Khi còn ở Ðông Bắc (Mãn Châu), tôi có thâu nhận một đệ tử, Pháp danh là Quả Thuấn. Y vốn họ Diêu; người ta thường gọi y là "Lão Diêu." Y cư ngụ tại làng Ðại Nam Câu, cách thành phố Hợp Nhĩ Tân hai mươi dặm về phía nam. Khi chưa quy y Tam Bảo, Lão Diêu là một kẻ du thủ du thực, không nghề nghiệp, y chẳng những hút nha phiến mà còn chích thuốc phiện nữa, có thể nói là rượu chè, cờ bạc, trai gái, chẳng có thứ nào mà y bỏ sót!
Lúc bấy giờ Nhật Bản đang thống trị khu vực Ðông Bắc, thành lập nước Mãn Châu, và lập phế đế của nhà Thanh là vua Tuyên Thống lên làm Hoàng đế Mãn Châu quốc. Tuy nhiên, trên thực tế thì Hoàng đế Tuyên Thống chỉ là một ông vua bù nhìn, bởi toàn bộ hệ thống chính quyền đều do người Nhật thao túng. Nhằm ngăn chặn sự xâm lược (nước Trung Hoa) của Liên Sô, Nhật Bản cho xây một công trình quốc phòng tại mạn sông Hắc Hà và lùng sục khắp nơi để bắt người về làm việc. Thợ thuyền phải đóng góp công sức nhưng hoàn toàn không được tiền thù lao. Người nào bị đưa vào trại lao động cũng đều buồn bực, ủ rũ suốt ngày, vì không biết đến bao giờ mới được về lại quê quán. Nghe kể về đời sống trong trại lao động thì ai nấy đều rùng mình, sợ hãi đến nỗi không rét mà run! Nơi ấy thật đúng là địa ngục ở trần gian khổ sở không thể tả xiết!
Lúc ấy, Quả Thuấn là kẻ lang thang không nghề nghiệp nên bị lính Nhật bắt và đưa về trại lao động ở mạn sông Bắc Hà. Ban ngày phải làm việc quần quật như trâu như ngựa; ban đêm chỉ đắp cái bao kết bằng sợi cói mà ngủ, không thể nào chống nổi giá rét. Vì thế, y luôn luôn suy tính, tìm cách trốn khỏi doanh trại. Bốn phía của trại lao động đều được bao bọc bởi hàng rào có mắc điện với cường độ mạnh, bất cứ sanh vật nào chạm vào cũng đều bị điện giật mà chết ngay tức khắc. Mặc dầu có sự đe dọa của hàng rào điện, nhưng vì không chịu nổi sự ngược đãi tàn ác, vô nhân đạo của lính Nhật, nên lúc nào y cũng để tâm rình tìm cơ hội đào thoát.
Một đêm nọ, vì muốn tìm tự do nên Quả Thuấn bất chấp mọi nguy hiểm, quyết định rời khỏi trại lao động. Ðúng vào lúc y dợm chân tính trốn đi thì đột nhiên có một ông già râu tóc bạc phơ hiện ra và nói với y rằng: "Hiện tại chưa phải lúc; đợi đến khi khổ nạn của con đã hết thì Ta sẽ báo cho con biết. Ta hy vọng là con sẽ đặc biệt chú ý, đừng để lỡ cơ hội!" Nói xong, ông già biến mất. Quả Thuấn nghe theo lời ông già, trở về doanh trại chờ đợi.
Khoảng chừng hai tuần sau, Quả Thuấn mộng thấy ông già râu tóc bạc phơ ấy nói với y rằng: "Hôm nay là thời cơ đào thoát của con. Ngoài cửa có một con chó trắng, con hãy đi theo nó. Tuyệt đối không được sơ hở. Con hãy nhớ kỹ! Hãy nhớ kỹ!" Quả Thuấn thức giấc, vừa mừng vừa sợ. Ra tới ngoài cửa thì thấy quả nhiên có con chó trắng đứng chờ; y bèn làm theo lời căn dặn của ông già, để con chó đi trước, còn y thì bám sát đằng sau. Khi tới chỗ hàng rào điện, con chó nhanh nhẹn phóng mình nhảy qua. Ðộng tác ấy như gợi ý cho Quả Thuấn, y liền bắt chước theo cách của con chó. Quả Thuấn lúc bấy giờ là "phước chí tâm linh" (khi vận may đến thì tâm trí tự nhiên sáng suốt, nhạy bén), y lanh trí lấy bao cói đang dùng khoác cho đỡ lạnh để lên trên hàng rào điện, rồi trườn qua rào. Ðược bình yên vô sự thoát khỏi hang cọp rồi, y quay lại nhìn thì không còn thấy con chó trắng đâu nữa, có lẽ là thần nhân đã giúp đỡ y vậy.
Ðể tránh sự truy nã của lính Nhật, ban ngày Quả Thuấn phải lẩn trốn trong rừng rú, khát thì uống nước khe nước suối, đói thì ăn cỏ ăn lá, đợi đến đêm mới dám đi tiếp. Trải qua nhiều ngày gian khổ như thế y mới về lại được làng cũ. Sau lần chịu đựng bao sợ hãi, cực nhọc ấy, y cảm thấy đời người là đau khổ nên quyết chí xuất gia tu Ðạo. Y tìm đến các chùa nhưng không nơi nào chịu thâu nhận y cả. Khi y tới chùa Tam Duyên, bởi thấy y ăn mặc rách rưới nên người ta cho rằng y là kẻ ăn mày và đến xin xuất gia là vì cuộc sống; do đó cũng không muốn thâu nhận y.
Chính vào lúc Quả Thuấn đang lâm vào tình trạng "chùa lớn không thâu, chùa nhỏ không nhận" ấy, thì bỗng đâu xuất hiện một "quái nhân, " trông giống như một kẻ ăn mày vậy. Quái nhân tự xưng là một kẻ tu hành lão luyện, biết pháp thuật "36 Thiên cang, 72 Ðịa sát, " có thể cỡi mây cỡi mưa, có thể kêu mưa gọi gió, có thể chữa trị mọi nan y tạp chứng, có thuật "diệu thủ hồi xuân, " làm cho người chết sống lại... Y tự quảng cáo, khoe khoang khoác lác một hồi mà chẳng có người nào tin cả. Song le, Quả Thuấn lại tin tưởng và tôn anh ta làm thầy; rồi đem tiền bạc mà y kiếm được bằng những thủ đoạn bất chánh để cung phụng anh ta. Sau một thời gian, phát hiện ra anh ta không có bản lãnh gì cả và chỉ là một tên vô lại, Quả Thuấn bèn bỏ đi.
Có một hôm, tôi đến làng Ðại Nam Câu để chữa bệnh cho mẹ của cư sĩ Cao Ðức Phước. Bệnh tình của bà ta rất trầm trọng, cả Trung y lẫn Tây y đều đành chịu bó tay, không chữa trị được. Tôi bèn dùng thần chú gia trì, kết quả là không thuốc mà lành. Cả làng đều biết được tin này và cho đó là một thần tích. Lão Diêu (tức Quả Thuấn) biết được chuyện ấy liền tìm đến và quỳ trước mặt tôi, không chịu đứng dậy, cầu xin tôi thâu nhận y làm đệ tử xuất gia. Lúc ấy tôi không chú ý gì tới y, cứ ngồi day mặt vào tường. Chừng một tiếng đồng hồ sau, tôi quay lại nhìn thì thấy y vẫn còn quỳ ở đó. Tôi hỏi y: "Chú làm gì vậy?"
Y Đáp: "Bạch Thầy, xin Thầy từ bi thâu nạp con làm đệ tử."
Tôi nói: "Chú muốn theo tôi xuất gia ư? Thế nhưng tôi không có đức hạnh, cũng chẳng có công phu gì để truyền dạy cho chú cả; e rằng chỉ làm cho chú thất vọng mà thôi!"
Y nói: "Bạch Thầy, chỉ cần Thầy chịu thâu nhận con làm đệ tử là con mãn nguyện rồi. Con không cầu mong điều gì khác."
Tôi nói: "Xuất gia là việc khổ sở lắm, phải nhẫn nhục những chuyện người khác không thể nhẫn nhục được, phải nhường nhịn những điều người khác không thể nhường nhịn được, phải cam chịu những vất vả nhọc nhằn mà người khác không thể cam chịu được, phải chịu đựng những sự ngược đãi mà người khác không thể chịu đựng nổi, chú có thể chịu được chăng? Nếu chú chịu được thì tôi sẽ nhận chú làm đệ tử; còn nếu chú làm không được thì đừng theo tôi xuất gia!"
Lão Diêu lập tức trả lời chẳng chút đắn đo: "Bạch Thầy! Mọi cực khổ, vất vả con đều có thể nhẫn chịu được cả. Xuất gia tuy là khổ, nhưng con tin chắc là không thể nào khổ bằng sống trong trại lao động. Con tin rằng con có thể chịu đựng được!"
Qua cuộc đối đáp ấy, tôi nhận thấy y quả có thể chịu khổ được; do đó, tôi đưa y về Chùa Tam Duyên, cho xuất gia làm Sa Di, và bảo y làm việc trong nhà bếp. Quả Thuấn làm việc rất cẩn thận, và cũng rất siêng năng dụng công tu học. Song le, vì y không có thiện duyên với các sư huynh và sư đệ đồng tu nên thường bị họ ức hiếp. Quả Thuấn bèn nói với tôi: "Bạch Thầy! Các sư huynh sư đệ cứ vô duyên vô cớ mà la mắng con; vậy con phải làm sao?"
Tôi trả lời: "Nếu đã chịu không nổi nữa thì con có thể tu hành một mình vậy."
Cạnh ngôi miếu Long Vương dưới chân núi Tây Sơn, làng Ðại Nam Câu, có một khoảnh đất trống nên Quả Thuấn tự dựng một căn nhà tranh tại đó để làm nơi tu hành. Ngày làm xong nhà tranh, Quả Thuấn tới Chùa Tam Duyên mời tôi đến khai quang tượng Phật. Tôi dẫn theo vài đệ tử cùng đi. Ðến tối thì có mười con rồng (hóa thành người) tới xin quy y. Lúc đó là vào đầu mùa hạ, thời tiết khô khan, không có mưa, nên đồng khô cỏ cháy, lúa mạ úa vàng. Các nông dân những người chỉ biết trông cậy vào trời để có miếng ăn đều ngao ngán, than khổ; lắm lúc lại thầm hỏi trời xanh, khẩn cầu trời cao từ bi thương xót ban bố cho vài giọt nước "cam lồ."
Tôi hỏi các vị Rồng: "Việc của các vị là làm mưa, vậy mà tại sao trời lại khô hạn như vậy? Vì sao không có mưa xuống?"
Các vị Rồng đáp rằng: "Bạch Thầy! Không có lệnh của Ngọc Hoàng Thượng Ðế thì chúng tôi không dám làm mưa. Nếu chúng tôi cãi lệnh thì sẽ bị trừng phạt."
Tôi nói: "Các vị hãy đến Linh Tiêu Bảo Ðiện của Ngọc Hoàng Thượng Ðế, xin Ðại Ðế từ bi cho mưa xuống nội trong bốn mươi dặm chung quanh nơi này. Nếu ngày mai trời mưa thì ngày mốt các vị được quy y. Ðó là điều kiện trao đổi của chúng tôi!"
Qua hôm sau, quả nhiên có cơn mưa trút xuống trong chu vi bốn mươi dặm, lúa mạ được thấm nhuần nước mưa nên trở nên tươi tốt, lương thực thu hoạch vào mùa thu còn được nhiều hơn cả các năm trước. Hôm sau nữa, những vị Rồng đến nhà tranh và ra trước chánh điện để thọ Tam Quy Y. Ðể kỷ niệm sự việc này, tôi mới đặc biệt đặt tên căn nhà tranh ấy là "Long Vũ Mao Bồng" (Nhà Tranh Rồng Làm Mưa), và viết tên lên tấm biển cho treo trước cửa.
Sau đó, Quả Thuấn phát nguyện đốt thân để cúng dường chư Phật. Y tự chuẩn bị củi và xăng, rồi ngồi trên giàn củi tự châm lửa vào xăng, thân thể bốc cháy thành tro. Ngày hôm sau, dân trong làng phát hiện ra là Long Vũ Mao Bồng đã bị thiêu hủy nên đến nơi để xem xét thì thấy thân thể của Quả Thuấn tuy đã thành tro nhưng quả tim vẫn còn nguyên vẹn, không bị lửa thiêu mất. Mọi người đều tán thán không ngớt; và sau đó đem tro cốt với quả tim của Quả Thuấn mai táng tại chỗ.
Mọi thứ trên thế gian đều phải trải qua giai đoạn Thành, Trụ, Hoại, Không sanh ra rồi tồn tại, biến hoại đi, và cuối cùng tiêu tan mất cứ tuần hoàn như thế, không gián đoạn. Nếu thấu triệt được đạo lý này thì các bạn sẽ không vì bất kỳ sự việc gì trên cõi đời này mà sanh chấp trước hoặc khởi phiền não. Hể các bạn có thể "nhìn xuyên thủng" rồi buông bỏ hết, thì sẽ chẳng có vấn đề gì cả!