Luận rằng Niệm Phật Tam Muội là đường tắc giúp quần sanh chóng thoát ly ba cõi sanh về Cực-Lạc.

Trước tiên pháp môn được thuyết giảng tại núi Linh-Thứu, sau đó tại Lô-Sơn kế thừa nghi quỷ. Pháp môn này có từ xưa nay, mười phương xưng tán, chư Tổ truyền trì, nhưng trong sự thuyết giảng không đồng nên kẻ hậu học khó nắm được chỗ chỉ quy. Nghĩa lý pháp môn tam quán của Thiên-Thai đứng đầu các kinh hơn hẳn các thuyết, nếu y đúng giáo pháp mà tu tập thì được ngộ, lợi ích khó lường, hàng hậu học không thể không lấy đó làm phương sách.

Thế nào là tam quán?

Tức từ một niệm quán không, quán giả, quán trung thì Như-lai tánh hiển hiện, trí tuệ sáng tỏ. Không ấy là tất cả đều không, Giả là tất cả đều giả, Trung là tất cả đều ở trung đạo, đồng phá đồng lập, cũng không phải phá lập, viên dung tuyệt đãi, khó nghĩ khó bàn, thống nhiếp huyền môn các bộ, rộng hiển cảnh trí Phật, cùng tận nguồn gốc vạn pháp, hiển thị viên tu Tịnh-độ. Niệm Phật tam muội không phải pháp môn này nên nói là có điều chưa được rốt ráo.

Bài Tứ-Minh của đại sư nêu rõ diệu chỉ, luận đàm cho hàng hậu học, nay phải dùng lời đó để chỉ cầu sanh Tịnh-độ, nếu không dùng pháp tam quán viên đốn để giải thích áo chỉ kinh Thập Lục Quán cho người hiểu rõ để khởi công tu tập thì do đâu mà sanh về.

Mười sáu phép quán:

Thứ nhứt quán mặt trời lặn: Trước tiên đem tư tưởng hướng đến đức Phật kia, vì hàng sơ tâm tuy hiểu rõ căn trần đều là pháp giới nhưng tâm tưởng yếu kém thắng cảnh khó hiện, nên đức Như-Lai chỉ cách dễ để quán, tức lấy mặt trời lặn làm cảnh, tưởng như vậy khiến khi quán mặt trời mà được diệu giải, biết tâm năng tưởng vốn đầy đủ y chánh, hiện đủ nơi tâm nhựt, duyên vào đó khiến bản tánh nhựt hiển hiện do đó dẫn đến pháp giới tâm, duyên pháp giới cảnh, khởi pháp giới nhựt, toàn là pháp giới, há chẳng phải tức không, tức giả, tức trung, đây là nói tổng quát. Luận về chi tiết tam quán, do căn cảnh không tịch nên tâm nhựt vô ngại, do duyên khởi giả lập nên lụy tưởng nhựt sanh, mà tâm nhựt đủ cả pháp giới nên đương thể hiển hiện, khi nhựt quán thành thì tam quán đồng tại nhứt tâm, không phải một cũng không phải ba, mà một mà ba bất khả tư nghì. Nhựt quán như vậy, các quán khác cũng thế. Nên nhớ cả mười sáu pháp quán đều ứng dụng nhứt tâm tam quán: tức không, tức giả, tức trung.

Tiếp theo quán nước: Tưởng nước thành băng, vì cõi Cực Lạc đất toàn bằng lưu ly, vì đất khó tưởng nên phải tưởng băng trước, khi tưởng băng thành thì thấy được bảo địa. Các cảnh quán mặt trời, quán băng chỉ là phương tiện.

Thứ đến quán đất báu, cây báu, ao báu cho đến lầu các cung điện …Sáu pháp quán trước là quán y báo cõi Tịnh-độ.

Thứ đến quán tòa sen tam thánh ngự tọa, rồi quán ảnh tượng trang nghiêm tam thánh, dần đến chơn thể tam thánh. Muốn quán thân tướng Phật, trước tiên quán bảo tọa rồi quán thân Phật, nhưng quán thân tướng đức Phật liền rất khó nên phải quán hình tượng trước. Bảy pháp quán tiếp theo từ thân tướng trang nghiêm đức Phật đến chư vị Bồ-tát, chúng hội … là quán chánh báo cõi Cực Lạc.

Ba pháp quán cuối cùng gồm ba bậc chín phẩm của những người được vãng sanh. Vì sự tu nhơn không đồng nên cảm quả có sai biệt cao thấp, pháp tu quán đó là muốn cho hành nhơn nhận thức sự thắng liệt của ba bậc mà bỏ bậc trung và hạ, chuyên lo tu tập để được sanh vào thượng phẩm.

Trong sự tu quán phải đọc những điều chỉ dạy trong kinh nhớ kỷ trong lòng mà tưởng cảnh sở quán. Đã biết tự tâm vốn đủ nhưng phải nhờ vào cảnh, sự quán mới thành.

Lại đề kinh viết “Phật Thuyết Quán Vô-Lượng-Thọ Kinh”. Phật là thắng cảnh sở quán, nêu chánh báo là gồm y báo, nói vị hóa chủ là bao quát cả đồ chúng. Tuy có mười sáu pháp quán, nói Phật là trọn đủ cả, nên phải quán đức Phật kia vậy.

Muốn quán Phật, trước tiên quán đức Phật có sắc thân đoan nghiêm vi diệu cao lớn như hư không, mỗi mỗi thân phần có tám vạn bốn ngàn tướng hảo, nơi mỗi tướng hảo có tám vạn bốn ngàn tướng tùy hình hảo, trong mỗi tướng tùy hình hảo có tám vạn bốn ngàn tia hào quang sáng chói, trong mỗi tia hào quang có vô lượng thế giới, trong mỗi thế giới có vô số mười phương Phật, Bồ-tát, Thanh-văn, Duyên-giác tăng chúng, tất cả rất vi diệu trang nghiêm rộng lớn không thể diễn tả hết được.

Nên phải nhớ tưởng vào tâm nhãn như ở trước mặt, khi thấy được như vậy tức thấy mười phương chư Phật, do thấy chư Phật nên gọi là Niệm Phật Tam Muội. Thật hành pháp quán ấy gọi là quán tất cả thân Phật. Thấy được thân Phật thì cũng thấy được tâm Phật, tâm Phật từ bi rộng lớn, đem vô duyên từ nhiếp độ chúng sanh. Quán được pháp quán này, khi bỏ thân sang đời khác thì được sanh đến trước mặt chư Phật, chứng được vô sanh nhẫn.

Lại nữa, quán một tướng hảo đức Phật Vô-Lượng-Thọ tức là quán tướng bạch hào tại giữa hai chân mày đức Phật thật rõ ràng, thấy rõ bạch hào ở mi gian hiện đủ tám vạn bốn ngàn tướng hảo. Khi thấy được Phật Vô-Lượng-Thọ tức thấy được mười phương vô lượng chư Phật, khi được thấy vô lượng chư Phật thì được chư Phật hiện tiền thọ ký. Đó là quán tất cả sắc thân tướng, nên trong mười sáu pháp quán vi diệu, quán Phật quan trọng hơn cả. Quán tưởng cả tám vạn bốn ngàn tướng hảo thì khó thành nên nói chỉ quán một tướng bạch hào lớn như năm núi tu di, khi tưởng này thành tựu thì tám vạn bốn ngàn tướng hảo đều hiện.

Nếu tâm đã thông suốt trước tu các pháp quán, khi quán đã thâm sâu thì cũng xứng với pháp quán tướng bạch hào, tám vạn bốn ngàn tướng hảo tự nhiên hiện rõ. Nếu bắt đầu quán hào tướng mà tâm còn yếu kém thì chưa thể tu tất cả pháp quán được và nếu quán chưa được thì nên riêng chọn một thân tướng của Phật mà quán.

Ngài Từ-Vân pháp sư chỉ tưởng ngay thân Phật sắc vàng trượng sáu tọa vị trên hoa sen, chuyên chú vào một tướng bạch hào, hào tướng ấy dài một trượng năm thước, rộng năm tấc, có tám cạnh, giữa trống không, quay theo chiều phải tại giữa chân mày, viên dung thanh tịnh sáng ngời, chiếu tỏa kim nhan rõ ràng phân minh. Khi thực hành pháp tưởng này phải buộc tâm chú tưởng kiên cố không được xao lãng, nếu quán tưởng này thành thì tam muội hiện tiền. Kinh “Quán Phật Tam Muội” nói rằng: Nếu hành giả chí tâm hệ niệm đoan tọa quán niệm sắc thân thì tâm ta như tâm Phật, cùng Phật không khác, tuy tại trần lao nhưng không bị bụi trần che lấp. Tu quán này là chơn thật niệm Phật. Do đó biết rằng quán Phật được nhiều công đức như vậy.

Lại nữa, Thế Tôn cõi Cực-Lạc có tướng hảo quang minh vi diệu rộng lớn mà tâm tưởng chúng sanh lại kém cỏi nên tưởng niệm khó thành, do đó đức Phật bảo khi quán tưởng chơn thân nên trước nhìn hình tượng đức Phật ngồi trên bảo tọa, đầu tiên là quán tòa sen, khi quán tòa sen được rồi mới quán đến hình tượng.

Kinh nói rằng: Chư Phật Như-Lai là pháp giới thân nhập vào tâm tưởng tất cả chúng sanh, nên khi tâm chúng sanh tưởng đến Phật thì tâm đó có ba mươi hai tướng tốt tám mươi nét đẹp, tâm đó thành Phật, tâm đó thành Phật, tâm đó là Phật. Chánh biến tri chư Phật lớn như biển cả, theo tâm tưởng phát ra, nên khi quán phải nhứt tâm giữ niệm quán kỹ đức Phật kia.

Pháp giới thân là pháp giới tánh, báo thân Phật trọn đủ, thỉ giác là báo thân Phật, cứu cánh rạng ngời, bổn giác là pháp tánh thân, thỉ bổn hổ tương nên có sự ứng dụng. Chúng sanh năng cảm thì chư Phật năng ứng, năng cảm như nước, năng ứng như bầu trời, thỉ giác hiệp với bổn giác như trăng tròn giữa trời lộng, ứng nhập tịnh tướng như ảnh hiện trăm sông, cảm ứng đạo giao, ấy là nghĩa nhập chúng sanh tâm tưởng. Lại pháp giới thân tức là Phật thân, lấy pháp giới làm thể nên châu biến cùng khắp, khi được Phật tam muội quán này thì quán tâm khế nhập Phật thể, Phật thể nhập quán tâm, đây là thỉ giác ngộ được bổn giác, nên bổn giác nhập vào thỉ giác, có ngộ có nhập cả hai tương ứng tức nhập vào tâm tưởng chúng sanh vậy. Nên hiểu rằng quán tâm này không phải trực tiếp dùng ấm tâm quán bản tánh Phật mà nhờ vào Phật để hiển bản tánh nên trước nói Phật nhập vào tâm tưởng ta, thứ đến nói Phật cùng tâm toàn là bổn giác. Cho nên trước phải hiển Phật mới rõ được bản tánh minh liễu, đó là nhờ nơi ngoài để lập nghĩa duy tâm quán. Khi đã rõ hai điều này thì rõ được pháp quán.

Lại kinh nói tâm tưởng Phật thì tâm ấy là Phật. Sở dĩ nói quán Phật là để hiển rõ ý chỉ tu, tánh không hai. Còn nói làm Phật có hai nghĩa:

1/ Tâm tịnh thì cảm đến Phật ở tha phương, nghĩa là pháp thân chư Phật vốn không có hình tướng do tâm chúng sanh tịnh y vào nghiệp thức mà nhập vào pháp thân Phật, có thể thấy được thắng ứng sắc thân Phật.

2/ Tam muội thành tựu tự đắc quả Phật, nghĩa là chúng sanh đem tịnh tâm tưởng, thành tựu được quán Phật tam muội thì mình có thể đắc quả thành Phật.
Hai nghĩa này trước nói đức Phật khác, sau nói tự đắc quả Phật. Do đó biết rằng quả Phật từ tu mà chứng không phải tự nhiên, toàn tánh thành tu nên rõ được tánh đức không phải tự nhiên thành Phật vậy.

Nói thành Phật cũng có hai nghĩa:

1/ Tâm tức ứng Phật. Trước đã nói tánh vốn không hình tướng do tâm cảm mà có nên: tâm, Phật, có, không, rõ ràng khác biệt. Vì nhận sai điều này nên bảo tâm chúng sanh là ứng Phật, nếu lìa tâm ra thì ngoài không có Phật.

2/ Tâm tức quả Phật. Tâm là quả Phật, nên không có cái nhơn thành Phật. Vì trong tâm chúng sanh đã sẵn có một Như-Lai đang ngồi kiết già rồi đâu phải đợi đến thời vị lai.

Do hai nghĩa này rõ được quả Phật vốn sẵn đủ không phải do duyên mới có Phật. Do tu tánh hiện nên rõ không phải nhơn tu đức mới có Phật.

Hiểu như thế thì rõ được tam quán. Phá không lập giả là nhị biên quán. Không phá cũng không lập là trung đạo quán. Nơi tam đế đều phá đều lập mà cũng không phải phá lập, là không giả trung quán. Do đó phá được tam hoặc (4) lập tam pháp (5), cảm ứng đến tam thân Phật, khiến tâm ta được quả tam thân. Nơi không giả trung quán thì toàn “hoặc” thành trí, toàn chương thành đức, nên tâm là ứng Phật, là quả Phật. Nhận rõ được nghĩa đó nhứt tâm tu tập là bất nghì tam quán là tổng thể thập lục quán, là diệu tông kinh văn vậy. Do đây được rõ nghĩa rốt ráo, hành giả nên lấy ý này tu nhơn Tịnh-độ.

Hỏi: Vì sao không theo pháp quán tưởng để được trực vãng Tây phương như kinh nói lại còn nói pháp huệ quán khiến hàng sơ tâm khó hiểu?

Đáp: Vì sự lợi độn không đồng nên có huệ quán hay sự quán. Để được hoàn toàn nhứt tâm sanh về Tịnh-độ, nếu độn căn nên theo sự quán, còn lợi căn nên chuyên về tâm quán.
Trong kinh sớ nói: Nếu giải theo viên giáo thì hoàn toàn khác với tiểu thừa, vì tiểu thừa không rõ được lý duy tâm, cho rằng có một đức Phật nên thể của tâm, Phật không đồng. Đại thừa nhận rõ tâm ta có đủ tánh Phật, nương cảnh mà quán thì tướng Phật hiển rõ. Lấy quán y chánh Di-Đà làm duyên huân tập vào tâm, tâm đã có y chánh rồi lại do huân tập mà phát khi tâm đã phát trọn vẹn thì đâu cần lìa tâm, bấy giờ toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, trọn ngày quán tâm tức trọn ngày quán Phật vậy.

