Home > Khai Thị Niệm Phật > Y-Thuc-Moi-Ve-Tu-Tuong-Tinh-Do-Cua-Dai-Su-Thai-Hu
Ý Thức Mới Về Tư Tưởng Tịnh Độ Của Đại Sư Thái Hư
Đại Sư Thái Hư | Hòa Thượng Thích Giác Quang, Việt Dịch


Trong quá trình chiến tranh Hoa Nhựt, một mặt Vương triều Nhật Bản muốn thiết lập một nền cai trị Đại Đông Á thống trị vùng Bắc Á và Đông Nam Á để khống chế về thu nhập tài nguyên kinh tế cho bản địa: Một mặt không phải người Nhật nào cũng muốn gây chiến tranh với các nước láng giềng, mà cần có sự giao lưu về văn hóa, văn học, tôn giáo, nên một số đông người Nhật đến Trung Hoa nghiên cứu học hỏi văn hóa lâu đời vào hàng thứ nhứt trên thế giới, văn hóa Khổng, văn hóa Lão Trang, văn hóa Phật Giáo, trong đó có giao lưu văn hóa Phật Giáo. Do đó trong lĩnh vực hiệp hội Phật Giáo Trung Hoa do Đại sư Thái Hư sáng lập có những thành viên là người Nhựt, nên vấn đề ảnh hưởng các tông, phái Thiền Tịnh dành cho những người tu Phật của Phật Giáo giữa hai nước ít nhiều không phải là không có. Chính Đại Sư Thái Hư là vị Thánh Tăng có xu hướng tiến bộ, hoằng truyền Phật Giáo hội nhập vào người dân Trung Hoa, tiến bộ hoằng truyền Phật Giáo Trung Hoa đại diện cho Á Châu liên tục truyền sang các nước Âu Mỹ. Chủ yếu người học Phật còn phải thực hành những cái mình đã học, không nghiên cứu suông và sống một cách thực dụng, sẽ không phải là tư tưởng của người Trung Hoa mà cả dân tộc Á Châu, vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Vì vậy nên ý tưởng về Tịnh Độ Tông niệm Phật của Ngài Thái Hư rất cụ thể dễ cảm niệm, có sức thu hút trong giới thanh niên Tăng thời đại mới. Đây cũng chính là pháp môn tu niệm danh hiệu Phật A Di Đà của người Phật Tử Trung Hoa, của người Phật tử Nhật Bản, của người Phật tử Việt Nam xưa cũng như nay.

Đại sư dạy: Tịnh độ là một xã hội hoàn hảo lương thiện, thanh tịnh an lạc, hoặc chỉ cho những thế giới chân, thiện, mỹ. Chữ Độ là quốc độ hay quốc thổ tức là một thế giới. Cái thế giới nào mà cả thảy con người, vật thể đều được trang nghiêm thanh tịnh, xinh tươi, đẹp đẽ thì thế giới ấy tức là Tịnh Độ. Trong kinh Phật dạy là Tịnh độ đối với quốc độ của chúng ta hiện nay ở đây gọi là uế độ: Nghĩa là cái thế giới này, bởi có lắm điều uế ác phiền não, là cõi ngũ trược ác thế, như một thời đại không yên, không tốt đẹp an lành, xảy ra nhiều điều tai biến loạn ly, nên gọi là kiếp trược, nghĩa là cái kiếp người lắm nỗi khốn khổ, ô nhiểm – thấy nghe hay biết không được chân chính, lập ra nhiều tà thuyết này, và đề xướng những cái tà kiến kia, mê hoặc lòng người chống đối tranh đấu lẫn nhau, nên gọi là kiến trược, nghĩa là xiển dương những kiến thức mê lầm, khiến cho con người si mê lầm lạc, rồi thành ra nhiều điều tội ác, mưu cầu hy vọng, chẳng toại ý nguyện, tức bực khổ tâm, loạn thần rối trí, nên gọi là Phiền não trược; nghĩa là những cái niệm ghét, thương, mừng giận, ham chán ân tình nó làm rối loạn tinh thần, tâm tư vẩn đục. Người và động vật, thiện ít, ác nhiều, mạnh ăn hiếp yếu, mạnh được yếu thua, tranh hơn, thua phải quấy, tốt, xấu hay dỡ, cấu xé lẫn nhau, nô lệ lẫn nhau, ăn thịt lẫn nhau nên gọi là chúng sanh trược. Nghĩa là tâm bạn gian tham, sân giận, si mê, làm cho con người điên đảo vì mình, ác đạo, cường hào quấy phá chúng sanh, khiến cho họ không còn chỗ nương thân, sống chết bách niên ngắn dài khó hẹn, chết điến thiên cổ, già trẻ khôn từ, nên gọi là mạng trược nghĩa là ai cũng muốn kéo dài sanh mạng, nhưng khốn nỗi không được toại nguyện. Thắm thoát trăm năm, mơ màng một giấc chiêm bao ngắn ngũi, cái sống quá ê chề, cái chết lại thêm gớm ghiết.

