Home > Khai Thị Phật Học > Khuyen-Phat-Long-Tin-Chan-That
Khuyên Phát Lòng Tin Chân Thật
Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Pháp Niệm Phật Tam Muội xét về nguồn gốc là từ Viễn Tổ (tổ Huệ Viễn) đề xướng ở Lô Sơn, sáng khởi Liên Xã sáu thời tịnh hạnh, trở thành quy củ cao đẹp cho muôn đời. Tuy nói là “công cao dễ tiến”, nhưng hành nhân đời mạt hiếm ai thành tựu là do Tín Nguyện chẳng chuyên nên chưa thể dẫn dắt thiện hạnh quy về Tịnh Độ. Bởi thế, tôi nay xin thưa cùng khắp các bạn lành đồng tu tịnh nhân: Nếu chẳng suy xét kỹ phát tâm thì làm sao biết được đường nẻo trọng yếu để thoát khổ?

Phàm những vị đồng nhân với tôi trong pháp hội này phải nên đầy đủ lòng tin chân thật. Nếu không có lòng tin chân thật, dù có niệm Phật, trì trai, phóng sanh, tu phước, vẫn chỉ là người lành trong thế gian, được báo sanh trong chốn lành, hưởng lạc. Trong lúc thọ lạc ắt sẽ tạo nghiệp, đã tạo nghiệp ắt phải thọ khổ. Dùng chánh nhãn xem xét, so ra hạng người ấy chỉ khác với hạng Xiển Đề, Chiên Đà La một chút. Tín tâm như vậy phải đâu là chân thật?

Nói đến lòng tin chân thật thì:

Thứ nhất là phải tin được rằng tâm, Phật, chúng sanh, ba thứ không sai biệt. Ta là Phật chưa thành, Di Đà là Phật đã thành; giác tánh không hai. Ta tuy hôn mê, điên đảo, giác tánh chưa từng bị mất. Ta tuy bao kiếp luân chuyển, giác tánh chưa từng lay động. Vì thế mới nói:   “Đừng khinh kẻ chưa ngộ, khi một niệm hồi quang liền cùng đạt được cái sẵn có!”

Tiếp đó, phải tin được rằng ta là lý tánh Phật, danh tự Phật ; Di Đà là cứu cánh Phật. Tánh tuy không hai, địa vị một trời một vực. Nếu chẳng chuyên niệm đức Phật ấy cầu sanh nước Ngài, ắt phải lưu chuyển theo nghiệp, thọ khổ vô lượng. Đấy gọi là Pháp Thân lưu chuyển ngũ đạo, chẳng gọi là Phật, mà gọi là chúng sanh.

Kế đến phải tin được rằng ta tuy chướng sâu nghiệp nặng, sống trong cõi khổ đã lâu, nhưng là chúng sanh trong tâm Phật Di Đà; Phật Di Đà tuy vạn đức trang nghiêm, cách xa ngoài mười vạn ức cõi, vẫn là đức Phật trong tâm ta. Tâm tánh đã là vô nhị, tự nhiên cảm ứng đạo giao; nếu ta tha thiết ắt sẽ cảm được lòng từ bi của Phật, Phật ắt sẽ ứng như nam châm hút sắt chẳng còn ngờ gì! Ấy là:   “Phật nghĩ đến chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, mẹ con đời đời chẳng xa cách nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền tương lai nhất định thấy Phật, cách Phật chẳng xa”.

Đầy đủ những lòng tin như trên thì là “lòng tin chân thật”. Thiện dù chỉ một mảy, phước dù nhỏ như hạt bụi đều có thể hồi hướng Tây Phương trang nghiêm Tịnh Độ. Huống hồ là trì trai, kiêm giữ giới, phóng sanh, bố thí, đọc tụng kinh Đại Thừa, cúng dường Tam Bảo... các thứ thiện hạnh chẳng đủ để chất đầy tư lương Tịnh Độ ư? Chỉ trừ kẻ do lòng tin chẳng chân thật nên bị chìm đắm trong hữu lậu.

Nay tu hành chẳng có thuật trọng yếu chi khác, chỉ cần trong mười hai thời, luôn giữ ba thứ chân tín ấy thì với hết thảy hành động chẳng cần phải thay đổi gì. Nếu toan bỏ pháp độ thoát này, tìm lấy công phu hay lạ nào khác thì tông tượng các phương như trúc trong rừng, ngưỡng vọng vị nào hãy đến đó mà học đạo; cần gì phải chen chân vào liên xã này.

Nếu quả thật danh tâm đều hết sạch, chỉ mong khéo cùng thời tiết, nhân duyên, may được thường cùng nhóm họp, nương đồng hồ sen, dõi theo kiệu Phật, di phong như thế xưa nay chưa dứt, hòng tạo thành đầu mối để thân cận trong đời sau, hòng làm vốn liếng để trợ phát ngay trong đời này. Xin hãy cùng nhau gắng sức! 

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
4.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
10.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
12.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch