ này thường được dùng để chỉ cho các cơ quan trong thân thể, khả năng, và căn tánh của con người.

1) Trước hết, năm cơ quan cảm giác (giác quan): mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân, được gọi là “năm căn” (ngũ căn); tức nhãn căn, nhĩ căn, v.v... Năm căn này là do vật chất (sắc) tạo thành. Cái được gọi là “căn” ở đây, lại gồm có hai phần: bộ phận vi tế ở sâu bên trong (như hệ thần kinh), mắt thường không thấy được, có tác dụng gây cảm giác, gọi là “thắng nghĩa căn”; bộ phận lộ ra bên ngoài (như cặp mắt, vành tai, cái mũi v.v...), có tác dụng trợ giúp gây cảm giác, gọi là “phù trần căn”. Trong khi đó, một tác dụng của tâm (tinh thần) là thức mạt na, cũng chính là một căn, tức ý căn. Gộp lại năm căn vật chất và một căn tinh thần thì có “sáu căn” (lục căn). Chính từ sáu nơi này mà sự hiểu biết, phân biệt (thức) đối với ngoại cảnh được phát sinh, cho nên chúng được gọi là “căn”. Ngoài ra, bộ phận sinh dục của nam nữ cũng được gọi là “căn” (nam căn, nữ căn); mạng sống của con người gọi là “mạng căn”.

2) Có năm điểm tựa, từ đó các pháp lành được phát sinh và tăng trưởng, được gọi là “năm khả năng” –từ Phật học Hán Việt gọi là “ngũ căn”; đó là: lòng tin (tín căn), ý chí siêng năng kiên trì (tấn căn), chánh niệm (niệm căn), định lực (định căn), và trí tuệ (tuệ căn). Vì có hai loại “ngũ căn”, cho nên để phân biệt, năm giác quan đôi khi được gọi là “ngũ sắc căn”; và năm khả năng đôi khi được gọi là “ngũ vô lậu căn”.

3) Căn tánh (hay căn cơ) con người có thông minh, mê muội, cao thấp khác nhau. Căn tánh của người thông minh, học một biết mười, nghe ít hiểu nhiều, tu tập mau chứng ngộ, được gọi là “lợi căn”, hay “thượng căn”; người mê muội, tối tăm, đần độn, gọi là “độn căn”, hay “hạ căn”; người ở bậc giữa gọi là “trung căn”.

(05) Trần: Chữ Phạn “visaya” (hay “artha”), các nhà cựu dịch dịch là “trần”, các nhà tân dịch dịch là “cảnh”, là đối tượng của “căn” (giác quan). Sáu căn có sáu đối tượng riêng biệt: hình sắc (sắc trần sắc cảnh) là đối tượng của mắt (nhãn căn); âm thanh (thanh trần thanh cảnh) là đối tượng của tai (nhĩ căn); mùi hương (hương trần hương cảnh) là đối tượng của mũi (tị căn); vị (vị trần vị cảnh) là đối tượng của lưỡi (thiệt căn); xúc (xúc trần xúc cảnh) là đối tượng của thân (thân căn); và ý tượng (pháp trần pháp cảnh) là đối tượng của ý (ý căn). Nên để ý đến ý nghĩa của hai từ “xúc” và “pháp” ở đây: “Xúc” là các tính chất mát, lạnh, nóng, cứng, mềm, trơn, nhám, v.v... của vật chất. Các tính chất này do sự xúc chạm của thân căn mà cảm giác được, cho nên chúng được gọi là “xúc trần”, hay “xúc cảnh”. “Pháp” không phải là những hiện tượng vật chất cụ thể và giản dị ở bên ngoài như các “cảnh” khác, mà rất trừu tượng và phức tạp nằm trong tâm thức, gồm có các ảnh tượng (tức các đối tượng cảm giác còn lưu lại trong ý thức), các ý tượng (các ảnh tượng do ý thức tưởng tượng ra), và cả các tư tưởng không ảnh tượng. Nguyên nghĩa chữ “trần” là bụi bặm. Bụi là những vật thể cực nhỏ bay đầy trong không khí, thường bám vào các vật khác làm cho dơ dáy; bởi vậy, kinh luận thường dùng nó (như các từ trần cấu, trần lao, trần tục, v.v...) để ví dụ cho phiền não. Các nhà cựu dịch cho rằng, sáu cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp có tính chất làm ô nhiễm chúng sinh, cho nên đã gọi chúng là “trần” – sáu trần. Thực ra, ô nhiễm là do chính tâm thức của chúng sinh, chứ bản chất của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đâu có gì là ô nhiễm. Người tu học chân chính, chuyên cần, suốt ngày cũng đối diện, tiếp xúc với sáu thứ ấy, nhưng không hề bị ô nhiễm vì chúng. Có lẽ vì vậy mà các nhà tân dịch đã gọi chúng là “cảnh” – sáu cảnh. Trong khi đó, có người còn hòa hợp cả cựu lẫn tân mà gọi là “trần cảnh” – sáu trần cảnh.

(06) Hiện lượng là một trong “ba lượng” (tam lượng). “Lượng” là hình thái hay phương cách nhận thức. “Hiện lượng” là nhận thức đối tượng một cách trực tiếp, thuần túy cảm giác, không có phê phán, suy luận, so sánh, v.v... Đó là cách nhận thức của năm thức cảm giác (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân), đôi khi có sự cộng tác của ý thức, nhưng vẫn là trực tiếp, thuần túy cảm giác, chưa có suy luận, phán đoán. Cách nhận thức này có khi đúng, có khi sai; khi đúng thì gọi là “chân hiện lượng”, khi sai thì gọi là “tợ hiện lượng”. – “Tợ” nghĩa là trông giống như cái đó, chứ không phải chính thực là cái đó. Hai hình thái nhận thức kia là “nhận thức so sánh” (tỉ lượng) và “nhận thức sai lầm” (phi lượng). Nhận thức so sánh là phương cách của ý thức (thức thứ sáu), mang tính cách suy luận, diễn dịch, so sánh, phán đoán. Phương cách nhận thức này cũng có khi đúng (gọi là “chân tỉ lượng”) và có khi sai (gọi là “tợ tỉ lượng”). Gộp hai cách nhận thức sai của hiện lượng (tức tợ hiện lượng) và tỉ lượng (tức tợ tỉ lượng) lại, gọi chung là “phi lượng”; ngoài ra, Duy Thức Học cho rằng, thức thứ bảy (mạt na thức) luôn luôn nhận thức sai lầm về sự tồn tại của một bản ngã chân thật, cho nên hình thái nhận thức của nó luôn luôn là “phi lượng”.

(07) Kiến phần là phần thấy biết, tức là chủ thể nhận thức về một đối tượng. Theo giáo nghĩa của tông Pháp Tướng, tác dụng nhận thức của mỗi tâm vương và tâm sở đều gồm có bốn phần: tướng phần, kiến phần, tự chứng phần, và chứng tự chứng phần.

1) Tướng phần là đối tượng nhận thức, thuật ngữ Duy Thức Học còn gọi là “sở duyên”. Đối tượng của nhận thức gồm tất cả các cảnh cụ thể (như sắc, thanh, hương, v.v...) và trừu tượng (như ảnh tượng, ý tượng, v.v...), luôn luôn có tướng trạng rõ ràng, cho nên được gọi là “tướng phần”.

2) Kiến phần là chủ thể nhận thức, thuật ngữ Duy Thức Học còn gọi là “năng duyên”. Chủ thể nhận thức bao gồm tất cả tám thức tâm vương và 51 tâm sở. Duy Thức Học nói rằng, “nhận thức luôn luôn là nhận thức cái gì”, vì vậy, nếu không có đối tượng thì không có nhận thức, và ngược lại, không có chủ thể nhận thức thì không có đối tượng; cho nên, kiến phần và tướng phần là hai phần không thể tách rời của tác dụng nhận thức.

3) Tự chứng phần (cũng gọi là “tự thể phần”) là phần tự thể thâm sâu của tác dụng nhận thức, tức là, tự nó chứng biết hoạt động nhận thức của chính nó. Khi mắt (kiến phần) thấy (nhận thức) cuốn sách (tướng phần) thì biết rằng mắt thấy cuốn sách (tự chứng phần).

4) Chứng tự chứng phần là phần sâu hơn nữa của tác dụng nhận thức, tức chứng biết một lần nữa về sự chứng biết của tự chứng phần.

Thuyết “bốn phần” của nhận thức này là do luận sư Hộ Pháp (Dharmapala) đề xướng. Có người cho rằng, phần thứ tư của thuyết này (chứng tự chứng phần) là không cần thiết. Xem ra, thuyết “ba phần” (tướng, kiến và tự chứng phần) do luận sư Trần Na (Dinnaga) đề xướng, giản dị mà vẫn đầy đủ.

(08) Tám thức (bát thức): Thức, hay tác dụng nhận thức, là sự hiểu biết, là những dòng tiếp nối của cảm giác hay tri giác phân biệt. Khi các giác quan (căn) tiếp xúc với đối tượng (cảnh) của chúng, liền phát sinh sự hiểu biết (thức). Theo Duy Thức Học, thức có tám tác dụng, thường được gọi là tám thức, hoặc tám thức tâm vương: 1) Nhãn thức: sự thấy, tức sự hiểu biết sinh ra khi mắt (nhãn căn) tiếp xúc với cảnh vật (sắc cảnh). 2) Nhĩ thức: sự nghe, tức sự hiểu biết sinh ra khi tai (nhĩ căn) tiếp xúc với âm thanh (thanh cảnh). 3) Tị thức: sự ngửi, tức sự hiểu biết sinh ra khi mũi (tị căn) tiếp xúc với mùi hương (hương cảnh). 4) Thiệt thức: sự nếm, tức sự hiểu biết sinh ra khi lưỡi (thiệt căn) tiếp xúc với các thức ăn uống (vị cảnh). 5) Thân thức: sự cảm xúc, tức sự hiểu biết sinh ra khi thân thể (thân căn) tiếp xúc với mọi vật (xúc cảnh). 6) Ý thức: sự phân biệt, tức sự hiểu biết sinh ra khi thức mạt na (ý căn) tiếp xúc với các ảnh tượng và ý tượng (pháp cảnh). 7) Mạt na thức: sự tư lượng (suy tư, tính toán), chấp ngã, tức là bám lấy kiến phần của thức a lại da và chấp đó là bản ngã chân thật; từ đó mà sinh ra tính toán, so đo, v.v... cốt bảo vê cái “ngã”. 8) A lại da thức: kho chứa đựng và gìn giữ tất cả mọi chủng tử của vạn pháp, bao gồm cả bảy thức trước. Tám thức trên, các nhà duy thức học thường gộp năm thức nhãn, nhĩ, tị, thiệt và thân lại thành một nhóm, và gọi chung là “năm thức trước” (tiền ngũ thức); ý thức trở thành “thức thứ sáu” (đệ lục thức); mạt na thức thành “thức thứ bảy” (đệ thất thức); và a lại da thức thành “thức thứ tám” (đệ bát thức). Cũng theo cách đó, khi sáu thức nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân và ý được gộp chung thành một nhóm, thì được gọi là “sáu thức trước” (tiền lục thức), rồi thức thứ bảy và thức thứ tám. Nếu gộp bảy thức nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý và mạt na thành một nhóm thì gọi là “bảy thức trước” (tiền thất thức), rồi thức thứ tám. Về tám thức này, ở đây chỉ xin được trình bày một cách giản dị như vậy; sách GKPH Cấp Ba sẽ nói rõ ràng hơn.

(09) Trong năm uẩn, sắc uẩn thuộc về “sắc pháp” (vật chất); thọ, tưởng, hành và thức uẩn thuộc về “tâm pháp” (tinh thần).