Lại nên hiểu rằng: Khi tâm thể khởi lên một niệm thì viên dung cả pháp giới bất tư nghì, lại nói đến thể thì: chúng sanh, Phật, y, chánh, căn, cảnh, nhứt tâm, nhứt trần cho đến cực vi đều là thể của pháp giới, mỗi mỗi pháp đều đủ cả pháp giới, nên nói một thì viên dung cả pháp giới, đã đủ cả pháp giới thì trong một vật há lại không đủ các pháp sao? Vì tất cả pháp mỗi mỗi đều đủ các pháp nên nay mới lập các nghĩa duy sắc, duy hương v.v…

Lại đức Tỳ-Lô-Giá-Na biến khắp nơi, tất cả pháp đều là phật pháp, nghĩa là chúng sanh có đủ tánh đức Phật, không tự, không tha, không nhơn, không quả, tức là thể viên thường đại giác, thể Phật quả viên minh, phàm phu vốn đủ tánh đức Phật, cho nên tứ tam muội thông gọi là niệm Phật. Nếu áp dụng pháp quán vi diệu này quán cảnh giới An-dưỡng đến Phật Di-Đà thì hiển được chơn thể Phật. Tuy nương vào cảnh giới đó nhưng phải hiểu y chánh cũng đồng nơi nhứt tâm, tâm tánh đã cùng khắp thì không pháp nào không lập, không pháp nào không sẵn đủ, nếu ngoài tâm mà có một mảy trần thì không thể gọi là đại thừa tam quán được.

Kinh Nhân Vương Bát Nhã chép: Phật hỏi vua Ba-Tư-Nặc lấy tướng gì để quán Như-Lai?

Nhà vua đáp: Quán thật tướng thân, quán Phật cũng như vậy, không có quá khứ, hiện tại, vị lai, không trụ vào ba thời, cũng không lìa ba thời, không trụ vào năm uẩn cũng không lìa năm uẩn, không trụ vào tứ đại cũng không lìa tứ đại, không trụ vào lục nhập cũng không lìa lục nhập, không trụ vào tam giới cũng không lìa tam giới, cho đến không có kiến văn giác tri, tâm hành xứ diệt, ngôn ngữ đạo đoạn, đồng với chơn tế, ngang với pháp tánh, tôi dùng tướng này mà quán thân Như-Lai.

Phật nói: Nên như vậy mà quán, nếu khác vậy là tà quán.

Do nghĩa này được rõ thêm nghĩa trên.

Lại nói: Nếu như vậy thì sao không trực tiếp quán cảnh giới và vi diệu chơn thân mà phải quán hình tượng trước?

Vị giáo chủ Ta-bà xưng tán cõi Cực-Lạc chính muốn đưa chúng sanh ra khỏi cõi ngũ trược nên dạy quán pháp thân đức Phật kia cao sáu mươi vạn ức na do tha do tuần, nhưng vì hàng hạ căn nên phương tiện chỉ cách quán bảo tượng nhỏ trên đài sen trước, tiếp đến quán hình tượng trượng sáu, vì nhỏ dễ quán hơn, nên từ nhỏ đến lớn vậy. Do tu tập thành quen, hình thể nhỏ lớn có khác, cứ vậy mà theo thì tánh năng quán lúc đầu không khác cảnh sở quán đâu có hạn lượng, nên viên đốn chỉ cần một lời là đã trọn thâu, chỉ trước sau đâu phải là tiệm, thuận theo căn cơ mà chẳng thiên lệch, nhờ quán tưởng mà rõ thật tướng.

Niệm Phật Tam Muội là đường thẳng, thỉ chung không hai, thuộc đại thừa viên đốn, như ánh sáng nhựt nguyệt chiếu rọi khắp nơi, rõ được tâm chơn vọng là một mà không đồng, theo lý thì có nơi đến, có thể y đó tu tập hằng ngày, giải hạnh quán huệ đều đủ, hành giả há không tận sức sao?

_________________
 

4. Tam hoặc: Kiến tư hoặc, trần sa hoặc và vô minh hoặc.

5. Tam pháp: định, huệ, xả.

Trích từ: Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
2 Luận Bảo Vương Tam Muội, Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn Tải Về
3 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
4 Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Cư Sĩ Minh Chánh Tải Về
5 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
6 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
7 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về
8 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
9 Quy Nguyên Trực Chỉ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
10 Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
11 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
12 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
13 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
14 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
15 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về

Quán Nhân Duyên
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Phép Quán Tướng Bạch Hào Của Phật
Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu