Tôn giả Tu Bồ Ðề trong hội giảng kinh Kim Cang Bát Nhã nhìn thấy sanh hoạt, việc làm, cách đối người, tiếp vật đều là ‘Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật’, nghĩa là ‘trí huệ cứu cánh viên mãn’, và cũng là ‘A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ Ðề’ (A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ Ðề nghĩa là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác).  Vì thế Ngài hỏi đức Phật: ‘Thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ Ðề’.  ‘Thiện nam tử, thiện nữ nhân’ ở đây chỉ các bạn đồng học.  Ðiểm này vô cùng trân quý – các bạn đồng học phát tâm rồi, nhưng không thể làm được tự tại rốt ráo như đức Phật.  Nguyên nhân ở tại chỗ nào?

Ngài Tu Bồ Ðề vô cùng khéo léo, thay mặt mọi người nêu ra hai câu hỏi, hỏi đúng ngay chỗ bí, chỗ gút mắc [của mọi người], câu hỏi thứ nhất là:

‘Ưng vân hà trụ’ (Nên trụ ở đâu), câu thứ nhì:
‘Vân hà hàng phục kỳ tâm’ (Làm sao để khuất phục tâm này?)

Câu thứ nhất, không biết phải an trụ tâm ở đâu?
Câu thứ hai, vọng niệm vọng tưởng quá nhiều, làm sao để đoạn dứt?

‘Hàng phục kỳ tâm’ tức là ‘khuất phục phiền não’.  Từ điểm này có thể biết, không biết nên an trụ tâm ở đâu tức là vọng tưởng, ý niệm quá nhiều, tất cả đều là phiền não.  Thị phi, nhân ngã, tham, sân, si, mạn (kiêu mạn, kiêu căng) là ‘vọng tưởng, chấp trước’ nói trong kinh Hoa Nghiêm.  ‘Ưng vân hà trụ’ là dạy người ta giải quyết [dẹp trừ] vọng tưởng; ‘vân hà hàng phục kỳ tâm’ nghĩa là làm sao phá trừ chấp trước.  Nếu hai vấn đề này được giải quyết thì có thể vượt ra khỏi mười pháp giới, như vậy mới biết ý nghĩa của của câu hỏi này vô cùng sâu rộng, nghệ thuật hỏi cũng rất cao minh.

Hai câu hỏi này thực ra là hai mặt của một vấn đề, đức Phật trả lời cụ thể rằng Bồ Tát làm thế nào để khuất phục tâm này.  Phật dạy Bồ Tát, tức là dạy chúng ta.  ‘Tất cả mọi loài chúng sanh…, ta đều khiến cho nhập vào Vô Dư Niết Bàn để được diệt độ’ [4] , nếu có thể sanh tâm như vậy tức là tâm Phật, tức là chân tâm.  Chúng ta phải có tâm niệm giống như chư Phật, Bồ Tát; Phật dạy chúng ta dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm đại từ bi để đối xử với tất cả chúng sanh.  Kinh nói: ‘Phật không độ người chẳng có duyên’, chịu tiếp nhận dạy dỗ tức là có duyên, không tiếp nhận tức là chẳng có duyên.  Trong nhà Phật không bỏ một người nào cả, chư Phật, Bồ Tát chân thành từ bi, sẽ không buông bỏ một người nào cả; vấn đề là chúng ta có chịu y theo lời dạy mà thực hành hay không?  Khi chúng ta giúp đỡ chúng sanh không chỉ giúp đỡ họ trong một thời gian ngắn mà phải giúp họ đạt đến cứu cánh rốt ráo, tức là ‘đều giúp cho nhập vào Niết Bàn Vô Dư rồi diệt độ’.  Nói một cách khác phải luôn luôn giúp đỡ chúng sanh chứng được ‘Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác’, câu này là để dạy chúng ta ‘nhi sanh kỳ tâm’ (để sanh cái tâm ấy).

‘Sanh tâm’ phải ‘vô trụ’ mới được, nên đức Phật nói tiếp: ‘Ðộ vô lượng vô số chúng sanh nhiều như vậy nhưng thực sự không có chúng sanh được diệt độ’ [5]. Tâm của Phật, Bồ Tát thanh tịnh như thế!  Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni mặc áo chỉnh tề, sạch sẽ, không trước tướng; trì bát [khất thực] mỗi ngày, ăn uống cũng không chấp tướng.  Hết thảy lời nói, hành động, cử chỉ đều để làm gương cho tất cả chúng sanh, trong tâm trống rỗng, cho đến mảy trần chẳng nhiễm, nhất định không có tí phân biệt chấp trước gì cả.  Phật, Bồ Tát giúp đỡ chúng sanh hoàn toàn không nghĩ rằng mình ban ân huệ cho họ, nên mới gọi là ‘vô duyên đại từ’.  Vô duyên nghĩa là không đặt điều kiện.  Như vậy mới biết được chỗ cao cả, vĩ đại của chư Phật, vì tâm lượng của các Ngài đã mở rộng, tận hư không khắp pháp giới đều là một thể.  Vì tất cả chúng sanh và mình đều là một thể cho nên người thực sự giác ngộ nhất định sẽ từ bi, thương yêu chăm sóc vô điều kiện cho tất cả chúng sanh.  Nhưng chúng sanh mê hoặc điên đảo không biết tận hư không, khắp pháp giới đều là một, cho rằng người khác không có liên can gì với mình, mình tốt đẹp là được rồi, lo cho người khác làm gì.

Thế Tôn đặc biệt nhắc nhở chúng ta: ‘Nếu Bồ Tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức không phải là Bồ Tát’.  [Ngài] dùng câu này để dạy chúng ta lìa bốn tướng và cũng là lìa tất cả pháp tướng thế và xuất thế gian.  ‘Ngã tướng’ là chấp trước ‘tôi’, cứ tưởng thân này là của mình, cứ tưởng cái có thể tư duy, tưởng tượng là tôi.  Thiệt ra đó là ‘tứ kiến’ (ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến) và đem những thứ này xem là ‘tôi’, đây là nguyên nhân của tất cả sai lầm.  Những gì đối lập với ‘tôi’ đều xưng là ‘người’ (nhân); tất cả chúng sanh hữu tình trong chín pháp giới đều ở trong phạm vi ‘người’ này.  Thế mới biết phạm vi của ‘tướng người’ vô cùng rộng lớn, chư Phật, Bồ Tát cũng dùng ‘người’ làm đại biểu.

Ðức Phật nói với chúng ta tất cả hiện tượng thế gian và xuất thế gian, y báo, chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới (người thế gian dùng danh từ ‘vũ trụ vạn hữu’) từ đâu đến?  Hình thành ra sao?  Diễn biến như thế nào?  Phật nói là do: ‘Chúng duyên hòa hợp nhi sanh’ (do các nhân duyên hòa hợp mà sanh ra), tức là ‘tướng chúng sanh’.  Vì do các nhân duyên hòa hợp mà tạo thành, hàm ý thật sự trong đó là ‘không có tự thể’, ‘đương thể giai không, liễu bất khả đắc’ (bản thể của nó là không, trọn chẳng thể nắm lấy)--- tướng hữu, thể không, liễu bất khả đắc (Tướng thì có, nhưng bản thể là không, trọn chẳng thể đạt được).  ‘Thế pháp’ (pháp thế gian) là do nhiều [nhân] duyên [hợp lại] mà sanh ra, kinh Bát Nhã nói ‘duyên khởi tánh không’; ‘Phật pháp’ cũng là ‘duyên khởi tánh không’, trong chân tâm bản tánh không có Phật pháp.  Lục Tổ nói rất hay: ‘Bổn lai vô nhất vật’ (vốn chẳng có một vật), Phật pháp cũng là một vật, vốn cũng không có.  Thế mới biết hàm ý  của ‘chúng sanh tướng’ sâu xa vô cùng!

‘Thọ giả tướng’ chỉ thời gian tồn tại dài ngắn của các hiện tượng.  Kệ cuối cùng trong kinh Kim Cang nói:

‘Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh,        
Như lộ diệc như điển                
Ưng tác như thị quán’              

(Tất cả pháp hữu vi
Như mộng huyễn, bọt, ảnh,
Như sương cũng như chớp
Nên quán sát như vậy)

‘Như mộng, huyễn, bọt, ảnh’  tức là chúng sanh tướng; ‘như sương cũng như chớp’ tức là thọ giả tướng, thời gian nó tồn tại [rất ngắn] như giọt sương, như ánh chớp.  Sương thí dụ cho tướng tương tục (tướng tiếp nối), người ta trên thế gian có thể sống được mấy chục năm, thí dụ ‘như sương’.  Ðiện chớp thí dụ cho ‘tướng chân thật’.  Trong kinh ‘Nhân Vương Bát Nhã’ đức Phật nói ‘một cái khảy ngón tay có 60 sát na, một sát na có 900 lần sanh diệt’, tức là ‘như chớp’.  Hiện tượng đích thật không tồn tại, từ ‘chúng sanh tướng’ và ‘thọ giả tướng’ liền hiểu rõ được chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh, mới hiểu được ‘bản thể của nó đều là không, chẳng thể đạt được’ [6].  Thế nên kết luận là ‘vạn pháp đều là không, nhân quả chẳng không’ [7].

_________________

[4] Sở hữu nhất thiết chúng sanh chi loại…., ngã giai linh nhập Vô Dư Niết Bàn nhi diệt độ chi
[5] Như thị diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sanh, thực vô chúng sanh đắc diệt độ giả
[6] đương thể tức không, liễu bất khả đắc
[7] vạn pháp giai không, nhân quả bất không
 
Trích từ: Niệm Phật Tâm Ðịa Công Phu
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
2 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
3 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
5 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
6 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
7 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
8 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
9 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
10 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
11 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về