Sát na là thuật ngữ trong nhà Phật, được diễn tả một thời gian thật ngắn, ngắn đến nỗi ở một niệm có tới chín mươi sát na trong đó; và mỗi niệm liên tục xảy ra trong đời sống, để kết quả dẫn tới hành động hay ôm ấp nuôi dưỡng hoài niệm, tư tưởng đợi chờ cơ hội tác thành biển động kinh hoàng!
Khi tôi đang vọng tâm hý luận viết lên lời lẽ trên đây, khi từng niệm niệm tương tục sai khiến, lôi kéo tôi trải bày kết quả trên trang giấy này, thì trong vô số niệm như vậy, tất nhiên là vô số sát na sinh ra, rồi diệt đi không thể nghĩ bàn được. Sinh ra rồi diệt đi đó là lẽ vô thường, cái vô thường cứ xảy ra suốt tiến trình làm người như vậy.
Người ta đau khổ do vì vô số ý niệm sinh ra rồi diệt mất; nhưng người ta cũng lắm sung sướng hạnh phúc cũng từ nguyên nhân này; hay nói cách khác, nguyên nhân là vì không thể hạnh phúc mãi và đau khổ mãi, thế thôi!
Nếu cuộc đời không sanh diệt, thì người hạnh phúc mãi chẳng biết là hạnh phúc! Kể cả ý nghĩa của hạnh phúc họ cũng không biết! Còn đau khổ? Nếu cuộc đời toàn đau khổ, thì chẳng thể có lời lẽ nào phân bua giải bày chuyển hóa được, vì không có người làm việc đó!
Cho nên có sinh diệt là có tất cả; ngay cái có tất cả con người mới đau khổ, sung sướng; và mới có Bồ Tát Tất Đạt Đa tu hành chứng quả thành Phật Thích Ca. Vậy cứ để cuộc đời sinh diệt, ta chẳng nên thắc mắc làm gì. Nhưng nói vui vậy, chứ ta cũng chẳng làm được gì, nếu cuộc đời không sinh diệt! Không sinh diệt, thì làm gì có hiện hữu, có nhân duyên, có quả báo! Vậy có phải nhờ sinh diệt từ nhân đến quả mà ta mới có ngày hôm nay; mới biết phân bua hý luận. Thế thì vấn đề ở đây là làm sao sống được an vui hạnh phúc trong sinh diệt?
Có gì khó! Ai mà không biết! Thì cứ tu đi! Mặc kệ sinh diệt, mặc kệ vô thường! Đó là chân lý tất nhiên mà. Hay nói ngược lại, ta còn cám ơn sinh diệt nữa là khác!
Lạm bàn việc sát na chinh phục niệm niệm sinh diệt là chuyện không tưởng; ta chỉ có thể hiểu nó là vô thường thế thôi.
Theo pháp học Duy Thức, khi một sát na đầu, tâm móng khởi tiếp xúc đối tượng, chẳng hạn như nhãn thức tiếp xúc trần cảnh; bấy giờ ảnh tượng đối tác giữa hai bên chưa thành vấn đề, nghĩa là cái thấy đầu tiên chưa vọng động, chưa phân biệt, chưa tác ý. Cảnh tượng của sát na lúc này gọi là tánh cảnh. Cái cảnh như thị, như duyên không gây trở ngại gì ai, cũng chẳng trở ngại chính nó. Nhưng khi nối tiếp sát na tiếp theo, thì cảnh tượng bị biến đổi, dù trên thực tế vẫn y cảnh đó; cảnh tượng bây giờ đã thành phan duyên, đã bị ý thức xen vào phân biệt, nhận xét, phát ý. Và chủ thể tiếp xúc đối tượng trở thành vấn đề, vấn đề vọng tưởng điên đảo.
Hằng ngày người tu Phật như chúng ta phải tiếp xúc vô số cảnh tượng như vậy, và phân biệt đủ thứ, để sinh ra vọng tưởng đầy đầu. Nhưng, ta thử hỏi nếu không phân biệt, không nhận xét, không phát ý, vậy làm sao sống, làm sao làm việc, làm sao hiểu được thế gian là khổ là vui, là lắm chuyện đủ thứ?
Tất nhiên, tất nhiên, niệm niệm tương tục không gián đoạn mà. Ta cứ tự do phân biệt chẳng sợ gì; nhưng phân biệt mà không chấp; phân biệt biết mình phân biệt; nhất là biết rằng phân biệt, nhận xét, phát ý cũng chỉ là vô thường. Vâng, việc này là thật, và nếu ta không chịu nhìn nhận như vậy, thì sự phân biệt thường tình của thế gian sẽ tạo nên rắc rối phiền não.
Xin lấy tỉ dụ, có một người vừa làm chủ được chiếc xe; người này lại biết học Phật nên có xe đi mà tâm luôn an lạc, xem đó chỉ là phương tiện tất yếu, thành ra không thấy hãnh diện, không thấy quá sung sướng. Rồi thời gian xe hư đi, đổi lại xe mới, tâm người này vẫn không giao động, vì biết rằng do hoàn cảnh nhân duyên, nên cơ hội phải đến; người này vẫn nhìn chiếc xe mới chẳng khác gì phương tiện đi làm. Và cứ như thế mọi việc chung quanh liên hệ gì đến xe, người này vẫn hiểu theo lý vô thường học Phật, rằng: tất cả chỉ là nhân duyên, các pháp có sinh có diệt.
Như thế suy tư cảm niệm của chúng ta cũng chẳng gì trở ngại, chỉ có trở ngại là nhận thức từng ý niệm sinh diệt, mà dòng niệm đó cũng chỉ là chấp nối từng sát na.
Thật sự còn hơn thế nữa, mọi thứ trên cuộc đời này cũng chỉ là từng ý niệm sát na chấp nối! Phải vậy chăng?
Vâng, thưa đúng vậy. Bạn hãy xem cả một thành phố hoa lệ, huy hoàng có phải trước đó phát xuất từ những tư tưởng, ý kiến, của những nhà lập quốc, ý tưởng sáng tạo của những kiến trúc sư… Tư tưởng phát kiến như vậy tất phải chập chờn hiện khởi, sinh diệt biến động từng sát na chứ còn gì! Cho nên không một ảnh tượng nào lìa khỏi tư tưởng tâm thức; rồi cũng lại đáng buồn, là chiến tranh tàn phá giết chóc cũng từ những sát na ý niệm phân biệt, kết thành ác niệm khởi đi.
Vậy đời là những ý niệm sát na dính mắc, và may mắn thay chúng ta hiểu được điều này, để nhìn nhận sự sinh diệt từng sát na chỉ là giả dối, chợt hiện chợt mất.
Chợt hiện chợt mất là cái nhìn của chư vị Bồ Tát đắc đạo, chứ đối với chúng ta thật quả là vấn đề thời gian phải đương đầu chẳng hạn cảnh tượng Vạn Lý Trường Thành bên Trung Hoa đã mấy ngàn năm là có thật. Phải vậy chăng? Xin thưa chỉ có thật trong mấy ngàn năm thôi, chứ triệu năm thì không có! Nhưng cái gì làm nó biến mất trong triệu năm? Lại cũng vì sát na sinh diệt đó mà. Thế thì đối với cái nhìn của chư Phật, chư Bồ Tát, thì có ý nghĩa gì triệu năm triệu kiếp! Cho nên đời sống thế gian quả đúng chợt hiện chợt mất.
Kết lại chỉ nên hiểu rằng, sát na sinh diệt là vấn đề trong đời sống, nghĩa là niệm niệm tương tục chính là vấn đề; và người tu Phật như chúng ta phải thế nào để giữ được niệm thiện, niệm chân rồi vượt cao hơn nữa, biết rằng niệm thiện, niệm chân, cũng chỉ là tất nhiên của người học Phật; nên sanh tâm không vướng mắc chấp ngã chấp pháp. Có như vậy đời sống này, con người này, ngũ uẩn này chỉ là phương tiện nhân duyên đưa người vào niềm an lạc chân như không đối đãi.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
- 2005 -