Home > Khai Thị Phật Học
Phạm Vi Cõi Cực Lạc
Hòa Thượng Thích Trí Thủ


Tiết I. Y Báo và Chánh Báo Trang Nghiêm

Kinh Quán Vô Lượng Thọ chép rằng: Đức Phật A Di Đà khi đương còn làm Tỳ Kheo, tên là Pháp Tạng Tỳ Kheo. Pháp Tạng nhắm mục đích trang nghiêm cõi Tịnh Ðộ để dễ giáo hóa các loài hữu tình, nên đã từng xin với Đức Phật Thế Tự Tại dạy cho biết tướng trạng (hình thức) và nội dung của 210 ức quốc độ của chư Phật. Nghe xong, Ngài lại yêu cầu biến hiện cho thấy để y cứ vào đó mà tham khảo làm ấn tượng trong khi tu hành.

Sau khi thấy nghe tường tận bao nhiêu cảnh giới quốc độ của chư Phật, Tỳ kheo Pháp Tạng mới bắt đầu vận hết tinh thần tu nhơn "tạo quốc độ". Trải 5 kiếp tư duy nhiếp thủ. Ngài mới thành tựu thế giới Cực Lạc.

Xét kỹ về mặt kiến lập, các thế giới trong mười phương đều do cộng nghiệp của chúng sanh tạo thành và đều chỉ do thức biến hiện. Trong sự tạo tác biến hiện, tất cả đều nương vào nhơn duyên, gá mướn nhau mà sanh khởi. Cảnh giới biến hiện bên ngoài in tuồng như có, nhưng sự thật thì chỉ do nội thức biến chuyển, nghĩa là đều quy về nhất tâm cả. Ở đây, chư Phật là những bậc đã tịnh hóa được tâm thức, dùng tâm thức thanh tịnh ấy mà biến hiện thì tạo thành Tịnh Ðộ. Nếu chúng sanh nhất tâm niệm Phật tức là gieo chánh niệm vào tịnh thức của Phật, như đổ một chậu nước vào biển cả. Nước chậu dung hòa với nước biển, cùng chung một hương vị. Cũng thế, khi chúng sanh đã sanh vào quốc độ của chư Phật, y báo và chánh báo của chúng sanh cũng trở thành trang nghiêm như Phật và cũng sẽ được dung thông vô tận vậy.

Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu vì sao Ngài Tỳ kheo Pháp tạng phải trải qua 5 kiếp tư duy nhiếp thủ mới hoàn thành được cảnh giới Cực Lạc. Ta hãy cử một thí dụ cho rõ nghĩa: thí dụ về cách tạo nhơn để thành tựu một cây bửu thọ.

Ngài Pháp Tạng Tỳ kheo trong lúc tu Quán, tập trung tư tưởng vào một khoảng hư không. Trong khoảng hư không ấy vốn không có gì hết, nhưng Ngài tưởng tượng ra một cây bửu thọ gốc vàng, cành bạc, nhánh lưu ly, chồi thủy tinh, lá san hô, hoa mã não, trái xa cừ. Sự tưởng tượng như thế gọi là “tư duy”. Khi tư duy đã thuần thục, cây bửu thọ đã hoàn thành, Ngài luôn luôn nắm giữ lấy tư tưởng ấy không phóng xả; cây bửu thọ ấy cũng sẽ do đó mà vĩnh viễn tồn tại.

Bấy giờ Ngài mới móng ý muốn cho cây bửu thọ "chết" ấy thoát khỏi trạng thái tĩnh để trở nên sống động. Muốn nó nở hoa kết quả, nó liền nở hoa kết quả; muốn nó phát ra thanh âm, nó liền phát ra thanh âm v.v... Cứ y như thế mà hành trì thì gọi là “nhiếp thủ”, nghĩa là thu hoạch và giữ lấy.

Đối với cây bửu thọ kia, chỉ có Phật nhãn mới biết cây bửu thọ đó là hư huyễn không thật, kỳ dư chúng sanh trong chín cảnh giới khác, kể từ địa ngục trở lên và Bồ Tát trở xuống, hết thảy đều thấy cây bửu thọ là thật có. Chúng sanh dùng mắt trông thì nó có sắc thật; dùng tai mà nghe thì nó có tiếng thật; dùng mũi mà ngửi thì nó có mùi thật; dùng lưỡi mà nếm thì nó có vị thật; dùng thân mà sờ thì nó có chất thật; dùng ý mà suy nghĩ thì nó có hình dáng thật. Sở dĩ có các cảm giác như thật ấy là vì sự cấu tạo của cây bửu thọ đã hoàn thành rồi.

Lấy sự tạo thành một cây bửu thọ đơn cử ra đây, chẳng qua là để làm thí dụ cho ta hiểu rằng sự hoàn thành cả cõi Tịnh Ðộ đòi hỏi công phu và thời gian lâu dài đến bực nào. Ở thế giới Cực Lạc không riêng gì một cây nầy mà tất cả sự vật, hình hình, sắc sắc ngàn sai muôn khác, thảy đều có một nguồn gốc tạo thành giống như thế cả.

Còn lý do khiến Ngài Pháp Tạng Tỳ Kheo phát tâm tu tập tư duy nhiếp thủ để tạo thành cảnh giới Tịnh Ðộ là cốt nhằm xây dựng một chốn đạo tràng thanh tịnh trang nghiêm để tiếp độ chúng sanh. Ngài đã vận hết tinh thần trải qua năm đại kiếp mới thành tựu xong. Đến nay, thế giới Cực Lạc là nơi “quy túc” (về nghỉ) của chúng ta về sau. Sanh về đó là nấc thang thoát ly sanh tử luân hồi để cho chúng ta bước lên đường cứu cánh giải thoát. Vậy xem đó, chúng ta có thể ý niệm được lòng từ bi vô hạn của đức Phật A Di Đà đối với chúng sanh là nhường nào vậy.

Phật học chia quả báo làm hai loại: quả báo hiện trong tự thân là chánh báo; quả báo hiện ngoài tự thân, như hoàn cảnh, quốc độ và tất cả sự vật chung quanh, là y báo.

Sự tôn nghiêm của y báo và chánh báo ở cõi Cực Lạc đại khái đều có chép trong ba bộ kinh dạy về pháp môn Tịnh Ðộ.1 Nhưng trong ba bộ kinh ấy chỉ mới giải bày một cách khái quát mà thôi, và những điều của ba bộ kinh ấy trình bày chẳng qua cũng như một giọt nước so với bể cả mênh mông! Nếu nói cho rõ ràng đầy đủ, tưởng e cùng kiếp mãn đời cũng không bao giờ nói hết được.

Tuy không tài nào diễn tả được hết, nhưng đại phàm "trăm nghe không bằng một thấy", người tu hành nếu kiên cố nhất tâm niệm Phật, trong tương lai được vãng sanh Tịnh Ðộ rồi, khi tự nhận thân mình đã an trú trong cảnh giới đó, tất nhiên tự mình trông thấy rõ ràng khỏi cần ai thuyết giáo nhiều lời. Nếu không nhất tâm tu niệm, thì nào có khác gì kẻ kia đọc lịch sử thật nhiều, nhưng vẫn không hội ý được hoàn cảnh, sự kiện và sự vật chung quanh các nhân vật lịch sử; muôn đời nhân vật và hoàn cảnh lịch sử ấy vẫn là nhân vật và hoàn cảnh trong tưởng tượng. Đọc lịch sử mà không làm sống lại được nhân vật và hoàn cảnh lịch sử thì nào có bổ ích gì? Chẳng qua cũng một loại "gãi ngứa ngoài giày" làm sao đã ngứa được?

