Home > Khai Thị Phật Học
Mười Địa Của Bồ Tát
Cư Sĩ Phương Luân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch


Hành giả phát tâm bồ đề, thực hiện sự nghiệp độ người, tức là Bồ tát. Hạng Bồ tát này, tuy đã phát tâm rộng lớn nhưng công phu tu dưỡng về đức độ cũng như học tập đều chưa đầy đủ, mà chẳng qua chỉ là có cái tên gọi mà thôi. Cho nên Bồ tát lúc đầu mới phát tâm, tuy trải qua các cấp Mười trụ(1), Mười hạnh(2) và Mười hồi hướng(3) trong thời gian một a tăng kì kiếp, chẳng qua cũng chỉ là hàng Bồ tát phàm phu, ở vị trí “Ba hiền” hay “Địa tiền” mà thôi. Nếu luận về địa vị, họ chỉ đứng ở bậc Kiến đạo. Họ nhất định phải tiến thêm một bước nữa lên Sơ địa, rồi dần dà lên đến Thập địa, gọi là hàng Bồ tát pháp thân ở địa vị “Mườithánh” hay “Địa thượng”; bấy giờ mới đúng là bậc Tu đạo. So sánh với trường học, nếu các bậc Ba hiền được coi như các khoa phổ thông, thì các bậc Mười thánh hay Mười địa sẽ là các chuyên khoa Bồ tát vậy.

Thứ nhất là Hoan hỉ địa. Bồ tát đã tu hành hoàn mãn kiếp a tăng kì đầu tiên, bắt đầu thấy rõ tâm tính, phá trừ hết kiến hoặc, chứng ngộ chân lí “hai không”(4), thành tựu bố thí độ, phát sinh niềm hoan hỉ lớn, gọi là “Hoan hỉ địa”.

Thứ hai là Li cấu địa. Bồ tát đoạn dứt tư hoặc, bỏ được những sai quấy phạm giới, thân tâm thanh tịnh, thành tựu trì giới độ, xa lìa mọi sự dơ bẩn, gọi là “Li cấu địa”.

Thứ ba là Phát quang địa. Bồ tát diệt trừ vô minh si ám mà chứng được “ba minh”, thành tựu nhẫn nhục độ, tâm sáng chiếu phát sinh, gọi là “Phát quang địa”.

Thứ tư là Diễm tuệ địa. Bồ tát đã có đầy đủ trọn vẹn ba mươi bảy phẩm trợ đạo, tiến lên mà tu tập thêm các pháp “trí lực”(5) và “vô úy”(6), cùng “Phật bất cộng” (7), vĩnh viễn dứt trừ tính lười biếng, thành tựu tinh tấn độ, trí tuệ sáng lên rực rỡ, gọi là “Diễm tuệ địa”.

Thứ năm là Cực nan thắng địa. Bồ tát vì lợi ích chúng sinh, ngoài thì học tập các thứ kĩ thuật, trong thì thành tựu thiền định độ, đạt được địa vị này thật là rất khó khăn, gọi là “Cực nan thắng địa”.

Thứ sáu là Hiện tiền địa. Bồ tát tu tập và an trú trong ba phép tam muội không, vô tướng và vô nguyện(8), thành tựu trí tuệ độ, khiến cho bao ý niệm sai biệt về vạn hữu ở trước mắt đều diệt hết, gọi là “Hiện tiền địa”.

Thứ bảy là Viễn hành địa. Bồ tát dứt trừ các nghiệp quả, thị hiện các hành tướng một cách tinh tế, phát khởi các hạnh nguyện thù thắng để hóa độ chúng sinh, thành tựu phương tiện độ(10), chuẩn bị hành trang lương thực cho cuộc đi xa, gọi là “Viễn hành địa”.

Thứ tám là Bất động địa. Bồ tát trú trong “vô sinh nhẫn”(9), dứt hết mọi dụng công, thân tâm tĩnh lặng giống như hư không, thành tựu nguyện độ(10), tâm trụ niết bàn, lặng yên không xao động, gọi là “Bất động địa”.

Thứ chín là Thiện tuệ địa. Bồ tát dứt cả tướng của tâm, chứng nhập trí tuệ tự tại, đầy đủ thần thông lớn, khéo léo hộ vệ cho pháp tạng của chư Phật, thành tựu lực độ(10), khéo léo vận dụng trí tuệ để soi sáng mọi việc, gọi là “Thiện tuệ địa”.

Thứ mười là Pháp vân địa. Bồ tát tập hợp rộng lớn vô lượng pháp môn, tăng trưởng vô biên phúc đức và trí tuệ, thấu suốt mọi tâm hành của tất cả chúng sinh, nương theo từng căn cơ cao, vừa, thấp của chúng sinh mà nói pháp ba thừa, thành tựu trí độ(10), giống như đám mây lớn, đổ xuống những trận mưa pháp lớn, gọi là “Pháp vân địa”.


CHÚ THÍCH

01. Sau khi hành giả đã tu tập “Mười tín” thì tiến lên tu tập “Mười trụ”: 1) Phát tâm trụ; 2) Trị địa trụ; 3) Tu hành trụ; 4) Sinh quí trụ; 5) Phương tiện cụ túc trụ; 6) Chính tâm trụ; 7) Bất thối trụ; 8) Đồng chân trụ; 9) Pháp vương tử trụ; 10) Quán đỉnh trụ.

02. Bồ tát tu hành, tuy ở các cấp Mười tín, Mười trụ, phương diện tự lợi đã đầy đủ, nhưng hạnh lợi tha thì chưa tròn. Cho nên lại phải tiếp tục tu tập mười hạnh để bổ sung: 1) Hoan hỉ hạnh; 2) Nhiêu ích hạnh; 3) Vô sân hận hạnh; 4) Vô tận hạnh; 5) Li si loạn hạnh; 6) Thiện hiện hạnh; 7) Vô trước hạnh; 8) Tôn trọng hạnh; 9) Thiện pháp hạnh; 10) Chân thật hạnh.

03. Bồ tát lấy tâm đại bi để cứu giúp và hộ vệ chúng sinh, gọi là “hồi hướng”: 1) Li chúng sinh tướng hồi hướng; 2) Bất hoại hồi hướng; 3) Đẳng nhất thiết vật hồi hướng; 4) Chí nhất thiết xứ hồi hướng; 5) Vô tận công đức tạng hồi hướng; 6) Tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng; 7) Tùy thuận đẳng quán nhất thiết chúng sinh hồi hướng; 8) Chân như tướng hồi hướng; 9) Vô phược giải thoát hồi hướng; 10) Pháp giới vô tận hồi hướng.

04. Các vị Bồ tát ở các cấp Mười trụ, Mười hạnh và Mười hồi hướng, chỉ đoạn trừ được kiến tư hoặc, nhưng vẫn còn vướng trần sa và vô minh hoặc, cho nên chưa được đứng vào hàng thánh nhân ở cấp Mười địa. Họ chỉ được gọi là Bồ tát “Tam hiền” hay “Địa tiền” mà thôi.

05. Như trên –

06. Bồ tát, khi hết kiếp a tăng kì đầu tiên thì cũng mãn gia hạnh của bốn thiện căn, mau chóng đoạn trừ hai chướng ngại thường dấy khởi phân biệt là sở tri và phiền não, gọi là bậc “Kiến đạo”.

07. Bồ tát ở cấp Mười địa thì gọi là “Thập thánh” hay Bồ tát Mười địa.

08. Như trên –

09. Ba minh là túc mạng minh (thấy rõ các kiếp quá khứ của chúng sinh), thiên nhãn minh (thấy rõ mọi sự vật trong vũ trụ không bị chướng ngại), và lậu tận minh (trí sáng trọn vẹn vì bao nhiêu loại phiền não thô tế gì cũng đều dứt sạch).

10. Cũng gọi là ba mươi bảy phần giác ngộ, gồm bốn lĩnh vực quán niệm, bốn sự cần mẫn, bốn pháp như ý, năm khả năng, năm sức mạnh, bảy yếu tố giác ngộ, và tám nguyên tắc hành động chân chính. Cộng các số ấy lại thì có cả thảy ba mươi bảy yếu tố, là hành trang trọng yếu của người tu đạo, cho nên gọi chúng là “ba mươi bảy đạo phẩm”.

11. Mười sức mạnh của Như Lai: 1) Sức trí tuệ biết rõ là đúng chỗ hay không đúng chỗ; 2) Sức trí tuệ biết rõ nghiệp báo suốt ba đời; 3) Sức trí tuệ biết rõ các loại thiền định giải thoát; 4) Sức trí tuệ biết rõ các căn cơ cao thấp; 5) Sức trí tuệ biết rõ mọi thứ kiến giải; 6) Sức trí tuệ biết rõ mọi lãnh vực; 7) Sức trí tuệ biết rõ tất cả đường đi chỗ đến; 8) Sức trí tuệ thấy rõ mọi việc trong vũ trụ không bị chướng ngại; 9) Sức trí tuệ thấy suốt các kiếp quá khứ; 10) Sức trí tuệ biết rõ đoạn trừ vĩnh viễn mọi tập khí. – Lại nữa, bốn điều không sợ sệt của Như Lai gồm có: 1) Trí biết tất cả không sợ sệt; 2) Dứt sạch lậu hoặc không sợ sệt; 3) Nói chỗ chướng đạo không sợ sệt; 4) Nói đạo diệt hết khổ không sợ sệt.

12. Mười tám pháp công đức của Phật, chỉ có Phật mới có, chứ không cùng có chung với hàng Tam thừa, gọi là “bất cộng”: 1) Thân không lầm lỗi; 2) Miệng không lầm lỗi; 3) Niệm không lầm lỗi; 4) Không có ý tưởng riêng khác; 5) Không có tâm bất định; 6) Không có gì là không biết buông bỏ; 7) Ý chí không diệt; 8) Tinh tấn không diệt; 9) Niệm không diệt; 10) Tuệ không diệt; 11) Giải thoát không diệt; 12) Giải thoát tri kiến không diệt; 13) Tất cả thân nghiệp đều hành động theo trí tuệ; 14) Tất cả khẩu nghiệp đều hành động theo trí tuệ; 15) Tất cả ý nghiệp đều hành động theo trí tuệ; 16) Trí tuệ biết đời quá khứ không chướng ngại; 17) Trí tuệ biết đời vị lai không chướng ngại; 18) Trí tuệ biết đời hiện tại không chướng ngại.

PHỤ CHÚ

(01) Mười trụ (Thập trụ): Thể nhập lí bát nhã gọi là “trụ”. Mười trụ là cấp thứ nhì (sau cấp Mười tín – xem chú thích số 1, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 7, 8 và 9” ở trước) trong 7 cấp (gồm 52 địa vị) trên tiến trình tu tập của hàng Bồ tát. Mười trụ gồm 10 trụ vị (địa vị) như sau: 1) Trụ vị Phát tâm: Hành giả dùng các phương tiện chân thật để phát khởi mười lòng tin (thập tín), tín phụng Tam Bảo, không khởi tà kiến, không gây trọng tội, tu tập tất cả pháp môn, học rộng, trí tuệ cao, ngộ nhập cảnh giới chân không, trụ ở tánh không. 2) Trụ vị Trì địa (hay Trị địa): Hành giả đã trụ nơi tánh không cho nên tâm thường sáng tỏ, trong sạch, trong như ngọc lưu li hiện ra chất vàng ròng; được như vậy là vì lúc hành giả mới phát tâm thì tâm ấy đã là vi diệu, rồi dùng cái tâm vi diệu ấy mà trải làm nền tảng vững bền như đất. 3) Trụ vị Tu hành: Trí tuệ từ hai địa vị trước đã sáng tỏ, cho nên hành giả du hành trong mười phương mà không hề gặp trở ngại. 4) Trụ vị Sinh quí: Thọ một phần khí lực của Phật, thông tỏ sâu xa, được nhập vào dòng giống Như Lai. 5) Trụ vị Phương tiện cụ túc: Tu tập vô lượng căn lành, tự lợi lợi tha, phương tiện đầy đủ, tướng mạo không chỗ nào khiếm khuyết. 6) Trụ vị Chánh tâm: Không những tướng mạo, mà tâm cũng đồng với Phật. 7) Trụ vị Bất thối: Đã thể nhập vào cảnh giới chân không vô sinh, thân tâm hòa hợp, ngày càng thăng tiến đến quả Phật, không còn thối lui. 8) Trụ vị Đồng chân: Từ khi phát tâm, thỉ chung không trở ngược, không thối lui, không khởi niệm tà ma phá hoại tâm bồ đề, cho đến bây giờ thì cả mười thân tướng thiêng liêng của Phật (bồ đề thân, nguyện thân, hóa thân, trụ trì thân, tướng hảo trang nghiêm thân, thế lực thân, như ý thân, phúc đức thân, trí thân, pháp thân) đồng thời đầy đủ. 9) Trụ vị Pháp vương tử: Hành giả trở thành đứa con tinh thần của bậc Pháp Vương, thừa tiếp công việc (Phật sự) của bậc Pháp Vương. Từ trụ vị thứ nhất là Phát tâm đến trụ vị thứ tư là Sinh quí, được gọi là “nhập thánh thai”; từ trụ vị thứ năm là Phương tiện cụ túc đến trụ vị thứ tám là Đồng chân, được gọi là “nuôi lớn thánh thai”; đến trụ vị Pháp vương tử này thì hình tướng đầy đủ, được gọi là “xuất thai”. 10) Trụ vị Quán đảnh: Bồ tát đã là con của bậc Pháp Vương, kham nổi Phật sự, cho nên được Phật rưới nước trí tuệ lên đầu, như vị hoàng tử dòng Sát đế lị, lúc lên ngôi chịu lễ quán đỉnh do một đạo sĩ Bà la môn chủ trì.

(02) Mười hạnh (Thập hạnh): Đây cũng là 10 trong 52 địa vị trên tiến trình tu tập của hàng Bồ tát. Chữ “hạnh” ở đây là chỉ cho các hành động lợi tha. Ở hai cấp Mười tín và Mười trụ, hành giả chỉ tu phần tự lợi, ở cấp Mười hạnh (cấp thứ ba) này thì hành giả tu phần lợi tha, gồm có: 1) Hạnh Hoan hỉ: Bồ tát dùng vô lượng diệu đức của Như Lai mà tùy thuận ở khắp mười phương. 2) Hạnh Nhiêu ích: Thường khéo léo làm những công việc có lợi ích cho chúng sinh. 3) Hạnh Vô sân hận: Tu nhẫn nhục, dứt bỏ sân hận, nhẫn nhịn với cả kẻ oán thù, giữ đức khiêm cung, không làm hại mình hại người. 4) Hạnh Vô tận: Luôn luôn tinh tấn, phát tâm cứu độ tất cả chúng sinh, cho đến khi tất cả đều chứng nhập niết bàn, không mỏi mệt, không chán nản. 5) Hạnh Li si loạn: Bồ tát luôn sống trong chánh niệm, tâm không tán loạn; đối với tất cả các pháp, không lầm lẫn. 6) Hạnh Thiện hiện: Biết không có pháp, ba nghiệp vắng lặng, không bị cái gì ràng buộc mà cũng không đắm trước vào cái gì, tuy vậy, không bao giờ từ bỏ việc giáo hóa chúng sinh. 7) Hạnh Vô trước: Trải qua vô số cõi nước cúng dường chư Phật và cầu pháp mà tâm không bao giờ cho là đủ, tuy vậy, lúc nào cũng lấy cái tâm vắng lặng mà quán chiếu các pháp, cho nên không hề bị vướng mắc vào pháp nào cả. 8) Hạnh Tôn trọng: Tôn trọng căn lành và trí tuệ, cho nên càng tăng tiến tu tập các hạnh tự lợi và lợi tha. 9) Hạnh Thiện pháp: Có đủ trí giải và biện tài vô ngại, thành tựu các thiện pháp giáo hóa để giữ gìn chánh pháp, làm cho hạt giống Phật không bị dứt tuyệt. 10) Hạnh Chân thật: Thành tựu ngôn ngữ “đệ nhất nghĩa đế”, nói thế nào làm thế ấy, làm thế nào nói thế ấy, nói và làm phù hợp nhau, sắc và tâm đồng thuận.

(03) Mười hồi hướng (Thập hồi hướng): Trong 52 địa vị trên tiến trình tu tập của hàng Bố tát, Mườitín là cấp thứ nhất; Mười trụ là cấp thứ nhì; Mười hạnh là cấp thứ ba; Mười hồi hướng này là cấp thứ tư; và lên nữa là Mười địa, cấp thứ năm; cuối cùng là hai cấp Đẳng giác và Diệu giác. “Hồi hướng” nghĩa là hướng trở lại, xoay trở về, ở đây có ý nói, Bồ tát khởi tâm đại bi, quay trở lại để cứu hộ tất cả chúng sinh. Mười hồi hướng cũng được gọi là “Mười hướng”, gồm có: 1) Hồi hướng cứu hộ tất cả chúng sinh nhưng lìa khỏi tướng chúng sinh: Thực hành sáu pháp qua bờ, bốn cách thu phục để cứu hộ chúng sinh một cách bình đẳng, không phân biệt kẻ oán người thân. 2) Hồi hướng không hoại: Đã có được một đức tin bền chắc (không hoại) nơi Tam Bảo, nay đem hồi hướng căn lành ấy đến tất cả chúng sinh, làm cho họ đạt được nhiều lợi ích an lành. 3) Hồi hướng bằng với tất cả chư Phật: Đồng với những việc làm của chư Phật trong ba đời, không đắm sinh tử, không xa rời niết bàn. 4) Hồi hướng đến tất cả mọi nơi: Bằng những căn lành tu tập được, do sức hồi hướng mà trải rộng đến tất cả mọi nơi, trên thì cúng dường Tam Bảo, dưới làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. 5) Hồi hướng kho công đức vô tận: Tùy hỉ tất cả căn lành vô tận, hồi hướng mà làm Phật sự, để đạt được căn lành công đức vô tận. 6) Hồi hướng tùy thuận căn lành bình đẳng: Hồi hướng những căn lành tu tập được, được chư Phật gia hộ, có thể thành đạt những căn lành kiên cố. 7) Hồi hướng tùy thuận quán sát bình đẳng tất cả chúng sinh: Tăng trưởng tất cả các căn lành, hồi hướng cho lợi ích tất cả chúng sinh. 8) Hồi hướng tướng chân như: Thuận theo tướng chân như mà đem tất cả căn lành để hồi hướng. 9) Hồi hướng giải thoát, không trói buộc, không dính mắc: Đối với tất cả các pháp, không ôm giữ, không bám dính, không bị ràng buộc, đạt được tâm giải thoát, dùng các pháp lành mà hồi hướng, thực hiện hạnh Phổ Hiền, đầy đủ mọi công đức. 10) Hồi hướng pháp giới vô lượng: Tu tập tất cả căn lành vô tận, lấy đó để hồi hướng, nguyện cầu pháp giới có được vô lượng công đức.

(04) Hai không (nhị không): tức là nhân không (hay ngã không) và pháp không. Phàm phu si mê, cho rằng cái thân do năm uẩn hợp thành này là thật ngã, là chủ tể, từ đó mà tạo ra bao nhiêu nghiệp chướng, gây biết bao nhiêu phiền não, đau khổ. Đó là chúng sinh “chấp ngã”. Để phá trừ cái vọng chấp về ngã này, đức Phật đã thuyết giảng chân lí “vô ngã”, rằng cái “ngã” chẳng qua chỉ là sự giả hợp của năm uẩn, không có một chủ tể chân thật, thường nhất, tức là không có cái “ngã” thật. Các hành giả Nhị thừa (Thanh văn, Duyên giác) thể nhập chân lí “vô ngã”, gọi là “nhân không”, nhưng vẫn cho các pháp năm uẩn là thật có. Đó lại là một vọng chấp khác nữa – tức là “chấp pháp”. Để phá trừ cái vọng chấp về pháp này, đức Phật phải khai thị về trí tuệ bát nhã; dùng trí tuệ quán chiếu để thấy rõ tự tánh của năm uẩn đều vốn là không. Hàng Bồ tát nhờ đó mà chứng nhập chân lí “các pháp đều không”, gọi tắt là “pháp không”. “Hai không” cũng gọi là “hai vô ngã” (nhị vô ngã), tức “nhân vô ngã” (con người là vô ngã) và “pháp vô ngã” (sự vật là vô ngã).

(05) Mười trí lực (thập trí lực): cũng gọi là “mười thần lực” (thập thần lực) hay “mười lực” (thập lực), tức là 10 sức trí tuệ mà chỉ đức Phật mới có đầy đủ. Đức Phật đã chứng đắc cái trí thật tướng, thấy rõ, thấu suốt tất cả, không có cái gì có thể hủy hoại được trí đó, không ai có thể hơn được trí đó. Mười trí lực đó gồm có: 1) Sức trí tuệ biết rõ điều đúng đạo lí hay không đúng đạo lí: Đức phật quán sát sâu xa, thấy rõ một cách chân thật tất cả nhân duyên quả báo, như tạo nghiệp lành thì biết chắc chắn sẽ hưởng được quả báo an vui, gọi là “biết điều đúng đạo lí”; nếu tạo nghiệp xấu mà được hưởng quả báo an vui là không đúng đạo lí, gọi là “biết điều không đúng đạo lí”. Tất cả những sự việc như vậy, đức phật đều biết hết. 2) Sức trí tuệ biết rõ nghiệp báo suốt ba đời: Đức Phật biết rõ nơi sinh cùng nghiệp duyên quả báo của tất cả chúng sinh trải suốt ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai. 3) Sức trí tuệ biết rõ tiến trình giải thoát bằng thiền định: Đức Phật biết rõ một cách xác thật từng nấc tu tập thiền định của chúng sinh, cạn sâu thứ lớp như thế nào. 4) Sức trí tuệ biết rõ các căn tánh cao thấp: Đức Phật biết rõ một cách xác thật căn tánh của các đệ tử và khắp chúng sinh là hơn kém, cao thấp, quả vị chứng được là lớn hay nhỏ. 5) Sức trí tuệ biết rõ mọi hiểu biết: Đối với mọi sự hiểu biết, ưa thích lành dữ khác nhau của chúng sinh, đức Phật biết rõ tất cả. 6) Sức trí tuệ biết rõ mọi lãnh vực: Đức Phật biết rõ một cách xác thật mọi lãnh vực khác nhau ở thế gian. 7) Sức trí tuệ biết rõ mọi đường đi chỗ đến: Đức phật biết rõ một cách xác thật những phần hành hữu lậu của sáu đường đến đâu, và những phần hành vô lậu của niết bàn đến đâu. 8) Sức trí tuệ biết rõ không bị chướng ngại như thiên nhãn: Đức phật dùng thiên nhãn biết rõ một cách xác thật lúc sinh lúc tử của chúng sinh, cũng như những cảnh giới lành dữ mà chúng sinh sẽ sinh đến đó, cho đến các nghiệp duyên lành dữ của những chúng sinh xấu, đẹp, nghèo, giàu v.v... 9) Sức trí tuệ biết rõ các kiếp trước xa xôi: Đức phật biết rõ một cách xác thật mọi sự việc trong đời quá khứ, không những một đời mà đến trăm ngàn vạn đời, không những một kiếp mà đến trăm ngàn vạn kiếp, chúng sinh chết ở cõi này rồi sinh ở cõi khác, chết ở cõi khác rồi sinh ở cõi này, nào là tên họ, ăn uống, khổ vui, mạng sống dài ngắn v.v... 10) Sức trí tuệ biết rõ tất cả các tập khí đều đã dứt tuyệt: Đức phật biết rõ một cách xác thật tất cả các loại tập khí đều đã vĩnh viễn dứt tuyệt, không bao giờ còn sinh khởi nữa.

(06) Bốn đức vô úy (tứ vô úy, hay tứ vô sở úy): tức là 4 đức tự tin, dũng mãnh, không sợ sệt. Nhờ 4 đức tính này mà công việc giáo hóa chúng sinh trở nên dễ dàng, không trở ngại. Có 4 đức vô úy của Phật và 4 đức vô úy của Bồ tát.

A. Bốn đức vô úy của Phật là: 1) Có trí biết rõ tất cả không sợ sệt: Phật biết rõ tất cả các pháp, luôn luôn trụ nơi chánh kiến, rất tự tin, không gì làm cho khuất phục, không gì làm cho sợ sệt. 2) Dứt tuyệt các phiền não không sợ sệt: Phật đã hoàn toàn dứt trừ tất cả mọi loại phiền não, không một thứ chướng nạn nào có thể làm cho sợ sệt. 3) Vạch rõ những thứ làm chướng ngại cho đạo không sợ sệt: Phật chỉ rõ các phương pháp tu tập để vượt qua những chướng ngại, đối với bất cứ lời cật vấn nào cũng không làm cho sợ sệt. 4) Vạch rõ cách diệt khổ không sợ sệt: Phật chỉ bày cặn kẽ con đường dứt tuyệt khổ đau mà không gì làm cho sợ sệt.

B. Bốn đức vô úy của Bồ tát: 1) Nắm giữ tất cả không sợ sệt: Bồ tát luôn luôn nhớ đến giáo pháp, thọ trì không xao lãng, cho nên khi thuyết pháp trước đại chúng, lòng rất tự tin về những nghĩa lí nói ra, không có gì làm cho sợ sệt. 2) Biết rõ căn tánh không sợ sệt: Bồ tát biết rõ căn tánh của chúng sinh, tùy theo sáng suốt hay tối tăm mà hướng dẫn cho thích hợp, cho nên lòng rất tự tin, không gì làm cho sợ sệt. 3) Ứng đáp không sợ sệt: Đối với tất cả những câu hỏi của mọi người, Bồ tát khéo léo giải đáp đúng như chánh pháp, không gì làm cho sợ sệt. 4) Giải tỏa nghi nan không sợ sệt: Bồ tát lắng nghe tất cả những lời vấn nạn của mọi người, rồi theo như chánh pháp mà giảng giải cho từng trường hợp, làm cho mọi nghi nan đều được giải tỏa, sau đó lại thuyết pháp giáo hóa, không gì làm cho sợ sệt.

(07) Mười tám pháp không cùng chung (thập bát bất cộng pháp): Đây là 18 pháp công đức mà đặc biệt chỉ Phật mới có, chứ các hàng Bồ tát, Thanh văn và Duyên giác không có: 1) Thân không lầm lỗi (thân vô thất): Phật từ vô lượng kiếp đến nay, trì giới thanh tịnh, công đức đầy đủ, phiền não dứt sạch, cho nên ở nơi thân không hề có lầm lỗi. 2) Miệng không lầm lỗi (khẩu vô thất): Phật có trí tuệ biện tài vô lượng, tùy căn cơ của chúng sinh mà nói pháp thích hợp, làm cho tất cả đều được chứng ngộ. 3) Ý tưởng không lầm lỗi (niệm vô thất): Phật đã tu các pháp môn thiền định sâu xa, tâm không bao giờ tán loạn, không dính mắc nơi các pháp, tuyệt đối an ổn. 4) Không có ý tưởng phân biệt (vô dị tưởng): Phật cứu độ khắp tất cả chúng sinh một cách bình đẳng, không phân biệt chọn lựa. 5) Không có tâm bất định (vô bất định tâm): Trong mỗi lúc đi đứng ngồi nằm, Phật không bao giờ xa rời chánh định sâu xa, luôn luôn nhiếp tâm trụ nơi pháp lành. 6) Không có cái tâm không biết tự mình buông xả (vô bất tri kỉ xả tâm): Trong từng sát na, đối với những cảm thọ khổ vui, Phật thấy rõ các tướng sinh trụ dị diệt của chúng, cho nên vẫn an trú trong cảnh giới bình đẳng, vắng lặng. 7) Ý chí không tiêu mất (dục vô diệt): Phật có đầy đủ các đức lành, tâm luôn luôn muốn cứu độ chúng sinh mà không bao giờ cho là đủ hay nhàm chán. 8) Tinh tấn không tiêu mất (tinh tấn vô diệt): Thân tâm Phật lúc nào cũng tinh tấn, thực hiện mọi phương tiện để cứu độ chúng sinh, không lúc nào ngưng nghỉ. 9) Niệm không tiêu mất (niệm vô diệt): Tất cả các pháp và trí tuệ của chư Phật trong ba đời đều tương ưng đầy đủ, không có sự thối chuyển. 10) Trí tuệ không tiêu mất (tuệ vô diệt): Phật có đầy đủ tất cả trí tuệ, suốt cả ba đời không có gì chướng ngại, không khiếm khuyết, không tiêu mất. 11) Giải thoát không tiêu mất (giải thoát vô diệt): Phật dứt tuyệt mọi sự chấp trước, thoát khỏi cả hai lãnh vực hữu vi và vô vi, tất cả tập khí phiền não đều không còn, cho nên thành quả giải thoát không hề bị khiếm khuyết hay tiêu mất. 12) Giải thoát tri kiến không tiêu mất (giải thoát tri kiến vô diệt): Phật thấy biết các tướng giải thoát thật rõ ràng, không có gì che lấp được. 13) Tất cả thân nghiệp đều hành động theo trí tuệ (nhất thiết thân nghiệp tùy trí tuệ hành): Khi thân muốn hành động, trước hết Phật quán sát hậu quả của việc làm, sau đó sẽ tùy theo trí tuệ mà thực hiện, cho nên không gây ra lầm lỗi, chỉ đem lại lợi ích cho chúng sinh mà thôi. 14) Tất cả khẩu nghiệp đều nói năng theo trí tuệ (nhất thiết khẩu nghiệp tùy trí tuệ hành): Khi miệng muốn nói năng, trước hết Phật quán sát hậu quả của lời nói, sau đó sẽ tùy theo trí tuệ mà diễn bày, cho nên không gây ra lầm lỗi, chỉ đem lại lợi ích cho chúng sinh mà thôi. 15) Tất cả ý nghiệp đều tư duy theo trí tuệ (nhất thiết ý nghiệp tùy trí tuệ hành): Khi suy nghĩ, trước hết Phật quán sát hậu quả của ý nghĩ, sau đó sẽ tùy theo trí tuệ mà suy nghĩ, cho nên không gây ra lầm lỗi, chỉ đem lại lợi ích cho chúng sinh mà thôi. 16) Trí tuệ thấy biết đời quá khứ không bị chướng ngại (trí tuệ tri kiến quá khứ thế vô ngại vô chướng): Đối với mọi sự việc ở đời quá khứ, Phật quán chiếu thấy biết thông suốt, không có gì làm cho chướng ngại. 17) Trí tuệ thấy biết đời vị lai không bị chướng ngại (trí tuệ tri kiến vị lai thế vô ngại vô chướng): Đối với mọi sự việc ở đời vị lai, Phật quán chiếu thấy biết thông suốt, không có gì làm cho chướng ngại. 18) Trí tuê thấy biết đời hiện tại không bị chướng ngại (trí tuệ tri kiến hiện tại thế vô ngại vô chướng): Đối với mọi sự việc đời hiện tại, Phật quán chiếu thấy biết thông suốt, không có gì làm cho chướng ngại.

Lại nữa, có chỗ cho rằng, 18 pháp không cùng chung của Phật gồm có mười trí lực (xem phụ chú số 5 ở trên), bốn đức vô úy (xem phụ chú số 6 ở trên), ba nơi trụ của chánh niệm (tam niệm trú), và tâm đại bi. Ba nơi trụ của chánh niệm gồm có: 1) Đối với những người nghe pháp sinh tâm cung kính, Phật giữ tâm bình đẳng, không vui mừng. 2) Đối với những người nghe pháp sinh tâm bất kính, Phật giữ tâm bình đẳng, không buồn phiền. 3) Đối với những người cung kính lắng nghe và những người không cung kính lắng nghe, Phật giữ tâm bình đẳng, không thích người này, cũng không trách người nọ.

Hàng Bồ tát cũng có 18 pháp công đức mà Thanh văn và Duyên giác không cùng có chung (Bồ tát thập bát bất cộng pháp): 1) Bố thí không cần người khác khuyên bảo. 2) Giữ giới không cần người khác khuyên bảo. 3) Nhẫn nhục không cần người khác khuyên bảo. 4) Siêng năng không cần người khác khuyên bảo. 5) Thiền định không cần người khác nhắc nhở. 6) Trí tuệ không cần người khác dạy bảo. 7) Thực hành những cách thu phục để thu phục giáo hóa chúng sinh. 8) Hiểu rõ sự hồi hướng. 9) Lấy phương tiện thiện xảo làm chính để giúp chúng sinh tu hành. 10) Không thối lui trên con đường đại thừa. 11) Khéo léo thị hiện niết bàn nơi sinh tử, tâm thường an vui, lời nói và âm thanh đều khéo léo thuận theo thế tục. 12) Lấy trí tuệ làm kẻ dẫn đường, tuy có thọ sinh mà không hề thọ sinh, xa lìa mọi lầm lỗi. 13) Đầy đủ mười nghiệp lành nơi thân, miệng và ý. 14) Thường hay chịu đựng đau khổ để thu phục giáo hóa chúng sinh. 15) Có thể hiện bày những thứ mà thế gian yêu thích. 16) Tuy ở trong hàng Thanh văn và hạng phàm phu nhiều khổ não, nhưng không bao giờ mất trí sáng tỏ. 17) Khi nhận địa vị vua tất cả pháp, dùng lụa cột tóc và dùng nước vẩy đầu. 18) Không bao giờ rời bỏ sự mong cầu hiển bày chánh pháp của chư Phật.

(08) Ba phép tam muội: Chữ “tam muội” nghĩa là “định”. Ba chân lí không, vô tướng, vô nguyện do tu tập thiền định mà đạt được, nên gọi là “ba phép tam muội”. Đó cũng là ba cánh cửa đưa hành giả vào cảnh giới giải thoát, an lạc, tự tại, nên cũng được gọi là ba cửa giải thoát (tam giải thoát môn). 1) Không: Bản thể của mọi sự vật là không, có nghĩa là, vạn pháp đều hiện hữu theo nguyên lí duyên sinh, không có tự ngã. 2) Vô tướng: Vì là không, cho nên bản thể của vạn hữu cũng là vô niệm, tức là không thể dùng nhận thức phân biệt và khái niệm để nhận biết, mà phải dùng trí vô phân biệt mới thấy rõ được. 3) Vô nguyện: Trong nhận thức bình đẳng vô phân biệt (tức tuệ giác siêu việt) đó, sẽ không còn có sự phân biệt về chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức, về chủ thể chứng đắc và đối tượng chứng đắc, không có sự mong cầu cũng không có cái gì để mong cầu. “Vô nguyện” cũng gọi là “vô tác” (không có tạo tác), hay “vô khởi” (không có sinh khởi).

(09) Vô sinh nhẫn (hay vô sinh pháp nhẫn): Thật tướng chân như xa lìa hẳn các tướng sinh diệt, gọi là “vô sinh pháp”; chân trí tuệ an trú nơi lí lẽ này, không xao động, gọi là “vô sinh pháp nhẫn” – gọi tắt là “vô sinh nhẫn”. Bồ tát dùng trí tuệ siêu việt quán chiếu thấy rõ tự tánh của các pháp vốn là không, cho nên các pháp không hề có sinh khởi, bởi vậy, Bồ tát không hề xao động, gọi là “vô sinh pháp nhẫn”.

(10) Phương tiện, Nguyện, Lực và Trí ba la mật: Đây là bốn trong “mười ba la mật” (tức “mười độ”, hay “mười pháp qua bờ”, cũng gọi là “mười thắng hạnh”), tức là 10 đức thù thắng mà hàng Bồ tát phải có đầy đủ trước khi đạt được thành quả giác ngộ hoàn toàn. 10 thắng hạnh này gồm sáu pháp qua bờ, và thêm vào bốn pháp qua bờ nữa là phương tiện, nguyện, lực và trí, được phối hợp với tiến trình tu tập của hàng Bồ tát Mười địa. Nói cách khác, mười ba la mật là mười thành quả mà hàng Bồ tát ở cấp Mười địa đạt được do công năng tu tập, theo thứ tự như sau:

1) Thí ba la mật: Gồm tài, pháp và vô úy thí; là thành quả của Sơ địa (Hoan hỉ địa);

2) Giới ba la mật: Không hại sinh mạng, hành trì giới luật để thường tự tỉnh sát; là thành quả của Nhị địa (Li cấu địa);

3) Nhẫn ba la mật: Dứt hết giận hờn, không hủy nhục chúng sinh, nhẫn nhục trước mọi hoàn cảnh cần phải nhẫn; là thành quả của Tam địa (Phát quang địa);

4) Tinh tấn ba la mật: Tinh cần tu tập không phút nào xao lãng; là thành quả của Tứ địa (Diễm tuệđịa);

5) Thiền ba la mật: Thường giữ chánh niệm cho tâm an định; là thành quả của Ngũ địa (Nan thắngđịa);

6) Bát nhã ba la mật: Trí tuệ thấy rõ thật tướng của các pháp, thấu suốt diệu lí bình đẳng; là thành quả của Lục địa (Hiện tiền địa);

7) Phương tiện ba la mật: Dùng mọi phương pháp để khai mở trí tuệ, hiểu rõ mọi cách thức giúp ích cho chúng sinh; là thành quả của Thất địa (Viễn hành địa);

8) Nguyện ba la mật: Thường giữ tâm nguyện cứu độ chúng sinh, nói pháp vi diệu, biện tài vô ngại; là thành quả của Bát địa (Bất động địa);

9) Lực ba la mật: Có năng lực phân biệt rõ chân ngụy, tu dưỡng các hạnh lành thực tiễn, giúp chúng sinh dứt bỏ tà kiến; là thành quả của Cửu địa (Thiện tuệ địa);

10) Trí ba la mật: Trí tuệ biết rõ tất cả các pháp, giữ vững trung đạo, không chán sinh tử, không ham niết bàn, có lòng xả rộng lớn; là thành quả của Thập địa (Pháp vân địa).


BÀI TẬP

1) Sao gọi là “Ba hiền”?

Các vị Bồ tát ở các cấp Mười trụ, Mười hạnh và Mười hồi hướng, tuy đã đoạn trừ được kiến tư hoặc, nhưng vẫn còn vướng trần sa và vô minh hoặc, thì vẫn còn là phàm phu chứ chưa dự vào hàng thánh; địa vị của họ được gọi là “Ba hiền”.

2) Sao gọi là Bồ tát “Địa tiền”? Bồ tát “Địa thượng”?

“Địa” tức là “Mười địa”, là mười nấc thang tu tập cao nhất của hàng Bồ tát trước khi thành Phật. “Địa tiền” nghĩa là trước khi lên được cấp Mười địa; “Địathượng” nghĩa là ở ngay trong cấp Mười địa. Các hành giả khi mới phát tâm tu tập hạnh Bồ tát, phải trải qua các giai đoạn Mười trụ, Mười hạnh, Mười hồi hướng, để dứt trừ hết các kiến tư hoặc trước khi tiến lên cấp Mười địa, gọi là Bồ tát “Địatiền”; ở giai đoạn này, họ vẫn còn là phàm phu, nên cũng gọi là Bồ tát “phàm phu”. Hết giai đoạn “Địa tiền”, hành giả bước lên Sơ địa (nấc thang đầu tiên của cấp Mười địa), rồi dần dần tiến lên đến nấc thang cuối cùng là Thập địa, dứt sạch trần sa và vô minh hoặc để tiến lên quả vị Đẳng giác. Các vị Bồ tát ở trong giai đoạn Mười địa này, vì đã dứt trừ hết các kiến tư hoặc nên thoát ngoài ba cõi, vượt khỏi địa vị phàm phu, trở thành các vị thánh, cho nên gọi là Bồ tát “Địa thượng”, hay “Thập thánh”.

3) Sao gọi là “Kiến đạo”? Bồ tát phải tu tập đến địa vị gì mới có thể gọi là bậc “Tu đạo”?

Hành giả phát tâm tu tập hạnh Bồ tát, khi kiếp a tăng kì đầu tiên chấm dứt thì diệt trừ được hai thứ chướng ngại là phiền não (phiền não chướng – tức là tư hoặc) và kiến thức (sở tri chướng – tức là kiến hoặc), thấy rõ chân lí, gọi là địa vị “kiến đạo”. Sau đó hành giả phải tiếp tục tu tập để tiến lên Mười địa, dứt sạch vô minh vi tế, chứng nhập pháp thân, trở nên bậc thánh, đó là địa vị “tu đạo”.

4) Vì sao Sơ địa gọi là Hoan hỉ địa?

Sau khi đã trải qua kiếp a tăng kì đầu tiên với các giai đoạn tu tập Mười trụ, Mười hạnh, Mười hồi hướng, hành giả bước lên Sơ địa là nấc thang đầu tiên của cấp Mười địa. Bấy giờ hành giả đã dứt trừ hết mọi tà kiến, bắt đầu thấy rõ được tính không của ngã và pháp (nhị không), xả bỏ tâm niệm phàm phu để hòa nhập vào thánh trí của hàng Bồ tát pháp thân; bởi vậy mà có niềm hoan hỉ lớn, cho nên gọi là “Hoan hỉ địa”.

5) Vì sao gọi Thập địa là Pháp vân địa?

Thập địa là nấc thang cuối cùng, cao tột của hàng Bồ tát trước khi thành Phật. Ở địa vị này, hành giả đã có được tuệ giác và muôn hạnh đầy đủ, biết rõ mọi căn cơ khác biệt của mỗi chúng sinh mà tùy thuận giáo hóa với tâm bình đẳng; như mây lành rưới mưa pháp xuống khắp mọi nơi đều được thấm nhuần, cho nên gọi là “Pháp vân địa”.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Mười Địa Của Bồ Tát

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
4.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
10.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
12.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch