Mỗi ngày, vào lúc sáng sớm sau khi mặc áo quần tề chỉnh, đứng quay mặt về hướng tây, chắp tay niệm liên tục danh hiệu “A Di Đà Phật”, niệm hết một hơi thì lấy đó làm một niệm, niệm được 10 hơi như vậy gọi là 10 niệm. Nhưng tùy theo hơi dài ngắn, không hạn định mỗi hơi niệm được bao nhiêu tiếng A Di Đà Phật, hơi càng dài thì niệm được càng lâu, lấy hết một hơi làm chừng độ. Âm thanh niệm Phật không cao cũng không thấp, không nhanh cũng không chậm, phải biết khéo điều tiết vừa phải. Niệm 10 hơi như vậy, liên tục chẳng gián đoạn, chủ ý là khiến cho tâm chẳng tán loạn, lấy sự chuyên nhất làm công. Gọi là pháp thập niệm, chỗ này là hiển bày việc mượn hơi thở để cột tâm lại vậy. Sau khi niệm được như vậy rồi thì đọc bài phát nguyện hồi hướng rằng:
Đệ tử con tên là…..
Nhất tâm quy mạng
Cực lạc thế giới
A Di Đà Phật.
Nguyện dĩ tịnh quang chiếu ngã,
Từ thệ nhiếp ngã.
Ngã kim chánh niệm,
Xưng Như lai danh,
Kinh thập niệm khoảnh,
Vi Bồ đề đạo,
Cầu sanh Tịnh độ.
Phật tích bổn thệ:
“Nhược hữu chúng sanh,
Dục sanh ngã quốc,
Chí tâm tín nhạo,
Nãi chí thập niệm,
Nhược bất sanh giả,
Bất thủ chánh giác”.
Dĩ thử niệm Phật nhân duyên,
Đắc nhập Như lai
Đại thệ hải trung,
Thừa Phật từ lực,
Chúng tội tiêu diệt,
Tịnh nhân tăng trưởng.
Nhược lâm mạng chung,
Tự tri thời chí,
Thân vô bệnh khổ,
Tâm bất tham luyến,
Ý bất điên đảo,
Như nhập thiền định.
Phật cập thánh chúng,
Thủ chấp kim đài,
Lai nghinh tiếp ngã,
Ư nhất niệm khoảnh,
Sanh cực lạc quốc,
Hoa khai kiến Phật,
Tức văn Phật thừa,
Đốn khai Phật huệ,
Quảng độ chúng sanh,
Mãn Bồ đề nguyện”.
Phát nguyện xong rồi, có thể lễ bái hoặc không lễ bái cũng được, nhưng thiết yếu là nguyện trọn một đời này, quyết không một ngày tạm bỏ. Hết lòng tự mình phát tâm được như vầy thì tất được sanh về nước kia.
Đây vì vua quan do chánh vụ bận rộn phiền nhiễu, không có thời gian rảnh để tu trì nên lập pháp ra này. Do vì tâm của chúng sanh thường hay tán loạn, lại không rảnh để chuyên niệm, vì vậy mượn hơi thở để nhiếp tâm, khiến cho tự tâm không còn tán loạn. Nhưng cũng nên tùy theo hơi dài ngắn, chẳng nên miễn cưỡng cố ép hơi dài ra để niệm được nhiều. Cố ép hơi sẽ tổn hại đến chân khí, lại chỉ có thể trong vòng 10 niệm, không thể tăng lên 20, 30 niệm, càng nhiều lại tổn chân khí. Còn như muốn tăng thêm khóa tối 10 niệm, hoặc lúc gần trưa 10 niệm, làm thành 3 lần, như vậy thì được.
Dùng tâm tán loạn để niệm Phật tất khó được vãng sanh. Pháp này hay khiến tâm quy về một chỗ, nhất tâm niệm Phật, quyết định vãng sanh. Số lần niệm tuy ít nhưng công đức đạt được lại rất sâu. Vì vậy chư tổ sư về sau đều dùng pháp này làm thành phương tiện tối thắng để rộng nhiếp quần cơ, càng lúc càng nhập càng sâu. Thì như được của quý hiếm, đã biết được mùi vị, thì mọi hành vi hằng ngày tự hay khẩn thiết khắc sâu ở trong lòng, duy chỉ có Phật để niệm, không hẹn đến thời gian của một tuần trà cũng có thể định thành chương vậy. Nếu như trong nhà có tịnh thất, hoặc Phật đường, thì nên đối trước Phật tượng đốt nhang lễ bái, đứng niệm hay quỳ niệm đều được.