Home > Khai Thị Phật Học
Quảng Tu Cúng Dường
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Vọng Tây, Việt Dịch


Bồ Tát tu bố thí đối với tất cả chúng sanh. Bồ Tát Phổ Hiền không phải tu bố thí, mà Ngài tu cúng dường. Bồ Tát thông thường, người thông thường cũng như vậy, đối với Phật, đối Bồ Tát, đối với trưởng bối thì mới cúng dường, còn đối với đồng bạn, đối với mọi người thông thường thì đều là bố thí. Kỳ thật bố thí và cúng dường chỉ là một việc nhưng tâm thì không như nhau, một là có tâm cung kính, một là không có tâm cung kính. Không có tâm cung kính thì là bố thí, có tâm cung kính thì là cúng dường. Tâm cung kính không đạt đến được tiêu chuẩn của Phổ Hiền vẫn gọi là bố thí, vẫn không phải là cúng dường, phải đạt đến được tiêu chuẩn của Phổ Hiền, chân thành cung kính. Cho nên, hạnh Phổ Hiền bố thí đối với tất cả chúng sanh đều giống như tâm trạng cung kính cúng dường cho chư Phật vậy. Điều này chúng ta phải nên học. Đặc biệt là bố thí cho người dưới, bố thí cho một số người nghèo khổ, nhất định không được nói: “Nào, đến đây nào! Đây là ta bố thí cho ngươi đây”, dùng cái tâm khinh mạn, không hề xem người ta ra gì. Khi nào thái độ của chúng ta có thể chuyển đổi, xem thấy người nghèo khổ, thậm chí xem thấy người ăn mày, chúng ta bố thí phần đó cho họ đều dùng cái tâm cung kính mà bố thí như cúng dường cho chư Phật, thì đó chính là lúc bạn đang tu “quảng tu cúng dường”.

Điều “quảng tu cúng dường” này ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” giảng được rất tường tận, giảng được rất nhiều. Dùng tâm Phổ Hiền tu bố thí chính là “quảng tu cúng dường”, cảnh giới ở ngay trong đây rất rộng, vô lượng vô biên. Vì để nói pháp phương tiện khởi kiến nên Phật đem vô lượng vô biên những sự tướng này quy nạp thành ba loại lớn là bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy. Trong cúng dường thì có cúng dường tài, cúng dường pháp, vô uý đã bao gồm ở trong tài và pháp.

Bồ Tát Phổ Hiền ở trong Phẩm Hạnh Nguyện lại đặc biệt làm ra một loạt sự so sánh cho chúng ta, so sánh công đức thù thắng. Ngài đã nói, cho dù bạn dùng bảy báu của đại thiên thế giới bố thí (việc này không phải người thông thường có thể làm được, ai có thể có tiền của nhiều đến như vậy), đều không thể so với bố thí một câu pháp. Bồ Tát Phổ Hiền đã nói như vậy ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”. Trên “Kinh Kim Cang Bát Nhã”, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng nói: “Bố thí bảy báu đại thiên thế giới, công đức không bằng nói cho người nghe bốn câu kệ”. Bạn vì người diễn nói bốn câu kệ, chính là tùy tiện nói bốn câu nào đó trên “Kinh Kim Cang”, công đức này vượt qua những bố thí thông thường, vượt qua cả bố thí bảy báu của đại thiên thế giới. Thật có công đức lớn đến như vậy sao? Tôi không tin tưởng! Không những tôi không tin tưởng, mà không có người nào tin. Bạn xem trong xã hội ngày nay, tu một ít tài bố thí, làm một ít việc từ thiện, thì báo chí, tạp chí, truyền hình đều tán dương, bạn đi ra bên ngoài là người đại thiện, không ai mà không tán thán bạn; bạn ở nơi đây bố thí pháp, đừng nói bốn câu kệ, bạn giảng hết một bộ Kinh này, khi đi ra ngoài cũng không ai biết bạn, không ai cung kính bạn, ai mà xem trọng bạn? Bạn có công đức gì, bạn đối với xã hội này có cống hiến gì chứ? Người thế gian chỉ xem sự tướng trước mắt, không hề xem thấy nhân quả về sau. Sự việc này Phật tường tận, Phật thông suốt, lời Phật nói ngàn vạn lần chính xác, một chút cũng không sai, vì sao vậy? Bố thí bảy báu của đại thiên thế giới là chỉ giải quyết được một ít khó khăn ở ngay trong đời sống trước mắt cho chúng sanh, hay nói cách khác, họ đáng phải luân hồi thế nào thì vẫn phải luân hồi như thế đó, đáng sanh tử thế nào thì vẫn phải sanh tử như thế đó, không giải quyết được vấn đề, chỉ có thể nói giải quyết được chút vấn đề ở trên đời sống vật chất hiện tại này mà thôi. Họ không có chỗ ở, bạn xây phòng ốc cho họ; họ không có cái ăn, bạn cúng dường cái ăn cho họ, bạn chỉ giải quyết những khó khăn này cho họ. Thế nhưng nghe bốn câu kệ, thậm chí nghe một câu Kinh Phật, bạn chỉ nghe được một câu thì “một khi nghe qua tai mãi mãi trồng căn lành”, công đức này quyết định không hề bị tiêu mất. Phật dùng hạt giống Kim Cang này gieo vào trong A Lại Da Thức của bạn. Ngay trong đời này cho dù bạn không được lợi ích, nhưng đời sau bạn gặp được Phật pháp tiếp tục mà tu, tiếp tục mà thành tựu. Nếu đời sau không được lợi ích thì còn đời sau nữa, thậm chí đến vô lượng kiếp sau, sẽ có một ngày nhân duyên chín muồi, nhờ vào nhân duyên bạn nghe Kinh lần này, bạn liền siêu việt ba cõi, siêu việt mười pháp giới, thành Phật làm Tổ. Công đức lợi ích này tuyệt đối không phải là bảy báu của tam thiên đại thiên thế giới có thể so bì được. Đạo lý ở ngay chỗ này, Phật không hề nói sai sự thật. Cho nên, tài bố thí không bằng pháp bố thí. Nếu chúng ta muốn tu công đức thù thắng thì nhất định phải tu pháp bố thí.

Về pháp bố thí, tôi không biết giảng Kinh thì tôi làm sao bố thí pháp, tôi phải tu bằng cách nào? Bạn không biết giảng Kinh, nhưng bạn biết niệm A Di Đà Phật thì được rồi. Nếu bạn thật biết, thì suốt ngày bạn bố thí pháp này không biết là cho biết bao nhiêu người. Khi nói chuyện với người, bạn nói: “A Di Đà Phật!”, đó là bạn bố thí pháp cho họ rồi. Hiện tại các vị ngày ngày không rời khỏi điện thoại, khi vừa cầm đến điện thoại thì “A Di Đà Phật!”, mỗi câu A Di Đà Phật gieo vào trong A Lại Da Thức của đối phương, tương lai họ sẽ nhờ vào một câu A Di Đà Phật này vãng sanh bất thoái thành Phật. Duyên thù thắng thì họ một đời này thành tựu, nếu duyên không thù thắng thì là đời sau thành tựu, họ quyết định được độ, nhất định vãng sanh. Ngày nay người tin theo tà giáo đều không nên lo. Có một số đồng tu hỏi tôi: “Những người tà giáo đó muốn xin sách chúng ta, chúng ta có cho họ hay không?”. Tôi nói: “Cho đi! Tại vì sao không cho chứ?”. Cho họ chính là độ họ, cho dù họ tà ác thế nào, danh hiệu A Di Đà Phật này họ nghe được rồi, hình tượng A Di Đà Phật này họ thấy rồi thì được rồi, tà cũng được độ. Ngay đời này tà thì họ phải chịu quả báo, họ phải chịu quả báo của địa ngục A Tỳ. Quả báo của địa ngục A Tỳ chịu xong rồi, thì họ vẫn gặp được Phật pháp, họ vẫn được độ.

Dường như là năm trước (tôi không nhớ rõ lắm), tôi ở ngay nơi đây giảng qua một lần “Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh”. Kinh văn vừa mở ra, Phật liền nêu ra một thí dụ, có người nói xấu hủy báng hai vị tỳ kheo. Hai vị xuất gia này là pháp sư giảng Kinh nói pháp. Có người muốn phá hoại pháp hội đạo tràng này, nên nói xấu hai vị tỳ kheo này là phá giới, không có đức hạnh, khiến cho người nghe bị mất đi tín tâm đối với hai vị pháp sư này. Người tạo tội nghiệp này đọa địa ngục một ngàn tám trăm vạn năm. Một ngàn tám trăm vạn năm là niên số của nhân gian chúng ta, họ nhận chịu ở trong địa ngục, đó thật là vô lượng kiếp. Địa ngục thật là quá khổ, qua ngày như năm. Qua sau một ngàn tám trăm vạn năm, họ còn phải chịu dư báo, đó chính là đọa ngạ quỷ, súc sanh. Đến nhân gian họ còn phải chịu ác báo. Dư báo báo tận thì mới có lại được thân người, lại gặp được Phật pháp. Thời kiếp này thật quá dài, bốn vị Phật qua đi, Phật nói, sự việc này xảy ra là vào thời đại của Phật Câu Lưu Tôn. Như vậy mới biết được, tạo khẩu nghiệp thật là đáng sợ, vì sao vậy? Bạn làm mất đi cơ duyên nghe pháp của người khác, làm cho một người ở ngay trong một đời có cơ hội được độ bị phá đi, tội nghiệp này của bạn rất nặng, cho nên cảm chịu khổ báo thời gian dài đến như vậy. Thế nhưng sau khi tội báo hết rồi, tất nhiên trong A Lại Da Thức của họ còn có chủng tử của Phật, cho nên sau khi chịu xong quả báo (thời gian này thì thật là quá dài, dùng kiếp để tính), còn dựa vào hạt giống Kim Cang này tu hành chứng quả, vãng sanh bất thoái thành Phật. Không một ai mà không được độ. Người tạo tác tội nghiệp, chúng ta phải nên biết, chỉ là họ còn có một đoạn khổ nạn phải chịu, nhận xong đoạn khổ nạn này thì vẫn là bằng hữu ở Hải Hội Liên Trì của Tây Phương, vẫn là phải gặp mặt, thế nhưng đoạn khổ nạn này họ không cách gì tránh khỏi. Các vị đồng tu! Các vị tường tận những đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì phải nên cảnh giác. Thiện nhất định phải tu, ác thì nhất định không được làm, thà bỏ thân mạng ta cũng không làm ác. Sinh mạng không đáng tiếc. Thiện căn, phước đức, nhân duyên là quan trọng, nhất định phải giữ lấy.

Bồ Tát Phổ Hiền nói pháp cúng dường, pháp cúng dường cũng rất là rộng lớn, ở trong phẩm Hạnh Nguyện nói cho chúng ta nghe bảy đại cương. Bồ Tát đại từ đại bi, đều là muốn chúng ta phải ở ngay trong cuộc sống thường ngày biết được bắt đầu học từ đâu.

Thứ nhất là “Như Giáo Tu Hành Cúng Dường”. Điều thứ nhất này quan trọng. Chúng ta dùng cái gì cúng dường Phật, dùng cái gì cúng dường Bồ Tát, dùng cái gì cúng dường xã hội đại chúng, dùng cái gì để cúng dường tất cả chúng sanh hữu tình? Như giáo tu hành, cũng chính là chúng ta đặc biệt đề cao, chúng ta phải đem mỗi câu mỗi chữ trong bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” này thảy đều làm được, đó chính là như giáo tu hành cúng dường, bạn chân thật đã làm được như trên kệ khai Kinh mà mỗi ngày đều đọc: “Trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ ba đường”. Không những bạn đã làm được, mà bạn còn làm đến được cứu cánh viên mãn. Lý này rất sâu, sự này rất rộng. Bởi vì chúng ta đối với lý sự rất sâu, rất rộng này không tường tận, không thấu đáo, cho nên tuy đọc Kinh này nhưng cũng thường hay bỏ lỡ qua ngay trước mặt, sơ sài qua loa đọc qua, nên không biết được ý nghĩa bên trong, không biết được cảnh giới trong đó, không biết được từ bi của Phật Bồ Tát. Nếu như bạn thảy đều tường tận, thảy đều thấu hiểu, tự nhiên bạn liền sẽ lo tu học. Thế nên những nghĩa thú sâu rộng này, Phật thường hay nói trên Kinh Đại thừa là “thâm giải nghĩa thú”, cho nên việc này chúng ta không thể không giảng tỉ mỉ. Nếu không nói thì mãi mãi là mơ mơ hồ hồ như vậy, cả đời này chúng ta tuy có học Phật nhưng cả đời này cũng không có được lợi ích, còn phải dựa vào nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp về sau, vậy chúng ta có đáng lo hay không? Cho nên, sự việc này có lãng phí một ít thời gian thì cũng thật là xứng đáng.

 
Trích từ: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Giải Quyển 1