Trong khi chờ đợi một sự thân chứng đích xác hơn, bây giờ ta hãy tạm y cứ vào kinh điển để biết một cách khái lược về trạng thái trang nghiêm của thế giới Cực Lạc.

a) Chánh báo trang nghiêm (cũng gọi là chúng sanh thế gian thanh tịnh.)

Chánh báo trang nghiêm gồm có các chi tiết lược kê như sau:

1. Thân tướng trang nghiêm

Nhân dân trong cõi Tịnh Ðộ, thân toàn sắc vàng, có đủ 32 tướng tốt, hình mạo giống nhau, không kẻ đẹp người xấu, dung sắc vi diệu, cao lớn khôi ngô, vô cùng xinh đẹp.

2. Thọ mạng vô hạn.

Sống lâu vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp (a tăng kỳ: vô số), tự chủ hoàn toàn, tùy theo bản nguyện.

3. Có phép thần thông.

Từ thiên nhãn thông (thấy suốt tất cả) đến thiên nhĩ thông (nghe suốt tất cả), tha tâm thông (biết tâm niệm kẻ khác), túc mạng thông (biết rõ kiếp trước), thần túc thông (đi lại tự tại); nếu chứng được quả vị A la hán thì còn thêm lậu tận thông (dứt sạch nghiệp luân hồi).

4. Thường an trú chánh định.

Tâm trí luôn luôn an định, không bị hoàn cảnh chi phối tán động.

5. Không còn đọa ác đạo.

Đã sanh Tịnh Ðộ thì không bao giờ còn bị sa đọa vào ba đường dữ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

6. Hoa sen hóa sanh.

Nhân dân ở Tịnh Ðộ đều hóa sanh từ hoa sen mọc trong hồ bảy báu; tuyệt nhiên không do ái dục nam nữ mà thành.

7. An vui thanh tịnh.

Thân tâm được an lạc như các vị Tỳ kheo đã chứng quả A la hán (lậu tận thông).

8. Không còn có tên bất thiện.

Ở cõi Tịnh Ðộ không còn có gì được gọi là bất thiện; danh từ bất thiện cũng không có, huống nữa là sự thật bất thiện.

9. Đạo tâm bất thoái.

Được sanh về cõi Tịnh Ðộ, tâm niệm luôn luôn dõng mãnh tinh tấn, một mạch thăng tiến đến đạo quả Vô Thượng Bồ đề, không còn thoái chuyển.

10. Trí huệ biện tài.

Đọc tụng kinh văn, thọ trì giáo pháp một cách tinh tế và có đủ tài biện luận vô ngại.

11. Được vô sanh pháp nhẫn.

Chứng quả vô sanh pháp nhẫn tức là phá trừ hết ngã chấp và pháp chấp, đạt được chơn trí, và chơn trí ấy xứng hợp với chân lý, lý và trí không hai.

12. Uy lực tự tại.

Có đủ năng lực lớn lao và thần thông tự tại như các bậc Thanh Văn và Bồ Tát đủ năng lực nắm tất cả thế giới vào trong lòng bàn tay.

13. Thân sáng chói lọi.

Hàng Thanh Văn thì thân chiếu sáng được một tầm; hàng Bồ Tát thì thân chiếu sáng từ một trăm do tuần cho đến tam thiên đại thiên thế giới.

14. Vô số Thanh Văn.

Trong hội đầu tiên của đức Phật A Di Đà đã giáo hóa, số chúng sanh chứng quả Thanh Văn không thể kể xiết. Số Bồ Tát cũng vậy. Về số lượng Thanh Văn và Bồ Tát chứng quả nầy, Đức Thích Ca đã bảo cho Ngài A Nan hay rằng: "Có sức thần như Mục Kiền Liên và dùng sức thần thông ấy trải qua trăm ngàn muôn ức kiếp, cũng không thể biết được số lượng Thanh Văn, Bồ Tát chứng quả trong đại hội đầu tiên của Đức A Di Đà giáo hóa; dù cho có biết được một phần nào mà nếu đem so với số chưa biết được thì cũng không khác nào một giọt nước so với biển cả."

15. Vô số bổ xứ Bồ Tát.

Ở quốc độ Cực Lạc, chúng sanh đều bất thoái chuyển; trong số bất thoái chuyển đó, số người sẽ bổ xứ (sắp thành Phật) không thể đếm hết được. Số người bổ xứ thật là vô lượng vô biên vậy.

b) Y Báo Trang Nghiêm (Cũng gọi là khí thế gian thanh tịnh)

Y Báo trang nghiêm gồm có các chi tiết lược kê như sau:

1) Quốc độ bằng phẳng thanh tịnh.

Toàn quốc không có bụi nhơ, không có núi Tu Di và các núi non gò nổng khác; cũng không có biển lớn biển nhỏ mênh mông hoặc khe ngòi hang hố trập trùng.

1. Mặt đất do bảy báu tạo thành.

Ở quốc độ Cực Lạc, ngọc lưu ly rải khắp mặt đất, xen lộn với bảy báu, trong suốt từ trong ra ngoài. Dưới đất có đế bằng vàng, kim cang và thất bảo chống đỡ đất lưu ly. Xung quanh đế, tám phương có tám góc; mỗi góc khảm bằng thất bảo; mỗi thứ trong thất bảo chiếu ra trăm ngàn ánh sáng có tám vạn bốn ngàn màu sắc chói sáng rực rỡ lên mặt đất lưu ly, có dây chuyền vàng bủa giăng, xen lộn với thất bảo, tạo thành những ranh giới ngay thẳng phân minh, rộng rãi bao la mênh mông bát ngát, tráng lệ thanh kỳ, trang nghiêm tuyệt diệu!

2. Khí hậu ôn hòa.

Khí hậu không lạnh không nóng, mát mẻ quanh năm, không phân chia bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Ðông.

3. Lưới báu bủa giăng.

Vô lượng lưới báu giăng khắp cõi Phật. Dây giăng toàn bằng vàng, kết tua bằng ngọc trân châu, xen lẫn với trăm ngàn thứ ngọc báu khác xinh đẹp lạ lùng. Chung quanh bốn phía lưới có treo các linh báu sáng ngời chói lọi vô cùng tráng lệ. Mỗi khi gió dịu thổi qua, linh báu phát ra vô lượng pháp âm khiến chúng sanh ở đấy, hễ nghe tiếng linh thì tự nhiên sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

4. Sáu thời mưa hoa.

Ngày đêm chia sáu thời có gió dịu phưởng phất; đồng thời từ trên trời, hoa mạn đà la rơi xuống cùng khắp bờ cõi thơm tho mát dịu. Mỗi lần mưa hoa, chân đi xuống lún bốn tấc, như đi trên nệm gấm, nhưng theo bước chân dở lên, lớp hoa lại hợp liền lại như cũ. Tuần tự trước sau, hoa ấy héo dần rồi biến mất; mặt đất trở lại sạch sẽ. Ngày đêm có sáu lần cảnh tượng ấy diễn đi diễn lại như thế.

5. Sen báu đầy dẫy.

Các thứ hoa sen báu mọc lên cùng khắp cả cõi Phật. Mỗi một hoa sen báu lại có trăm ngàn ức cạnh. Từ các cạnh, sức chói sáng của hoa ánh ra vô lượng màu sắc. Sắc xanh phóng ra hào quang xanh; sắc trắng phóng ra hào quang trắng; các sắc huyền, vàng, đỏ, tía, mỗi mỗi đều phóng một loại hào quang riêng vô cùng rực rỡ chói lọi, lấn áp cả ánh sáng mặt trăng mặt trời.

6. Hóa Phật thuyết pháp.

Từ mỗi hoa sen báu tuôn ra ba mươi sáu trăm ngàn ức hào quang; trong mỗi hào quang hiện ra ba mươi sáu trăm ngàn ức đức Phật với thân vàng sáng chói, tướng tốt trang nghiêm, mỗi một đức Phật, lại phóng ra vô số hào quang chiếu sáng khắp mười phương và nói pháp nhiệm mầu cho mười phương nghe.

7. Cây đạo tràng của Phật.

Cây đạo tràng của Đức Phật A Di Đà là do các báu hợp thành. Ngài lại dùng trân châu, mã não trang sức thêm. Chung quanh cây, trên các nhánh lớn, cành con, các thứ chuỗi ngọc treo lõng giõng, tỏa ra trăm ngàn vạn sắc tân kỳ. Trên cây đạo tràng lưới báu xinh đẹp bủa giăng; hết thảy đều trang nghiêm và tùy ý ứng hiện.

8. Cây báu phát âm thanh.

Vô số cây báu mọc cùng khắp cõi Tịnh Ðộ. Có cây chỉ do một ngọc báu tạo thành, có cây do hai, ba cho đến bảy loại ngọc báu xen lẫn nhau mà đúc nên. Các loại cây báu ấy mọc từng hàng ngang nhau, trổ từng cành đối nhau, đâm từng nhánh so nhau, lá lá hướng với nhau, hoa hoa giao với nhau, trái trái tương đương nhau, xanh tươi xinh đẹp không thể tả xiết. Khi một làn gió nhẹ thoảng qua, từ cành từ lá, từ hoa, từ quả mỗi mỗi đều phát ra năm thứ thanh âm hòa nhã như trăm ngàn điệu nhạc hòa tấu một cách tự nhiên. Nhạc điệu du dương tuyệt diệu hơn gấp trăm ngàn muôn ức lần tiếng nhạc của cung trời Lục Dục và phát ra vô lượng thanh âm mầu nhiệm. Nghe tiếng nhạc ấy rồi chúng sanh liền lần lượt chứng nhập giáo pháp sâu xa, tiến lên bậc bất thoái, tiến mãi cho đến khi thành tựu quả Phật. Nghe tiếng nhạc ấy rồi thì tai trở nên thanh tịnh không còn các khổ hoạn, mắt trông thấy được sắc cây, mũi ngửi được hương cây, miệng nếm được vị cây, thân tiếp xúc được ánh sáng của cây tỏa ra, ý suy nghĩ hình dáng của cây. Sáu căn đã lãnh hội được hoàn toàn cây báu rồi thì liền đó ngộ được thậm thâm pháp nhẫn mà lên bậc bất thoái. Từ đó cho đến khi thành đạo quả, không còn có sự não hại và lục căn luôn luôn được thanh tịnh

9. Muôn vật nghiêm lệ.

Hết thảy muôn vật đều trang nghiêm thanh tịnh, sáng suốt xinh đẹp. Hình sắc đặc biệt lộng lẫy một cách vi diệu, không thể tả xiết.

10. Không có ba đường dữ.

Không có các khổ nạn của ba cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.

11. Cung điện trang nghiêm.

Hết thảy nhà cửa như giảng đường, tinh xá, cung điện, lầu gác đều tự nhiên thành tựu và đều trang hoàng bằng bảy thứ báu. Trên nhà cửa cung điện còn có giăng phủ một lớp mặt võng làm bằng các thứ báu trân châu, ma ni, minh nguyệt. Lại nữa, nhà cửa cao thấp rộng hẹp, lớn nhỏ và được xây cất bằng một, hoặc hai, hoặc vô lượng thứ báu, hết thảy đều tùy sở nguyện mà liền có ứng hiện.

12. Quốc độ thanh tịnh.

Quốc độ thanh tịnh trong suốt như một thế giới pha lê chiếu tỏa khắp mười phương, khiến từ đó có thể trông thấy được vô lượng vô biên vô số thế giới của chư Phật bất khả tư nghị.

13. Hồ tắm trong thơm.

Nước trong các hồ tắm yên lặng trong suốt, bản chất thanh tịnh, mùi vị thơm tho như nước cam lồ và có đầy đủ tám tính chất gọi là "bát công đức thủy". Nếu là hồ hoàng kim thì dưới đáy là cát bạch ngân; nếu là hồ bạch ngân thì dưới đáy là cát vàng; nếu là hồ thủy tinh thì dưới đáy là cát lưu ly; nếu là hồ lưu ly thì dưới đáy là cát thủy tinh; nếu là hồ san hô thì dưới đáy là cát hổ phách; nếu là hồ hổ phách thì dười đáy là cát san hô; nếu là hồ xa cừ thì cát dưới đáy là cát lưu ly; nếu là hồ bạch ngọc thì dưới đáy là cát vàng tía; nếu là hồ vàng tía thì dưới đáy là cát bạch ngọc. Các nhóm báu ấy còn thay đổi theo ý người muốn: hoặc do hai thứ báu, hoặc do ba, bốn cho đến bảy thứ báu mà hợp thành hồ.

14. Nước hồ lên xuống tùy nguyện.

Nhân dân ở nước Cực Lạc, một khi bước chân xuống hồ, mực nuớc lên xuống cao thấp đều tùy theo ý nguyện. Cũng tùy theo ý nguyện mà nước hồ có ấm lạnh một cách tự nhiên. Tắm xong tinh thần thấy sảng khoái và tẩy trừ hết tâm cấu nhiễm. Mỗi khi bước xuống tắm bốn phía bờ hồ có tiếng sóng vỗ lao xao như một đìệu nhạc, phát ra tiếng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, tiếng tịch tịnh xa vắng, tiếng vô ngã, tiếng đại từ bi, tiếng ba la mật. Những tiếng phát ra như vậy rất xứng hợp với người nghe và khiến người nghe sanh tâm hoan hỷ vô lượng.

15. Hương xông ngào ngạt.

Từ mặt đất lên đến hư không, hết thảy cung điện, lầu gác, hồ sen, cây hoa v.v... Cho đến tất cả vạn vật đều xông ướp trong trăm ngàn thứ hương thơm, kết hợp do vô lượng tạp bảo đặc biệt. Hương ấy tỏa khắp mười phương thế giới; Bồ Tát ngửi thấy mùi hương liền dõng mãnh tu theo hạnh Phật.

16. Thức ăn tinh khiết.

Thức ăn gồm các thứ hương hoa vô cùng tinh khiết và thù thắng hơn ở các cảnh trời. Mỗi khi muốn ăn, chén bát thất bảo tự nhiên hiện ra với trăm thức ăn uống đầy đủ. Cách ăn không như ở cảnh giới chúng ta, mà chỉ bằng tác ý và bằng mắt thấy tai nghe, tức thời tự nhiên bảo mãn. Ăn xong thức ăn tiêu hóa; đến giờ ăn sau, những thức ăn mới lại tự nhiên hiện ra như trước.

17. Y phục tùy niệm.

Y phục của nhân dân tùy niệm tùy hiện, không cần may, cắt, giặt, nhuộm.

18. Chim biết thuyết pháp.

Các thứ chim ở cõi nầy đều là hóa thân của đức A Di Đà. Ngài biến hóa ra các thứ chim tạp sắc kỳ diệu như bạch hạc, khổng tước, anh võ, xá lợi, ca lăng tần già, cộng mạng, chim phù, chim nhạn, chim oan ương v.v... ngày đêm sáu thời, kêu tiếng hòa nhã. Tiếng ấy giảng giải pháp ngũ căn, ngũ lực, bảy phẩm Bồ đề, tám pháp chánh đạo v.v... khiến người nghe đều phát tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Tiết II. 48 Lời Nguyện

Như trong một đoạn trước đã nói, Đức Phật A Di Đà, trong thời gian làm thầy Tỳ kheo, lấy pháp danh là Pháp Tạng. Pháp Tạng Tỳ kheo, sau khi đã được nghe giảng về quốc độ thanh tịnh của chư Phật, liền đến quỳ trước Đức Phật Thế Tự Tại Vương, phát 48 lời đại nguyện cứu độ chúng sanh. Bốn mươi tám đại nguyện ấy có ghi chép trong kinh Quán Vô Lượng Thọ. Tinh thần các lời thệ nguyện thật là bao la bát ngát. Ở đây chỉ riêng trích những lời có liên hệ mật thiết với sự tu hành của chúng ta, hầu giúp chúng ta có sự quan cảm và sách lệ trên bước đường tu tập. Một khi chúng ta đã rõ được phần nào ân đức rộng rãi bao la của Phật, chúng ta há lại không nỗ lực tinh tấn để khỏi phụ lòng từ bi vô hạn của Phật ư?

Nguyện thứ nhất. Trong nước không có ba đường ác đạo

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác nếu khi tôi thành Phật mà trong quốc độ còn có ba ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh".

Nguyện thứ hai. Người trong nước khi thọ chung không còn đọa ba ác đạo.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà thiên nhơn trong quốc độ sau khi thọ chung còn đọa lạc ba ác đạo."

Nguyện thứ 3. Người trong nước đều toàn sắc vàng.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà thiên nhơn trong quốc độ không được sắc vàng như chơn kim".

Nguyện thứ 4 . Người trong nước đều có hình tướng xinh đẹp giống nhau.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà thiên nhơn trong quốc độ còn có hình tướng kẻ đẹp người xấu không đồng".

Nguyện thứ 5 . Người trong nước đều được túc mạng thông.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà dân trong quốc độ không chứng được túc mạng thông, không biết suốt trăm ngàn muôn ức kiếp về trước".

Nguyện thứ 6 . Người trong nước đều được thiên nhãn thông.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà dân trong quốc độ không chứng được thiên nhãn thông, không thấy suốt trăm ngàn muôn ức quốc độ chư Phật trong mười phương".

Nguyện thứ 7. Người trong nước đều được thiên nhĩ thông.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà thiên nhơn trong quốc độ không chứng được thiên nhĩ thông, không nghe suốt trăm ngàn muôn ức lời thuyết pháp của chư Phật trong mười phương và không thọ trì được tất cả lời thuyết pháp ấy".

Nguyện thứ 8. Người trong nước đều được tha tâm thông.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà thiên nhơn trong quốc độ không chứng được tha tâm thông, không hiểu suốt tâm trí của kẻ khác cùng là tâm niệm của chúng sanh trong trăm ngàn muôn ức quốc độ của chư Phật".

Nguyện thứ 9. Người trong nước đều được thần túc thông.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu tôi thành Phật mà nhân dân trong quốc độ không chứng được thần túc thông, không bay khắp trăm ngàn muôn ức thế giới chư Phật trong khoảng một niệm".

Nguyện thứ 15. Người trong nước thọ mạng vô lượng và đều tự tại trong sự sống chết.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu tôi thành Phật mà nhân dân trong quốc độ không được sống lâu vô lượng và không được sống chết tự tại tùy theo bản nguyện riêng".

Nguyện thứ 18. Chúng sanh trong mười phương chỉ tu phép thập niệm cũng được vãng sanh.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật, có chúng sanh trong mười phương một lòng tin tưởng tôi, hằng ngày niệm được 10 lần tên hiệu tôi để cầu vãng sanh Cực Lạc mà đến khi lâm chung chẳng đặng như nguyện".

Nguyện thứ 19. Chúng sanh trong mười phương phát nguyện vãng sanh Cực Lạc đều được tiếp đón.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật, có chúng sanh trong mười phương phát tâm Bồ Ðề, tu hành các công đức, cầu được vãng sanh Cực Lạc mà đến khi họ lâm chung, tôi và đại chúng Bồ Tát không phóng quang hiển hiện ra trước mắt để tiếp dẫn họ về nước Cực Lạc".

Nguyện thứ 20. Chúng sanh trong mười phương hồi hướng công đức đều được vãng sanh Tịnh Ðộ.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật, chúng sanh trong mười phương, nghe đến danh hiệu tôi, tưởng nghĩ đến quốc độ tôi, làm các việc công đức để hồi hướng nguyện vãng sanh về nước Cực Lạc mà không được như nguyện".

Nguyện thứ 21. Người trong nước đều có đủ 32 tướng tốt.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà nhân dân trong quốc độ không có đủ 32 tướng tốt của trượng phu".

Nguyện thứ 27. Vạn vật trong nước đều trang nghiêm, thanh tịnh, sáng suốt, đẹp đẽ vô lượng vô biên.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà tất cả vạn vật trong quốc độ, thân tướng không trang nghiêm thanh tịnh, không sáng suốt đẹp đẽ và hình sắc không thù thắng đặc biệt, không tinh vi huyền diệu. Giá có chúng sanh dù đã chứng được thiên nhãn đi nữa, vẫn không thể biện biệt hết số lượng của vạn vật trang nghiêm ấy".

Nguyện thứ 31. Quốc độ thanh tịnh chiếu khắp các thế giới.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà quốc độ không thanh tịnh, không soi suốt mười phương vô lượng vô số bất khả tư nghị thế giới chư Phật như gương sáng trông suốt mọi vật".

Nguyện thứ 32. Tạp bảo cung điện ngào ngạt hương xông.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà cung điện, lầu gác, cây hoa, cũng như tất cả vạn vật trong quốc độ không ngào ngạt trăm ngàn hương thơm do vô lượng tạp bảo chung cộng hợp thành, xông ngát từ mặt đất đến hư không. Hương thơm ấy phải kỳ diệu hơn tất cả hương trời, tỏa khắp mười phương thế giới và sẽ khiến Bồ Tát ngửi thấy đều dõng mãnh tu theo hạnh Phật".

Nguyện thứ 34. Chúng sanh trong mười phương nghe được danh tự Phật đều chứng được vô sanh pháp nhẫn.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật, mà các loại chúng sanh trong mười phương vô lượng bất khả tư nghị thế giới của chư Phật nghe đến danh tự tôi, mà không chứng được vô sanh pháp nhẫn của Bồ Tát cùng các phép tổng trì thâm diệu".

Nguyện thứ 35. Nữ chuyển thành Nam.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật, có những người nữ trong mười phương vô lượng bất khả tư nghị thế giới chư Phật chán ghét thân phụ nữ nghe đến hiệu tôi, phát tâm Bồ Ðề hoan hỷ tin tưởng, cầu bỏ thân phụ nữ mà đến lúc thọ chung vẫn không bỏ được thân phụ nữ".

Nguyện thứ 38. Y phục của nhân dân tùy niệm liền hiện, khỏi cần phải cắt, may, giặt, nhuộm.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà nhân dân còn có người cần phải cắt, may, giặt, nhuộm mới có áo quần, chứ không được tùy niệm liền hiện như lời Phật tán tHán:  Diệu phục đúng pháp, tự nhiên đắp lên trên mình".

Nguyện thứ 39. Người trong nước an lạc như hàng Lậu Tận.

Nguyện rằng: "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà nhân dân trong quốc độ không hưởng thọ an lạc như các hàng Lậu Tận Tỳ kheo".

Hai mươi mốt lời nguyện trọng yếu trong 48 đại nguyện lược trích trên đây quan hệ mật thiết vô cùng với chúng ta. Hai mươi bảy lời nguyện còn lại chỉ riêng liên quan đến các hàng đại Bồ Tát, nên đối với chúng ta chưa phải là nhu cầu cần thiết. Vì vậy nên ở đây miễn nói đến.

Ai muốn biết tường tận xin hãy xem trong kinh Vô Lượng Thọ.

Trong mỗi lời nguyện đều có câu "Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác". Xin lưu ý rằng đó là một điều quan trọng. Không thủ ngôi Chánh Giác tức là từ chối quả vị Phật, không chịu làm Phật để riêng an hưởng thường, lạc, ngã, tịnh một mình, trong khi chúng sanh trong quốc độ còn đau khổ. Lời nguyện vừa hợp tình, vừa xứng lý, vừa quảng đại bao la, thể hiện hoàn toàn cả một trời đại từ đại bi thăm thẳm, khó thể nghĩ bàn.

Trong kinh "Phật Thuyết A Di Đà", đức Thích Ca dạy rằng: Ðức A Di Đà thành Phật đã mười kiếp rồi và 48 lời đại nguyện của Ngài đều đã được thực hiện hoàn toàn viên mãn. Nếu không như thế, Ngài quyết không chịu thành Phật.

Đọc lại các lời đại nguyện của đức Phật A Di Đà trên đây, ngay trong hàng tín đồ rất có thể có kẻ móng tâm bán tín bán nghi. Mà bán tín bán nghi là lẽ thường tình, vì chính ngay đức Phật Thích Ca cũng đã tiên đoán như vậy khi Ngài dạy rằng đây là một "nan tín chi pháp", khó thể nghĩ nghị. Nhưng chúng ta hãy xét rằng người quân tử ở thế gian còn không bao giờ dám nói sai lời, huống hồ là đức Phật, đấng đầy đủ phước đức trí huệ, muôn hạnh vẹn toàn. Ngài há lại không thủ tín. Có thâm tín mới quyết nghị và chỉ khi nào quyết nghị được, thì muôn hạnh muôn đức mới do đó mà phát sanh ra. Kinh dạy: "Nghi tắc hoa bất khai" nghĩa là hễ còn ngờ vực thì hoa không nở. Dù công hạnh nhiều đến đâu mà lòng thâm tín chưa kiên cố thiết tha thì rất khó có kết quả.

Ta cũng nên lưu ý thêm rằng các đại nguyện trên đây đều thuộc trách nhiệm riêng của Phật. Duy có ba điều 18, 19 và 20 thì cả đôi bên. Đức Phật và người tu cùng liên đới chịu trách nhiệm. Đại nguyện thứ 18 nói rằng người tu hành dù chỉ đều đều xưng danh hiệu Ngài mười lần mỗi ngày (tu phép thập niệm), cũng được vãng sanh. Nếu không được vãng sanh, ấy là trách nhiệm của Ngài; nhưng nếu ta không chí tâm tin tưởng và không giữ được phép thập niệm đều đặn mỗi ngày thì đó là lỗi của ta. Hai đại nguyện 19 và 20 kế tiếp liền đó cũng bao hàm cái ý liên đới trách nhiệm như thế cả.

Nếu chúng ta nhứt tâm tin tưởng, dõng mãnh thực hành ba sự kiện: niệm danh hiệu, nguyện vãng sanh và hồi hướng tất cả công đức để cầu sanh Tịnh Ðộ, tức là chúng ta đã làm xong nhiệm vụ. Việc đáng làm, cần làm, chúng ta đã làm. Kỳ dư bao nhiêu điều khác hoàn toàn do trách nhiệm của đức Phật A Di Đà tất cả.

Nói tóm lại, pháp môn Niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Ðộ đặt căn cứ trên hai yếu tố cơ bản: đức từ bi quảng đại của chư Phật và lòng ưa mến thiết tha của chúng sanh, trên dưới giao cảm nhau, nương tựa nhau mà có khai hoa kết trái. Khi sự giao cảm tương duyên đã thắm thiết đậm đà đến mức không còn ranh giới của giao cảm nữa tức nhiên trong nhân tướng, quả thể đã hiện bày một cách cụ thể. Đến lúc ấy, nhân cũng tức là quả, mà quả cũng tức là nhân. Hiện tiền, kết quả đã có thể chứng nghiệm được, lo gì lúc lâm chung không vãng sanh lạc quốc! Sự quan trọng chỉ cốt ở chỗ đức tin có vững không. Lòng tin đã thắm thiết chưa và sự thật hành có thường xuyên và xứng đáng không? Tất cả ách yếu của vấn đề là tại chỗ đó mà thôi.

Hơn nữa, pháp môn Niệm Phật còn hàm súc một đạo lý rất vi diệu thậm thâm và còn có nhiều tác dụng bất khả tư nghị, chứ không đơn giản như người thường hay lầm tưởng. Chính đức Thích Ca đã ca ngợi rằng đây là một pháp có diệu dụng bất khả tư nghị nhất.

Tiết III. Ba Bậc Và Chín Phẩm Vãng Sanh

Với pháp môn Niệm Phật, bất luận là bậc đại đức bác thông tam tạng hay là hạng độn căn tối dạ một chữ không học, hễ cứ nhất tâm chuyên niệm, dứt trừ được các mối nghi thì thảy đều được vãng sanh, không bỏ sót một ai. Sở dĩ thành tựu được toàn vẹn như thế là vì sự vãng sanh không chỉ riêng do tự lực mà đơn độc thành tựu. Phải còn nhờ Phật lực nhiếp thọ. Phần nầy là phần quan trọng có ảnh hưởng đồng đều, ai cũng như ai. Nhưng tuy cùng vãng sanh như nhau, song vì sự bất tề về trí thức và công hạnh, nên phẩm vị cao thấp có khác nhau.

Sự bất đồng về phẩm vị theo kinh Đại Bổn nói có ba, theo Quán kinh nói có chín. Ba hay chín, tuy có khác nhau ở con số, nhưng so về ý nghĩa thì không có gì là chênh lệch. Một bên nói phớt về đại cương, một bên đi sâu vào chi tiết, chẳng qua là sự sai biệt vì tường tận hay khái lược mà thôi.

Sự phân chia ba bậc chín phẩm đại khái được quy định như sau:

Ba phẩm bậc trên dành riêng cho hàng xuất gia ly dục thanh tịnh, nhờ đọc tụng Ðại Thừa, thâm giải Ðệ Nhất Nghĩa Ðế (chân lý tuyệt đối), rộng tu các công đức.

Ba phẩm bậc trung dành cho hàng chúng sanh phụng trì trai giới, hồi huớng công đức, hiếu dưỡng cha mẹ, tu các nhơn lành ở đời, chuyên niệm danh hiệu Phật.

Ba phẩm bậc dưới dành cho hàng chúng sanh biết sám hối tội lỗi sau khi đã lỡ lầm, biết tinh tấn tu theo phép thập niệm. Cả ba đều cùng lấy sự phát Bồ Ðề tâm làm động cơ căn bản.

Sau đây xin căn cứ theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, lược giải chín phẩm vãng sanh:

A. Sanh Về Ba Phẩm Bậc Trên (Thượng)

1. Phẩm Thượng Thượng

a ) Hành động trong lúc sanh tiền.

Dấy động từ tâm, không sát hại sanh vật, cụ túc các giới hạnh, đọc tụng kinh điển Ðại Thừa, tưởng niệm sáu phép tu hành (tưởng niệm Phật, tưởng niệm Pháp, tưởng niệm Tăng, tưởng niệm bố thí, tưởng niệm giới hạnh, tưởng niệm phước đức), hồi hướng công đức, phát nguyện cầu sanh Tịnh Ðộ.

Tròn đầy các công đức ấy rồi thì từ 1 ngày đến 7 ngày sẽ được vãng sanh.

b ) Trạng huống lúc lâm chung

Đức Phật A Di Đà, đức Quán Thế Âm, đức Đại Thế Chí cùng các đấng Hóa Phật và Thánh chúng, tay nâng đài kim cang đến trước hành giả, Phật và Bồ Tát đều phóng hào quang chiếu sáng khắp thân hình hành giả, đưa tay tiếp dẫn, tán thán công đức và khuyến khích tinh tấn. Hành giả hoan hỷ bước lên đài kim cang, tùy hành theo Phật và Thánh chúng. Trong khoảnh khắc, vãng sanh Cực Lạc.

c ) Kết quả sau khi vãng sanh.

Sau khi sanh về cõi Tịnh Ðộ rồi, thấy được rừng cây, ao báu, khắp nơi Phật và Bồ Tát, sắc tướng trang nghiêm hiện ra; diễn thuyết pháp mầu. Nghe xong liền ngộ vô sanh nhẫn. Trong chốc lát, dạo khắp mười phương, chứng đặng vô lượng pháp môn tổng trì rồi trở về quốc độ mình tùy nguyện hóa độ chúng sanh.

2. Phẩm Thượng Trung

a) Hành động trong lúc sanh tiền

Chưa thọ trì đọc tụng kinh điển Ðại Thừa, chưa hiểu rõ thâm nghĩa, nhưng đối với chân lý Ðệ Nhất Nghĩa Ðế, lòng không kinh động. Đã thâm tín nhơn quả, không hủy báng Ðại Thừa. Đem công đức ấy hồi hướng cầu sanh Cực Lạc.

a. Trạng huống lúc lâm chung

Đức Phật A Di Đà và toàn thể Thánh chúng, tay nâng đài vàng đến trước hành giả, tỏ lời tán thán công đức khuyên tu học lý Ðệ Nhất Nghĩa của Ðại Thừa. Hành giả ngồi lên đài vàng chắp tay tán Phật. Trong khoảnh khắc liền sanh Tịnh Ðộ.

b. Kết quả sau khi vãng sanh

Ở trên đài vàng như hoa sen lớn, cách một đêm hoa nở để lộ ra một thân tướng sắc vàng. Hành giả nghe các âm thanh thuần nói pháp Ðệ Nhất Nghĩa rất sâu xa. Trải qua bảy ngày, không thoái chuyển Bồ Ðề tâm. Liền sau đó bay khắp mười phương, lễ bái chư Phật, tu các pháp tam muội. Qua một kiếp, chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn và được thọ ký thành Phật.

3. Phẩm Thượng Hạ

a) Hành động trong lúc sanh tiền

Cũng tín nhân quả, không hủy báng Ðại Thừa. Có phát đạo tâm vô thượng. Đem công đức ấy hồi hướng cầu sanh Tịnh Ðộ.

a. Trạng huống lúc lâm chung

Thấy đức Phật A Di Đà, đức Quán Âm, đức Thế Chí cùng 500 Hóa Phật đến rước, đồng thanh tán thán rằng: "Pháp tử! ngươi đã phát đạo tâm vô thượng nên nay chúng ta đến rước ngươi". Hành giả thấy mình ngồi trên đài hoa sen vàng. Ngồi xong hoa búp lại, theo Phật và Bồ Tát vãng sanh trong ao sen thất bảo.

b. Kết quả khi vãng sanh

Ngồi trong hoa sen được một ngày một đêm thì sen nở.

Sau 7 ngày mới thấy tướng tốt của Phật nhưng chưa rõ lắm. Sau 21 ngày mắt mới thấy rõ tướng đồng thời tai cũng nghe tiếng thuyết pháp. Rồi cũng chu du khắp mười phương để nghe chư Phật nói các pháp nhiệm mầu. Trải qua 3 tiểu kiếp, chứng được bách pháp minh môn, an trú ở địa vị Hoan Hỷ (tức Sơ Ðịa Bồ Tát).

B. Sanh Về Ba Phẩm Bậc Giữa (Trung)

1. Phẩm Trung Thượng

a) Hành động lúc sanh tiền

Thọ trì ngũ giới, tu bát quan trai giới, giới đức thanh tịnh, không tạo nghiệp ngũ nghịch, không phạm các lỗi lầm. Đem các công đức ấy, nguyện vãng sanh Cực Lạc.

b) Trạng huống lúc lâm chung

Khi gần lâm chung, thấy đức Phật A Di Đà cùng Thánh chúng phóng hào quang sắc vàng, đến trước hành giả. Tai nghe Phật thuyết bốn chân lý: vô thường, khổ, không, vô ngã và tán thán hạnh xuất gia. Hành giả rất hoan hỷ, ngồi trên hoa sen chắp tay lễ Phật. Trong chốc lát liền vãng sanh.

c) Kết quả sau khi vãng sanh

Hoa sen liền nở và liền nghe thuyết pháp tán thán bốn chân đế: khổ, tập, diệt, đạo. Chứng quả A la hán, có đủ tam minh, lục thông và tám thứ giải thoát đầy đủ.

1. Phẩm Trung Trung

a) Hành động lúc sanh tiền

Hoặc đã từng tu bát quan trai, hoặc đã từng thọ giới sa di, hoặc đã từng thọ giới Cụ Túc, mỗi công hạnh trong một ngày một đêm với đầy đủ uy nghi. Đem công đức ấy hồi hướng, cầu nguyện vãng sanh Cực Lạc.

b) Trạng huống lúc lâm chung

Lúc gần lâm chung, thấy đức Phật A Di Đà phóng hào quang sắc vàng, tay nâng đài sen thất bảo, cùng với Thánh chúng đến trước mặt hành giả tán thán rằng: "Thiện nam tử! vì nhà ngươi tùy thuận lời Phật dạy nên ta đến rước ngươi". Hành giả ngồi lên hoa sen. Hoa sen búp lại rồi sanh về Cực Lạc.

c) Kết quả sau khi vãng sanh

Ở trong hồ thất bảo bảy ngày, hoa sen mới nở. Mở mắt chắp tay tán thán đức Phật. Nghe pháp hoan hỷ rồi chứng được quả Tu đà hoàn. Qua nửa kiếp liền chứng quả A la hán.

1. Phẩm Trung Hạ

a. Hành động lúc sanh tiền

Hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc nhân từ ở đời. Cầu vãng sanh Cực Lạc.

b. Trạng huống lúc lâm chung

Khi sắp lâm chung, được gặp thiện tri thức, được nghe các việc an vui của thế giới đức Phật A Di Đà và được nghe 48 lời đại nguyện của ngài Pháp Tạng Tỳ Kheo. Nghe xong rồi thì mạng chung. Trong chốc lát, liền vãng sanh Cực Lạc.

c. Kết quả sau khi vãng sanh

Trải qua 7 ngày, gặp đức Quán Thế Âm và đức Đại Thế Chí. Nghe pháp hoan hỷ, chứng quả Tu đà Hoàn. Qua một tiểu kiếp, chứng quả A la hán.

B. Sanh Về Ba Phẩm Bậc Dưới (Hạ)

1. Phẩm Hạ Thượng

a) Hành động lúc sanh tiền

Tuy không phỉ báng kinh Ðại Thừa, nhưng gây rất nhiều tội lỗi, làm nhiều điều ác, ngu si không biết tự hổ.

b) Trạng huống lúc lâm chung

Lúc gần lâm chung, may mắn được gặp bậc đại thiện trí thức nói cho nghe danh tự và đề mục 12 bộ kinh Ðại Thừa. Nhờ nghe tên 12 bộ kinh, trừ diệt được ác nghiệp nặng nề. Theo lời chỉ bảo của vị đại thiện trí thức kia, chắp tay niệm danh hiệu Phật. Nhờ sự xưng danh ấy, trừ diệt được nhiều kiếp tội lỗi trong đường sanh tử luân hồi. Bấy giờ Hóa Phật và Hóa Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đến trước người gần chết tán thán rằng: "Thiện nam tử! Nhà ngươi nhờ có xưng danh hiệu chư Phật, tội lỗi được tiêu trừ, nên ta đến rước ngươi".

Thấy nghe xong, sanh lòng hoan hỷ, tức thời mạng chung. Liền cỡi hoa sen theo Phật sanh về hồ thất bảo.

c) Kết quả sau khi vãng sanh

Trải qua 49 ngày, hoa sen mới nở. Trong lúc hoa đương nở, đức Quán Thế Âm và đức Đại Thế Chí phóng hào quang sáng, đứng ở trước mặt, nói cho nghe giáo lý thậm thâm của 12 bộ kinh. Nghe rồi tin hiểu phát lòng vô thượng. Trải qua 10 tiểu kiếp, thông hiểu đầy đủ các pháp và thể chứng quả Sơ Ðịa Bồ Tát.

2. Phẩm Hạ Trung

a) Hành động lúc sanh tiền

Nghiệp chướng nặng nề. Hủy phạm ngũ giới, bát giới hay Cụ Túc giới. Ăn cắp vật dụng của Thường Trú, của hiện tiền Tăng. Thuyết pháp không thanh tịnh, không biết hổ với mình thẹn với người. Tạo các tội như đã kể trên, đáng lẽ phải đọa địa ngục.

b) Trạng huống lúc lâm chung

Lúc gần lâm chung, tướng địa ngục hiện bày trước mắt. May mắn được gặp thiện trí thức nói cho nghe uy đức quang minh, thần lực quảng đại của đức Phật A Di Đà và tán thán công năng của ngũ hương là giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương và giải thoát tri kiến hương. Nghe xong liền tiêu trừ được tội nặng trong nhiều kiếp sanh tử, lửa dữ địa ngục liền chuyển thành gió mát. Liền đó có mưa hoa rải rác, trên hoa có Phật và Bồ Tát hóa hiện ra để tiếp dẫn. Trong chốc lát liền được vãng sanh vào hồ sen thất bảo.

c) Kết quả sau khi vãng sanh

Trải qua sáu kiếp sen nở, Đức Quán Âm, đức Đại Thế Chí dùng pháp âm an ủi và nói cho nghe nghĩa lý sâu xa của kinh điển Ðại Thừa. Nghe xong liền phát tâm vô thượng Bồ đề.

3. Phẩm Hạ Hạ

a) Hành động lúc sanh tiền

Làm các nghiệp bất thiện, gây đủ mọi tội lỗi như phạm tội ngũ nghịch, thập ác. Đã gây các nghiệp ác ấy là phải đọa địa ngục trải qua nhiều kiếp để chịu mọi khổ não.

b) Trạng huống lúc lâm chung

Lúc gần lâm chung, may gặp thiện trí thức nói cho nghe pháp mầu và bảo niệm danh hiệu Phật. Kẻ kia bị khổ não bức bách không thể niệm được. Thiện hữu thương xót khuyến khích và nhất tâm hộ niệm. Tiếng niệm Phật liên tục bất tuyệt khiến kẻ kia có thể họa theo. Nếu họa niệm theo đủ 10 lần "Nam mô A Di Đà Phật", tức thời nhờ niệm lực ấy mà tội lỗi trong nhiều kiếp được tiêu tan. Lúc mạng chung liền thấy hoa sen vàng như vầng mặt nhựt hiện ra trước mắt. Trong khoảnh khắc liền vãng sanh thế giới Cực Lạc.

c) Kết quả sau khi vãng sanh

Nằm trong hoa sen đủ 12 đại kiếp, sen mới nở, đức Quán Thế Âm và đức Đại Thế Chí nói cho nghe thật tướng của các pháp và dạy cho phép diệt trừ tội chướng. Nghe xong, sanh tâm hoan hỷ, phát tâm vô thượng Bồ đề.

Như trên là tóm tắt trạng huống theo nhơn quả của chín phẩm vãng sanh thuộc ba bậc: Thượng, Trung, Hạ.

Trong chín phẩm ấy, năm phẩm trước là kết quả của sự tu tập hồi hướng công đức, nguyện cầu sanh về thế giới Cực Lạc. Phẩm vị sở dĩ có cao thấp bất đồng là căn cứ nơi công tu tập sâu cạn mà có sai biệt.

Còn bốn phẩm sau thì lại không cùng có nguyên nhân như trên. Những kẻ được vãng sanh thuộc bốn phẩm nầy chưa từng tu pháp xuất thế gian. Như phẩm thứ sáu (trung hạ) chẳng hạn, thì chỉ có nguyên nhân là hiếu thuận với cha mẹ, nhơn từ với làng xóm, nghĩa là chỉ cần tu với thiện pháp thông thường của thế gian mà thôi. Ba phẩm chót thuộc hạ sanh thì không những chưa tu thiện pháp thế gian mà lại còn tạo nhiều trọng tội nữa. Theo luật quả báo, lúc lâm chung, các ác tướng hiện bày, lẽ đáng phải đọa ba đường dữ là địa ngục, ngạ quỷ hay bàng sanh. Thế mà, nhờ gặp được thiện tri thức, phát được tín tâm trong lúc ấy, cũng được vãng sanh. Các trường hợp nầy, trong kinh mệnh danh là "đới nghiệp vãng sanh". Đới nghiệp vãng sanh toàn là nhờ nguyện lực rộng lớn của đức Phật A Di Đà vô cùng vô tận vậy. Vì lẽ đó, tông Tịnh Ðộ nầy đem so với các pháp môn tu trì khác, không pháp môn nào bì kịp. Cho nên trong Phật Giáo Sơ Học Khóa Bổn nói rằng: "Những điều trong Quán kinh dạy thật rất kinh dị: tạo tội ngũ nghịch mà vẫn được vãng sanh. Nguyện lực Phật quả khó lường. Trong tam tạng giáo điển, trừ Quán kinh ra, không thấy có chỗ nào nói như thế", thật là một pháp môn đặc biệt hy hữu.

Điểm thứ hai cần chú ý về Tịnh Ðộ tông là sức hộ niệm của thiện hữu tri thức phối hợp với nguyện lực bất khả tư nghị của đức Phật A Di Đà, điểm đặc biệt nầy cũng choán hết bốn phẩm sau. Quả vậy, những kẻ được vãng sanh thuộc bốn phẩm sau lúc sanh tiền, chưa từng nghe đến vấn đề sanh Tịnh Ðộ, chưa hề lưu ý đến Phật pháp, thế mà khi sắp lâm chung được gặp thiện tri thức khuyến khích, tán thán, xưng niệm danh hiệu, kết quả cũng được ngồi lên đài sen sanh về nước Phật, như thế, chúng ta thấy công năng gia trì hộ niệm của thiện tri thức vô cùng quý báu cơ hồ ngang với Phật lực!

Đồng thời, ta cũng nên ý thức sự quan trọng của giờ phút lâm chung là như thế nào? Mặc dù bình sanh có tu hay không tu, căn cứ vào trạng huống lúc lâm chung, người ta có thể quyết đoán rằng: "Hễ trong giờ phút lâm chung mà được thanh tịnh thì bất luận là ai cũng đều được vãng sanh cả". Trái lại, giả sử cả đời tu hành nhưng đến giờ phút lâm chung mà còn luyến tiếc, nghi ngờ, rối loạn thì không thể nào vãng sanh được. Cho nên những bậc thiện tri thức và ban hộ niệm không thể vắng mặt trong giờ phút "thiên thu vĩnh biệt" dù là Phật tử hay không Phật tử, nếu người ấy muốn có một cuộc đời hạnh phúc vĩnh cửu đời nầy qua đời khác.

Điểm thứ ba cần chú ý nữa là: không nên lầm lẫn giữa kết quả tất nhiên là năm phẩm trước và kết quả hy hữu là bốn phẩm sau.

Khi nghe nói rằng chúng sanh trong bốn phẩm sau, lúc sanh tiền chưa từng niệm Phật, ngược lại còn làm các điều dữ, miễn lúc lâm chung gặp được thiện trí thức chỉ điểm khai đạo, niệm được mười lần danh hiệu Phật cũng vãng sanh; nghe nói như vậy rồi cho rằng lúc sanh tiền cần gì phải tu hành niệm Phật và làm các điều phước thiện cho nhọc sức, đợi lúc lâm chung nhờ người niệm hộ và tự mình chỉ cần niệm mười lần là đủ rồi. Quan niệm như thế, thật là vô cùng lầm lạc. Như vậy tỏ ra không hiểu ý nghĩa và tác dụng của pháp Niệm Phật.

Bình thời niệm Phật là gây cho mình một thói quen. Nhờ thói quen ấy nên lúc lâm chung, dù gặp hoàn cảnh nào cũng không quên niệm Phật. Có như thế mới có cảm ứng. Đó là hiện tượng chánh thường.

Chứ như bình thời không niệm Phật, vì không biết Phật, nhưng lúc lâm chung, nhờ có duyên tốt, gặp được thiện trí thức hộ niệm dạy bảo, nhơn đó phát sanh chánh niệm, liền được vãng sanh. Đây là hiện tượng đặc biệt.

Cả hai trường hợp đều xuất từ lòng thành thật. Có khác chăng là hiện tượng chánh thường, chúng ta nên nương tựa, vì ta là chủ động. Hiện tượng đặc biệt khó mà ỷ lại vì ta không chủ động được và trong muôn người chưa có được một gặp cơ duyên hy hữu ấy.

Hơn nữa, biết mà không làm, đợi đến phút lâm chung mới chịu phát tâm, sự phát tâm ấy làm sao gọi được là chân chánh? Với một bộ óc tính toán và vụ lợi như thế thì chỉ có thể phát sanh ra tà niệm mà thôi!

Tình cảnh chết chóc của loài người thật là thiên hình vạn trạng. Có kẻ chết không được an lành như chết trong lao tù, chết trong chiến địa, chết bên đường, ngoài nội, chết trên bàn mổ ở dưỡng đường v.v... Những cảnh chết như thế làm sao gặp được thiện trí thức hộ niệm? Không phải ai cũng chết an lành và chung quanh có kẻ thân thuộc hết? Đó là chưa kể trường hợp gia nhân vì bối rối hoặc vì không tin nên không mời kịp hay không chịu mời thiện tri thức hộ niệm! Lại có kẻ chết bất thần không thể nào mời kịp, hoặc có mời kịp nhưng tâm thần bệnh nhân hỗn loạn không thể nghe và không thể niệm theo thì biết làm thế nào? Biết bao nhiêu là vấn đề nan giải trong lúc bối rối ấy.

Trong lời đại nguyện thứ 19 của đức A Di Đà chỉ nói khi thân mạng gần chung có Phật và Bồ Tát đến đoanh vây, chứ không nói trạng huống lúc lâm chung như thế nào. Vì thế hành giả đã từng phát nguyện cầu vãng sanh thì bất luận chết cách nào, hoặc bằng pháo đạn gươm đao, thuốc độc, huyết dư, dịch tả, hoặc bị đánh đòn, bị cọp bắt, bị điện giựt, bị lửa cháy, bị nước trôi v.v... Hoặc kịp niệm Phật, hoặc không kịp niệm Phật, trong giờ phút lâm chung thảy đều được Phật và Thánh chúng đoanh vây tiếp dẫn.

Tóm lại, ỷ lại vào thiện tri thức không bằng tự trông cậy vào mình, cầu Phật lúc lâm chung không bằng cầu Phật thường xuyên hằng ngày. Sở dĩ hành giả bình thời xưng niệm danh hiệu Phật chính là ứng hợp với đại nguyện thứ 18: "Mỗi ngày mười niệm, quyết được vãng sanh". Bình thời phát nguyện cầu vãng sanh tức là ứng hợp với đại nguyện thứ 19: "Kẻ nào phát nguyện vãng sanh Cực Lạc, lúc lâm chung sẽ có Phật đến rước"; và bình thời làm các công đức hồi hướng các công đức về quả Cực Lạc tức là ứng hợp với đại nguyện thứ 20: "Kẻ nào hồi hướng công đức, nhất định được vãng sanh".

Hằng ngày, tu phép thập niệm, phát nguyện vãng sanh và hồi hướng công đức cũng như người có đóng bảo hiểm nhân thọ. Một bên là đóng bảo hiểm vật chất, một bên là đóng bảo hiểm tinh thần, cả hai nhất định toại nguyện như nhau.

Như trên, ta thấy quả vãng sanh là một quả có bảo đảm chắc chắn và nhân vãng sanh lại là một nhân dễ tu tập. Điều cốt yếu là phải thật hiểu nhận tinh thần của pháp môn Niệm Phật mới sanh được chánh niệm. Đừng có như anh chàng nào đó thấy người sa chân xuống hố sâu, gặp may không chết lại lượm được vàng, rồi cũng tham lam bắt chước chụm chân nhảy xuống hố sâu để được lượm vàng, nào dè vàng tìm không gặp mà chỉ gặp tử thần đương mừng rỡ đón chào. Bị tan xương nát thịt một cách oan uổng như thế, thật đáng thương thay!

(1) Vô Lượng Thọ, Thập Lục Quán và A Di Đà.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Phạm Vi Cõi Cực Lạc

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Long Thư Tịnh Độ, Vương Nhựt Hưu | Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Việt Dịch
4.    Pháp Môn Hạnh Phúc, Đại Lão Hòa Thượng Thích Tinh Vân | Nguyên Phố, Việt Dịch
5.    Pháp Môn Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Trí Thủ
6.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
10.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
12.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
13.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
14.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
15.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
16.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
17.    Tuyển Tập Khuyến Tu Tịnh Độ, Nguyễn Long