(10) Năm uẩn: Đây là năm nhóm kết hợp lại tạo nên bản thân con người: 1) Sắc (sắc uẩn): Nói chung, “sắc uẩn” là tất cả mọi hiện tượng thuộc về “sắc pháp” trong vũ trụ (theo Duy Thức Học, có 11 loại thuộc về sắc pháp: nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp); nhưng ở đây, trong bản thân con người, “sắc uẩn” là toàn bộ phần sinh lí, tức thân thể con người. 2) Thọ (thọ uẩn) là cảm giác sinh lí sinh ra khi các giác quan (căn) của thân thể tiếp xúc với đối tượng (cảnh) của chúng. Cảm giác có thể là dễ chịu (lạc thọ), khó chịu (khổ thọ), hoặc không dễ chịu cũng không khó chịu (xả thọ). 3) Tưởng (tưởng uẩn) là tri giác, tức sự phân biệt nhận biết rõ ràng đối tượng của nhận thức con người. Ví dụ: nhìn tượng Phật thì biết đó là tượng Phật; nghe tiếng chuông thì biết đó là tiếng chuông; ngửi mùi nhang thì biết đó là mùi nhang, v.v... 4) Hành (hành uẩn): Nói chung, “hành” là tất cả mọi hiện tượng, mọi sự vật được hình thành do nhân và duyên hòa hợp, tức là mọi pháp hữu vi trong vũ trụ (ở cả ba lãnh vực: tâm lí, sinh lí và vật lí). Riêng ở đây, trong bản thân con người, “hành uẩn” là chỉ cho “tâm hành”, tức là tất cả các hiên tượng tâm lí của con người. Duy Thức Học nói, có cả thảy 51 hiện tượng tâm lí – gọi là 51 “tâm sở”, bao gồm cả hai uẩn thọ và tưởng ở trên; nhưng vì phạm vi hoạt động của thọ và tưởng quá quan trọng (gần như suốt ngày, lúc nào con người cũng sống với thọ và tưởng), nên ở đây hai hành này được tách riêng thành ra hai uẩn, và 49 hành còn lại thì được gộp chung trong một uẩn là “hành uẩn”. 5) Thức (thức uẩn) là tâm thức. Nói tổng quát, đó là căn bản thức (tức a lại da thức); và nói chi tiết, đó là tám thức: nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý, mạt na và a lại da. Thức là tác dụng nhận thức phân biệt, tức tác dụng “tâm biết vật” của con người.


BÀI TẬP

1) Năm uẩn là gì?

Năm uẩn là năm nhóm sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

2) Hãy giải thích chữ “uẩn” trong thuật ngữ “năm uẩn”. Hãy giải thích chữ “ấm” trong thuật ngữ “năm ấm”.

Chữ “uẩn” trong thuật ngữ “ngũ uẩn” nghĩa là chứa nhóm, tích tụ; tức là năm yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành và thức hòa hợp lại mà tạo thành bản thân con người. Chữ “ấm” trong thuật ngữ “ngũ ấm” nghĩa là che lấp; tức là năm yếu tố trên tích tụ lại làm cho con người không thấy được chân tánh.

3) Tám thức chi phối bốn uẩn của tâm pháp như thế nào?

Trong năm uẩn thì bốn uẩn thọ, tưởng, hành và thức thuộc về tâm pháp. Trong bốn uẩn thuộc tâm pháp này, uẩn thọ thuộc phạm vi của năm thức trước, tức là, khi năm căn tiếp xúc với năm cảnh –cảnh ở đây là cảnh hiện lượng– thì phát sinh cảm thọ; uẩn tưởng thuộc phạm vi của ý thức (thức thứ sáu), tức là, khi sáu căn tiếp xúc với sáu cảnh thì phát sinh ra tri giác phân biệt; uẩn hành thuộc phạm vi của thức mạt na (thức thứ bảy), tức là, thức mạt na luôn luôn bám chặt lấy kiến phần của thức a lại da và cho đó là bản ngã chân thật, niệm niệm liên tục không dừng; uẩn thức tức là thức a lại da (thức thứ tám), bản thể nương tựa của các thức. Đó là tám thức chi phối bốn uẩn tâm pháp.

4) Thức thứ sáu chi phối bốn uẩn của tâm pháp như thế nào?

“Thọ” là lãnh nạp đối tượng, bước đầu tiên của một chuỗi dài các hoạt động tâm lí. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu cảnh thì sinh ra sáu loại cảm thọ, thuần túy cảm giác. “Tưởng” là các ảnh tượng có được từ cảm thọ; tức là, sau khi căn và cảnh tiếp xúc nhau, tiến thêm một bước là phát sinh sự tư lự. “Hành” là tạo tác; tức là, từ tư lự tiến thêm một bước, phát khởi hành động. “Thức” là sự phân biệt rõ ràng; tức là, trong quá trình hành động, luôn luôn có sự phân biệt rõ ràng đối với mọi sự vật. Các hoạt động tâm lí trên đây đều là các tác dụng của ý thức (thức thứ sáu); bởi vậy, theo cách trình bày ở trên, một mình ý thức đã chi phối cả bốn uẩn tâm pháp.

5) Hãy nêu những thí dụ mà kinh Đại Trang Nghiêm dùng để nói về năm uẩn.

Kinh Đại Trang Nghiêm đã dùng những hình ảnh ẩn dụ sau đây để nói về năm uẩn: “Sắc như bọt nước; thọ như bong bóng nước; tưởng như dợn nắng; hành như cây chuối; thức như việc huyễn hoặc.”



Kinh Sách Liên Quan