Bố thí với cúng dường là một sự việc nhưng dụng tâm khác nhau, cúng dường là dùng tâm chân thành cung kính như đối với đức Phật để làm. Cúng dường có cúng dường tài, cúng dường pháp và cúng dường vô úy; trong đó, cúng dường pháp là thù thắng nhất. Cúng dường tài có nội tài là sức lao động của bản thân và ngoại tài là tài vật ngoài thân, cúng dường nội tài thù thắng hơn ngoại tài; quả báo của cúng dường tài là được tài phú. Cúng dường pháp là cúng dường Phật Pháp đến chúng sanh, giúp chúng sanh phá mê khai ngộ lìa khổ được vui; quả báo là thông minh trí huệ. Cúng dường vô úy là từ bi bảo hộ chúng sanh; đơn giản nhất là ăn chay và phóng sanh, không giết hại chúng sanh và không ăn thịt chúng sanh. Ba loại cúng dường thì trong mỗi loại đều hàm nhiếp hai loại kia, ví dụ: Pháp sư giảng Kinh Vô Lượng Thọ là cúng dường pháp, thể lực và tâm lực của Pháp sư dùng cho việc giảng kinh là cúng dường tài, chúng sanh nghe được kinh Phật sanh tâm hoan hỷ không còn khổ não sợ hãi là cúng dường vô úy.
Cúng dường pháp rất thù thắng, chúng ta không biết giảng kinh thì cúng dường pháp bằng niệm Phật. Ví dụ: Chúng ta gặp người liền chào “A Mi Đà Phật” là gieo chủng tử A Mi Đà Phật vào A-lại-da thức của họ; tương lai rất lâu xa về sau, họ sẽ nhờ nơi chủng tử Phật hiệu A Mi Đà Phật này mà tu hành vãng sanh Cực Lạc chứng thành Phật quả. Chúng sanh nhìn thấy tượng Phật, nghe giảng một câu Kinh Phật,… cũng là gieo chủng tử vào A-lại-da thức. Thậm chí, người xuất gia không tu hành, phá Giới; tuy rằng họ chết đi chắc chắn đọa địa ngục, nhưng hình tướng đầu tròn - áo tràng vuông đó chính là hình tướng của đức Phật, họ đi ra ngoài đường, mọi người nhìn thấy họ đều biết đó là “Phật tử”, chủng tử “Phật” này đã gieo vào A-lại-da thức của rất nhiều chúng sanh, là đã độ không biết bao nhiêu chúng sanh.
Cúng dường pháp có 7 cương lĩnh:
Điều thứ nhất là “Như giáo tu hành cúng dường”: Chúng ta đem tất cả mỗi câu mỗi chữ trong bộ Kinh Vô Lượng Thọ thực hành cho bằng được, đó chính là “như giáo tu hành cúng dường”; đây là điều quan trọng nhất, là thật sự “trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường”. Bước 1: Kinh Vô Lượng Thọ đọc tụng 3000 biến. Bước 2: Nghe giảng Kinh Vô Lượng Thọ để cầu giải nghĩa, cầu giải ngộ. Bước 3: Sau khi đã rõ ràng tường tận đạo lý được dạy trong Kinh Vô Lượng Thọ thì phải nỗ lực thực hành, tu sửa thân tâm (thân - khẩu - ý) của mình cho giống với lời Phật dạy trong kinh; việc này chính là mô phỏng theo đức Phật A Mi Đà để học tập, là đồng tâm - đồng đức - đồng nguyện - đồng hạnh với A Mi Đà Phật.
Điều thứ hai là “Lợi ích chúng sanh cúng dường”: Khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm của chúng ta phải xem xem đối với xã hội và tất cả chúng sanh có lợi ích hay không? Nếu có lợi ích thì chúng ta nỗ lực mà làm, nếu không có lợi ích thì nhất định không thể làm. Trong tất cả lợi ích, khiến tất cả chúng sanh hoan hỉ, tín thọ, phụng hành Phật pháp là lợi ích thù thắng nhất.
Điều thứ ba là “Nhiếp thọ chúng sanh cúng dường”: Muốn nhiếp thọ chúng sanh thì chính mình cần phải có đức hạnh, có tu trì, có học vấn. “Nhiếp thọ” chính là phải có một lực rất mạnh, có thể thu phục cảm hóa lòng người. Chúng ta phải làm một tấm gương tốt cho chúng sanh thấy: làm người tốt, nói lời hay, làm việc tốt, học Phật tốt, vãng sanh Cực Lạc tốt; làm một tấm gương tốt cho xã hội đại chúng noi theo.
Điều thứ tư là “Vì thay thế chúng sanh khổ nên cúng dường”: Trên kinh Phật đã nói rõ thọ dụng một đời của tất cả chúng sanh đều là tự làm tự chịu, ai cũng không thể thay thế cho ai. Thế nhưng, trong cái “không thể thay thế” cũng có cái “gần giống như thay thế”, đó là chúng ta phải nỗ lực thay thế chúng sanh khổ để mà làm. Ví dụ: Phật, Bồ-tát đến thế gian này thọ cái thân người, cũng trụ thế mấy mươi năm, như Thích Ca Mâu Ni Phật, trụ thế 80 năm, giảng kinh nói pháp cho chúng ta nghe 49 năm, khi Thế Tôn còn ở đời, tình hình đời sống giống y như chúng ta, còn khổ cực hơn chúng ta. Mỗi ngày, Phật đi ra bên ngoài khất thực, tối ngủ dưới gốc cây, 3 y mặc trên thân, tay cầm 1 bình bát; đời sống khổ như vậy Phật có thể không cần phải chịu nhưng Phật bằng lòng nhận chịu đời sống này, làm ra một tấm gương để cho chúng ta xem. Thay chúng sanh chịu khổ đều là để khiến cho tất cả chúng sanh giác ngộ.
Điều thứ năm là “Cần tu thiện căn cúng dường”: Thiện căn chính là tất cả thiện pháp từ nơi gốc này mà sanh ra. Phật dạy có 03 thiện căn của thế gian pháp là không tham, không sân, không si; và “cần tu Giới - Định - Huệ dứt diệt tham - sân - si”. “Giới” chính là tâm “Thanh tịnh”, “Định” chính là “Bình đẳng”, “Huệ” chính là “Giác”. Tâm thanh tịnh có thể phá tham, tâm bình đẳng có thể phá sân hận, giác có thể phá ngu si. Xuất thế gian pháp chỉ có 01 thiện căn, Phật dạy Bồ-tát chỉ có 01 thiện căn duy nhất là Tinh-tấn.
Điều thứ sáu là “Bất xả Bồ Tát nghiệp cúng dường”: Không luận chúng ta làm nghề nghiệp gì, chỉ cần chúng ta lợi dụng cái nghề nghiệp này để phục vụ xã hội, phục vụ chúng sanh, không phải vì tự tư tự lợi phục vụ cho bản thân; có thể khiến cho chúng sanh được thuận lợi và giác ngộ thì sự nghiệp này gọi là “Bồ Tát nghiệp”.
Điều thứ bảy là “Bất ly Bồ-Đề Tâm cúng dường”: Điều thứ bảy này và điều thứ nhất trong cúng dường Pháp là quan trọng nhất. Thể của tâm Bồ-Đề là gì? Thể của tâm Bồ-Đề là tâm chân thành với người, với việc, với vật; không dùng tâm hư vọng; phải nói lời thành thật, không tự lừa gạt mình, không lừa gạt người. Dụng của tâm Bồ-Đề là gì? Tâm chân thành khởi tác dụng chính là “Thâm tâm” cùng “Đại Bi tâm”. “Thâm tâm” là tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác; là bản thân tự thọ dụng; chính là tâm rất ưa thích mong muốn thiện và đức. “Đại Bi tâm” là tâm đại từ đại bi; là thọ dụng đối với chúng sanh; đại từ là ban vui, đại bi là cứu khổ.
Chúng sanh thiện thì lễ kính, xưng tán và cúng dường họ; còn chúng sanh ác thì không xưng tán nhưng phải lễ kính và cúng dường họ.
Trích từ: Đạo tràng Tịnh Độ tông Chúng Cư Sĩ Diệu Âm kính cẩn trích lục và biên soạn