Home > Khai Thị Niệm Phật > Trich-Yeu-Sach-Van-Thien-Ðong-Quy
Trích Yếu Sách Vạn Thiện Ðồng Quy
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


* Theo đoạn kinh giảng về chín phẩm vãng sanh trong Quán Kinh thì sở dĩ có sự thăng giáng, phẩm vị thượng, hạ, là vì chẳng ngoài hai tâm sau đây:

a. Một là Ðịnh Tâm như tu Ðịnh, tập Quán.

b. Hai là Chuyên Tâm: Chỉ niệm danh hiệu, dùng các điều lành hỗ trợ, vun bồi; hồi hướng, phát nguyện, nhưng phải trọn đời quy mạng, suốt đời chuyên tu.

Trong lúc nằm, ngồi, thường hướng về phương Tây. Trong lúc đi kinh hành, lễ kính và khi niệm Phật, phát nguyện phải khẩn thiết, siêng gắng, dốc trọn lòng thành, không có niệm gì khác, giống như lúc sắp bị xử chém, hoặc đang trong vòng tù tội, hoặc đang bị oán tặc truy đuổi, hoặc đang bị nước, lửa bức bách, nhất tâm cầu được cứu độ, nguyện thoát nỗi khổ, mau chứng Vô Sanh, rộng độ hàm thức, thiệu long Tam Bảo, thề báo tứ ân. Chí thành như thế, ắt sẽ chẳng luống công!

Nếu như lời nói chẳng tương xứng việc làm, tín lực hời hợt, chẳng có tâm luôn giữ cho niệm niệm tiếp nối, ý nhiều phen gián đoạn; lại toan cậy vào sự tu tập lười biếng như thế mà mong lúc lâm chung được vãng sanh thì chỉ e rằng sẽ bị nghiệp chướng ngăn trở, khó được gặp thiện hữu, bị gió, lửa bức bách, chẳng giữ nổi chánh niệm! Vì sao thế? Lúc hiện tại là nhân, lúc lâm chung là quả. Nhân có chắc thật thì quả mới chẳng hư dối. Nếu muốn được lâm chung mười niệm thành tựu, phải dự bị sẵn phương tiện, tom góp công đức để hồi hướng về lúc đó; niệm niệm chẳng thiếu sót thì lúc ấy mới không luống uổng vậy!

* Hoặc có kẻ hỏi: Công đức của việc đi kinh hành niệm Phật và ngồi niệm Phật như thế nào?

Ðáp: Ví như căng buồm đi ngược nước tuy cũng có thể đến nơi được, nhưng so với chuyện thuận nước căng buồm thì biết ngay khó dễ. Ngồi niệm Phật một câu đã tiêu trừ được tội lỗi trong cả tám mươi ức kiếp thì công đức đi kinh hành niệm Phật còn biết đến đâu? Vì thế có bài kệ rằng:

Kinh hành năm trăm vòng

Niệm Phật một ngàn tiếng

Thường tu hành như thế

Tự thành Phật Tây Phương

Nếu lễ bái thì khuất phục được vô minh, thâm nhập bến Giác, mạng chung vãng sanh, mau chứng Niết Bàn.

Thiền Tịnh Tứ Liệu Giản

Có Thiền, không Tịnh Ðộ

Mười người, chín chần chừ

Nếu ấm cảnh hiện tiền.

Chớp mắt đi theo nó.

Không Thiền, có Tịnh Ðộ

Vạn người tu, vạn đỗ

Chỉ được thấy Di Ðà

Lo chi chẳng khai ngộ.

Có Thiền, có Tịnh Ðộ

Khác nào hổ thêm sừng

Ðời này làm thầy người

Ðời sau thành Phật, Tổ.

Không Thiền, không Tịnh Ðộ

Giường sắt và cột đồng

Muôn kiếp với ngàn đời

Trọn không ai nương dựa

Nhận định:

Ấn Quang đại sư nói: “Có Thiền là tận lực tham cứu, niệm bặt tình mất, thấy tột cùng vẻ mặt sẵn có trước khi được cha mẹ sanh ra, minh tâm kiến tánh.

Có Tịnh Ðộ là chân thật phát Bồ Ðề tâm, sanh lòng tin, phát nguyện, trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây phương.

Nếu như tham Thiền chưa ngộ hoặc ngộ chẳng triệt để, đều chẳng được gọi là ‘có Thiền’.

Nếu niệm Phật mà thiên chấp duy tâm, chẳng có tín nguyện, hoặc có tín nguyện nhưng chẳng chân thành, thiết tha, chỉ hờ hững, lững lờ, hành qua loa cho có; hoặc hành tuy tinh tấn, nhưng tâm mê đắm trần cảnh, hoặc cầu đời sau sẽ sanh trong nhà phú quý, hưởng vui ngũ dục; hoặc cầu sanh lên trời để hưởng vui phước trời; hoặc cầu đời sau xuất gia làm Tăng nghe một ngộ cả ngàn, đắc đại Tổng Trì, hoằng dương pháp đạo, phổ lợi chúng sanh, đều chẳng đáng gọi là ‘có Tịnh Ðộ’ vậy!

Còn bảo kẻ ‘không Thiền, không Tịnh’ là nói đến kẻ vùi đầu tạo nghiệp, chẳng tu thiện pháp thì đúng là lầm lẫn lớn!

Pháp môn vô lượng, nhưng chỉ có Thiền và Tịnh là thích ứng với các căn cơ nhất. Kẻ nào chưa triệt ngộ mà lại chẳng cầu vãng sanh, cứ loay hoay tu đủ các pháp môn khác, chẳng những đã không thể giữ cho Ðịnh và Huệ được cân bằng hòng đoạn Hoặc, chứng Chân; mà lại còn chẳng nương theo Phật lực để đới nghiệp vãng sanh! Ðem công đức tu trì trọn đời mong cảm lấy phước báo trời người, cậy phước làm ác, sẽ đọa địa ngục; muốn có lại thân người thì đúng là khó nhất trong những sự khó vậy!

Câu “trọn không ai nương dựa” vẫn chỉ là lời nói còn nhẹ lắm do bị hạn cuộc trong âm vận bài kệ đó thôi! Ðại sư (Tổ Vĩnh Minh) sợ cõi đời chẳng hiểu, nên đặc biệt viết bài Liệu Giản này để chỉ dạy đời tương lai’.

Xin các hành nhân chuyên tâm trì danh, cầu sanh Tây Phương thì mới chẳng uổng phí.