Cõi ta bà đầy đủ năm trược, do chúng sanh phần nhiều làm điều tội ác khó dung, hèn mạt, xấu xa, phước mỏng nghiệp dầy, nên không gọi là Tịnh Độ. Chỉ có việc đi xa ra khỏi cõi này như cảnh tịnh độ cực lạc bên cõi trời Tây; cảnh lưu ly Tịnh Độ ở phương Đông, nội viện tịnh độ bên cõi trời đâu xuất là những Quốc Độ thắng điệu trang nghiêm thanh tịnh.

Căn cứ vào các nhà Thiên Văn Học ngày nay đã nghiên cứu được, họ nhận ra ngoài địa cầu này còn biết bao nhiêu tinh cầu thế giới khác, các thế giới cũng có những khổ đau vui buồn như thế giới ta bà, cũng có cái tột bực xinh đẹp xáng lạng như cõi này. Thế nên, so sánh với địa cầu nầy thì bên ngoài vẫn có những thế giới thật chơn thiện mỹ an lạc, giúp con người và chúng sanh giải thoát khổ đau phiền não. Nên theo chỗ so sánh, chúng ta có thể thấy rõ chỗ nhân gian đây là uế độ: ngược lại là Tịnh Độ.

Lại nhơn quan sát nhơn gian đây là uế trược, có biết bao nhiêu điều phiền não cấu uế; xem thế chúng ta cũng biết rằng ngoài cõi ta bà này có thế giới an lạc gọi là Tịnh Độ.

Song Phật học từ sau khi so sánh để nói về Tịnh Độ rồi, kế đó, lại nói rõ những nhân duyên của Tịnh Độ, những yếu tố thành lập, số là Tịnh Độ phụ mà có, cũng phi thần Thượng Đế tạo ra, chính là do đại đa số nhân sanh phát khởi do lòng bồ đề, do nơi sự phát tâm lành này mà cầu cho đặng vãng sanh một cách kiên cố, phát triển ra cái tư tưởng chính đáng và phát nguyện thực hành những pháp tu cho phù hợp với bản nguyện, tinh tiến thực hành không gián đoạn, tạo thành những nghiệp lành trong đời sống bản thân, trong gia đình và trong xã hội. Từ đó chính ta đã tạo được thế giới Tịnh Độ giữa thế giới uế độ.

Nên coi các cõi Tịnh Độ do đâu mà thành tựu: Trong sách Phật đều có lời đáp là chắc chắn thiết thực, là chỗ gọi rằng: Từ món rất nhỏ, là một đọt cỏ, một chồi cây; cho đến món rất lớn là hành tinh địa cầu, một thái dương hay một hành tinh là nhựt cầu, một vệ tinh là nguyệt cầu, đều là vô lượng số nhân duyên, quan hệ họp tập với nhau mà hiện ra thành đọt cỏ, chồi cây, địa cầu… Còn chỗ phát động là do năng lượng trong tâm của chúng sanh, với cả các loài hữu tình. Do năng lượng của tâm chúng sanh tức là các thứ tư tưởng tri thức…và phát huy ra làm các thứ học thuật, tạo thành các thứ sự nghiệp chất chứa rất lâu, đến khi nhân mãn quả thục, tức nhiên tạo thành ra một xã hội chơn thiện mỹ, hoặc một quốc độ thanh tịnh trang nghiêm.

Trở lại với thế giới chúng ta đang sống với biết bao điều khổ đau phiền não: Thiên tai, bão lụt, mưa gió không điều hòa, nắng hạn, mọi người trên hàng tinh luôn luôn cố tìm những thức ăn để nuôi sống bản thân và đơn vị xã hội, rõ ràng là một thế giới Uế Độ. Cuộc sống ít khi được thỏa mãn nhu cầu, đem so sánh với đời sống của thế giới chơn thiện mỹ, sung túc, giàu có, dư ăn dư để thì chúng ta sẽ thấy được một bên là thế giới Uế Độ, một bên là thế giới Tịnh Độ. Như vậy thế giới Uế Độ là thế giới khổ đau, phiền não, thế giới Tịnh Độ là thế giới giải thoát phiền não, thanh nhàn, an cư lạc nghiệp.

Đại sư nói về nhân gian Tịnh Độ:

Gần đây, các liên hữu tu Tịnh Độ Tông, phần nhiều suy niệm do cõi đây là phi Tịnh Độ, nên phát khởi cầu thoát ly thế giới các trược này, để riêng tìm vãng sanh một cõi Tịnh Độ khác tốt đẹp hơn. Song đó là phương pháp tu của môn phái Tịnh Độ Tông bên Trung Hoa, và của một số người tu mang ý tưởng tiểu thừa, chỉ cần đơn giản vậy thôi, chứ không phải chính phương khắp tu hành về môn tịnh độ của người tu bên Đại thừa.

Tỷ như một bộ phận người cho đất nước Trung Hoa đây có hoàn cảnh không an lạc, không có đủ những thứ cần dùng, đáp ứng lòng mong muốn; đồng thời rất ham mộ cuộc đời giàu, vui bên nước Ấn Độ. Nhân đó đành rời khỏi nước Trung Quốc, để cầu vô dân Ấn Độ. Ý nghĩa đó, cũng đồng nhau với kẻ chán cõi ta bà Uế Độ ở Đông phương này, để cầu sanh sang cõi cực lạc Tịnh Độ ở Tây phương kia.

Thế là do ý chí con người hèn nhát, hoặc đối với cái lẽ nêu lên cõi Tịnh Độ, không từng cứu cánh minh bạch nên mới có việc cầu sanh về cõi kia.

Song quan sát cho cùng tận cả thảy sự vật, đâu chẳng do các nhân duyên, mỗi giờ mỗi biến hóa, mà xét cho đến nơi đến chốn điều biến hoá của sự vật đó, về chỗ xuất phát đều ở nơi nội lực của tâm con người, cả các chúng hữu tình làm chủ động.

Đã mỗi người đều có cái tâm lực ấy, tức nhiên mỗi người đều có mỗi cái bản năng sáng tạo Tịnh Độ. Nếu mỗi người có thể phát khởi ra cái nguyện vọng ưu thắng, để tạo thành cõi đây làm Tịnh Độ thì cứ nỗ lực tu hành, tức là do nhân gian đây tạo thành Tịnh Độ, không cần phải tách rời cái xã hội không sạch sẽ đây, để đi riêng tìm một xã hội thanh tịnh nào ở đâu chi cho tha cầu biệt sự! Nói chắc lời nửa hiện ở cõi nhân gian mặc dù phi lương hảo trang nghiêm, song có thể bằng vào một tấm lòng thanh tịnh của mỗi người, để đi đến tu tập bao nhiêu nhân duyên tịnh thiện, mỗi lớp mỗi bước tiến hành, lâu lâu lại lâu mãi thì, cái nhân gian trược ác đây nó có thể một phen biến đổi làm tịnh độ trang nghiêm, bất tất phải ra ngoài nhân gian để riêng tìm Tịnh Độ nào nữa, nên gọi là nhân gian Tịnh Độ.

Người biên soạn xin trích ra đây những ý tưởng về Tịnh Độ của Thái Hư Đại Sư. Ngài có cách thuyết giảng về Tịnh Độ duy tâm nghĩa là người tu niệm Phật phát nguyện sanh về Tây phương Cực lạc, về tức không về tức sanh về chứng đắc giải thoát. Vì sau khi người tu thành tựu pháp môn thì thế giới Tây phương chính ở tại tâm, không còn phải cần cầu đi dâu cho xa xôi nữa. Chính đó là thế giới thật; nếu còn cần cầu chắc không bao giờ được gặp, vì thế giới mà ta cầu cầu là thế giới huyển hóa rồi.

Người tu pháp niệm Phật của Tịnh Độ Tông Việt Nam, hay của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng thường ảnh hưởng tới tư tưởng cần cầu sanh tây phương cực lạc là đúng, trường hợp này vì các liên hữu còn ở trong thời kỳ thực tập tu hành, nhưng khi đã chứng đắc nguyện sanh mà không sanh, nên không sanh há ngại vì sanh: Đó là lý bát nhã của pháp niệm Phật là vậy.

Vả lại trong thời kỳ thực tập niệm Phật, chắc chắn các liên hữu phải nguyện cầu sanh Cực Lạc, vì chính đó là thế giới mà Đức Phật Thích Ca đã từng giới thiệu cho chư Tôn Giả thời ngài sinh tiền tu hành cũng như cho chúng ta hôm nay tu hành. Cõi cực lạc thù thắng cũng chính là đề mục giúp hành giả tu cầu nguyện sanh về cõi đó tránh đi khỏi những khổ đau phiền toái, dẫy đầy tham sân si, tranh lấn những lợi danh ở thế giới ta bà. Niệm danh hiệu của đức từ phụ A Di Đà cũng chính là quy mạng về Ngài. Xin được giống như Ngài, sống gần Ngài và do công đức tu hành để trở thành một con người hoàn thiện như Ngài, đúng lời dạy của Cửu Tổ Đại Sư Trí Húc Linh Phong “Thị tâm, thị Phật thị tâm tác Phật” , một niệm Phật hiện tiền chính ta là Phật, tâm ta đang làm Phật.

Cũng như trong lời giảng của Đức Tôn Sư Hòa Thượng Thiện Phước: “Tây Phương Bồng Đảo” chẳng đâu xa nhắn nhủ nhân tâm giữ đạo nhà…”Cõi Tây phương không chỉ có ở mười muôn ức cõi ở phương trời Tây như Phật từng giới thiệu, mà cõi Tây Phương cũng có ở tại nhà “Cái nhà tâm”, ở tại tâm ta và không có một hào ly nào xa cách tâm ta. Nên người tu phải quyết chí vừa vừa tinh tiến tu hành, vừa cầu về thế giới Tây phương ở tại cái nhà tâm đó. Quá trình tu chứng, vâng lời Phật dạy, chư liên hữu niệm tưởng thế giới Tây phương Cực lạc ở phương Tây cách thế giới ta bà mười muôn ức cõi, đến khi tu chứng thì thế giới Tây phương ở nội tại của chính mình. Cho nên nói sanh mà không sanh, không sanh mà sanh; đấy là lý vô sanh của Tông Yếu Tịnh Độ.

Do đó, cõi Tịnh độ là một cõi của những người thực tu thực chứng, không phải là cõi của những người nói thiền, nói lý suông, rồi tự cho là mình đã chứng đắc! Thật sự chỉ vì tự ngã tranh chấp giỏi dỡ giữa bên giáo, bên tịnh mà thôi.?

Chúng ta, các liên hữu tu tịnh nghiệp cũng như các liên hữu Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng cần phải ý thức việc niệm Phật cầu sanh thật kỹ lưỡng, không nên để lầm đường lạc lối, uổng công trình tu hành cả đời của mình.