Home > Khai Thị Niệm Phật > Mon-Du-Ðai-Ðao
Môn Dư Ðại Ðạo
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Giải thoát được sự khổ luân hồi trong lục đạo, trong cõi trời và cõi người [vẫn phải chịu nỗi khổ này, vẫn] chưa được giải thoát. Chứng quả A La Hán, đoạn dứt hơn một trăm sáu mươi phẩm Kiến Tư Hoặc, bổn tánh đã phóng quang minh, chẳng mê lạc vào trong lục đạo [cũng chưa rốt ráo], chỉ có nương theo pháp Ðại Thừa tu thành quả vị Phật vạn đức vạn năng mới là rốt ráo nhất. Tuy kinh đã nói rõ phương pháp giải thoát nhưng thực hành hết sức khó khăn, thành Phật phải trải qua ba A Tăng Kỳ kiếp, thành A La Hán cũng phải trải qua bảy lần sanh tử. Phàm phu nhìn thấy sự việc khó khăn như vậy ai cũng sợ và thoái lui, chỉ có đức Phật Thích Ca là chẳng như vậy. Vì lẽ đó, từ khi đức Phật thị hiện thành đạo đến nay đã hơn hai ngàn năm trăm năm (đúng ra phải là hai ngàn chín trăm năm), chưa gặp một đức Phật thứ hai xuất hiện, vì thế mới biết thành Phật khó khăn dường nào.

Tám vạn bốn ngàn pháp môn trong Phật pháp đều phải mở mang trí huệ quang minh trong bản tánh, đây là những pháp môn thông thường, ngày nay chúng ta tu hành [theo những pháp môn này] đều khó thành tựu. Hôm nay tôi nói về pháp môn đặc biệt ngoài những pháp môn thông thường, pháp môn đó gọi là Môn Dư Đại Đạo.

Ðiểm khác biệt với những pháp môn thông thường là ở chỗ chẳng khai phát trí huệ quang minh trong bản tánh mà còn có thể thành tựu. Ngày nay được nghe pháp môn này, phải hết sức lưu ý. Nếu bỏ qua cơ hội, chẳng biết tới bao giờ mới có duyên nghe được!

Các pháp môn thông thường, bất kể Ðại Thừa hay Tiểu Thừa, đều dùng tự lực. Pháp môn đặc biệt thì ngoài tự lực còn có thêm Phật lực trợ giúp, gọi là Nhị Lực pháp môn. Cũng như đi lên lầu cao, nếu có người phụ giúp, sẽ dễ dàng hơn nhiều. Tại sao pháp môn đặc biệt có thể nhờ Phật lực, còn pháp môn thông thường chẳng được Phật lực giúp đỡ? Phải biết Phật học không thể mê tín, tu hành phải nhờ vào tự lực, chẳng thể cầu mong Phật tu giùm cho mình, như người đói phải tự ăn, chẳng thể nhờ người khác ăn mà mình hết đói được. Vì vậy, pháp môn thông thường phải tự thực hành, pháp môn đặc biệt cũng phải như vậy, chỉ có thêm nhân duyên thù thắng là được Phật lực gia trì mà thôi. Pháp này chẳng thể nghĩ bàn, người tu hành chưa thành Phật đều chẳng hiểu rốt ráo. Không chỉ người thường chẳng hiểu, ngay cả những người học vấn cao sâu, tu học đã lâu cũng đều chẳng tin, vì vậy, gọi là pháp khó tin. Hôm nay tôi chỉ y theo chú thích của tổ sư nhiều đời trước, chẳng dám nói theo ý riêng của mình. Tuy pháp này gọi là khó nghĩ bàn, nhưng sự thực hành chẳng khó lắm, dù chẳng có học vấn nhưng ai chịu làm theo sẽ đều thành công. Nếu chẳng làm theo, dù có học vấn cao đến đâu đi nữa, vẫn chẳng thành công, do đó gọi là pháp khó tin nhưng dễ hành.

Sau khi giải thích ý nghĩa của pháp môn đặc biệt xong, tôi sẽ nói đến phương pháp. Tuy nói tám vạn bốn ngàn pháp môn khó hành, nhưng nếu ai chịu tu hành, sẽ đều có thể liễu sanh tử, thoát ly luân hồi. Ngày nay chẳng ai chịu hành theo, nên chỉ có pháp môn đặc biệt này là có thể thành tựu.

Tại sao chúng sanh tu hành theo tám vạn bốn ngàn pháp môn chẳng thể thành tựu? Vì có ba chướng ngại.

Thứ nhất là “vô nhân hy quả”, [tức là] tâm chúng sanh thường mong mỏi chẳng nhọc nhằn chi cả mà đạt được kết quả tốt đẹp; lúc còn sống chẳng chịu tu hành, nhưng khi mất đi bèn hy vọng được sanh vào cõi lành, thân quyến của tang chủ thường tụng kinh siêu độ cho người mất, hy vọng [người ấy] được siêu sanh, hoặc treo tràng phan chúc thọ Tây Phương tiếp dẫn. Hoặc khi nằm mộng, mơ thấy chết rồi sanh làm quỷ thần, được trường sanh bất diệt, đây đều là sự hiểu biết lầm lạc của chúng sanh.

Thứ hai là “phóng dật, sợ phải học”: Chúng sanh học Phật khó thành là vì ưa thích buông lung, chán ghét lao nhọc, chỉ biết cầu phước, chẳng hiểu chỗ diệu dụng của Phật pháp. Kinh nói: “Ðức Phật vì một đại sự nhân duyên xuất hiện ở thế gian này”. Ðại sự nhân duyên là gì? Là để giải quyết vấn đề sanh tử trọng đại, vấn đề này chúng sanh trong lục đạo chẳng ai có khả năng giải quyết. Đức Phật vì đại sự này thị hiện trên thế gian, chúng sanh chỉ cầu mong tiêu tai diên thọ; khuyên người liễu sanh tử đâu có ai nghe, dù có nghe cũng chẳng giác ngộ!

Thứ ba là ham muốn dục lạc, lười nhác tu hành. Thánh nhân Trung Quốc dạy người kiểm soát dục vọng, kiểm soát không nổi thì dùng lễ nhạc để đối trị. Tức là dạy họ “phát hồ tình, chỉ hồ lễ” (khi tình cảm nam nữ nẩy sanh, phải dùng lễ để ước thúc), dùng lễ để kềm chế. Ngày nay, con người tôn sùng văn hóa Âu Tây, chạy theo dục vọng cuồng hoan, mê hoặc trong sự hưởng lạc, thân vùi trong ngũ dục, lục trần, tâm tán loạn, nếu khuyên họ tu pháp xuất thế, họ chẳng đủ nhẫn nại để chịu đựng khổ nhọc dài lâu.

Con người có ba chướng ngại kể trên nếu không giác ngộ sẽ mờ mịt cả đời, lúc lâm chung thuận theo nghiệp dẫn dắt. Khi đã giác ngộ, chẳng ai không cảm thấy đau khổ cùng cực, đời người ngắn ngủi như trong chớp mắt, phước báo hưởng hết rồi, lúc mạng chung liền đọa tam đồ. Bởi vậy, người có trí chẳng ai không thiết tha đến sự vô thường của đời người và mau chóng đường giải thoát. Nhưng thường vì công phu tu hành chẳng sâu dầy, một khi chuyển thế liền mê mất, lại tiếp tục tạo ác nghiệp. Thí dụ như chúng ta ở đạo tràng này, bất kể là người nghe hay người nói đều chẳng phải là ngẫu nhiên, nhất định phải do công phu từ đời trước. Nếu không, lúc nghe sẽ chẳng thấm thía, người nói cũng cảm thấy khó khăn. Lúc chưa nghe đến Phật pháp trong đời này, chẳng ai không mê hoặc, tạo nghiệp. Lúc nhỏ, tôi cũng đã từng hủy báng kinh tượng Phật, sau này vì lo sợ loạn lạc, chiến tranh, nên mới thức tỉnh hối cải và học Phật. Thế nên phải biết: Nếu tu học không thành, một khi chuyển thế, sẽ chẳng biết đến khi nào mới được giải thoát. Ngày nay chúng ta rất may mắn được nghe Phật pháp, nếu chẳng cầu thoát ly thì còn đợi đến lúc nào nữa? Muốn cầu thoát ly nhưng lại sợ khổ nhọc vì chẳng trừ khử được ba thứ chướng ngại kể trên, hỡi ôi, phải làm sao đây?

Ðức Phật lấy từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa, đức Phật Thích Ca nói về pháp Môn Dư Ðại Ðạo nhằm khuyến khích chúng sanh [phát tâm niệm Phật, phát nguyện] vãng sanh về thế giới Cực Lạc của đức A Di Ðà Phật.

Phật giáo vô lượng, A Di Ðà Phật từ bi đệ nhất, nguyện lực đệ nhất trong chư Phật, Ngài biết rõ chúng sanh có đầy đủ ba thứ chướng ngại kể trên, nên tùy thuận tâm chúng sanh, tạo dựng một thế giới tên là Cực Lạc, dùng nơi đó nhằm tiếp dẫn thần thức của húng sanh trong khắp mười phương thế giới về đó hưởng các niềm vui [và tu học] thành Phật.

Thế giới Cực Lạc là một thế giới khoa học phát triển. Khoa học như chúng ta hiểu biết trong hiện thời vẫn còn đang trong thời kỳ ấu trĩ. Phật pháp vô biên, trình độ khoa học ở thế giới Cực Lạc vượt quá xa đến nỗi chúng ta chẳng thể nào nghĩ tưởng nổi.

Chúng sanh muốn thành Phật luôn gặp ba thứ chướng ngại, nhưng nếu vãng sanh về thế giới Cực Lạc, ba chướng ngại sẽ biến thành con đường thành Phật.

Chúng sanh ở đây không có nhân mà muốn có quả, chắc chắn sẽ không đạt được quả. Tuy thế giới Cực Lạc không có nhân nhưng có quả[7]. Khi vãng sanh rồi, bèn có ba mươi hai tướng tốt, sáu thứ thần thông, vô lượng quang minh, vô lượng thọ mạng, chẳng sanh, chẳng diệt. Chúng ta ở thế giới này mà phóng dật, sợ phải học, sẽ chẳng đạt được pháp, còn trong Cực Lạc thong thả cũng học được pháp. Phàm khi đi du ngoạn ở công viên, nghe tiếng gió thổi, tiếng chim hót cũng giống như nghe pháp tu hành, còn ở đây thì gió thổi, chim kêu chẳng ai biết ý nghĩa gì hết, chỉ là âm thanh tạp loạn. Âm thanh ở thế giới Cực Lạc đều là pháp âm, nghe rồi liền hiểu đạo lý. Còn người không biết thì gột rửa trong ao tám công đức liền khai trí huệ. Chúng ta ở thế giới này tâm niệm lục trần mải mê hưởng dục lạc nhất định chẳng thể nhập đạo, còn trong Cực Lạc thì tùy theo ý muốn liền nhập đạo. Nơi đây do khoa học phát triển nên cũng có thể dùng phi cơ để bay đi nơi khác, nhưng nếu chẳng cẩn thận cũng có thể bị mất mạng khi máy bay trục trặc. Còn cõi Cực Lạc chẳng có sự nguy hiểm đó, hết thảy đều thuận theo tâm chúng sanh có thể hưởng mọi thứ khoái lạc.

Mức độ khoa học phát triển ở thế giới Cực Lạc người xưa nghe xong rất khó tin tưởng, ngày nay nhờ cơ sở khoa học hiện đại phát triển nên có thể giải thích phần nào những sự thật ấy. Ngày nay, ta thường thấy sàn nhà có lót gạch, cẩn dây đồng, người ta thường biết việc này học từ người Âu Tây, chẳng biết thế giới Cực Lạc đã có những thứ này từ lâu rồi, chỉ khác ở chỗ một bên là vàng ròng, còn một bên là dây đồng… Còn về điện báo vô tuyến, người xưa cũng chẳng tin, ngày nay toàn là những đồ dùng hằng ngày, chẳng còn lạ lùng gì nữa. Thiên Nhĩ Thông trong thế giới Cực Lạc vượt trội vô tuyến điện của chúng ta, tiếc rằng phàm phu bị tình chấp chướng ngại, chỉ tin chuyện ở đây, chẳng chịu tin nơi kia. Người ta tin vô tuyến điện thực ra là mê tín vì chỉ biết ‘sự’ này nhưng chẳng biết ‘lý’ của nó, tuy tin chắc nhưng vẫn là mê muội. Do vậy, mê hoặc chỉ tin những sự việc ở thế giới này, niệm niệm chẳng xả, cho nên chẳng chấp nhận khoa học [phát triển] trong thế giới Cực Lạc.

Sự giàu sang hoa lệ ở thế giới Cực Lạc nói mãi chẳng hết, nói đại khái bèn có thể kể tới những sự hưởng thụ sau đây:

Nói đến nơi cư trú, bên đó có lầu đài làm bằng thất bảo. Chẳng phải chỉ có những đồ trang trí bên ngoài mới làm bằng thất bảo, mà bất cứ vật liệu kiến trúc gì cũng làm bằng thất bảo. Chẳng phải như nhà ở nơi đây làm bằng gỗ, xi măng, gạch, ngói. Cõi Cực Lạc không có lầu cao, nếu có thì những căn lầu cao chọc trời ở đây cũng không sánh bằng!

Nói đến thức ăn, mỗi hạt ngũ cốc của chúng ta ở đây đều phải trồng trọt cực khổ mới có. Những người giàu có, mỗi ngày đều đến tiệm ăn cũng phải coi thực đơn rồi chọn món ăn. Còn thức ăn ở cõi Cực Lạc, có đầy đủ trăm món ngon lạ, vừa khởi ý niệm liền hiện ra trước mặt, ăn xong liền biến mất, chẳng phải rửa chén bát, nồi, niêu, xoong, chảo.

Nói đến y phục, chúng ta phải đo kích thước đàng hoàng rồi mới may mặc, rất phiền phức, lại dễ bị dơ bẩn, hư rách. Còn y phục cõi Cực Lạc hình dáng, màu sắc đều tùy tâm sở thích, tự nhiên hóa thành, vĩnh viễn chẳng dơ bẩn, hư rách.

Nói về phương tiện giao thông, ở đây chúng ta cần có rất nhiều thứ, thí dụ như xe, tàu, máy bay. Còn ở cõi Cực Lạc chẳng cần gì cả, khi chúng ta ở trong nhà, nếu muốn đi tới nơi nào, chẳng cần bước ra khỏi cửa, cả căn nhà liền bay đến chỗ muốn đến. Nếu nói tường vách che lấp không thấy ngoại cảnh thì tường vách liền tự động biến mất, hiện ra hoa sen lớn chở chúng ta đi. Nếu sợ gió thì tường vách liền hiện ra. Tất cả đều là những máy móc kỳ diệu chuyên chở người ta. Muốn đến thế giới phương khác, vừa khởi ý niệm liền đến nơi, vừa nhanh chóng, vừa an toàn.

Trên đây là nói đại khái về y phục, thức ăn, chỗ ở, phương tiện di chuyển. Nếu để ý so sánh, liền biết sự khác biệt giữa hai thế giới. Thức ăn của chúng ta đều sanh trưởng từ đất đai ô uế. Những thịt cá động vật làm thức ăn cho con người, trong thân thể có đủ thứ trùng, bọ, phẩn uế, độc tố. Chúng ta dùng nước đã được lọc sạch, tuy chẳng có ký sinh trùng, nhưng cũng có quá nhiều chất hóa học, chẳng có chất nào không có hại cho thân thể. Ở thế giới chúng ta tuy có máy truyền hình có thể thâu hình và âm thanh từ những nơi xa, nhưng còn phải mất công lấy tay bấm vào máy, còn thế giới Cực Lạc trên mỗi bông hoa, mỗi lá cây đều có thể nhìn thấy vô lượng thế giới. Cả ngày đều có âm nhạc vi diệu phát ra, nếu không thích nghe thì âm thanh đó tự nhiên ẩn mất. Tuy mình không nghe nhưng người khác vẫn có thể nghe được.

Thế giới chúng ta cũng có ao nước, dưới đáy lót bằng gạch, rất trơn trợt, nếu không cẩn thận trượt té sẽ bị thương. Còn ao nước ở cõi Cực Lạc đều do vật báu làm thành, dưới đáy ao có toàn cát vàng, nếu ai cảm thấy cứng quá đâm vào chân khó chịu thì cát ấy liền trở thành mềm mại. Ngược lại ai cảm thấy quá mềm thì cát ấy sẽ trở thành cứng. Nước trong ao chẳng dơ bẩn như nước ở đây, lạnh nóng bất thường. Nước ao cõi Cực Lạc có đầy đủ tám công đức, ai muốn lạnh thì nước liền lạnh, ai muốn nóng thì nước liền nóng, ai muốn cạn, muốn sâu, nước đều biến thành vừa ý người đó.

Ngày nay khoa học phát triển, một ngày có thể đi ngàn dặm, con người hưởng thụ vật chất càng ngày càng tăng thêm, [nhìn từ một góc độ nào đó] cũng có thể nói là khá sung sướng, nhưng thọ mạng chúng sanh quá ngắn, hưởng thụ chưa được bao lâu đã phải chết mất. Còn cõi Cực Lạc vĩnh viễn không phải lo lắng về cái chết, chỉ hưởng thụ mọi điều vui sướng mãi cho tới khi thành Phật. Thử nhìn về sự học Phật, cõi này của chúng ta có đủ mọi nỗi gian khổ, thí dụ như học Thiền nhất định phải tham Thiền chết lên chết xuống mà cũng chỉ chứng tới mức A La Hán. Còn vãng sanh Cực Lạc thì hưởng hết mọi thứ vui sướng và cũng có thể chứng được Vô Thượng Bồ Đề.

Sự thù thắng của cõi Cực Lạc là như vậy, [chúng ta] nên hỏi làm sao mới vãng sanh về đó được? Giáo chủ cõi Cực Lạc là A Di Đà Phật đã nghe thấy hết tâm thanh của mọi chúng sanh. Chúng ta chỉ cần chí tâm niệm A Di Đà Phật, liền cảm ứng đạo giao cùng đức Phật, đến lúc lâm chung đức Phật A Di Đà liền đến tiếp dẫn vãng sanh thế giới Cực Lạc. Trên mặt Sự tuy đơn giản như vậy, thực hành cũng cần phải tuân theo ba yếu quyết. Thứ nhất là Tín, nếu làm giống như đã nói thì là “tin chắc chẳng nghi”. Thứ nhì là Nguyện, lúc lâm chung không chịu lên cõi trời làm Ngọc Hoàng. Thế giới Lưu Ly ở Đông phương, thế giới thượng phương của Phật Di Lặc, hoàn cảnh tuy tốt đẹp chúng ta cũng không phát nguyện sanh về đó, chỉ nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Thứ ba là Hạnh, niệm câu Phật hiệu này tới lúc [giữ chặt trong tâm mãi] không đánh mất là được. Tâm chúng sanh loạn, lúc tỉnh tạp niệm nhiều, lúc ngủ lại nằm mộng, học Phật phải dẹp trừ tâm loạn đó. Học Thiền và những pháp môn khác, trải qua hết mọi nỗi gian khổ, dần dần đoạn Hoặc, trải qua nhiều năm nhiều kiếp tu hành, mới có thể nói là có thành tựu. Niệm Phật chẳng cần phải đoạn Hoặc, chỉ cần vãng sanh về thế giới Cực Lạc liền thành tựu ngôi bất thoái. Nếu niệm tới mức đoạn Hoặc chứng Chân, tức là minh tâm kiến tánh, tâm chính là Phật.

Tín Nguyện Hạnh là ba yếu quyết của sự tu hành, cũng là ba món tư lương để vãng sanh thế giới Cực Lạc. Đó là chánh hạnh, ngoài chánh hạnh ra còn phải cần có trợ hạnh, tức là đừng làm các việc ác, vâng làm các việc lành. Cả hai Chánh và Trợ đều song tu, giống như hai cánh của con chim, chẳng thể thiếu thứ nào. Những đồng tu cũ ở Đài Trung, xét về chánh hạnh chỉ làm được bảy phần mười, trợ hạnh còn ít hơn nữa, tham Hoặc đầy đủ, tu hành như vậy làm sao thành tựu cho được? Niệm Phật cũng như quét nhà, tham Hoặc ví như rẩy bụi, vừa quét vừa rẩy bụi, vậy thì làm sao cảm ứng đạo giao cùng Phật, làm sao minh tâm kiến tánh cho được? Do đó, cần phải Chánh Trợ song tu thì mới là đầy đủ.

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
3.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
4.    Kinh Bát Chu Tam Muội, Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Việt Dịch
5.    Luận Bảo Vương Tam Muội, Đại Sư Phi Tích | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
6.    Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch
7.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
8.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
9.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
10.    Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
11.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
12.    Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn
13.    Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
14.    Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Tiểu Bình Thật | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
15.    Quy Nguyên Trực Chỉ, Đại Sư Tông Bổn | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
16.    Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch